CON GUỘC
Bác Khánh viết tặng hai “con guộc” của “Ông Bà Ngoại Trên Lầu”.
Vớ vẩn thay, có hai đứa họ Ngô và họ Bồ mà cứ hô hoán mình là “con guộc” của ông bà Doãn, còn được gọi là “Ông Bà Ngoại Trên Lầu” (vai vế gọi theo thế hệ nhỏ). Có lẽ vì thế mà tụi nó cố tình nói ngọng chữ “ruột” thành “guộc”.
Nguồn cơ là vì Ngô và Bồ xuất hiện vào thời điểm hỗn loạn nhất của Doãn gia: Bố thì bị công an canh chừng tứ bề, con thì đứa trốn quân dịch, đứa thất nghiệp, đứa liều mình vượt biên, đứa có nhiệm sở nhưng bị trù dập. Cơm ăn thì đã độn khoai rồi mà vẫn đong từng chén. Vậy lối thoát ở chỗ nào?
Y như “con ve sầu kêu ve ve” của La Fontaine, chúng tôi đều có một giải pháp: ca hát. Ngô và Bồ là hai thành viên đầu tiên của nhóm ve ve này vì đạt cả hai điều kiện “hát hay” (Ngô) và “hay hát”(Bồ). Đúng lúc ấy, số trời run rủi khiến một tay Dân Vận gộc vừa được thả về từ trại “Cải Tạo” đến nhà chơi. Với tài lãnh đạo sẵn có, anh gom đàn em nuôi và, tuy không có văn bản gì hết, vẫn thành lập một nhóm chuyên cầm ca (nước lã) với danh hiệu là “Hội Ca Cầm”. Anh biến thành “anh Hai” và những đứa còn lại thì đều tự nhiên coi mình là “ruột” của nhau, hay ít nhất thì cũng “guộc”.
Cứ như thế mà hội nhà chúng tôi “cầm ca” bền bỉ theo vận nước, vận nhà nổi trôi. Vận nhà nổi khi bố tôi, “biệt kích cầm bút”, được thả về. Khi ông hòa mình với những buổi ca hát của con cháu, khi ông tổ chức những buổi thuyết trình về văn chương hay đạo giáo và gọi đó là “Đại Hoc Bỏ Túi”. Vận trôi là lúc bố tôi bị chính phủ Cộng Sản bắt lại sau đợt đi “cải tạo” cùng với các văn nghệ sĩ khác. Lúc nổi cũng như lúc trôi, hai con guộc Bồ và Ngô đều có mặt.
Lúc nổi thì dễ sống quá. Cuối tuần tụ nhau lại, thành viên Hội Ca Cầm càng lúc càng đông hơn, người ca hát, người làm thính giả, người nói năng “linh tinh”, tất cả trong tầm bảo vệ của thằng Út Dzai họ Doãn, lúc nào cũng có mặt ngoài cửa sổ, vừa giữ trật tự đám con nít xóm vừa coi văn nghệ “cọp” với chúng nó. Bồ và Ngô thì vẫn luôn là hai thành phần không thể thiếu. Cuối tuần, qua với gia đình chúng tôi, bao giờ hai đứa cũng chơi đã, nói đã cho đến khuya, theo đúng tôn chỉ “về sớm má la”. Sau đó, thì “nít”. Các thầy cô giáo dạy tiếng Anh hẳn phẫn nộ khi thấy hai đứa trời thần này đã rút gọn và biến dạng chữ “overnight” thành “nít”. Những tệ nhất là tụi nó đã “rù quến” [một chữ khác biến dạng từ “quyến rũ”] toàn bộ Doãn gia dùng cái chữ cụt ngủn này. Ngay cả tôi, một cô giáo dạy tiếng Anh, luôn tuân thủ chữ nghĩa, cũng đợi tối thứ bảy là rủ “Tối nay nít chứ!” Thế là Bồ cùng mấy thằng con trai nằm la liệt ngoài phòng khách, Ngô thì “la liệt” trên gác xếp với mấy đứa con gái. Quá nửa đêm vào những ngày cuối tuần, mẹ tôi có thói quen xuống nhà “điểm binh” và bao giờ cũng thất kinh vì cảnh “la liệt” này. Riêng tôi thì chỉ biết mê mẩn tiếng hát cao vút đầy cá tính của Ngô và thưởng thức tận tình ngôn ngữ riễu cợt của Bồ.
Ban tối lẫy lừng là thế, nhưng ban ngày thì hai đứa “guộc” này hiện nguyên hình lọ lem. Tụi nó xoay nghề xoành xoạch, lúc thì bán thuốc tây ngoài đường phố, lúc thì quậy sữa tươi thành sữa đặc … Lúc thì “tình cong lưng đạp, tình ngồi sau lưng”, lúc thì hờn anh giận em. Tôi cố gắng phủi đứa này vuốt đứa kia, nhưng có lúc sùng lên thì gắt “Tại sao hai đứa đều dễ thương với mọi người mà không dễ thương được với nhau!” Lúc sùng không nhịn được nữa thì tôi có một hình phạt thâm độc: đó là ốp cả hai vào lớp dạy kèm tiếng Anh, bắt học. Có lần Bồ tâm sự với Ngô là mỗi lần trả lời sai thì sượng trân vì cái nhìn “khinh khỉnh” của cô giáo chính thống “ruột”. Có một lần Bồ hơi “hả hê” vì cái thế “khinh khỉnh” của tôi bị lung lay. Hôm ấy ba chị em đang dạy dỗ nhau ở ngoài phòng khách thì có tiếng gõ cửa. Tôi tự thấy mình có nhiệm vụ ngưng “gõ đầu” để mở cửa xem ai vừa gõ cửa. Đó là một người đàn ông trung niên lạ mặt, Vừa thấy mặt tôi, ông ta nói bằng một giọng ồm ồm nghiêm trọng:
“Cho tôi gặp chủ nhà.”
Dĩ nhiên, tôi không tiện khai là chủ ông đang “bận công tác đối thủ Đảng” [câu nói đùa nguy hiểm của chúng tôi] nên lễ phép trả lời:
“Dạ, mẹ cháu đi chợ chưa về. Chú có nhắn gì không ạ?”
Ông ta càng nghiêm giọng hơn:
“Cho tôi gặp một người lớn.”
Tôi còn đang lung bùng không biết phải đạt tiêu chuẩn nào mới được gọi là “người lớn” thì bắt gặp ánh mắt của ông ta hướng về phía Bồ, lúc ấy đã có mái tóc muối nhiều hơn tiêu. Hiểu ý người lạ, Bồ đứng bật dậy, ra tiếp khách và chỉ vài phút sau là thuyết phục được khách ra về, khinh khỉnh ra mặt! Ông ta vừa đi khuất là ba chị em cười lăn cười lộn. Mấy tuần sau đó, Bồ mất tên vì chỉ được gọi là “người lớn trong nhà”. Ngô còn ngờ rằng ông ta hẳn nghĩ người dạy học chỉ có thể là Bồ!
Lúc nổi là thế, còn lúc trôi thảm hại nhất là khi có tiếng gõ cửa hằn học vào lúc nửa đêm, là lúc công an ập vào, lục tung căn nhà yêu quý của chúng tôi và bắt đi ông già bụt nhất trong các Bụt trên cõi đời này. Ngày hôm sau, hàng xóm dè dặt không dám sang hỏi thăm. Tin xấu đi nhanh nhưng bạn bè đi qua nhà nhưng không dám vào. Tôi gom một số tác phẩm quý nhất của Bố Già định gửi ở nhà một người bạn thân nhất thì bị từ chối thẳng thừng. Tôi ôm sách về, trong lòng não nề vì nhiều lẽ.
Nhưng mặc bao nỗi đe dọa rập rình, Bồ và Ngô có mặt tại nhà tôi ngay sáng hôm đó. Ruột và Guộc cùng nhau dọn dẹp chiến trường, cùng thương Bố đứt ruột, lo đến lặng người, nhưng có nhau thì bình tĩnh làm được những điều cần làm. Ngoài ra, chúng tôi cũng bám víu vào một điểm sáng trong đám mây đen cuồn cuộn: thằng em trai đang trốn lính của tôi (bạn của Bồ Ngô) suốt đêm trốn trên khoảng trống dưới mái nhà, thoát được cặp mắt cú vọ của công an và sau đó được một người bạn của Bố Già cho nhập gấp vào một nhóm vượt biên và cuối cùng thoát được. Nó kể lần đó đã khóc không thở được khi tàu ra được hải phận quốc tế. Tự do của nó đã phải trả một giá rất rất đắt.
Các buổi tụ tập trong nhà tôi thưa dần khi Việt Nam có chính sách mở cửa vì toàn ban lúc đó túa ra đi tìm việc làm. Thế hệ nhỏ lần lượt ra đời và cần được nuôi nấng. Đứa con gái lớn của Bồ và Ngô suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ, đến tuổi mọc răng mà răng không mọc được. Thằng em thì không biết con gì cắn mà phá trời thần, ba mẹ nó dẫn đi đâu cũng phập phồng lo sợ không biết bị mắng vốn lúc nào. Vậy mà vài năm sau hàm răng đứa chị mọc đều và trắng, đứa em đi học mẫu giáo không thấy bị trả về. Khi nó xóa được nạn “mù chữ”, thì ba mẹ nó thở phào, lúc ấy mới tâm sự “Tụi em đã nghĩ đến trường hợp nó phá quá không học được”. Ai dè đâu nó lớn lên thành một thanh niên “ga lăng”, biết khen mẹ và chị là “hai phụ nữ tuyệt vời nhất!”
Bức tranh cuối cùng của hai “con guộc” thật lành mạnh – vợ chồng hạnh phúc, con cái ngoan, dân số tăng thêm một cháu ngoại. Vậy mà thỉnh thoảng nhắc đến những ngày xưa hoảng loạn, họ vẫn vừa thích, vừa ngậm ngùi tiếc và gọi đó là “Những Ngày Xưa Truyện Đẹp”.
Tháng 9 ngày 11, 2020
(Bác Khánh khủng bố gia đình Tía Má)
No comments:
Post a Comment