Jun 30, 2009

TÂM XẢ

Photo: HTBNgọc

Xả là đức tính thứ tư trong Tứ Vô Lượng Tâm, khó thực hành nhất mà cũng cần thiết nhất trong bốn đức tính cao thượng. Xả ở đây không có nghĩa lạnh lùng, lãnh đạm, không màng đến thế sự, cũng không phải cảm giác vô ký không vui thích, không phiền não.

Khinh rẻ, phỉ báng, nguyền rủa là thường tình. Hạng người trong sạch, đạo đức thường bị chỉ trích và khiển trách. Giữa cơn giông tố của trường đời, người quân tử luôn luôn giữ tâm bình thản.

Được thua, thành bại, ca tụng, khiển trách, hạnh phúc về phiền não là những việc thường xảy ra trong làm xúc động con người. Được ca tụng thì vui thích, bị khiển trách thì buồn rầu là lẽ thường. Nhưng giữa cuộc thăng trầm của thế sự, Đức Phật dạy ta: “Người khôn luôn luôn thản nhiên, hành Tâm xả, vững chắc như tảng đá to sừng sững giữa trời”.

Đời sống của Đức Phật là một gương sáng về Tâm Xả cho những ai còn luân chuyển trong vòng Tam Giới. Chưa từng có vị giáo chủ nào hoặc một nhân vật nào bị chỉ trích nghiêm khắc, bị đả kích, sỉ nhục hoặc bị lăng mạ nhiều như Đức Phật. Đức Phật lại cũng là người được tán dương, sùng bái và tôn kính nhất.

Ngày kia trong khi Đức Phật đi trì bình khất thực, có một đạo sĩ bà la môn ngạo mạn kêu Ngài là người cùng đinh ăn mày và đối xử với Ngài hết sức vô lễ. Ngài thản nhiên chịu đựng và ôn hoà giải thích cho Đạo sĩ thế nào là cùng đinh và vì sao chẳng nên khinh rẻ hạng người này, khiến cho vị đạo sĩ lấy làm khâm phục.

Một lần khác có người thỉnh Đức Phật tới nhà trai Tăng. Khi Đức Phật đến, chủ nhà lại dùng lời vô lễ đối xử với Ngài một cách thậm tệ. Nhưng Đức Phật không tức giận, ôn tồn hỏi chủ nhà: “Nếu ông biết có khách đến viếng nhà ông, ông phải làm sao?”
Chủ nhà đáp: “Tôi sẽ sửa soạn một bữa cơm để đãi khách”.
Đức Phật nói: “Tốt lắm nhưng nếu khách không đến thì làm sao?”
Chủ nhà đáp: “Thì tôi sẽ cùng vợ con chia nhau bữa cơm”.

Đức Phật nói : “Tốt lắm, này bạn, hôm nay bạn mời Như Lai đã đến nhà để đãi ăn. Bạn đã dọn lên cho Như Lai những lời thô lỗ, cộc cằn. Như Lai không nhận, vậy xin bạn hãy giữ lấy.”
Lời nói này đã làm cho chủ nhà thay đổi hẳn thái độ.

[...] Đó là những lời vàng ngọc mà Đức Phật khuyên ta nên ghi nhớ hàng ngày trong kiếp sống vô thường này.

Tại một xứ nọ có lần một mệnh phụ phu nhân xúi dục một người say rượu đến nhục mạ Đức Phật thậm tệ, đến đỗi Đại Đức A Nan không thể chịu được, nên yêu cầu Đức Phật sang qua Xứ khác. Nhưng Đức Phật không đổi chỗ cũng không hề xúc động.

Một người đàn bà khác giả có mang để vu oan Đức Phật giữa công chúng. Một người đàn bà khác nữa bị giết để vu cáo Đức Phật phạm tội sát sanh.

Một người bà con và cũng là đệ tử của Phật cũng manh tâm lăn đá từ trên đồi cao quyết giết hại Ngài. Chí đến trong hàng đệ tử của Ngài cũng có người hờn trách Ngài là đố kỵ, thiên vị, bất công v..v…

Trái lại một đằng khác có bao nhiêu người sẽ tán dương công đức và ca tụng Đức Phật, bao nhiêu Vua, Chúa đã khấu đầu lễ bái dưới chân Ngài. Như mặt đất, Đức Phật nhận tất cả với một tâm xả hoàn toàn.

Vững như voi, mạnh như hổ, ta nên run sợ trước tiếng động, miệng Lân, lưỡi Mối không làm cho ta xúc động, như gió thổi ngang màn lưới mà không bị vưóng trong lưới. Tuy sống giữa chợ, người ta không nên luyến ái những lạc thú huyền ảo và vô thường của đời.

Như hoa Sen từ bùn nước đục, vượt lên trên bao nhiêu quyến rũ của thế gian, phải sống trong sạch luôn luôn tinh khiết, luôn luôn yên tĩnh và an vui.

Người thù trực tiếp của Tâm Xả là sự luyến ái và kẻ thù gián tiếp của Tâm Xả là sự lãnh đạm, thái độ lạnh lùng, xoay lưng với thế sự.

Tâm Xả lánh xa lòng tham ái, chấp trước và trạng thái bất mãn. Thái độ vô tư thản nhiên, an tịnh là đặc tính quan trọng của Tâm Xả. Người có tâm xả kông thích thú trong vui sướng, cũng không bực tức trong phiền não. Người có Tâm Xả đối xử đồng đều không thấy sự khác biệt giữa người tội lỗi và bậc Thánh Nhân.

Trích Chữa Bịnh Bằng Phương Pháp Tứ Vô Lượng Tâm -
Đường Tam Tạng Pháp Sư
Huyền Trang dịch
Mẹ Thảo đọc, Út đánh máy


No comments: