Nhân đọc Mai Thảo – Hôm Nay đi Chùa Hương trên tạp chí Thư Quán Bản Thảo (TQBT) tháng 9, được Trần Hoài Thư (THT) gọi là “Góp nhặt những Hạt Vàng của Mai Thảo”. Những hạt vàng này rải trên hai tạp chí Nghệ Thuật và Vấn Đề được phát hành khoảng năm 1966 và 1968 và vài năm sau nữa.
Hai chữ "Hạt Vàng" được THT ví von quả không sai tí nào vì chữ dùng của Mai Thảo là những hạt vàng. Hạt vàng lấp lánh. Chúng được tuôn ra từng chùm, nhiều khi nhiều chùm chữ để diễn tả một sự kiện hay một vấn đề nào đó. Chùm chữ này nó long lanh, ẩn hiện để rồi người đọc phải biết kết nối nó lại thì mới thấy ra được cái thông điệp của Mai Thảo gửi đi cho chúng ta đọc!
Ví von xa hơn, đọc Mai Thảo có thể tưởng như mình đang nghe một bài nhạc jazz. Tất cả những nốt nhạc chính của bài nhạc đều bị làm mờ đi bởi những nốt phụ chung quanh. Những hợp âm quãng 4, quãng 5, quãng 7, quãng 6 và 9 lơ lửng khiến cho người nghe không biết đâu là bến bờ, đâu là nốt chính của câu nhạc là gì. Thì… văn chữ của Mai Thảo cũng lơ lửng, lãng đãng như vậy. Hãy nghe ông tả Chùa Hương như thế này:
“Tôi lên Hương Tích Sơn. Tìm đến vùng tín một trầm mặc của chùa Tiên. Ngả vào đằm đằm bóng mát Thiên Trù. Đánh chìm những nhễ nhại mồ hôi những choáng váng mưa nắng xuống giòng xanh lặng hiền hòa của giòng suối, mang tên Đục, nhưng trong vắt như hồn người ở ngoài mọi bến bờ tục lụy.”
Hay chưa? Hết cả nắng nóng, hết cả mồ hôi mệt nhọc khi đến Thiên Trù, khi ngồi trên thuyền lướt trên suối Đục.
Những ai đã từng đi chùa Hương, đã từng thưởng thức ngồi thuyền chèo trên suối Đục, ghé Thiên Trù chùa dưới chân núi, chắc hẳn phải choáng váng vì những danh từ, tĩnh từ, trạng từ mà ông dùng. Ông đã rải một nắm “hạt vàng” lên trên con đường đi vào chùa Hương cho chúng ta nhặt lại. Nhặt được nhiều ít là do nơi cách nhặt của chúng ta thôi.
Cũng vậy, trong “Vài Nét Điển Hình Của Văn Chương Tùy Hứng”, Mai Thảo đã phê bình văn chương miền Nam thời 1966 không mấy vững chắc, cho nên một tràng “hạt vàng” ông buông ra như thế này:
“Nhìn lại mười lăm năm văn học nghệ thuật miền Nam, cái hỏng lớn nhất của ta, là hành động văn học, sáng tạo nghệ thuật nào cũng chỉ được cắm vững trong cái địa hạt lạ lùng của tùy hứng. Ta làm nắng làm mưa được cho đời sống. Nhưng mưa ta bất chợt, nắng ta thất thường. Nó thẩm mỹ hơn là nó chắc nịch cơm gạo, cụ thể máu huyết, cái lối mưa lối nắng làm đẹp một buổi chiều thành lất phất, làm vui một buổi sáng thành bay múa, mà chẳng là khí hậu thời tiết dung dưỡng lý tưởng thành ẩm ướt và ấm áp nhuần thấm cho mùa màng mầm hạt đội đất chồi lên…”
Người viết những dòng này chỉ là thế hệ rất xa thời “Văn Chương Tùy Hứng”, thế mà đọc lại những lời bình trách nhẹ nhàng của Mai Thảo gửi người cầm bút thời ấy mà rùng mình! Ông nói nhẹ đó nhưng lại rát mặt. Ông nhắc các nhà thơ nhà văn thập niên 1960 là không được tùy hứng khi sáng tác, cần khẳng định cứng rắn và đi thẳng đến mục đích, bằng không chúng ta không đạt được gì, như mùa màng thì thất bát, văn chương thi phú thì chết yểu!
Nhưng cũng đứng từ thời điểm ngày nay, đầu thế kỷ thứ hai mươi mốt, quay về quá khứ thì người viết thấy Mai Thảo đã quá khắt khe cho chính mình và toàn thể văn thi sĩ thời ông. Thời thập niên 1960 trở đi cho đến 1975, có phải là văn chương nghệ thuật miền Nam Việt Nam “sáng lóa”. Sáng là nhờ những phong cách viết mới, nội dung phong phú và lạ lùng vì tinh thần “tự do” của vùng đất miền Nam chan hòa nắng ấm và đầy tình người.
Chính ông Mai Thảo đã ví von cuộc di cư 1954 của dân miền Bắc vào đến Nam Bộ như chuyện ghép một nhánh cây đã trưởng thành vào một thân cây mới lớn đang độ sung sức. Kết quả: cây trái, hoa lá xum xuê. Văn học nghệ thuật miền Nam thập niên 1960 – 1975 là hình ảnh này đây. Đọc Võ Phiến – Tạp Bút cũng được nhận ra sự kiện này.
Hôm nay, sau tám mươi năm trôi đi, độc giả được đọc lại những “hạt vàng” mà ông Mai Thảo đã trải ra cho người Việt Nam một thời xa xưa, có thấy trong tâm mình một sự ngưỡng mộ về những nhận xét, cung cách viết, và chữ dùng của người xưa chăng?
Riêng tôi thân cúi rập xuống vì trân quí văn phong của ông Mai Thảo.
California, ngày 16 tháng 9 – 2021
Doãn Cẩm Liên
Tranh vẽ: Đinh Cường
photo: internet
No comments:
Post a Comment