CHỮ H HUYỀN DIỆU
Doãn Kim Khánh
Sống được trên bốn mươi năm cuộc đời, tôi mới chợt để ý rằng chữ H thật huyền diệu đối với tôi.
Đầu tiên là vì trong bảy chị em, tôi hợp nhất với ba đứa tên bắt đầu bằng chữ H - Hưng, Hiển, Hương.
Tại nơi tôi dạy học, hai đồng nghiệp có cảm tình đặc biệt với tôi đều có tên bắt đầu bằng chữ H – thầy Hoan và thầy Hào. Cả hai thầy đều dáng người cao lớn và đều là dân Nam kỳ rặc. Thầy Hoan đã có vợ nên có lộ tình cảm cũng vô ích. Nhiều lần thầy tâm sự với chị Kha, bạn thân trong nhóm, rằng ngày xưa lấy vợ dưới quê hoàn toàn do cha mẹ sắp đặt. Bây giờ chỉ mong có được người vợ như … tôi! Thế là bị “dũa” thê thảm. Chị kể có lần thầy Hoan đi đằng sau tôi, làm động tác hôn lên tóc, bèn lãnh thêm một trận “dũa” thảm hại nữa. Chị lớn tuổi hơn tôi, trước đây là nhà báo nên sành sỏi chuyện đời và thường đóng vai “bảo vệ” tôi. Thầy Hào lớn tuổi, góa vợ đã lâu nên được một đồng nghiệp cùng tuổi khuyến khích chuyện tình cảm tối đa. Tuy nhiên, trước mặt tôi, thầy đã một lần cảnh cáo bạn già mình rằng không nên cặp đôi một ông già bệnh hoạn với một đồng nghiệp trẻ tuổi, đường đời còn dài. Tuy vậy, thầy Hào lúc nào cũng có những cử chỉ đơn giản và dễ thương với tôi. Những buổi tối dạy học, thầy hay đợi tôi ở chỗ gửi xe, rồi trao cho tôi một gói bánh và một câu nói mộc mạc: “Cho Khánh mấy cái bánh bò. Bánh nhỏ giống Khánh.” Và rồi rảo bước vào trường, không đợi tôi cùng đi. Bánh bò của thầy quả nhỏ xíu, màu trắng, hồng và xanh và có vị ngọt rất thanh.
Cả hai thầy đều rất nhẹ nhàng và kín đáo. Không ai để ý canh chừng ai, nhưng trong những buổi đi chơi toàn trường hoặc những bữa tiệc ngày nhà giáo thì có khi tôi thấy mình ngồi cạnh thầy Hoan, có khi cạnh thầy Hào. Gia đình thầy Hoan có giấy bảo lãnh đi Mỹ khá sớm. Sau bữa tiệc ăn tiễn thầy ở một trung tâm Thủ Đức, thầy cùng tôi bước ra xe trường. Thầy nói nhỏ: “Mình đi, sẽ nhớ Khánh lắm đó!” Tôi nhìn bâng quơ, không biết trả lời sao. Thầy nói tiếp: “Thiệt đó!”
Thầy Hào ở lại, sức khỏe không khá hơn, nhưng tôi không để ý là nó tệ hại hơn vì thầy không hay than. Một ngày nọ, Yến, một đồng nghiệp nữ rất thân với cả tôi lẫn thầy, gọi điện thoại báo: “Thầy Hào mới vào nhà thương đó, chị.” Tôi hoảng hồn, nói ngay: “Vậy à. Để Khánh đi thăm thầy.” Tôi chưa kịp đi thăm thầy thì trưa hôm sau đã nhận một điện thoại khác, cũng của Yến: “Chị Khánh, có người đang hấp hỏi đến chị, chị có chạy tới không?” Tôi nói “Có, có, có” và ba chân bốn cẳng chạy ngay đến bệnh viện. Nhưng đã trễ. Lúc tôi đứng bên giường bệnh, thầy đã vào hôn mê. Tôi ghé tai thầy, nói: “Thầy ơi, em Khánh đây.” Tôi đợi một phút, lại ghé tai thầy: “Thầy ơi, em Khánh đây. Thầy cố gắng khỏe lại, đi dạy tiếp nhé.” Đợi thêm một phút nữa, tôi lại nói tiếp: “Thầy ơi, em Khánh đây. Thầy đi nhé. Em cầu nguyện cho thầy về chốn Cực Lạc.” Tôi lần lữa thêm mười lăm phút nữa, rồi bịn rịn ra về, lòng buồn não nuột. Thầy góa vợ, các con toàn con trai, không thấy đứa nào túc trực bên thầy để tôi hỏi han. Chiều hôm ấy, Yến gọi tôi, báo: “Thầy Hào mất rồi, chị ơi,” Yến kể đến thăm thầy sáng hôm trước, thầy còn tỉnh và hỏi được: “Khánh đâu?”
Chữ H cuối cùng và quan trọng nhất đến với tôi trong một lá thư.
Dạo ấy các đồng nghiệp của tôi được gia đình bảo lãnh, ra đi khá nhiều. Sau thầy Hoan là chị Kha. Chị và tôi thường tương đắc vì “Bắc kỳ” như nhau và cùng giọng điệu vừa ngọt vừa chua như nhau. Chị đi, để lại một khoảng trống đáng kể trong nhóm, nhất là lúc chúng tôi kéo nhau vào căng tin ăn sáng, và lúc cùng uống trà tán gẫu trong những giờ giải lao.
Email đầu tiên chị gửi từ Mỹ làm tôi bâng khuâng nhớ chị. Tôi vội vã bấm vào “reply to author” và viết cho chị một là thư tâm tình khá dài. Ngày hôm sau tôi nhận một email lạ, người gởi tên “Hung Duong”. Tôi nghĩ người này chắc chắn họ Dương, nhưng không biết tên Hùng hay Hưng và chắc chắn không quen biết với tôi! Tôi ngần ngừ một chút rồi quyết định bấm vào mail đó.
Lá thư ngắn ngủn, viết không có dấu tiếng Việt nhưng có giọng lạnh băng:
“Chi Khanh, chi goi thu lon sang dia chi cua toi. Chi Kha la vo ban toi, co lan muon may toi, noi de tra loi thu ban. Neu chi muon, toi se chuyen thu cho chi.”
Tôi đọc xong thư, điếng cả người. Bao nhiêu tâm tình tôi viết cho chị Kha, chứ có viết cho cái ông Hưng hay Hùng này đâu! Thật là tẽn tò! Không biết phải làm gì bậy giờ, tôi bèn dẹp lá thư này sang một bên, lo chuyện khác. Hôm sau tôi mở mail, lại đối diện với cái tên Hưng hay Hùng này. Thôi thì mình cũng phải trả lời! Tôi lại “reply to author” và viết ngắn gọn:
“Chao anh. Toi xin loi vi da gui lon thu vao email cua anh. Vang, nho anh chuyen la thu ay cho chi Kha. Cam on anh.”
Dạo ấy (năm 2003), máy tôi cũng không có font tiếng Việt.
Hôm sau tôi mở mail, lại thấy thư của cái ông Hưng hay Hùng đó nữa. Lần này thư dài hơn, bắt đầu bằng “Chao chi Khanh”, rồi tiếp tục với những lời tự giới thiệu. Theo phép lịch sự, tôi trả lời thư của người không quen biết.
Ngày nào cũng có thư, ông Hung Duong trở thành người tôi biết nhưng không quen. Biết vì ông tự giới thiệu cặn kẽ lắm. Tôi biết ông ly dị vợ, có ba con trai. Trước đây ông dạy học, rồi học quân y, đi lính Biệt Kích với trách nhiệm sĩ quan trợ y. Sau đó ông được biệt phái về dạy học trở lại. Trong những lá thư dài đều đặn về sau, ông tâm sự “Sau một đời vợ, tôi sợ đàn bà lắm!” Tôi nghĩ bụng “Ông này dzô dziên, thế ông đang viết thư mỗi ngày cho đàn … gì đây!”
Theo thói quen, tôi vẫn trả lời thư mình nhận, và cũng theo thói quen tôi ít viết về mình. Dần dần tôi biết về ông Hung nhiều hơn ông ấy biết về tôi. Điều đầu tiên tôi hỏi và biết được là ông ấy tên Hưng, chứ không phải tên Hùng. Nhưng tôi không biết tại sao ổng cứ viết cho tôi khi việc cần làm – chuyển thư cho chị Kha – đã làm xong.
Khi máy tôi có phần mềm tiếng Việt thì thư của tôi bắt đầu bằng “Chào anh Hưng” Thư của anh từ từ bỏ chữ “chị” trước chữ “Khánh” và sau đó thì thay chữ “Khánh” bằng chữ “em”, theo sau là chữ “yêu dấu”. Còn tôi thì kín đáo hơn, lời âu yếm nhất đầu thư là “Anh YD”. Chúng tôi bắt đầu trao đổi hình. Anh gửi tôi tấm hình chụp với một đứa cháu nội. Tôi khen anh “trông cũng bảnh lắm!” Tôi gửi anh tấm hình tôi đứng cười tại một sân chùa, anh khen tôi trông hiền như Phật Bà Quan Âm. Lúc còn cách nhau một đại dương, anh gọi tôi là “Mây Trắng”, có lẽ vì tôi còn lãng đãng nơi xa. Còn tôi nghe anh tự tả thước tấc thì gọi anh là “Gã Khổng Lồ”.
Tôi không nhớ hai bên thư qua thư lại bao lâu thì tôi nhận mail tỏ tình. Không có lời lẽ gì bóng bẩy, chỉ có những hàng chữ viết hoa ghi nhiều lần I LOVE YOU, rồi nhiều lần ANH YÊU EM. Nhận mail này, tôi cảm thấy ngộp thở. Đây là lần đầu tiên tôi nhận một tình yêu mạnh mẽ như vậy từ một người đàn ông. Tôi tự xét lại lòng mình xem mình có yêu hay không. Chưa gặp người, nhưng tôi đã gặp văn phong viết thư. Nếu những lá thư tôi nhận là những bài luận văn của học trò thì tôi sẽ không chấm điểm cao lắm đâu. Câu văn thường dài thoòng, cấu trúc câu thường xuyên không gẫy gọn và ý tưởng thì ôi thôi, đủ loại.
Hấp dẫn nhất là khi anh kể kinh nghiệm đi biệt kích, nhảy dù vào lòng địch. Hồi hộp như nghe truyện điệp viên 007. Một điều tôi để ý là anh không bao giờ tự đánh bóng mình như một anh hùng. Anh rất thực lòng nhận những cái nhát, cái run sợ của mình trong những tình huống nguy hiểm. Anh kể rằng đến sau lần nhảy dù thứ ba vào lòng địch thì anh tự biết mình không còn chịu đựng được nữa và cương quyết từ chối lần thứ tư.
Ở một số đề tài khác thì sự khiêm nhượng ấy không có. Nhất là khi anh ca tụng ba đứa cháu nội gái của mình lên đến tận trời xanh, khi anh khoe được các học sinh mê như điếu đổ và các chủ trường “săn” anh bằng những giá giờ dạy cao bất thường. Một lần, trước khi gặp anh lần đầu ở Việt Nam, tôi gặp lại một bạn học Việt Kiều Mỹ nhân dịp bạn về Việt Nam thăm ba má và nhờ bạn mang về Mỹ cho anh một món quà Việt Nam. Bạn tôi nhận lời, thế là tôi gửi tặng anh một đĩa nhạc, một quyển truyện Việt Nam và dặn bạn hẹn gặp anh tận mặt và trao quà tận tay. Tôi hơi có mặc cảm tội lỗi vì như đang nhờ bạn làm dọ thám cho mình, nhưng tôi thực sự tò mò muốn biết ý kiến của một người ngoại cuộc.
Lần ấy bạn tôi viết cho tôi một lá thư dè dặt. Bạn kể rằng anh “khác” tôi lắm. Anh nói chuyện với bạn lần đầu mà toàn nói về mình, về con cháu mình và toàn khoe và khoe. Tôi tần ngần khi nghe chuyện như vậy. Nói về mình và khoe khoang về mình là một điều tôi không hề thích.
Nhưng rồi có những sự trùng hợp làm tôi phải suy gẫm.
Anh kể một lần nhờ đứa con dâu vào phòng mình lấy dùm anh thức gì đó. Nó vào thì thấy tấm hình tôi gửi cho anh được anh trưng trên bàn làm việc. Nó nhảy tưng tưng và reo ầm ĩ: “Cô của con! Cô của con!” Thì ra nó là một trong những lứa học trò đầu tiên của tôi khi tôi mới ra trường, dạy ở Vũng Tàu. Học trò của tôi dè đâu lại là con dâu của anh!
Một lần khác, anh gửi cho tôi qua bưu diện một món quà. Khi quà đến thì tôi không nhận được vì anh đề tên người nhận là Đoàn Thị Kim Khánh. Tôi phải ra phường khóm, xin giấy chứng nhận là tại địa chỉ ấy không có ai họ Đoàn, chỉ có Doãn Thị Kim Khánh thôi.
Khi biết chuyện, anh ngỡ ngàng hỏi: “Em họ Doãn, vậy có họ với ông Doãn Quốc Sỹ không?” Tôi viết thư trả lời, ỡm ờ như tất cả chị em nhà tôi thường ỡm ờ khi được hỏi câu đó: “Có họ xa xa, gọi bố xưng con.” Tới phiên anh nhảy tưng tưng (bằng lời thôi chứ không thể bằng tấm thân đẫy đà quá độ của anh!) Té ra anh lâu nay vẫn “mê” truyện ông nhà văn này vì nhờ đọc “ổng” anh mới biết được bộ mặt thật của Cộng Sản. Dè đâu bây giờ lại “mê” thêm con gái của ổng! Anh viết trong thư nhiều lần hai chữ “Mừng quá, mừng quá!”
Ngày anh về Việt Nam cốt để gặp tôi lần đầu, anh ở nhờ nhà một người bạn cũ, xưa cùng học ở trường Hồ Ngọc Cẩn. Hôm ấy tôi có lớp sáng tại một trung tâm ngoại ngữ ở Thủ Đức. Mười hai giờ trưa xe trung tâm mới chở thầy cô Sài Gòn về chỗ gửi xe tại Hồ Con Rùa. Từ đó tôi mới chạy xe Honda đến nhà bạn anh ở tuốt miệt Tân Phú. Khi tôi tìm được nhà thì hai anh đang ngồi nói chuyện với nhau ngoài phòng khách. Bạn anh là một nhà báo, chuyên viết khảo cứu nên kiến thức thâm sâu, tôi nói chuyện thích thú và thoải mái ngay. Còn với anh thì tôi cảm thấy hơi sượng, không biết nói gì, trong khi anh cứ nhìn tôi với cặp mắt quan sát. Nói chuyện thêm một chốc thì tôi đưa anh về nhà tôi cho biết. Tôi hỏi anh có lái được xe Honda không. Anh nhìn chiếc xe, nói “Chưa lái bao giờ, nhưng chắc được.” Tôi nhìn thước tấc của anh, nhắm mình chở không nổi nên đành giao xe. Anh ngồi lên xe, hỏi thăm về cách sang số, cách thắng và thế là mời tôi ngồi sau. Xe khởi động hơi lạng quạng nhưng cân bằng được ngay. Gặp đèn đỏ, xe ngừng hơi gấp nhưng không đụng vào xe trước. Thêm một quãng nữa thì mọi sự có vẻ ổn thỏa, từ phía sau tôi nói một câu mà sau này anh nhắc lại hoài: “You passed the test!” Lúc ấy anh cười khà khà, sảng khoái. Về đến nhà thì anh làm quen với các em và các cháu của tôi. Bố mẹ tôi lúc ấy đã dịnh cư ở Mỹ. Vài buổi tối sau, lúc tôi dạy lớp tối về thì anh trao cho tôi một món quà đặc biệt: một cái đồng hồ rất xinh, giây làm bằng nhiều miếng ngọc thạch nối vào nhau. Anh kể là đi mua cùng với đứa em Út và cháu gái của tôi. Hai tụi nó say sưa kể là đã chọn một cái đồng hồ khác rồi, sắp sửa trả tiền mới thấy cái này đẹp hơn, đặc biệt hơn. Thấy tôi thích, anh vui ra mặt. Đứa cháu kể công: “Con là người trông thấy cái đồng hồ này trước!” và nói nhỏ “Nó hơi bị mắc đó bác Khánh!” Cái đồng hồ này, bây giờ (17 năm sau) tôi vẫn còn đeo.
Sau đó, anh còn một buổi dẫn tôi đến một tiệm kim hoàn quen với gia đình anh để tôi tự chọn một chiếc nhẫn kim cương và một vòng đeo tay bằng vàng có gắn những hòn đá quý màu xanh đậm. Cái vòng này giờ tôi cũng vẫn còn đeo. Riêng chiếc nhẫn thì tôi cất làm của vì tự thấy ngón tay mình ngắn ngủn, có dắt thêm mấy hột kim cương cũng không đẹp được. Chiếc nhẫn ấy giờ theo tôi qua Mỹ, thỉnh thoảng tôi cũng lấy ra đeo lên ngón tay, ngắm nghía một lúc rồi lại cất đi. Anh không thuyết phục được tôi đeo luôn trên tay, đành chịu thua.
Lúc ấy tôi đã ngót 50 tuổi còn anh thì hơn tôi trọn một con giáp, đã 62 tuổi. Má anh ở California, bố mẹ tôi ở Texas, chúng tôi làm thủ tục với nhau như thế ở Việt Nam tạm gọi là tương kính. Từ đó cứ hai lần mỗi năm anh về với tôi. Chúng tôi đi chơi nhiều nơi trên đất Việt. Có lần anh về đúng lúc bố mẹ tôi từ Texas về chơi. Mẹ tôi gặp anh lần đầu, thấy hai đứa quấn quít nhau thì nói với anh: “Ông Hưng à, ông cuỗm Khánh của tôi rồi!” Anh ngạc nhiên vì mẹ gọi anh là “Ông Hưng” nhưng tức cười vì chữ “cuỗm” của mẹ. Lần khác thì mẹ hỏi “Ông Hưng à, ông có thấy Khánh giống tôi không nào?” Anh bèn nghiêm trang trả lời: “Dạ thưa bác, hai mươi năm nữa thì Khánh sẽ giống hệt bác bây giờ.” Mẹ tôi cười hỉ hả. Một lần khác anh về chơi lúc chị Hai tôi từ Úc về thăm nhà Việt Nam. Thấy anh lụi hụi nấu ăn cho tôi, và chịu khó đưa đón tôi đi dạy học thì trước khi về lại Úc, chị nói với anh: “Cám ơn bác 5 Hưng chăm sóc ‘bà Dì’ (cách chị gọi tôi) chu đáo.” Ông anh rể tôi thì dò xét anh kỹ hơn, nhưng không nghe càm ràm gì. Mới hồi năm ngoái, tôi nghe thằng em của tôi nhắc lại lời ông anh rể “Cuối cùng thì Dì Ba nó (tức là tôi) đâm ra lại sướng! Có người phục vụ vô điều kiện.”
Nhờ không có “má sang nhà”, chúng tôi không đối phó với những thực tế bẽ bàng của các cuộc hôn nhân trên thế gian. Trước khi tôi được đứa em bảo lãnh và định cư ở Mỹ, chúng tôi tìm được một cách để tôi lấy visa sang Florida. Gặp dịp bạn của anh, một giáo sư đại học ở Florida, tổ chức một hội thảo quốc tế, tôi bèn viết một bài nghiên cứu – việc tôi hay làm trong môi trường dạy học – nộp cho ban tổ chức và lấy được giấy mời đi Florida. Đó là chuyến Mỹ du đầu tiên của tôi và đây cũng là dịp tôi đối đầu với tính dễ mất bình tĩnh và dễ cáu gắt của anh. Gặp những lúc thấy anh hoảng loạng vì đi lạc và những lần bị hét toáng vì những chuyện không đáng, tôi dừng lại để suy nghĩ. Nhưng tôi tự biết mình có suy nghĩ thì ván cũng đã đóng thuyền.Vài năm sau khi tôi định cư ở Mỹ, chị Kha có dịp qua California; tôi bèn rủ chị ghé chơi đúng dịp cuối tuần anh Hưng có mặt ở nhà tôi. Tôi nhớ hoài giọng chị thất thanh khi thấy anh toe toét ra đón khách: “Ông Hưng!!! Ông làm gì ở nhà Khánh!”
Tôi không hề kể chuyện này cho chị Kha biết. Thiên đã định thì nhân có cản cũng bằng thừa. Cũng như mẹ tôi, chị Kha gọi anh là “ông Hưng”
Điều đáng mừng là anh không phải bảo lãnh tôi qua Mỹ theo diện hôn nhân vì vào thời điểm ấy tôi sẽ dễ bị nghi ngờ là “mượn bè sang sông”. Giờ đây tôi đã chính thức sống ở Mỹ được mười ba năm, đã may mắn có được một việc dạy học, sau đó đã ê chề vì mất việc, đã ngỡ ngàng vì các thế hệ Việt Nam trẻ ở Mỹ không có tinh thần “tôn sư trọng đạo”, đã biết mùi thi rớt khi thi lái xe.
Nhưng tôi luôn luôn có anh bên cạnh. Anh, một anh Nam kỳ không những cao mà còn mập, không những dễ mất bình tĩnh mà còn dễ cáu gắt. Nhưng không ai anh luôn hết lòng vì tôi như anh. Mười ba năm nay, anh đều đặn đến với tôi mỗi cuối tuần. Tôi sống vững chãi về tinh thần, nhờ có gia đình bên cạnh và nhất là nhờ vững tin nơi bờ vai mạnh mẽ của anh. Anh chính là chữ H huyền diệu và quan trọng cuối cùng trong đời tôi.
No comments:
Post a Comment