Sep 11, 2021

ĐA VĂN HÓA - Doãn Cẩm Liên



Rất khó và rất mênh mông để định nghĩa được chữ “Văn Hóa”. Theo Wikipedia thì “Văn Hóa” là khái niệm qua nhiều cách khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Trong đời sống hằng ngày, văn hóa gồm có văn học nghệ thuật như thơ, như truyện, nhạc, phim ảnh, cả về ăn uống nữa cũng được gọi lại văn hóa. Có người được gọi là người có văn hóa hoặc người vô văn hóa cũng được nhìn qua lăng kính văn học nghệ thuật này. Nói ngắn gọn, văn hóa là những gì liên quan đến tinh thần lẫn vật chất của một người. Nói cách khác, văn hóa làm thành phong cách một con người, thành hình ảnh một dân tộc quốc gia và phải qua rất nhiều thời gian mới tích tụ lên được.

Ví dụ văn hóa ẩm thực Việt Nam ta, nổi bật trên thế giới là món “phở”, món “chả giò”, người Ấn Độ có “cà ri”, người Thái có “tom yum”, người Pháp có “bánh mì baguette” “croissant”, người Ý có “pizza”… Văn hóa nhạc cổ truyền Việt Nam có đàn cò, đàn bầu. Người Tàu có tam thập lục, đàn nguyệt. Chúng ta tạm hiểu như thế nhé.

Một hôm đến thăm chị bạn từ bang xa đến chơi California. Chị ở nhà người bạn, nơi căn nhà lớn rộng, có tới mười chín (19) nhà vệ sinh. Con số 19 nói lên căn nhà rộng dường nào và hẳn là phải có nhiều khách đến chơi thường xuyên thì mới cần nhiều nhà sinh như vậy. Quả là vậy, khi thấy thêm những chi tiết sau: Chủ trước của căn nhà là một anh Mỹ gốc Ý. Anh ta xây dựng và bài trí nhà theo kiểu văn hóa Ý. Tất cả vật liệu xây dựng, cái nào có thể mang từ Ý qua là có trong nhà anh. Bếp có đến ba khu vực bếp. Có lò nướng theo kiểu Ý để nướng pizza. Quầy rượu thì dăm cái rải rác khắp nơi trong nhà. Bục để trình diễn văn nghệ cũng được đặt để ở vài khu vực. Nhà hát mini vừa để chiếu phim vừa để các nghệ sĩ trình diễn nhạc sống. Bảng “Paradiso” được treo tường ngoài khu vực này, ý là gợi nhớ film Cinema Paradiso nổi tiếng của Ý thập niên 1988. Một quán café đúng phong cách Ý, có bàn ghế xếp vừa trong nhà và vừa ngoài sân cho khách có cảm giác như đang ngồi uống cà phê ngoài đường phố. Vườn tược có nhiều cây olive được trồng tỉa cẩn thẩn để mang lại cảm giác đất nước Ý ở ngay trong căn nhà này và trong tim người chủ này. Tóm lại, căn nhà có đậm nét văn hóa Ý. Văn hóa ở phần cứng: nhà và sân vườn.

Người chủ kế mua lại căn nhà là một anh Mỹ có cô vợ người Việt. Câu hỏi là căn nhà có bị nhuộm văn hóa mới của người chủ nhà kế tiếp hay không? Câu trả lời “CÓ”. “Mùi nước mắm” đã bắt đầu xâm lấn “mùi Olive”. Hay nôm na nói “Mùi nước mắm bắt đầu đi vào văn học Ý”. Tả chân ra là món ăn Việt có nêm nước mắm đã bắt đầu bay mùi khắp nơi trong bếp Ý. Rồi thì, vì người Việt có văn hóa karaoke cho nên dàn karaoke đã chễm chệ trong phòng khách thay vì những nghệ sĩ trình diễn nhạc cổ điển Tây phương trên bục gỗ. Karaoke giúp khách và chủ nhà cùng “tự sướng” bằng hát cho nhau nghe. Như thế có thể gọi là văn hóa Việt, phần mềm.

Rồi đến chuyện ăn, văn hóa ăn của người Việt mình thường tiếp khách ngồi quanh một bàn, bầy ghế xung quanh, món ăn bầy giữa bàn để cùng nhau gắp. Nghi chừng rằng văn hóa Mỹ - Ý sẽ khác. Họ tiếp khách sẽ “ăn uống là phụ, gặp gỡ nói chuyện với nhau là chính”. Họ sẽ không ngồi dí một chỗ mà đi vòng vòng để nói chuyện. Những món ăn được thiết kế có thể cầm trên tay “finger foods”, bỏ vào mồm, để tay kia có thể cầm ly đi đây đó cụng ly cùng nhóm này, dăm ba câu chuyện rồi lân la sang nhóm khác. Văn hóa ẩm thực chiếm góc lớn trong cái gọi là văn hóa của nhân loại. Chắc mọi người đều đồng ý với hình ảnh trên?

Nói về việc không ngồi dính chặt vào ghế và bàn ăn của người Tây phương đó cũng là một sắc thái. Chắc do vậy mà căn nhà được nói trên đây có nhiều quầy rượu rải rác khắp nhà, khách có thể rót thêm rượu, lấy thêm một ly vang, một ly cocktail, nhón thêm một thức ăn gì để đưa “cay”. Và với cung cách này hẳn chủ nhà sẽ có nhiều người trong ban hậu cần, bếp ăn, người pha rượu, người rót rượu. Chủ nhà có thể thuê những công ty phục vụ loại “catering service” là buổi tiếp khách được chu đáo nhất.

Và ngược lại ở người Việt tiếp khách, chủ nhà sẽ rất bận rộn trong bếp để chuẩn bị thức ăn ở trước giờ ăn. Có khi phải chuẩn bị nấu nướng trước một ngày nữa là khác. Món ăn Việt thường cầu kỳ, đòi hỏi chi tiết những rau củ quả được sắp xếp để cho lên bếp. Có những món đòi phải ăn nóng bốc khói mới ngon thì sẽ phải có người phục vụ thực khách khi mọi người ngồi vào bàn ăn. Dịch vụ catering hiếm thấy ở khu vực người Việt. Phần lớn chủ nhà tự đảm nhận cùng hoặc với một số bạn bè thân thích trợ giúp một tay. Bữa ăn luôn có một, hai ghế trống vì mục nóng sốt này.

Vậy văn hóa là những bông hoa, nhiều màu sắc, nhiều loại hương thơm. Nếu biết nuôi dưỡng thì nó chẳng phai nhạt mà còn tăng phần đậm đà và duyên dáng. Nếu văn hóa của con người được tôn trọng và được giữ gìn, nơi có nhiều giống dân chung sống với nhau trong cùng một khu vực, thì nơi ấy sẽ như một vườn hoa có nhiều màu sắc. Nhìn xa mảnh vườn này sẽ cảm giác tươi vui, đến gần sẽ thấy được mùi hương của từng đóa hoa. 

Tiếp tục theo đề tài văn hóa ẩm thực, lấy hình ảnh “a salad bowl” thì Hoa Kỳ và Canada có thể mệnh danh là hai nước đi đầu về việc chấp nhận dân nhập cư như là dòng tiến hóa của lịch sử loài người. Các cư dân của đất nước họ đến từ khắp nơi trên thế giới đã làm nên hai cụm từ thật đẹp “salad bowl” và “cultural mosaic”. Văn hóa không nên và cũng không thể “nấu chảy” để hòa quện vào nhau được. Mà chỉ “chộn lộn” như một thố bự đựng nhiều loại rau quả để làm thành một thố rau thật hấp dẫn, ngon lành, và đẹp mắt.

Chẳng dám lạm bàn về chính trị thời sự ở đất nước Hoa Kỳ, người viết bài này vì rất thích hình ảnh một thố rau trộn đầy màu sắc và nhiều mùi vị nên chấm dứt bài viết ở một hình ảnh thố rau với tinh thần thật vui và tràn trề hạnh phúc.

California, September 10, 2021

Doãn Cẩm Liên








No comments: