Aug 31, 2021

DOÃN CẨM LIÊN BÌNH LUẬN TIỂU LUẬN

 


Mùa Đông Prague – Trương Vũ và Tiếng Đàn Của Người Sinh Viên Budapest – Doãn Quốc Sỹ

Phải đọc thật chậm, thật kỹ từng chữ Mùa Đông Prague bài viết của ông Trương Vũ để mà khâm phục những nhà văn, nhà làm văn hóa của đất nước Tiệp Khắc. Một đất nước của nền văn học nghệ thuật đẹp đẽ, con người hiền hòa, trật tự và biết gìn giữ bảo tồn nền văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Ông Trương Vũ đã dẫn dắt độc giả đi ngược trở lại quá khứ về sự xâm lăng của đảng cộng sản Nga, sự buôn bán, thương nhượng vùng Đông Âu của khối tư bản Tây Âu cho cộng sản. Và cũng để thấy với ý chí muốn thoát khỏi ách cộng sản của người dân Tiệp Khắc là có thể làm được. Bên cạnh đó ta thấy vai trò của nhà văn, nhà thơ, nói chung là các nhà làm văn hóa trí thức rất là quan trọng. Họ đã thổi bùng lên được ngọn lửa dân tộc và đẩy lui được bước tiến chiếm đoạt đất nước mình từ tay cộng sản Nga và Đức. Lịch sử Tiệp Khắc được ông Trương Vũ ghi lại như sau:

1946: đảng cộng sản Tiệp Khắc thắng dưới ảnh hưởng chính trị của Liên Xô.

6/1953: đã có những cuộc nổi dậy lớn nhỏ trong dân chúng Tiệp.

4/1956: Hội nhà văn Tiệp Khắc công kích chính phủ và trương khẩu hiệu “Nhà văn, lương tâm của đất nước”

6/1957: nhóm nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch trẻ đồng lòng và tiếp tục phản kháng chính quyền.

1960: Tiệp Khắc đổi danh xưng là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa - Tiệp Khắc.

11/1967: Sinh viên đại học Prague biểu tình đòi thay đổi lối cai trị của nhà cầm quyền. Lãnh tụ Liên Xô Brezhnev từ chối hậu thuẫn Bí Thư Lãnh Đạo Đảng CS đương thời Tiệp Khắc Novotný.

4/1968: “Chương Trình Hành Động” được đảng CS Tiệp chấp thuận với mô thức “Xã hội chủ nghĩa với bộ mặt nhân dân”. 

1/1977: Hiến Chương 77 được ký bởi 242 người gồm các nhà giáo dục, các nhà làm văn chương, đồng lòng với bản Tuyên Ngôn có liên hệ đến dân quyền và nhân quyền tại Tiệp Khắc. Con số người ủng hộ ngày càng tăng, lên đến 800 người vào cuối năm này.

10/1989: Đảng cộng sản Hung Gia Lợi giải tán, Công đoàn Đoàn kết Ba Lan thành lập chính phủ “Không cộng sản”.

11/1989: Bức Tường Bá Linh sụp.

30/11/1989: Người dân Tiệp Khắc đã trở lại sống như những con người thay vì tập bay như chim hay tập lặn như cá!

Hầu hết những nhạc sĩ, ca sĩ, nhà văn, lực sĩ, tu sĩ… tiếp tay và biến Diễn Đàn Công Dân thành công cụ lật đổ chế độ cộng sản Tiệp Khắc vào mùa Đông 1989. Dân tộc Tiệp Khắc đã trở lại thành người, sống một cuộc sống làm người: “Chúng ta đã tập bay như chim và tập lặn như cá. Có phải đây là lúc chúng ta bắt đầu sống như những con người!”

Đối chiếu Mùa Đông Prague với Tiếng Đàn Của Người Sinh Viên Budapest, ông Doãn Quốc Sỹ đã mô tả đất nước Hung Gia Lợi qua tâm thức và tiếng đàn piano của chàng trai sinh viên Budapest. Câu chuyện kể giữa hai chàng sinh viên Việt Nam và Hung Gia Lợi gặp nhau năm 1957 tại Hội Nghị Sinh Viên Quốc Tế tại Sydney. Từ tiếng đàn piano vang lên giữa khuya cho đến sáng trong phòng họp đã mang hai chàng đến với nhau. Nói chuyện về âm nhạc, rồi đến chuyện đất nước quê hương của nhau, và đến chuyện tâm tình gia cảnh, sâu kín từ đáy lòng.

Khởi đầu từ những chùm nốt nghịch âm, chói tai, đầy hậm hực của chàng sinh viên Budapest, chàng sinh viên Việt Nam đã lần dò ra được khối sầu hận của bạn. Mất người yêu, người mẹ thân thương bị cộng sản bắn chết, mất người em trai út bé nhỏ, và cuối cùng mất luôn cả người em kế cận. Còn người cha thì biệt vô âm tín kể từ ngày cộng sản phủ màu đỏ lên đất nước chàng. Tiếng đàn dần mở ra nhẹ nhàng, bớt đi bức xúc, cuối cùng trở lại êm đềm du dương với nhiều hợp âm thuận, khi chàng sinh viên Budapest đã bộc bạch hết câu chuyện đời chàng. Khi chàng đã chọn là “- Khi mà không thiết sống với người sống nữa, sống với người chết mình có cảm tưởng sống vĩnh viễn anh ạ.”

Chàng sinh viên Budapest thuộc gia đình vừa nghệ sĩ, vừa là thương nhân,vừa là công nhân xưởng máy của làng quê bên bờ Đông sông Danube của đất nước Hung Gia Lợi hiền hòa đầy văn hóa. Gia đình chàng có cuộc sống êm ả và hiền lành cho đến ngày sau Thế Chiến Thứ II, Đức Quốc Xã tiến vào chiếm lĩnh chính quyền. Rồi đến Hồng Quân Liên Xô thay vào đó. “Ngày bắt đầu ban hành Đạo luật quốc hữu hóa các trường học, chuông nhà thờ đổ hồi đau buồn, thổn thức trên khắp các nước để cáo phó rằng kể từ ngày đó hơn nửa triệu con em Hung Gia Lợi phải chịu huấn luyện theo lý thuyết Cộng sản, nghĩa là cam chịu vào lò ướp khô linh hồn.”

Năm 1948, từ Hung Gia Lợi, biết bao nhiêu người cố gắng thoát ra khỏi sự cai trị độc ác mệnh danh “thiên đường nhân dân” qua một giải đất nhỏ giăng đầy kẽm gai và mìn giữa Áo và Hung. Cái gọi là “lỗ thông hơi” sang thế giới tự do. Gia đình chàng sinh viên Budapest tan tác từ đây. Chỉ trong vòng ba năm, tuổi thanh xuân của chàng bị thiêu rụi, không hoa tình yêu! Chàng bí mật gia nhập tổ chức trí thức Hung mà bên cạnh chàng cũng phải vào đoàn thể thanh niên do Đảng lãnh đạo.

Năm 1956, chỉ còn một năm nữa chàng sinh viên hoàn tất mảnh bằng kỹ sư cơ khí. Chàng tham gia trại lao động tập trung nơi trường đại học Budapest. Nơi đây, định mệnh đưa đẩy chàng gặp nàng. Hôm đó, trên bục gỗ, nàng là một tay dương cầm cho ban nhạc gồm dương cầm, một clarinette, một đại hồ cầm, và một vĩ cầm. Ban nhạc chơi các bài nhạc cho đám đông khiêu vũ xung quanh. Nàng là sinh viên khoa Toán, chàng khoa Cơ Khí cả hai đều là dương cầm thủ hạng khá nên họ thay phiên đệm đàn cho dàn nhạc. Họ thấm tình lẫn nhau ngay từ đấy. Rồi từ một tai nạn, nàng và chàng đã chính thức tỏ tình cùng nhau, ở trong một tình cảnh thật ngặt nghèo, khó lòng tin ai chân thật ở một thế giới đầy nghi ngờ người kia là công an. Thế nhưng tình yêu đôi lứa đã làm sáng lóa một góc trời.

Thế rồi định mệnh trờ tới, khi nàng tham gia cuộc biểu tình “Tự do tín ngưỡng” “Tự do ngôn luận” và nàng đã bị công an bắn gục dưới chân tượng Staline! Được hung tin, chàng gờn gợn ôn lại nụ hôn chia tay với nàng. Vì cứ sau “một quàng tay vòng cổ với nụ hôn” là có sự chia lìa vĩnh viễn giống y như vòng tay và nụ hôn với người em Út của chàng. Rồi đến chuyện mẹ chàng bị chết vì phát súng của bọn công an. Cha chàng biệt tăm!

Chỉ còn một điều kỳ diệu, đưa chàng và thằng em kế vào chung một đội cảm tử, chiến đấu bên nhau đến hơi thở cuối cùng. Người em là một tay làm đàn violon nổi tiếng và chơi đàn hạng giỏi. Em say mê vĩ cầm, thường hay đàn những vũ khúc cổ Hung Gia Lợi, bên bìa rừng vào những lúc dưỡng quân. Em luôn đeo hộp đàn nhỏ trên lưng như khẩu súng bazooka bên hông người lính. Em đã từng thì thầm với chàng: 

“- Dầu sao em cũng rất lấy làm bằng lòng là giờ đây chúng ta chiến đấu trên khoảng đất quê hương. Anh em ta sẽ chiến đấu đến cùng để giữ làng, trước khi chết chúng ta thâu hút lấy quê hương vào hồn mang theo đi.”

Rồi ngày em ra đi nghiệt ngã như em đã nói, sau một trận đánh kiệt quệ, đoàn quân tan tác, em bị lính Nga bắn chết, quật ngã, và treo cổ. Một bọn người dã man, không lương tri đã hành hình em bằng cú đập chiếc đàn vĩ cầm vào thân xác đã ngã gục của em rồi bỏ đi. Chàng sinh viên Budapest thoát cuộc sinh tử này để rồi chôn nông xác người em trước khi rời chiến trường và đầu hàng. 

Một kết cục bất ngờ và hạnh phúc. Một thiên thần hiện ra dưới vai một công nhân đường sắt, một đoàn toa xe lửa chở đầy tù binh băng băng đến Cầu Andau sang Áo. Người công nhân lái xe lửa giải thoát được một ngàn người Hung Gia Lợi trẻ và lực lưỡng sang thế giới tự do. Ông buông sõng câu nói: 

“- Ấy từ dạo vào Đảng hôm nay tôi mới được tự do hành động theo ý muốn đấy các “ông nội” ạ.”

Dưới đây là phần lạm bàn của người viết:

Cả hai nước láng giềng Tiệp và Hung thuộc khối Đông Âu, cả hai đều có một nền văn hóa nghệ thuật lâu đời nên giới trí thức và văn nghệ sĩ của họ có vị trí cao trong lòng người dân. Những người này có thể hướng dẫn tinh thần dân chúng về với dân tộc, không phụ thuộc ngoại bang, để mà thoát ra được móng vuốt cộng sản Liên Xô. Vì thế cộng sản quốc tế dù đã bước chân vào được đất nước họ, nhưng rồi cũng phải cuốn gói ra đi chỉ trong hơn hai mươi năm. Và cũng do vì chính bản thân cộng sản cũng tự sụp đổ ở cả hai tiền đồn Liên Xô lẫn Đức Quốc mà làm cho vùng Đông Âu được giải oan. Mừng thay!

Nghiệp nợ của các quốc gia Đông Âu nói chung và của Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi nói riêng, nhẹ nghiệp. Nên bây giờ, ở Thế Kỷ 21 họ đã thênh thang thoát khỏi ách cộng sản, dành nhiều năng lượng củng cố xã hội và con người để tiến bước vào tương lai tươi sáng một cách đường hoàng. 

Ôi, mong thay Việt Nam mình, tuy rằng trễ sau họ trên dưới ba mươi năm, nhưng rồi cũng sẽ được một tương lai rộng mở, để con người Việt Nam cũng sống đúng là một con người, chứ không phải tập bay như chim hoặc tập lặn như cá!

Người Việt Nam học được bài học gì từ người dân Tiệp Khắc và Hung Gia Lợi?  


California, ngày 31 tháng 8, 2021

Doãn Cẩm Liên


Đọc thêm:
https://doanquocsy.com/.../cHDNYmj51AgQANcw/ganh-xiec.pdf

No comments: