[...]
Một hôm, Ngọc Lâm Quốc Sư đang ngồi tham thiền trong tịnh thất tại cung Tây Uyển, bỗng ngài thấy lòng nao nao động loạn, ngài không thể nào trấn tĩnh được, có lẽ việc gì rủi ro đã xẩy ra? Ngài đứng dậy đi ra cửa cung, mà đi là đi, chứ ngài cũng không biết là mình đi đâu. Một lúc sau ngài đến bờ sông, bên bờ sông có chiếc thuyền nhỏ, trên thuyền một ông già đầu tóc bạc phơ đang giơ tay với ngài, lòng thúc dục, ngài cứ xăm xăm bước tới, cũng chẳng tưởng về cáo biệt Hoàng Đế, và cũng như hơn mười năm trước, ngài chẳng mang gì theo, chỉ cầm có chiếc quạt ngà trên có mấy chữ "Như Trẫm Thân Lâm" mà nhà vua đã dâng cúng ngài, ngài lại yên lặng ra đi.
...
Thế sự vô thường, đời người như mộng, cái thân hình đẹp đẽ tuấn tú của Ngọc Lâm Quốc Sư rốt cuộc cũng suy tàn, già yếu, mấy năm sau này, trông ngài như một vị lại đầu đà, một chiếc gậy, một gói cà sa, lang thang đây đó, không còn ai nhận ra ngài là Ngọc Lâm Quốc Sư.
Một hôm ngài đến Giang Tô thì thấy trong mình mỏi mệt, cây già chắc phải cỗi, ngài đã biết trong mình. Do đó ngài lưu lại ở chùa Pháp Vương. Pháp Vương là một cảnh chùa đã suy đồi, ngài thấy rất thương tâm, ngài bèn quyết định đem tấm
Thoát vòng tục lụy thân tàn để trùng tu lại chùa Pháp Vương mong gây chút Pháp duyên cuối cùng. Ngọc Lâm Quốc Sư liền nói với thầy tri khách trong chùa:
- Bạch thầy tri khách: lão tăng xin tá túc mấy ngày.
Thầy tri khách hỏi:
- Lão tăng ở đâu đến và sẽ định đi đâu?
- Từ chỗ không đến mà đến, và sẽ đi đến chỗ không đi!
- Không cần dùng thiền ngữ. Thầy tri khách nói. Chùa chúng tôi nhỏ, không có thiền thất để tiếp lão tăng.
Ngọc Lâm Quốc Sư đổi giọng nói:
- Tôi đau, xin cho nghỉ ở đây ít bữa!
- Lão tăng tuổi tác quá thế này, ngộ có mệnh hệ nào, bản tự lo liệu làm sao?
- Xin đừng lo, tôi có một chiếc quạt và hai phong thư, không những không phiền đến quý tự, mà nơi Đạo Tràng này chắc chắn cũng nhờ đó mà được chấn hưng.
Thầy tri khách bán tín bán nghi, nhưng là người đồng đạo, không thể từ chối, cho nên thầy phải nhận lời của Ngọc Lâm Quốc Sư. Chưa được mấy hôm thì Ngọc Lâm Quốc Sư viên tịch! Ngài ngồi xếp bằng trên giường, tuy đã viên tịch, nhưng trông như người đang tham thiền.Vì thấy Ngọc Lâm Quốc Sư viên tịch một cách bất ngờ, chúng tăng trong chùa đều hoảng sợ, thầy tri khách vội tìm chiếc quạt và hai phong thư di chúc của ngài. Hai phong thư đó, một gửi cho sư huynh Ngọc Lâm trên núi Chính Giác, một gửi cho Giác Chúng ở Thiên Hoa Am. Giác Chúng và Ngọc Lâm là những người thế nào? Trong chùa Pháp Vương không ai biết cả, khi dở chiếc quạt ra coi thì thấy bốn chữ "Như Trẫm Thân Lâm" và dưới mấy chữ có đóng con dấu bằng ngọc mang tên Thuận Trị Hoàng Đế.
- Ái chà! Đây là ai? Thuận Trị Hoàng Đế đã băng hà rồi, có lẽ vị khách tăng này là Ngọc Lâm Quốc Sư? Thầy tri khách kinh ngạc hỏi vị trụ trì và giám viện. Vị trụ trì cầm lấy chiếc quạt xem, rồi nói:
- Nếu ngài là Quốc Sư thì chúng ta không thể mở được hai phong thư di chúc này, chúng ta đâu được phép động đến vật của Quốc Sư. Vị trụ trì quyết định:
- Trên chiếc quạt của ngài đã có mấy chữ "Như Trẫm Thân Lâm", chúng ta không thể để ở đây được, phải đưa trình quan huyện địa phương, một mặt cho người cầm hai phong thư này tìm đến núi Chính Giác và Thiên Hoa Am để trao tận tay cho người nhận.
- Bạch hòa thượng - Thầy tri khách nói với trụ trì - Ngài thường nói hai phong thư và chiếc quạt này có thể giúp chúng ta trùng tu lại ngôi Đạo Tràng này!
- Ngài nói thế hả? Nếu thật là một vị Quốc Sư mà viên tịch ở cảnh chùa nhỏ bé này, điều đó là một vinh dự lớn cho chúng ta, ngài viên tịch mà còn làm ích lợi cho đạo, thật là một vị Quốc Sư đáng kính!Vị trụ trì vừa nói vừa đưa đôi mắt cung kính nhìn di hài của Ngọc Lâm Quốc Sư.
Nhưng vị giám viện thì cảm thấy xấu hổ và trong lòng ân hận vô cùng:
- Xấu hổ! Trong khi ngài đau yếu, chúng ta đã không săn sóc đến nơi đến chốn!
Thầy tri khách nói về bệnh trạng của ngài:
- Tôi thấy như ngài đã biết trước ngày giờ viên tịch. Ngài chẳng đau ốm gì cả, vì quá già yếu nên trông chỉ có vẻ mỏi mệt mà thôi.
Khi quan huyện Hoài An thuộc Giang Tô biết tin Ngọc Lâm Quốc Sư đã viên tịch ở huyện mình tức khắc đưa hương án đến để tiếp rước chiếc quạt "Như Trẫm Thân Lâm", rồi báo về triều đình. Không bao lâu thì tiếp được thánh chỉ của Hoàng Đế Khang Hy, ra lệnh làm lễ Quốc Táng, lại phái đại thần trong triều về chủ tọa lễ Quốc Táng, và trùng tu chùa Pháp Vương, xây tháp kỷ niệm Ngọc Lâm Quốc
Sư.Ngọc Lâm Quốc Sư để lại hai phong thư cho Ngọc Lâm và Giác Chúng, trong thư nói gì, điều đó không ai biết, người ta chỉ biết hôm làm lễ hỏa táng, Ngọc Lâm, Giác Chúng, Giác Đạo, và Đạo Hoằng (Pháp danh của Thúy Hồng sau khi đã xuất gia) đều có mặt trong số năm vạn người đến cử hành lễ hỏa táng. Hình hài của Ngọc Lâm Quốc Sư tan theo ngọn lửa trà tỳ bốc lên, nhưng tấm lòng vì Đạo và thương người của ngài vẫn còn trong hai phong thư di chúc tồn tại với núi sông.
HẾT
https://thuvienhoasen.org/images/file/HwE2bny91wgQAAtQ/thoat-vong-tuc-luy.pdf
No comments:
Post a Comment