Jun 18, 2008

CÁC TỔ CHỨC TỪ THIỆN - BÀI 2

CHỊ ĐỖ ANH THƯ & VNHELP: GIÚP ĐỠ QUÊ NHÀ
BẰNG CÁCH ĐẦU TƯ VÀO CON NGƯỜI

Trong bài viết tuần rồi, chúng tôi đã giới thiệu về SAP-VN, về tính chuyên nghiệp cùng với lòng nhân ái thuần túy trong họat động từ thiện. Trong chuyên mục hôm nay, chúng tôi muốn đề cập đến VNHELP, một tổ chức từ thiện khác có trụ sở đặt ở Bắc Cali. Nếu như SAP-VN chọn đối tượng giúp đỡ của mình là các trẻ em khuyết tật, thì mục tiêu của VNHELP lại là chuẩn bị cho một thế hệ trẻ có cả tri thức lẫn tấm lòng cho quê nhà trong tương lai. Với một kế hoạch tham vọng như vậy, VNHELP giống như một con thuyền lớn, phải chấp nhận vượt nhiều đợt sóng lớn trên đường đi của mình. Tôi đã nghe chị Đỗ Anh Thư- Giám Đốc Điều Hành của VNHELP- nói về những thử thách đã gặp trong công việc...

Chị Đỗ Anh Thư (người đeo kiếng) và các trẻ em nghèo ở Huế

Chị Thư vượt biên sang đến Mỹ vào năm 79. Tốt nghiệp đại học Berkeley ngành vi tính. Đã từng làm software engineer trong hơn 20 năm cho nhiều công ty trong khu vực Silicon Valley. Năm 1991, chị Thư cùng chồng-Anh Đảm- và một nhóm thân hữu đồng sáng lập ra VNHELP, với mục đích giúp đỡ đồng bào tại quê nhà về mặt y tế, giáo dục. Chị giữ chức vụ Giám Đốc Điều Hành từ năm 2000 cho đến ngày hôm nay. Trong suốt thời gian này, chị Thư đã góp phần biến VNHELP thành một trong những tổ chức từ thiện của người Việt có tính chuyên nghiệp cao nhất, với những mục tiêu rộng lớn trong họat động giúp đỡ quê nhà.

Một trong những điểm thể hiện rõ sự chuyên nghiệp của tổ chức này là kể từ 2005, chị Thư chính thức xin nghỉ việc tại công ty Sun Microsystems để chỉ làm việc cho VNHELP. Lý do là các họat động của VNHELP đang phát triển mạnh, nếu không có người làm việc tòan thời gian sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội. Ở xứ Mỹ này, bỏ một công việc đang làm đều đặn trong 20 năm để chuyên tâm làm từ thiện là một quyết định rất mạo hiểm. Chị Thư cho biết: “…Tôi suy nghĩ và trăn trở nhiều lắm chứ. Khi nghỉ việc, tôi mất hẳn hơn 100.000 USD lương căn bản hàng năm cùng những bổng lộc khác. Nhưng tôi nghĩ đời sống vật chất thiếu hay đủ là do quan niệm của mình. Mình nghỉ làm software engineer thì sẽ có người khác thay thế. Còn công việc với VNHELP, những việc làm đem lại hạnh phúc to lớn cho đồng bào mình thì không phải ai cũng có và ai cũng làm được …”. Có lẽ chị Thư là một trong những người Việt ở Mỹ đầu tiên làm công tác từ thiện full time. Cũng giống như trong một công ty kinh doanh, chị phải chứng minh cho hội đồng quản trị và các mạnh thường quân của VNHELP là cách làm việc mới này sẽ đem lại những kết quả cao hơn rõ rệt.


Về mặt gây quĩ, các họat động gây quĩ của VNHELP được đánh giá là tổ chức rất chuyên nghiệp. Ví dụ như chương trình dạ tiệc Kind Gala vào mùa hè thu hút khỏang 400 quan khách, và chương trình văn nghệ Mùa Thu Cho Em với số lượng hơn 1,500 khán giả hằng năm. Các họat động như vậy đem lại ngân sách của VNHELP trong năm 2007 lên đến gần USD500,000. Tiền đóng góp của các nhà tài trợ cũng sẽ được trừ thuế theo luật định.


Các điều phối viên VNHELP tại nhà tình thương chùa Diệu Giác Sài Gòn.

Đối với các họat động trợ giúp tại quê nhà, VNHELP chủ trương đầu tư vào con người. Để chuẩn bị cho một nước Việt Nam thịnh vượng trong tương lai, dân tộc mình cần phải có một lớp người trẻ tuổi vừa có kiến thức, vừa có tấm lòng. Chị Thư đã ví các hoạt động trợ giúp của cộng đồng người Việt hải ngọai hướng về Việt Nam giống như trồng một cánh đồng lúa cho tương lai. Mỗi người đóng góp một tay. Người lo chuẩn bị chọn giống lúa tốt. Người lo diệt cỏ, trừ sâu. Người lo tưới nước, bón phân. Có phối hợp như vậy, mai đây mình mới mong có ngày lúa chín đầy đồng.

Ý thức được tầm quan trọng của dân trí, VNHELP đầu tư rất nhiều cho giáo dục. 300 học bổng Nguyễn Trường Tộ được phát hàng năm cho các em sinh viên ưu tú có hoàn cảnh khó khăn, nhằm giúp đỡ các em có điều kiện để theo đuổi việc học tập đến khi tốt nghiệp. VNHELP đặc biệt lưu ý đến các em sinh viên ở các tỉnh thành, có học lực khá, nhưng có nguy cơ phải bỏ học do gia đình không trang trải nổi chi phí ăn học. Kế tiếp là các dự án xây dựng trường lớp ở nông thôn. Từ năm 2000 đến 2007, đã có 26 ngôi trường mẫu giáo, tiểu học được xây dựng ở các vùng quê có sự tài trợ của VNHELP, tạo điều kiện cho biết bao trẻ thơ có một môi trường học tập an tòan, với tiện nghi tối thiểu .

Bên cạnh giáo dục là các dự án y tế. Ở một nước nghèo như Việt Nam, điều kiện y tế ở các vùng quê thật đáng thương tâm. VNHELP đem sự giúp đỡ y tế của mình đến những vùng xa xôi với sự góp sức của các tôn giáo. Ví dụ như trạm y tế Phú Thượng ở vùng núi Đà Nẵng. Nơi đây các soeur điều hành một trạm y tế, vừa là nhà bảo sanh cho các gia đình nông dân nghèo. VNHELP trợ giúp phần chi phí thuốc men, chi phí để các soeur đi khám và phát thuốc lưu động một tháng một lần. Hoặc ở trạm xá Tình Thương Cái Sắn, nơi chữa và khám bệnh cho nông dân nằm giữa An Giang & Rạch Giá. Điều hành chính là một cha xứ, cùng với sự hỗ trợ của các tín hữu Phật Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành. Ở đây VNHELP tài trợ một máy đo điện tâm đồ, máy siêu âm, cấp học bổng để ba em sinh viên địa phương đi học Đông Y, rồi trở về trạm xá để phục vụ đồng bào.

Các sceur tại nhà hộ sinh của trạm xá Phú Thượng Đà Nẵng

Giúp đỡ ở những nơi xa xôi ở khắp ba miền đất nước như vậy, các cộng tác viên của VNHELP tại Việt Nam cũng nhọc công lắm. Nhưng không phải lúc nào cũng được sự ủng hộ của chính quyền đâu. Ở Việt Nam, họat động từ thiện của nước ngoài hay bị nghi ngờ là… gián điệp. Một điều phối viên của VNHELP ở Việt Nam thỉnh thoảng lại bị công an gọi lên điều tra, thẩm vấn. Nhiều khi phát cáu, chị nói nếu làm khó quá thì sẽ ngừng việc trợ giúp, thì họ lại thôi!


Giận quá thì nói vậy thôi, chứ chị Thư và các cộng tác viên của VNHELP đâu có ngừng được. Nếu thấy khó là bỏ cuộc, thì những công việc tốt đẹp kia rồi ai sẽ làm đây? VNHELP thấy rõ những hạt giống tốt mình đã gieo suốt gần 20 năm qua đang vươn mình thành những cây lúa mạnh mẽ. Những sinh viên ra trường dưới sự tài trợ của VNHELP, ngoài kiến thức, các em sẽ nối dài cánh tay nhân ái đi khắp mọi miền đất nước. Những kết quả như vậy không định lượng được, nhưng nó có vai trò rất quan trọng trong việc hàn gắn đất nước trong tương lai. Có một thí dụ cụ thể: mười năm trước đây, Thọ là một em sinh viên quê ở Hội An, nhận học bổng của VNHELP để hòan tất chương trình đại học nha khoa của mình. Bây giờ Thọ vừa đi làm cho một công ty nước ngòai, vừa trở thành một điều phối viên đắc lực của VNHELP. Những người có năng lực như Thọ mà lại dành thời gian cho các họat động xã hội ở Việt Nam hiện nay là một điều vô cùng cần thiết.

VNHELP đầu tư vào con người cho quê hương là như vậy đó. Mong rồi sẽ có một ngày, các họat động trợ giúp quê nhà từ cộng đồng người Việt ly hương chỉ là phụ. Những con người trẻ tuổi đang ở trong nước, có con tim và khối óc như em Thọ, sẽ nhận lãnh trách nhiệm chính trong công việc đầy ýnghĩa này…

Đòan Hưng


No comments: