Jul 16, 2020

TUỔI THƠ NHÚT NHÁT - Doãn Kim Khánh


Bé Ánh "nhút nhát" bên Bố Mẹ và chị Hoa 


Tính nhút nhát của Ánh có lẽ là do dáng vóc mà ra. Đã đành con nít đứa nào chẳng nhỏ, nhưng con nít Ánh này thì nhỏ quá đáng. Đúng như các cụ thường mô tả: “bé như cái kẹo”. Những năm đầu đi học mẫu giáo, rồi học lớp 1, bố chở Ánh bằng xe vespa, Ánh dứng đằng trước, cái đầu lọt thỏm, không vướng mắt bố chút nào.

Thuở ấy vì Việt Nam còn hệ thống trường Tây, nên Ánh được bố mẹ cho học trường Tây. Để được vào trường, phải có một cuộc “phỏng vấn”. Trước ngày đó, bố mẹ dạy Ánh một số câu tiếng Pháp căn bản như: Je m’appelle …… J’ai …ans  v.v…. Hôm đi “phỏng vấn”, bố gói làm quà cho ông hiệu trưởng hai mu đồi mồi để treo trên tường làm vật trang trí nhà. (Thuở ấy bố làm hiệu trưởng Hà Tiên nên có thể dễ dàng mua món hàng đặc biệt này). Ánh còn nhớ, vào văn phòng ông Tây hiệu trưởng, ông ấy bế cho ngồi trên đùi ông và hỏi gì đó mà Ánh chỉ khóc thôi, chẳng nói được gì.  Vậy mà cũng “đậu”. Mẹ nói “Hai cái mu đồi mồi đậu, chứ không phải con Ánh đậu!”

Ánh còn nhớ ông thầy lớp 1 to mập, nước da hồng hào. Thầy được gọi là Monsieur Poitevin. Vì Ánh quá nhỏ nên trong lớp được thầy xếp cho ngồi bàn đầu và khi chụp hình lưu niệm của lớp thì Ánh được xếp đứng hàng đầu, ngay cạnh ghế ngồi của thầy. Tuy vậy, mỗi lần thầy đến gần chỗ ngồi của Ánh thì Ánh cảm thấy ngộp thở. Ánh không nhớ thầy dạy học ra sao, nhưng chắc không dở vì thầy nói thứ tiếng mà ở nhà bố mẹ không nói, vậy mà Ánh hiểu hết. Thầy đi dạy bằng xe hơi, và thỉnh thoảng phải mang xe đến tiệm sửa xe của chú em họ của bố. Chú hỏi thăm thầy và sau đó gặp Ánh, chú nói: “Cháu phải mạnh dạn lên. Ông Poitevin nói cháu timide quá.”

Trong các môn học, Ánh sợ nhất là môn vẽ vì Ánh không biết vẽ. Một hôm, vào giờ học vẽ, thầy ra đề vẽ con ngựa. Thuở ấy, Sài Gòn còn xe thổ mộ, mẹ thỉnh thoảng cho Ánh đi chợ bằng xe thổ mộ, nhưng Ánh cũng chẳng để ý xem con ngựa trông như thế nào. Ánh loay hoay mãi, không vẽ được.  Cứ gôm tới gôm lui, gôm đến độ rách cả tờ giấy vẽ. Các bạn chung quanh đã vẽ xong mà Ánh không dám nhìn sang để bắt chước. Cuối giờ thầy đi vòng vòng để theo dõi các họa sĩ tí hon sáng tác. Thầy vừa tiến tới gần bàn mình, là tim Ánh đập thình thịch. Khi thầy nhìn thấy chỗ gôm làm lủng tờ giấy vẽ thì thầy quát lên “Où est la gomme?” Ánh đưa cục gôm ra, thì thầy tịch thu ngay và tát cho Ánh một cái tát nẩy lửa. Cuối buổi ấy, thầy bắt ở lại vẽ, nhưng Ánh vẫn không vẽ được. Thầy bèn đưa tờ giấy bảo về nhà vẽ tiếp. Ngày hôm ấy, bố đi đón phải đợi Ánh lâu. Ánh đi ra mếu máo: “Con không biết vẽ, thầy không cho về.” Bố cười xòa: “Không sao. Để về nhà bố nói chị Hoa vẽ cho con.” Về đến nhà, bố gọi chị Hoa ra, nói: “Con vẽ cho em con ngựa để ngày mai em nộp thầy nhé,” Chị Hoa “Dạ” và vẽ liền vì chị thích vẽ và vẽ rất đẹp. Thấy chị hăng hái vẽ, bố đến gần chị, nói nhỏ: “Con vẽ cho em xấu xấu một chút!” Từ đó trở đi Ánh càng sợ thầy và càng ghét môn vẽ.

Lên lớp 2 thì Ánh học với một cô giáo Tây. Ánh nhớ cô hay mặc áo đầm xòe to vì mốt lúc ấy hình như có cái váy lót làm phồng chiếc áo đầm xòe. Ánh nhìn thấy thích lắm, nhưng áo đầm mẹ may cho chị em Ánh mặc thì không phồng như thế. Trong khi đó thì có một bạn gái trong lớp mặc áo đầm ở dưới phồng như cô vậy. Ánh mơ ước quá mà không được. Mỗi lần cô đến gần thì Ánh ngửi thấy mùi phấn son và mùi nước hoa thơm phức, thật dễ chịu. Có lẽ nhờ vậy Ánh không sợ cô như sợ thầy năm trước. Nhưng không phải vì thế mà Ánh học giỏi hơn. Ánh còn nhớ trong học bạ năm lớp 3, cô giáo phê “élève effacée" (học sinh lu mờ).

Học sinh lu mờ khi về xóm lao động nhà mình thì cũng không vẻ vang hơn. Chị hàng xóm tập xe đạp cho em chị ấy mấy bữa là nó đi được. Ánh học ké mà cứ té lụi đụi hoài. Mỗi lần Ánh loạng quạng, chị lại chọc “Cái bà đầm này, chạy xe kiểu gì kỳ vậy!”

Vậy mà lụi đụi Ánh vẫn lên lớp 4, rồi lớp 5. Chị Hoa của Ánh cũng học trường Tây, trên Ánh hai lớp và hình như không loay hoay, hì hục như Ánh. Hai chị em đi học có bố đưa đón. Cuối năm lớp 5, chị Hoa thi đậu lên học lớp sixième trường Marie Curie. Chỉ còn Ánh học trường Petit Lycée nhưng lúc ấy đã quen trường quen lớp hơn. Có lần bố bận, cho Ánh đi học bằng xe buýt. Chị người làm đưa Ánh ra trạm xe buýt ở đầu ngõ, đợi Ánh lên xe rồi dặn ông xoát vé nhắc Ánh xuống ở ngay cửa trường. Lần ấy Ánh lên xe buýt hơi đông, có nhiều người phải đứng, Ông tài xế thấy hành khách tí tẹo thì la lên “Con nhỏ này đi với ai?”  rồi quay sang một bà đứng kế bên hỏi: “Đi với bà hả?”  Bà ta lắc đầu quầy quậy. May sao ông soát vé kịp thời can thiệp: “Nó đi một mỉnh, xuống trạm trường tiểu học.”

Đến khi lên lớp 5, Ánh quen trường quen lớp nhưng vẫn không có bạn thân. Những khi đi học sớm, Ánh hay quan sát quang cảnh trước khi trường mở cổng. Ánh để ý thấy nhiều hàng quà chung quanh, hàng nào trông cũng hấp dẫn. Ánh thích nhất là ông bán kem và thùng kem sau xe đạp của ông. Đạp xe tới trước cổng trường thì lấy ra một tấm gỗ dẹp và một con dao từ hông xe, rồi đặt nó lên yên xe. Trò nào đến mua kem thì ông mở thùng sau xe, lấy ra một miếng kem dẹp và vuông vức, đặt lên tấm gỗ rồi cắt một miếng vừa đúng số tiền trò ấy có. Sau đó ông lấy một que tre đã vót sẵn, ghim miếng kem đưa cho “khách nhỏ”. Nhìn bạn kia liếm cây kem mà Ánh thèm quá. Sáng nào đi học mẹ cũng cho ít tiền, nhưng Ánh chỉ dám mua quà ở xóm mình thôi, chứ ở trường thì Ánh thấy lạ và không dám. Một hôm nọ, bố đến đón trễ. Trước cổng trường không còn nhiều học sinh, nhưng ông bán kem vẫn còn đó. Ánh mân mê mấy đồng xu mẹ cho hồi sáng; một lúc sau, Ánh nhất quyết đi thẳng đến ông bán kem và đưa ra mấy đồng xu mà không biết nói gì. Ông chắc nhận ra nhỏ học sinh quen nhưng khách hàng lần đầu nên cười toe, đon đả cắt cho Ánh một miếng kem lớn hơn Ánh chờ đợi. Cầm cây kem trong tay, Ánh vẫn còn hồi hộp nhưng trong lòng đã nhẹ nhõm. Không ngờ mua kem cũng dễ chứ khó gì đâu. Sau khi le lưỡi liếm cây kem thơm ngọt, Ánh lại lo trong bụng, không biết mình ăn hàng có bị bố la không. Ánh xưa nay chưa bao giờ bị bố la, vậy mà vẫn cứ lo. Vừa lúc ấy, bố chạy xe Vespa đến, đậu ngay bên cạnh. Ánh bị bố bắt quả tang với cây kem trong tay thì lúng ta lúng túng. Bố đợi Ánh leo lên chỗ đứng trước xe, rồi rồ máy vừa chạy vừa nói: “Bố chạy chầm chậm cho con ăn kem nhé.” Lúc ấy Ánh mới thở phào nhẹ nhõm.

Cái tật nhút nhát ấy tiếp tục đeo đuổi Ánh lên bậc trung học ở Marie Curie. Vẫn vì thân hình nhỏ thó, chiều cao tối thiểu ấy, lại thêm tính hay hoảng hốt mỗi khi thầy cô hỏi tới, Ánh không phải là thành phần “visible” trong lớp. Các thầy cô không thấy Ánh, các bạn bè cũng không thấy Ánh luôn! Ánh vẫn không có bạn thân, giờ ra chơi thường lủi thủi ở một góc lớp hay một góc sân. Lên lớp 6, vì bố không đưa đón thường xuyên, trường học lại ở nơi không tiện đường xe buýt nên Ánh được bố mẹ mua cho một chiếc xe đạp để tự đạp đến trường mỗi ngày. Dù bố mẹ đã chọn loại xe nhỏ nhất, Ánh vẫn thấy nó cao nghễu nghện, và mỗi khi ngưng đèn đỏ, Ánh phải tắp vào bậc cao lề đường để chống chân cho tới. Khi không có bậc cao ấy, Ánh đành phải nhảy tót xuống để đứng hai chân trên mặt đất, tay vẫn cầm ghi đông. Mỗi lần như vậy, Ánh thấy ngượng với những người chung quanh vì ai cũng ngồi yên trên xe và chỉ cần thò chân xuống là chống chân được ngay.
Vì ngại đường phố nhiều xe, Ánh thường đi học rất sớm và là người đầu tiên đứng trước cổng trường trên đường Công Lý- cổng dành cho những học sinh tự đi xe đến trường.  Ánh thường phải đợi cả tiếng đồng hồ mới có những học sinh khác tới cùng đợi. Ánh còn nhớ đó là những năm của thập niên 60, khi người Mỹ bắt đầu có mặt nhiều ở Sài Gòn. Phía bên kia đường là một sở Mỹ. Từ cổng trường, Ánh thường kín đáo quan sát những người Mỹ cao lớn đi qua chỗ Ánh đợi trước cổng trường, băng qua đường và khuất sau cổng sở làm của họ. Có người tóc vàng, có người tóc quăn và đen. Có người đi rảo bước như có hẹn ai bên trong, có người đi như tản bộ, tay cầm miếng bánh mì, vừa đi vừa ăn. Ai đi làm sớm sẽ thấy một đứa bé gái nhỏ thó đứng đơn độc thu mình cạnh chiếc xe đạp cũng nhỏ không kém. Ai đi làm trễ hơn một chút thì thấy đã có một vài học sinh đứng rải rác cùng đợi với nó. Còn những ai đi làm sát giờ thì sẽ không nhìn thấy nó đâu vì lúc ấy nó đã lọt thỏm trong đám đông học sinh lao xao đứng đợi và nói cười huyên thuyên.

Vào một buổi sáng sớm gần mùa Giáng Sinh, Ánh đứng trước cổng trường, co ro vì thời tiết cuối năm đã bắt đầu se lạnh. Tại ngôi trường mới xa lạ, Ánh bâng khuâng tự hỏi không biết không khí Giáng Sinh ở đây sẽ ra sao. Ánh nhớ ở trường cũ, Giáng Sinh lớn chuyện lắm. Trước khi được nghỉ ngót mười ngày, bắc cầu từ Giáng Sinh đến Tết Tây, cha mẹ nào cũng có quà cho thầy hoặc cô giáo. Vào ngày cuối, mỗi học sinh mang theo món quà của mình và lần lượt bước đến bàn thầy/cô trao quà với lời chúc bằng tiếng Pháp đã được bố mẹ “gà” sẵn ở nhà. Thầy/cô luôn hoan hỉ ôm hôn từng đứa học sinh trước khi nhận quà. Ánh còn nhớ cảm giác sượng sùng khi bị các “hung thần” ôm hôn. Lên học ở trường trung học Marie Curie, Ánh không nghe bố mẹ bàn chuyện tặng quà Giáng Sinh cho thầy/cô nữa và Ánh phập phồng sợ các học sinh khác có quà mà mình không có thì kỳ lắm. Ánh đã ướm hỏi mẹ, nhưng mẹ nói “Lên trung học, con có nhiều thầy cô, làm sao bố mẹ tặng quà cho tất cả được, con!” Còn đang đắm chìm trong chuyện xưa và nay, Ánh giật nẩy mình khi thấy một dáng người to lớn bỗng dưng lù lù đứng trước mặt. Ánh ngẩng nhìn. Thì ra đó là một ông Mỹ làm ở sở bên Mỹ bên kia đường. Trong tay ông cầm sẵn một thanh kẹo sô cô la và ông nhẹ nhàng đặt nó trên yên xe đạp của Ánh rồi rảo bước ngay qua bên kia đường. Ánh nhìn món quà bất ngờ, rồi lại nhìn theo người cho quà. Ông ấy cũng quay lại nhìn Ánh như muốn bảo “Lấy đi”. Hồi lâu sau, Ánh vẫn chưa dám thò tay cất thanh kẹo. Ánh nhớ mẹ hay chê cười tụi con nít hễ thấy người Mỹ là ùa nhau chạy đến xin kẹo. Nhưng Ánh nào có xin đâu! Hôm ấy, sau bữa cơm trưa, Ánh kể chuyện được cho kẹo, mẹ đang ngồi bàn máy may, mủm mỉm cười nói: “Thế ra thay vì tặng quà Giáng Sinh, con lại được tặng quà đây!  Con có nhớ cám ơn không?” Mẹ hỏi nhưng không để ý câu trả lời, còn Ánh thì lúc đó mới chợt nhớ là mình không hề cám ơn.
Từ từ lên lớp, tính nhút nhát của Ánh từ từ giảm, Ánh không nhớ nhờ đâu. Có lẽ nhờ Ánh lên cấp 3 và trí não bắt đầu “vỡ” và được thầy cô chú ý hơn.  Dù chọn học ban văn chương, Ánh vẫn chỉ được bài Toán cho thằng em mới lên cấp 2. Nó nói “Chị Ánh chỉ bài, em thấy dễ hiểu hơn thầy em ở trường.”  Ánh bắt đầu có bạn và những lúc cùng học thi chỉ bài cho nhau, Ánh cũng được lời khen tương tự. Cuối bậc trung học, Ánh quyết định thi vào trường Đại Học Sư Phạm. Ngày đi coi bảng, Ánh hồi hộp dẫn thằng em theo, bảo nó vào xem cho chị. Nó chạy vào rồi chạy ra báo: “Em thấy có tên chị.”
Ngày đi khám sức khỏe trước khi nhập học trường Đại Học Sư Phạm, cô bác sĩ tỏ vẻ lo lắng: “Học trò bây giờ quỷ quái lắm, cô giáo này chắc sẽ vất vả lắm đây.” Nhưng, kỳ lạ thay, Ánh không lo. Có lẽ nhờ Bố một mực tin tưởng và thường nói với mẹ “Tuy nhỏ con nhưng con Ánh sẽ có cái uy của nó khi dạy học.”

Ngày nay bố đã 97 tuổi và về hưu đã lâu. Trên đất Mỹ, Ánh vẫn bền bỉ theo con đường dạy hoc. Thỉnh thoảng, bố như giật mình hỏi “Thế, trong tám đứa con, chỉ có mình con theo nghiệp cầm phấn của bố à?” 

Ánh mỉm cười, đáp:
“Dạ, chỉ có mình con thôi Bố. Nhờ nó tuy nhút nhát nhưng có uy, đó Bố.”

Doãn Kim Khánh
CA Jul 13, 2020




No comments: