Jan 28, 2010

ĐẸP - Đoàn Khoa



Tội nghiệp mấy cô điều dưỡng thấp bé cứ loay hoay không biết nên quay theo chiều kim đồng hồ hay ngược lại, đôi chân lóng ngóng, lưỡng lự nên dợm lên hay bước xuống, còn đôi tay không biết để vào đâu, nửa muốn chống nạnh nửa thấy kỳ kỳ. Các cô ngại ngùng cố bắt chước cách đi của mấy người mẫu phổng phao trên sàn cat-walk*.

Tôi dừng buổi tập cuộc thi “Người điều dưỡng thanh lịch” trong một bệnh viện lại và đề nghị ban tổ chức nên thay đổi cách thi bởi đây không giống với bất kỳ cuộc thi sắc đẹp nào trước đó.
Có nên dàn bối cảnh gần giống như phòng tiếp bệnh với vài người đóng vai bệnh nhân, người nhà, đồng nghiệp… đi qua đi lại, để mấy cô này xoay sở, xem ai có thể ứng xử với thái độ tốt nhất ?

Thế là cuộc thi được chuyển nhanh thành cách giao tiếp với bệnh nhân thông qua nghề nghiệp cụ thể từng người.

Như trút bỏ gánh nặng ngàn cân, mấy cô điều dưỡng thoát khỏi dáng đi chống nạnh ngượng ngùng, cách vẫy tay chào nửa vời, thoát đôi giầy cao gót quá cỡ để trở lại với đôi giầy vải mềm gọn, có thể thoăn thoắt đi lại trên mọi ngóc ngách, hành lang bệnh viện.
Hình như các cô vui và thoải mái hơn !

Có lẽ Thượng Đế đã bù lại cho những người thiếu vẻ đẹp bẩm sinh bằng những thứ khác như sự thông minh, vốn hiểu biết, cách suy nghĩ, sự tinh tế, tính dịu dàng… và nhờ những thứ này, họ có thể toả sáng…

Tôi cố nhấn mạnh điều này để các thí sinh lưu ý… nhưng hình như họ nghĩ tôi “phỉnh” họ.
Trong khi chờ xếp cảnh trí và bày biện lại sân khấu, tôi kể cho mọi người nghe câu chuyện về Ésov.

Ai cũng biết chuyện “Con cáo và chùm nho”, nhưng ít người biết chính Esov (Ê-dốp) là tác giả không chỉ câu chuyện này mà còn vô vàn những truyện ngụ ngôn thâm thúy và sâu sắc khác.
Tương truyền ông là một nô lệ xấu xí vậy mà người đàn bà đẹp nhất thành Athen của đất nước Hy Lạp thời ấy là Cléa lại yêu ông say đắm.
Ông nói:
“Người ta quen dần với sự xấu xí của một người cũng như quen dần với vẻ đẹp ai đó. Nếu gặp hoài một kẻ xấu xí, ngày nào đó trong mắt ta, anh ấy không còn xấu nữa… và với người đẹp cũng vậy…”
Như thế nghĩa là còn tồn tại một thứ khác đặc biệt hơn…

… Sau chuyến du lịch qua nước Ý vài ngày, anh bạn người Pháp có vẻ giận khi tôi nhận xét rằng người Ý đẹp hơn người Pháp. Anh mỉa mai:
- Thằng gù Quasimodo trong truyện Nhà thờ Đức Bà Paris là người Ý đó !
Tôi đáp ngay không kịp đắn đo:
- Anh gù đó rất đẹp bởi anh đang yêu !

… Mà thật, có ai tuyệt như anh ta, cho mà chẳng hề mong chờ đáp lại. Tình yêu của anh đơn phương, vô vọng nhưng chân thành và bao la, anh quên hẳn bản thân mình khi bảo bọc, chở che người mình yêu, trong khi gã sĩ quan có vẻ ngoài đẹp trai “rạng rỡ như ánh bình minh” thì tâm địa lại tầm thường, hèn mọn, chỉ thèm muốn chiếm đoạt xác thân cô gái mà thôi.
So ra ai đẹp hơn ai ?
Chính tình yêu bất hạnh và sâu thẳm kia làm anh gù tỏa sáng !

Trong một chương trình văn nghệ gần đây, tôi tái hiện khung cảnh chợ quê miền Bắc ngày xưa, ở nơi đó, tôi mượn tạm nhân vật Thị Nở xấu xí, thô kệch của nhà văn Nam Cao làm “chất xúc tác” nhằm kết nối các tiết mục lại với nhau.

Trong chợ, có nhóm Hát Xẩm gồm chị gõ phách và anh hát mù, họ nỉ non tán dương nhan sắc các cô gái xuân thì, Thị Nở nhà ta phấn kích vỗ tay tán thưởng.
Cô đánh sênh** đệm nhịp cho người hát ngạc nhiên hỏi:
- Thị Nở mà cũng thấy hay à ?
- Hay thì bảo là hay chứ sao… nghe nhà ấy hát mà em cứ nao nao trong người!
Cô đánh nhịp khẩy anh mù già:
- Này nhà ấy “thấy” cái Nở đẹp hay xấu ?
- Cô Nở đẹp! – Anh mù nói
Thị Nở cười như nắc nẻ:
- Ai khen tôi đẹp thì cũng đều mù cả… ha ha !!!
Anh mù chậm rải và nhấn từng tiếng:
- Tin tôi đi!... Cô Nở, cô đẹp lắm !

Không biết anh Hát Xẩm mù nói thật hay đùa, nhưng biết đâu, trong thế giới âm thanh riêng biệt của mình, anh “thấy” Thị Nở đẹp. Tiếng đàn bóng gió làm cô xúc động, lời ca đẩy đưa gợi nỗi xuân tình, giai điệu lả lơi khiến cô rạo rực… nghĩa là cô đang yêu và như mọi người phụ nữ trên thế gian, khi họ yêu họ tuyệt đẹp!

… Trở lại cuộc thi thanh lịch của các điều dưỡng viên, không biết nhờ mấy chuyện tào lao tôi kể giúp các cô thoải mái hay chính họ khám phá ra rằng sự duyên dáng, vẻ ân cần, nét thanh lịch của họ bây giờ không hề dành riêng cho chính mình mà dành cho người khác : những bệnh nhân cần được an ủi !

Chỉ với ánh mắt cảm thông, cái vuốt tay ấm áp, một lời nói dịu dàng…, các cô đã tặng cho người bệnh món quà giá trị hơn thang thuốc quý, đó là sự hy vọng và niềm tin vào cuộc sống !
- Ta sẽ toả sáng nếu ta biết yêu thương… – Các cô khúc khít cười khi nghe tôi nói câu này.
Tôi vui vì đuợc mời tham gia “chấm” các người đẹp đặc biệt, nhưng vui hơn khi nghĩ rằng từng người ở đây hiểu được ý nghĩa cái mà họ đang có.

Bây giờ thấp-cao-gầy-mập… không còn là áp lực nữa, các cô điều dưỡng ríu rít chuẩn bị những phần thi riêng mình. Còn phải tập trung trả lời một số câu hỏi về nghiệp vụ, về khả năng,về sự nhanh nhậy… nhưng hình như các cô không lo lắng lắm.
…Trông số họ có vài người tỏa ánh từ quang…

Đoàn Khoa
Tháng 01-2010


Cat-walk*: chỉ sàn diễn thời trang
Sênh Phách**: dụng cụ đánh nhịp bằng hai thanh tre hoặc gỗ - Sênh Tiền thì có gắn thêm mấy đồng tiền kim loại để tạo thêm âm thanh xúc xắc.

No comments: