Apr 30, 2021

LỜ CAO NỜ THẤP - Anh Quân


Bà Hương,

Đọc chơi ngày làm việc của tui.

Quân

***

Hiện nay có một số người nhận làm thông dịch, thường muốn làm công việc này phải một khoá học sau đó đi đăng ký với các cơ quan thông dịch để nhận công việc. 

Hôm nay tui ngồi nghe cuộc thông dịch  giữa một nhân viên thông dịch và nhân viên nhà cửa của quận Hackney. 

Chỉ có hỏi địa chỉ thôi mà tui nghe xong tui thấy trình độ thông dịch như sau : 
- Người thông dịch : Chị cho xin địa chỉ 
- Người trả lời : Kinh môn, Lê Xã , Hải Dương , Việt Nam 
- Người thông dịch : Chị làm ơn cho biết địa chỉ . 
- Người trả lời : Lê Xã , Kinh môn, Hải Dương 
- Người thông dịch : Chị phải bắt đầu từ số nhà , đường phố , tới xã , huyện và tỉnh. Sao chị không nói rõ cho đỡ tốn thì giờ. 
Người trả lời : Dạ Lê Xã , Kinh Môn 
Người thông dịch : Tôi hỏi chị tên đường, vậy Lê Xã và Kinh Môn là cái gì, bộ nhà không có số sao ? Chị không hiều tiếng Việt sao? 
Người trả lời : Dạ Lê Xã , Kinh Môn 
Người thông dịch : Tôi hỏi chị xã nào ? huyện nào ? số nhà , đường nào ? 
Người trả lời : dạ xã Lê Xã 
Người thông dịch : Tôi hỏi chị xã nào ? sao chị không trả lời ? 
Người trả lời : Xã Lê Xã 
Người thông dịch : Tôi hỏi chị xã nào ? sao chị không trả lời 
Người trả lời :  Xã Lê Xã 
Người thông dịch : Chị không hiểu câu hỏi của tôi sao ? tôi hỏi chị Xã nào ? 
Người trả lời : dạ xã Lê Xã 
Người thông dịch : Tôi hỏi chị xã nào ???? …… vẫn trả lời : dạ xã Lê Xã ... 
Vậy tên xã là Lê Xã - người thông dịch hỏi
Chỉ có địa chỉ về cái xã mà mất cả 20 phút mà chưa xong. 
Theo kinh nghiệm của tui thì người thông dịch cần phải biết thêm những địa chỉ tại Việt Nam. Nhất là ở miền Bắc là những xã nhỏ, huyện nhỏ là không có số nhà và tên đường. 
Qua câu chuyện này là tui nhớ mới vào phim “Trường Tôi” trong ngày khai giảng 
Ông thầy : Em tên chi? 
Học trò : dạ em tên CHI… 
Ông Thầy hỏi : Tôi hỏi em tên chi? 
Học trò : dạ em tên CHI 
Ông thầy gằn giọng : Em đùa à ? tôi hỏi em tên chi? Sao em không trả lời 
Học trò : dạ thưa thầy em tên CHI 
Ông thầy tức quá : Tôi hỏi em họ gì tên chi ? 
Học trò : dạ thưa thầy em họ Trần tên CHI là Trần Văn Chi

Chữ Lờ Cao – Chữ N Thấp. 

Tui học tiếng Việt dưới chế độ miền nam trước 1975, nên cách học phát âm mẫu tự ABC có sự khác biệt với giáo dục ngoài bắc . Hồi nhỏ tui học phát âm chữ “L”  (En lờ) , còn “N” là (En nờ). Chẳng bao giờ tui nghĩ phát âm hai chữ. “L” (Lờ cao) hay “N” ( Nờ thấp) , mặc dù trong nhiều năm qua tui hay nghe cách phát âm chữ “Lờ cao” và “ N thấp” từ cư dân miền Bắc tại Anh. Còn khi dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam bên Anh, tui vẫn giữ phát âm tui học từ bé, nguyên nhân là sau này tui dạy tiếng Việt là bỏ luôn phương pháp đánh vần do đó tui không dạy cách đọc như “ Cờ , Lờ , Mờ…” (đây là một đề tài thảo luận nếu không ai đồng ý cách học đánh vần). 

Quay lại câu chuyện cô thông dịch và người khách hàng. 

Thông dịch : Chị làm ơn cho biết địa chỉ tạm cư của chị hiện giờ 
Khách hàng : để tôi đọc thử vì không biết chữ Anh 
Thông dịch : Oh no ! vậy khó lắm, thôi chị làm ơn đọc mã số thành phố (Post code) rồi tôi sẽ dò trên mạng. 
Khách hàng : dạ vâng , bắt đầu là chữ “N” (Nờ ) rồi 18. (N18) 
Thông dịch : Cái gì , tôi nghe không rõ chữ “Nờ’ hay “Lờ” 
Khách hàng : Dạ chữ “Nờ” (N) 
Thông dịch : Hả ? nghe không rõ 
Khách hàng : dạ  “Nờ thấp” … 
Thông dịch : Chị có biết chữ Việt không ? làm gì có “Nờ thấp” . Chị không biết tiếng Việt à (cách hỏi người thông dịch rất sóc họng và như dạy bảo người khách hàng) 
Tui ngồi ngoài thấy khó chịu lắm nhưng đúng nguyên tắc tui không nhảy vào công việc của người thông dịch. Tui đành lấy tờ giấy ghi bên ngoài là “ N có nghĩa là NO NÊ, NÓ, NÂU …”
Khách hàng : Thấy vậy mới nói , vâng thưa chị “ Nờ thấp là NO NÊ” 
Thông dịch : Trời ơi , có vậy mà chị không biết tiếng Việt sao? Chị làm ơn đọc hết mã số. 
Khách hàng : Dạ vâng ,  “ 0 LZ” ( số Không ,  Lờ và Zét) 
Thông dịch : Chị nói rõ xem, cái gì ??? tôi nghe không rõ 
Khách hàng : Dạ em nói số 0 , chữ “Lờ cao” và Zét 
Thông dịch : “Lờ cao là cái gì? “ chữ Việt làm gì có … Chị xin nói rõ , bộ chị không biết tiếng Việt sao? 

Tui ngồi ngoài phải viết hai chữ “ L = Lo lắng – L = Lâu La, - L = Lâu Lâu…” 

Thật sự tui không biết chữ “Lờ cao” và “Lờ thấp” được sử dụng rộng rãi ngoài Bắc từ lúc nào.  Tui đồng ý khi nói chuyện qua phone thì chữ “Lờ” và “Nờ” rất gần nhau. Nếu ai phát âm không rõ ràng thì rất khó nhận. Nhất là tui nói giọng nam khi phát âm rất tệ hại. 

Có một điều khi đi làm thông dịch tiếng Việt thì phải qua tâm về văn hoá, sinh hoạt, cách sống… của mỗi người cư dân tại các địa phương. Chẳng như năm ngoái tui cứ theo thói quen trong Nam là tầng một ( First floor ), trong khi đó ngoài bắc có nghĩa là tầng 2, làm cho người khách hàng cứ đứng dưới đất đợi tui. 

Nếu mở những trang báo điện tử VN thì họ có những bài phân tích về “ Lờ cao” và “Nờ thấp”, thì hai chữ này đã chấp nhận sinh hoạt tại Việt Nam. Vấn đề đây là khả năng của người thông dịch là không rõ mình thông dịch cho người Việt Nam từ khu vực nào ở Việt Nam. 

- Anh Quân 

No comments: