BÀI 1: ANH NGUYỄN NGỌC THÀNH & SAP-VN: TÍNH CHUYÊN NGHIỆP TRONG CÔNG TÁC TỪ THIỆN
“Lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”,… Có lẽ lòng vị tha, tinh thần tương thân tương ái đã bắt rễ rất lâu trong truyền thống đạo lý của người Việt. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã có một lần trong đời làm một công việc từ thiện nào đó, như đóng góp cho đồng bào bị thiên tai bão lụt, tham gia vào các họat động gây quĩ cho những họat động từ thiện giúp đỡ cho quê hương, hoặc đơn giản nhất là bố thí cho một người ăn xin trong một chuyến về Việt Nam. Và chúng ta cũng biết rằng có rất nhiều tổ chức, hội đòan từ thiện của cộng đồng người Việt đang họat động trên xứ Hoa Kỳ này.
Đối với người Việt mình, khi nói tới họat động từ thiện, chúng ta thường nhắc tới hai từ : “Tấm Lòng”. Và chúng ta cũng dễ dàng đồng ý rằng chỉ với “Tấm Lòng”, các công tác từ thiện không phải lúc nào cũng có hiệu quả cao. Sang đến Mỹ, do phải thích nghi với tính thực dụng của xã hội này, nhiều hội đòan từ thiện Việt Nam đã đưa thêm “Tính Chuyên Nghiệp” vào trong hoạt động của mình.
Tôi đã có may mắn được trò chuyện với anh Nguyễn Ngọc Thành, Chủ Tịch của Hội Thiện Thiện SAP-VN, để nghe anh nói về cách kết hợp giữa “Tấm Lòng” và “Tính Chuyên Nghiệp” trong họat động từ thiện…
Anh Thành vượt biên sang đến Mỹ vào năm 83. Tốt nghiệp đại học ngành Computer Science, rồi trở thành giáo viên tóan & computer. Hiện nay, anh Thành là giáo viên tại trường La Quinta High School thuộc học khu Garden Grove.
Anh Thành bắt đầu tham gia họat động từ thiện giúp đỡ các thuyền nhân Việt Nam vào cuối thập niên 80. Đến năm 92, anh và một số thân hữu cùng họp bàn về việc giúp đỡ cho những người nghèo khổ ở Việt Nam. Nhóm nhận ra rằng để giúp đỡ Việt Nam một cách có hiệu quả hơn, mình phải có tổ chức đàng hoàng, được chính phủ Mỹ công nhận, để những người cho tiền được miễn trừ thuế thì mới thu hút được nhiều nhà tài trợ. Nhóm quyết định “chuyên nghiệp hóa” họat động của mình, bắt đầu lo thủ tục xin license, sọan Article of Incorporation … Đến tháng 12/1992, IRS công nhận SAP-VN như là một tổ chức phi chính phủ (NGO) với “nonprofit status”. Hội Thiện Nguyện SAP-VN chính thức được thành lập.
Từ năm 1992, một số thiện nguyện viên SAP-VN đã về Việt Nam để làm quen với đất nuớc, con người và cách thức làm việc ở Việt Nam. Cũng trong thời gian này SAP-VN đã thực hiện một số chương trình trợ giúp thí điểm. Năm 1995 khi được chọn làm chủ tịch hội SAP-VN, anh Thành đã về Việt Nam, làm một chuyến vi hành “con đường cái quan” từ Nam ra Bắc, để trực tiếp tìm hiểu kỹ hơn các nhu cầu cần giúp đỡ của đồng bào mình. Đất nước còn nghèo, cho nên có quá nhiều nhu cầu khác nhau cần trợ giúp. Sau một thời gian thực nghiệm, SAP-VN quyết định tập trung họat động của mình vào việc tài trợ cho các ca phẫu thuật chỉnh hình cho các trẻ em Việt Nam bị khuyết tật. Các dạng khuyết tật được phẫu thuật điển hình như khoèo chân tay do bẩm sinh, di chứng bại não, hay dạng sứt môi hàm ếch. Một hình thức giúp cho các em một cuộc đời mới đỡ bất hạnh hơn.
Công việc được tiến hành từng bước một cách chuyên nghiệp, chặt chẽ. Mục tiêu quan trọng nhất là sự trợ giúp phải trực tiếp đến tay người nhận. Danh sách của các trẻ em khuyết tật xin phẫu thuật được cung cấp từ các cơ quan chuyên trách bảo vệ trẻ em của các tỉnh, có phối hợp với các cộng tác viên của SAP-VN tại Việt Nam. Công việc khám lọc và phẫu thuật được giao cho các bác sĩ và bệnh viện hoặc trung tâm chỉnh hình tại Việt Nam đảm trách. SAP-VN tiếp xúc, chọn lọc, ký hợp đồng tài trợ với họ cho các ca phẫu thuật được thực hiện. Hiện nay hằng năm có khoảng 600-700 trẻ em khuyết tật Việt Nam được SAP-VN tài trợ phẫu thuật. Dù không thể gặp gỡ tòan bộ, các thành viên của SAP-VN mỗi năm cũng cố gắng tiếp xúc trực tiếp với khoảng 200 em trong số này để kiểm tra hiệu quả của việc tài trợ.
Họat động gây quĩ của hội như thế nào? Hằng năm vào tháng 9 hoặc 10, SAP-VN tổ chức một buổi tiệc gây quĩ, “Cho Em Niềm Hy Vọng”, thu hút khoảng 400 người. Giá vé từ $50- $100. Tuy nhiên, các họat động gây quĩ này chỉ đem lại chừng 30% kinh phí họat động của hội. Nguồn tài trợ chính vẫn là tiền bảo trợ trực tiếp từ các nhà hảo tâm. Hiện nay trung bình SAP-VN quyên góp được khỏang $250,000 cho họat động trong năm của mình. Anh Thành cho biết có những mạnh thường quân, từ ngày thành lập hội đến nay, hàng tháng đều đặn gởi check $20 đến cho SAP-VN. Có những vị anh Thành cũng chưa bao giờ một lần được gặp mặt.
Do đâu mà SAP-VN được sự tín nhiệm lâu dài của các nhà tài trợ như vậy? Đó là do TÍNH CHUYÊN NGHIỆP và SỰ MINH BẠCH. Anh Thành đã ví von rất hay: “Họat động từ thiện bằng tiền quyên góp giống như đi giữa hai làn đạn! Mình phải đi thẳng, chứ nếu không sẽ chết ngay!”. Theo anh Thành, “no hidden agenda” trong họat động của SAP-VN. Vào trong trang web www.sap-vn.org, phần financial statement (công khai tài chánh), ai cũng có thể đọc được tường tận các khoản thu chi của hội. Sự minh bạch cũng được áp dụng với các đối tác ở Việt Nam (bệnh viện, bác sĩ…). Các điều kiện để được nhận tài trợ, chi phí cho các ca mổ theo qui định của hội… được đàm phán công khai ngay từ đầu. Nếu tỉnh thành nào không đồng ý, hội sẽ đi tìm nơi khác để giúp đỡ. Cũng cần nhắc lại rằng, các nhà bảo trợ sẽ được miễn trừ thuế cho số tiền tài trợ theo đúng luật pháp Hoa Kỳ. Tòan bộ các thành viên trong hội đồng quản trị, ban điều hành đều làm việc tự nguyện không lương. Anh Thành-Chủ tịch SAP-VN- là người duy nhất được trả tiền vé máy bay về Việt Nam mỗi năm một chuyến để giám sát công việc. Còn lại, mọi thành viên đều bỏ tiền túi khi đi về Việt Nam trong những chuyến công tác.
Họat động của hội được tổ chức một cách khoa học như điều hành một doanh nghiệp. Đây là một điều hiếm thấy đối với các tổ chức từ thiện ở quê nhà. Có lẽ là do các thành viên trong ban quản trị, ban điều hành đều là những người đã hội nhập thành công trong xã hội Mỹ. Nhưng cho dù họ là những bác sĩ, nha sĩ, tiến sĩ, chuyên gia, sinh viên trong công việc hàng ngày, khi ngồi chung để bàn công việc của SAP-VN, họ có cùng một mục tiêu rõ ràng và duy nhất: Lòng nhân ái thuần túy. Khi mọi họat động của hội rõ ràng và minh bạch đến như vậy, mọi nghi kị, hiểu lầm rồi sẽ theo thời gian biến mất.
Tôi kết thúc câu chuyện với anh Thành bằng một câu hỏi riêng cho cá nhân anh: “Ở cái xứ Mỹ bận rộn này, động cơ nào đã đẩy anh vào những công việc từ thiện không lợi nhuận như vậy?”. Anh trả lời: “ Gia đình tôi đã có truyền thống nhân đạo từ lâu rồi. Hồi bé, tôi đã chứng kiến cảnh mẹ tôi giúp đỡ biết bao nhiêu người thân, hàng xóm gặp chuyện cơ nhỡ. Rồi khi vượt biên qua được đến Mỹ, tôi đã có cảm tưởng như là mình đã chết đi rồi sống lại. So với hòan cảnh khốn khó của những ngày còn ở Việt Nam trong những năm 79,80, những gì tôi có được ở Mỹ là thiên đường. Tôi tự cho rằng mình phải có trách nhiệm dành chút thì giờ, công sức, tiền của để làm dịu đi nỗi bất hạnh của người khác. Một hình thức chia xẻ, vậy thôi. Con tôi bây giờ cũng thế. Hễ có được một món tiền kha khá, chúng tự động trích ra để nộp vào quĩ của SAP-VN ngay…”
Tôi đi tìm hiểu “tính chuyên nghiệp” trong họat động của SAP-VN, nhưng cái đọng lại trong tôi sau buổi nói chuyện lại là “lòng nhân ái”. Thứ lòng nhân ái thuần túy, nó giống như pha lê, vẻ đẹp là ở sự trong suốt, không cần tô vẽ thêm một thứ màu sắc tôn giáo, dân tộc nào nữa. Có cách nào để mình vẫn nhân rộng được lòng nhân ái trong cái xã hội vật chất này không nhỉ?...
Tháng 4 -2008
Đòan Hưng
No comments:
Post a Comment