Aug 10, 2021

VẬN ĐỘNG - Maya Zayn út A - Doãn Cẩm Liên (Lộc Uyển-Khóa Tu Giữ Thơm Quê Mẹ)

 Đi ... tu, đi bộ, làm vườn, bơi ... chơi kiểu nào cũng khỏe 😀😁😃








Lộc Uyển – Khóa tu Giữ Thơm Quê Mẹ - Tháng 8/2021

Từ Lộc Uyển về đến nhà là trên trời rớt xuống trần gian, là trở về lại không gian xưa, thời khóa biểu cũ, và những công việc thường ngày của tôi. Có nghĩa là tôi đã trở lại cuộc sống đời thường, không còn được ngồi thiền mỗi sáng sớm, không đi thiền hành, không nghe pháp thoại, không chấp tác trong nhà bếp, không khất thực và ăn cơm trong chánh niệm, không thiền buông thư, không pháp đàm, không tụng kinh, không im lặng hùng tráng. Một lô “những không cùng không” mà tôi phải dùng chữ như vậy để thấy sự nhớ nhung những sinh hoạt như thế đến như thế nào!

Trong bốn ngày vừa qua, thiền sinh chúng tôi ngót một trăm năm mươi (150) người, đã cùng nhau thực tập im lặng, lúc nào cũng tỉnh thức để quay về với hơi thở. Tất cả các âm thanh như tiếng đại hồng chung, tiếng khánh, tiếng gõ của đồng hồ “đính đòng đinh đòng, đòng đinh đính đòng”, tiếng chuông điện thoại của ai đó bất chợt reng lên, đều được dùng để nhắc nhở mọi người dừng lại và quay về hơi thở. Ai đang đi, đang nói, hoặc đang làm việc gì đó đều dừng lại để quay về và lắng nghe hơi thở của chính mình. Thực ra, ở ngoài đời thường không ai áp dụng được việc này đâu. Mà nếu có ai cứ khăng khăng làm thì người ta có thể cho là người đó bị “khùng”! Nhưng ở khóa tu cùng các sư thầy, sư cô và các bạn đồng tu thì chúng tôi đồng làm như vậy một cách thành khẩn. Vì đó là một pháp môn giúp người thực tập thấy lại chính mình và tìm lại được hạnh phúc chân thật. Gọi nôm na là pháp môn Làng Mai của sư ông Thích Nhất Hạnh. 

Chúng tôi thực tập dừng lại và quay về hơi thở, được xem như là giải pháp hay là hành trang cho đời sống thường ngày, ở xã hội có nhiều lo toan tất bật, những phiền muộn, những bất cập, những trái chướng mà ai ai cũng thường gặp phải. Tại Lộc Uyển, chỉ tại nơi này chúng tôi mới có thể thực tập kéo dãn thời gian dài ra, không vội vàng đi, không vội vàng làm, không cười to, không nói to, không nói nhanh, nói nhiều… Đó là lúc chúng tôi thực tập và được nhắc nhở dành lại chính mình và làm chủ chính mình. Mà những năng lượng này sau khóa tu, khi xuống núi trở về lại cuộc sống thường ngày, chúng tôi dùng nó làm nội công để tự lèo lái cuộc đời mình.

Năng lượng này sẽ không giữ được ở nguyên mức được nạp vào. Mà nó sẽ tụt dần tụt dần theo ngày tháng. Người giỏi thì giữ nó bền hơn chút, người mới tu tập đánh mất nó mau hơn. Không trách được đâu. Chỉ có điều mình cần học thêm cách nuôi dưỡng, nuôi nấng khi đang còn ở cạnh sư thầy và sư cô. Bằng cách nào? Sư cô Hộ Nghiêm trong buổi pháp đàm đã hướng dẫn các thiền sinh chúng tôi nên tìm ra hoặc thành lập một tăng thân nơi mình đang sống. Những buổi tu học và ôn tập cùng nhau cũng là một cách nôm na gọi là giữ lửa cho nồi khoai luôn sôi để khoai chín. 

Đó chỉ là phần yếu tố bên ngoài, phần bên trong tâm thì khi gặp chuyện, gặp khó khăn rắc rối, khi bực tức thì phương pháp chính vẫn là quay trở về hơi thở. Hơi thở vào và thở ra trong ta xem nó nhanh chậm như thế nào? Khi chú tâm được vào hơi thở nơi đầu mũi, tâm ta có phần nào quên đi nỗi niềm đang có. Rồi đến lúc hơi thở đã nhẹ để có thể nhìn vào vấn đề mình đang vấp phải. Giải pháp “ôm ấp, nhìn ngó” nỗi niềm đang tràn dâng là một thượng sách. Vì ta thấy được tâm khổ sở trong ta nó đang lớn dần, đang quậy cọ phá phách, thấy nó đang nhỏ dần và biến mất như thế nào. 

Đó là một phương pháp khôn ngoan nhất. Ta không hao tổn năng lượng để chống đỡ, trái chiều với tâm hiện tại đang có. Chỉ cần nhìn và ôm đối tượng của tâm ngay khi nó trồi lên. Cũng giống như em bé đang khóc tức tưởi vì ngã đau liền được mẹ ôm vào lòng êm ái. Em khóc trong vòng tay êm của mẹ, khóc hả hê để mà quên mất tiêu vết đau. Và em nín. Xin ghi nhớ là mỗi trường hợp, mỗi con người cần một phương cách tinh tế riêng biệt khác nhau. Cái hay nhất là chính mình hiểu và ban hành phương cách cho mình hành động.  

Hải đảo tự thân,
Chánh niệm là Bụt
Soi sáng xa gần
Hơi thở là pháp
Bảo hộ thân tâm
Năm uẩn là tăng
Phối hợp tinh cần.
Thở vào
Thở ra
Là hoa
Tươi mát
Là núi 
Vững vàng
Nước tĩnh 
Lặng chiếu
Không gian
Thênh thang

Giới Định Tuệ được nhắc nhiều trong khóa tu. Giới là những quy định trong đời sống bình thường, cho người không phải là tu sĩ. Nếu một người tránh được năm điều như không sát sinh, không lấy những của không phải của mình, không tà dâm, không nói dối, không nghiện ngập thành công thì người đó đã có được một chút nội công. Tâm của người đã tạm yên thì khả năng nhìn bao quát sự việc xung quanh mình dễ dàng. Người có tâm an thì mọi việc đến đều được nhận biết và được giải quyết một cách nhẹ nhàng.

Bên cạnh giữ năm giới cho người tu tại gia, tôi chọn thêm hạnh lắng nghe và ái ngữ để thực tập hằng ngày. Chỉ chuyên chú vào sự lắng nghe nơi người khác và nói lời dễ thương, dễ nghe cho người khác nghe. Cho rằng khi lắng nghe thường mình hiểu được nhiều hơn đằng sau những câu nói hay những tình huống đang xảy ra, để có sự cảm thông nhiều hơn. Quả đúng là vậy, một sự việc xảy ra hoặc lời nói của một ai đó đều có bề mặt trên của nó. Đôi khi bề mặt nổi này không thực là vậy vì mặt chìm hay chiều sâu của sự việc lại là một chuyện khác. Có khi khác nhiều lắm hoặc trái ngược hẳn nữa là. Nên lắng nghe để hiểu là điều giúp chúng ta hiểu đúng sự việc hơn. Khi đã hiểu rồi thì quyết định và hành động tạm xem là đúng, ít sai sót. Hiểu mà có thêm yếu tố thương đi liền bên sẽ làm mọi việc ổn thỏa thôi. 

“Thương yêu” ai mà chẳng có yếu tố này trong tâm mình? Vấn đề là ở chỗ biết khơi nó dậy. Làm thương yêu lớn mạnh và hướng nó đi cho đúng đường thì ta gọi đó là tu. Đối tượng cho dù đáng ghét, đáng nguyền rủa đến mấy khi được nhìn qua lăng kính hiểu và thương yêu thì dường như nó đỡ xấu xa rất nhiều. Cho rằng cái ác, cái xấu có được che dấu khéo đến chừng nào thì vẫn còn luật “nhân quả” cầm cân nẩy mực trong cuộc sống. Tôi tin điều này nên rất thoải mái cho đi tình thương mà không sợ thiệt thòi.

Pháp đàm là một phương pháp quan trọng khác được áp dụng trong khóa tu. Trong giờ pháp đàm, đề tài thường được chọn từ pháp thoại được nghe trong ngày. Lúc này các thiền sinh tự do nêu câu hỏi, đưa ý kiến, chia xẻ những gì xảy ra cho mình trong đời sống hằng ngày. Mình đã giải quyết nó ra sao? Có áp dụng phương pháp được học không? Kết quả như thế nào? Pháp đàm đã giúp cho người tham dự giải tỏa được phần nào khó khăn của mình, làm tăng tình thân mến với bạn cùng nhóm, học được nhiều kinh nghiệm của bạn để làm vốn sau này. 

Đối với Pháp Môn Làng Mai, thiền không chỉ là ngồi để thiền, mà thiền còn khi đi gọi là thiền hành, hoặc là thiền khi làm việc, thiền rửa chén, thiền quét nhà, thiền cắt rau củ, thiền nấu ăn... Chúng tôi đã có cuộc thiền hành chung với nhau sau khi ngồi thiền trong thiền đường. Thiền trong khi đi là để tâm ý vào từng bước chân đi. Khi đặt gót chân xuống, bước chân mềm mại chuyển sức nặng cơ thể từ gót sang đến đầu ngón chân. Khi bước chân này đã chuyển trọng tâm đến phần đầu ngón chân thì chân kia đã chuẩn bị đưa lên và bước tới để nhận lãnh sức nặng toàn thân vào gót bàn chân này. Và cứ thế mà tiến tới về phía trước một cách bình lặng. Một đoàn người đông cả trăm người chúng tôi, đi hoàn toàn im lặng không nói năng gì cả. Chỉ còn tiếng giầy dép nghiến trên lá khô, trên sỏi cát đá, hay mặt đường nhựa. Có chăng từng cá nhân riêng nhận biết trời đang hừng sáng, sương mù đang đổ xuống cây rừng, tiếng chim hót ríu rít đón ngày mới. 

Có một buổi thiền hành, chúng tôi được sư thầy dắt lên núi cao, đi trên con đường bê tông dốc, đưa lên đỉnh núi. Đến nơi thì trời vừa hừng sáng, chúng tôi ngồi xuống và thiết lập một buổi ngồi thiền giữa thiên nhiên, cùng cây cỏ và chim chóc hót líu lo chung quanh mình. Hôm đó ai ai cũng có vẻ thu lượm được một năng lượng tinh khiết và mạnh mẽ nhất trong đời. 
Tôi cũng vậy. Tôi cảm thấy tinh tấn, khỏe mạnh, hạnh phúc quá. Cuộc đời này thật đẹp thật ý nghĩa và đáng sống khi tôi có được Pháp Môn Làng Mai để thực tập. Duyên nào đã cho tôi được như hôm nay? Tôi thầm gửi lòng biết ơn đến Sư Ông Thích Nhất Hạnh đã thu tóm Phật pháp vào những phương pháp thật đơn giản mà lại rất hiệu quả cho chúng tôi nương vào mà sống. Một cuộc sống vui và tràn trề hạnh phúc.

Đầu óc của tôi, cho dẫu đã xuống núi được mấy ngày, mà vẫn luôn hướng về Lộc Uyển thì âu cũng mong đó là sự nhắc nhở chính mình, cho những gì đã thu nạp từ khóa tu thì cần phải giữ bền bỉ. Cũng giống như giữ lửa cho nồi khoai đang nấu trên bếp, phải giữ sao cho đúng và đủ để nồi khoai chín để ăn. Và những dòng được viết xuống này là để tôi ôn lại những gì đã học trong khóa tu, cũng như nhớ đến sư cô Hộ Nghiêm, sư cô Tập Nghiêm người đã hướng dẫn pháp đàm cho nhóm. 
Chúng con đồng tri ơn toàn thể các thầy cô khác đã cống hiến nhiều công sức cho khóa tu được tròn đầy và người lợi lạc là chúng con.

California, ngày 9 tháng 8, 2021

Chân Nhã Uyển



1 comment:

Hot... said...

Vừa đọc xong bài viết của nữ sĩ Cẩm liên , phải công nhận bút pháp rất nhẹ nhàng và rất thiền, đọc 1 mạch kg thấy nặng nề về từ ngữ và cảm nhận được ngay ! Theo Thái thì đọc xong cảm thấy mình khỏi cần phải đi học khoa này, cứ Như vậy theo lởi bác liên là OK lắm rồi ,mong ràng sau khoá tu chánh Niem này bác liên sē diu dàng và ngot ngào hơn (vốn dã có sẵn trong tâm). Đúng là những lời chân thành của Phật tử chân nhã uyển …. ( nghe hơi giống tên ca sĩ !!!) Tóm lại cứ như thế mà viết , hay lắm b Liên !!!:) - 6Thái