VIẾT CHO BƯỚM TRẮNG
Chị Thanh
Nhà tôi có truyền thống là rất thích kéo bạn về nhà… lê la. Từ xưa lắm rồi, từ thời ông ngoại Tú Mỡ đã đình đám với Tự Lực Văn Đoàn, thời bố Sỹ thì nhà lúc nào cũng tấp nập bạn dạy học và bạn văn nghệ. Bạn bè Đại Học Sư Phạm của cô tôi đã từng túm tụm trên bàn bếp nhà tôi học bài thi, ăn trưa, rồi trải chiếu trên sàn gạch tàu đỏ au nghỉ trưa, để rồi tiếp tục qua trường, học lớp chiều.
Rồi tới lượt chị em tôi lớn lên, cũng bạn bè rình rang… Mẹ tôi giang tay, ôm hết tất cả vào lòng, đặt thêm chén đũa trên bàn cơm, múc thêm ly chè cho tụi nhỏ. Và tôi, chị lớn trong nhà, cũng coi như mình có thêm một đống em để chót chét và… để sai biểu khi cần. Không mấy ngày mà nhà tôi không có đứa trổi giọng:
“Chị Trúc! bữa nay mẹ nấu canh dưa chua đó, ở lại ăn hông?”
Hoặc chính tôi:
“Nè, mấy đứa, thứ bảy này tao làm bánh lá đó nghe, muốn ăn thì ghé …”
Trúc là bạn của Ba Khánh, em kế tôi. Khác với tôi, Tư Liên và Út Hương, luôn luôn ồn ào và hốp tốp, Ba Khánh ít nói, thâm trầm và siêng năng - giống mẹ tôi nhiều nhất trong hình ảnh con gái Bắc kỳ nề nếp.
Trúc là bạn Khánh mà chẳng giống Khánh chút nào. Nếu Khánh là con ong nhỏ rù rì cần mẫn, thì Trúc là cánh bướm tung tăng nhởn nhơ. Gặp tôi là Trúc tía lia:
“Hôm nọ em vô Chợ Lớn ăn cơm thố, cơm được hấp trong chung nhỏ, ăn với thịt xào rau có nước xốt màu nâu, ngon hết biết luôn…”
Hoặc là:
“Quần patte giờ hết thời rồi chị ơi! Nay mốt là quần ôm sát, ống nhỏ và ngắn lòi mắt cá một chút, coi ngộ lắm…”
Rồi những lần bị chị Hai này sai rửa dọn trong bếp nhiều, em ruột em ghẻ gì cũng kêu rêu:
“Xời ơi, ăn mấy miếng bánh của bà mà rửa dọn muốn chết…”
Tôi hề hề:
“Phải vậy chớ sao, tụi bay có đứa nào biết làm đâu? Mà tụi bay có đòi vịn tô, tao còn hổng cho nữa à, vịn zô là bánh hổng thèm nổi!!”
Nhưng cũng có những lúc tôi bị … hành lại. Có lần Trúc tới, ôm theo xấp vải màu đỏ lấm tấm hoa nhỏ, tuyên bố:
“Thứ bảy tới em đi bal nhà con Tuyết, chị may áo cho em đi!”
Ơ hơ … may thì may! Thế là mấy chị em râm ran bàn cãi chọn kiểu, rồi lăn ra sàn gác đo cắt vô giấy báo trước, rồi lên vải, rồi lên bàn máy đạp nguyên ngày … Kết quả là hoàn thành xong một áo đầm maxi, cổ vuông sát nách, có phần xòe nhún dài chạy quanh gấu váy. Chủ nhật sau Trúc tới, hào hứng khoe:
“Em không phải La Plus Belle Pour Aller Danser, mà là La Plus Mignonne đó nghe… Ai cũng khen hết đó!”
Có lần chị em tôi được theo ba má Trúc về quê thăm nội mấy ngày. Một chuyến đi thích thú, mở mắt cho mấy ả Sài Gòn biết thế nào là “cầu tre vắt vẻo gập ghềnh khó đi”, thế nào là bước trên đường quê trơn trượt sau cơn mưa, đất đỏ dính đầy dép nặng chịch. Rồi có màn tắm trong chòi lá sau vườn, dội nước trong lu mang lên từ sông mát rượi. Đêm nằm ngủ trên bộ gõ, ngó ra ban thờ, có ánh đèn dầu leo lét mà sợ muốn chết… Về quê để biết kiểu ăn hậu hĩ miệt vườn, ba Trúc ra chợ mua hột vịt lộn cả xọt để cả lũ ăn cho đã, bà nội mua tôm càng cả thúng rồi hấp cho cả nhà ăn gỏi cuốn - những con tôm càng to xanh mà mẹ tôi chỉ dám mua đếm đầu mỗi người một con, rồi kho mặn để ăn cơm!
Cuộc đời tưởng cứ như thế mà vui chơi, ai dè ngày 30 tháng 4 - 1975 đổ ụp xuống dân miền Nam. Bao nhiêu mảnh đời xô giạt tan tác … Tôi trôi về Miệt Dưới Úc Châu, Trúc táp vô Vùng Đất Thấp Hòa Lan, và các em tôi cuối cùng dừng chân ở Quận Cam.
Trúc ơi,
Vậy đó mà đã hơn ba chục năm từ thủa trời đất nổi cơn gió bụi. Vậy đó mà sau cùng chị em mình cũng được dung dăng dung dẻ với nhau trong thành phố xinh đẹp Hoorn.
Gặp nhau tay bắt mặt mừng – nhưng bảo choáng ngợp xúc động thì không. Chị vui mừng gặp lại Trúc, mà như thể chỉ mới xa nhau ngày hôm qua. Cảm tưởng y hệt như lần chị gặp lại lũ Ba Khánh, Tư Liên và Út Hương. Một lần dứt ruột ra đi, tưởng như không còn bao giờ thấy lại người thân trong đời - vậy mà khi tái hồi thanh thản êm đềm như giòng sông gặp cồn, tẽ hai nhánh, rồi nhập lại, an bình trôi ra biển khơi…
Mà nghĩ cũng phải thôi, bởi vì tụi bay lúc nào cũng ở trong lòng chị, ở một góc riêng an nhiên, cho dù chớp bể mưa nguồn…
Nàng Bướm Trắng khi gặp lại vẫn tiá lia như xưa – nay cộng thêm nét đằm thắm vợ hiền của ông Hai Quần Chương, một ông Bắc kỳ ít nói, tế nhị và chu đáo, giống Ba Khánh đáo để! Vợ hiền, rồi còn là mẹ thảo của hai anh con trai ngoan hết biết nữa chứ. Chị Hai này cũng phải ngả mũ bái phục. Người ta thường nói sâu lột xác hóa bướm, vậy chứ … bướm lột xác hóa gì? … hóa bướm tiên chăng?
Vậy đó mà năm nay Trúc đáo 60, nói theo kiểu bố Sỹ là “đáo tuế” – nghe ớn thiệt. Anh Giao mà còn sững sờ:
“Thiệt hông? Nó còn nhỏ híu mà…”
Chị bảo:
“Thiệt chớ, nó với Ba Khánh thua em hai tuổi!”
Vậy thì anh chị thương chúc Trúc “đáo tuế” là đạt được tất cả những gì cần đạt trong cuộc đời, héng. Và khi làm em thì lời như vậy đó, có nghĩa là… nhỏ suốt đời, cho dù trăm tuổi!
***
XÁ GÌ ÐÂU
Bạn già hỡi
Xá gì đâu sáu mươi năm đời.
Chỉ một thoắt ngoảnh đầu
Đã thấy bạn thơ ngây
Tóc bum bê vuông chành
Khẳng khiu chân sáo nhảy
Nơi sân trường ngập nắng
Tôi nhút nhát ngại ngùng
Mong được vui theo sáo.
Bạn già hỡi
Xá gì đâu sáu mươi năm đời.
Thêm một thoắt ngoảnh đầu
Tôi nhớ bạn hàm tiếu
Tóc dài chưa buông thả
Dáng cao chưa yểu điệu
Ta chia trang sách học
Chia đêm dài mùa thi
Chia ngày hè nắng rực
Bạn chia quê cam ngọt
Tôi chia miếng ngon nhà
Ôi ấm lòng
Tình bạn hồn nhiên ấy.
Bạn già hỡi
Xá gì đâu sáu mươi năm đời.
Chỉ cần ngoảnh mặt lại
Tôi thấy bạn xuân thì
Nồng thắm đời sinh viên
Hoa đẹp nhiều bướm lượn
Tình trường hẳn sôi nổi
Nhưng chính trường sóng gió
Ta nghiêng ngả hai đường
Tôi dạt về xứ biển
Mà đọng lại quê nhà
Từ đô thị điêu tàn
Bạn liều thân vượt sóng
Sóng dữ bỗng thành hiền
Đưa bạn về xứ thấp
Gặp tình người sâu đậm
Bạn an lành từ đó.
Bạn già hỡi
Sáu mươi năm như mới hôm qua.
Gặp nhau còn lũn tũn
Đồng hành khi mới lớn
Biền biệt thuở trung niên
Ta không ngại không gian
Ta thách thức thời gian
Tình lâu gọi tình già
Bạn thắm gọi bạn già.
Ai mua chữ già …
tôi không bán.
- Khánh Doãn
No comments:
Post a Comment