Apr 28, 2020

NHỮNG VIỆC CẦN LÀM TRONG MÙA CORONA






Vào lúc 5:00 giờ chiều Chủ Nhật 26/04/2020, Hòa Thượng Thích Phước Tịnh đã có buổi nói chuyện trên mạng lần thứ hai với nhóm Phật tử GiớI Trẻ Mây Từ, với chủ đề những điều Phật tử nên làm trong mùa đại dịch COVID-19 đang tiếp tục hoành hành. Lần giảng pháp này cũng có ít nhất hơn 200 người theo dõi qua facebook của Giới Trẻ Mây Từ. Buổi pháp thoại sẽ được thâu hình và phát lại sau đó.

Dịch cúm COVID 19 đã gây ra cái chết cho hơn 200,000 người trên toàn thế giới, và hơn 55,000 tại Hoa Kỳ. Một điều đau lòng và gây lo lắng cho nhiều Phật tử có người thân chết trong mùa dịch là các nghi thức cúng kiếng tang chay, cầu siêu không được chu đáo như trong thời gian bình thường. Các đám tang, các nghi thức cúng thất diễn ra với số người giới hạn, khiến cho việc các đạo tràng hộ niệm cho người quá cố khó thực hiện được. Thầy Phước Tịnh khuyên các nhóm Phật tử hãy tổ chức những thời gian cùng đọc kinh, cùng ngồi thiền, cùng niệm chú, kết nối với nhau trên mạng xã hội để hồi hướng năng lượng lành cho người bệnh, cho người chết. Thầy tin rằng khi nhiều tâm thức lành thiện cùng lúc hướng công đức đến cho những người qua đời trong cơn dịch, thì năng lượng hộ niệm sẽ cộng hưởng lại rất lớn, không những hỗ trợ cho người chết, mà xã hội của người sống cũng được hưởng phước lành, chóng vượt qua đại nạn. Trong thời gian này, Phật tử có nhiều thì giờ dành cho tu tập hơn. Phật tử trong cùng một đạo tràng, cùng một vùng nên sắp xếp, hẹn giờ để cùng tu tập, và cùng hồi hướng công đức đến cho nạn nhân đại dịch.

Thầy Phước Tịnh khuyên đừng lãng phí thời gian quí báu trong thời điểm xã hội cách ly này, hãy dành thời gian cho tu học để tăng trưởng phước báu, tăng trưởng trí tuệ. Thời điểm tu học trong một ngày thuận lợi nhất là vào buổi sáng. Bắt đầu một ngày mới bằng sự hành trì, thì cả ngày chính chúng ta được hưởng năng lượng lành từ một tâm thức bình an. Mỗi người có thể chọn cho mình một pháp hành quen thuộc để bắt đầu một ngày mới: tọa thiền, lạy sám hối, đọc kinh, niệm chú… Thầy khuyên những Phật tử nếu chưa quen thuộc nên thử tập ngồi thiền chừng nửa tiếng. Thầy nói Thiền Tứ Niệm Xứ là một pháp hành mầu nhiệm, đã được lưu truyền từ thời Đức Phật. An trú được trong trạng thái tâm tĩnh lặng trong lúc tọa thiền là sống được với Tâm Phật Bất Động trong chính mình. Hãy bắt đầu thời thiền tọa bằng việc ngồi xuống yên ắng, lắng nghe cơ thể của chính mình. Tác ý để buông lỏng toàn cơ thể từ tóc đến chân. Đặt tâm ý vào từng bộ phận cơ thể để làm cho chúng trở về trạng thái buông thư. Sau đó, hãy đem tâm ý trở về theo dõi từng hơi thở vào, hơi thở ra. Nương theo hơi thở một cách tự nhiên là cách thực hành đơn giản mà hữu hiệu để đưa tâm về an trú trong thời điểm hiện tại mầu nhiệm. Làm được điều này, Phật tử có được một cơ thể khỏe mạnh, một tâm thức an định để phòng chống tật bệnh.

Trong phần giải đáp câu hỏi, một Phật tử trẻ đang phải đọc kinh để hộ niệm cho người thân vừa mất, thắc mắc rằng đọc kinh nào thì có thể có phước báu, tiêu trừ nghiệp ác, giúp cho người chết vãng sanh. Thầy nói rằng tùy vào truyền thống của từng ngôi chùa, từng đạo tràng, từng gia đình mà bài kinh tụng có thể khác nhau: Kinh Địa Tạng, Kinh Di Đà, Kinh Phổ Môn… Tuy nhiên, tụng kinh nào thì cũng đem đến một lợi ích chung: tâm của người đang tụng trở nên an lạc. Lời kinh nào cũng giúp cho người đọc hướng thiện. Những bài kinh đã được tụng từ hàng ngàn năm trước bởi biết bao vị thánh tăng, cho nên năng lượng lành vô hình rất lớn. Niệm danh hiệu Phật nào cũng làm cho người niệm khởi niềm tin vào Phật Pháp. Như vậy, việc tụng kinh niệm Phật trước tiên là làm tăng phước báu, nghiệp lành cho người sống. Và khi tâm người sống đã có được sự bình an, thì việc hộ niệm sẽ có tác dụng mạnh hơn đối với người quá cố, vì họ vẫn cảm nhận được năng lượng từ tâm của người thân còn sống.

Tương tự khi trả lời một Phật tử về vấn đề quả báo trong kinh Phật, Thầy Phước Tịnh cho rằng chỉ có những bậc thánh trí mới thấy hết sự vận hành sâu xa, phức tạp của luật nhân quả. Tuy nhiên, ở mức độ đời thường, ta vẫn có thể thấy rằng niềm tin vào nhân quả sẽ dẫn đến một xã hội đạo đức, lành thiện hơn. Nếu ai cũng làm việc lành, tránh làm điều ác, thì không chỉ họ được hưởng quả lành, mà cả những người thân, xã hội cũng được ảnh hưởng theo.

Có Phật tử hỏi Thầy Phước Tịnh làm sao để có thể làm giảm nghiệp ác giúp cho cha mẹ. Câu hỏi này có thể là do những xung đột trong gia đình xảy ra trong thời cách ly xã hội. Thầy trả lời rằng trên nguyên tắc thì nghiệp ai nấy trả, chỉ có mình có khả năng làm thay đổi nghiệp của chính mình mà thôi. Tuy nhiên, khi người con có tu tập, thì sẽ có khả năng hành xử đúng mức, bình tĩnh, kham nhẫn mỗi khi có xung đột trong gia đình. Chính những hành xử này sẽ kềm chế bớt sự xung đột có thể dẫn đến trầm trọng hơn, tức là đã làm giảm nghiệp của cha mẹ. Và cha mẹ cũng có thể sẽ được cảm hóa trước cách xử sự đúng đắn của con mình, từ đó có thể tự thay đổi trong tương lai. Một lần nữa, việc tu tập chính bản thân là cách làm thực tế nhất để cảm hóa người khác. Một người con có tu học có thể hướng cha mẹ đến với Phật Pháp để tự cải nghiệp.

Nhiều Phật tử bất an trước việc mất công ăn việc làm trong mùa dịch, nhờ Thầy khuyên nên làm sao. Thầy nói rằng chúng ta đang sinh sống ở Hoa Kỳ là quốc gia giàu có nhất hành tinh. Những trợ giúp từ chính phủ, từ cộng đồng xã hội là khá lớn, cho nên dù có hoạn nạn nhưng người dân cũng không đến nỗi thiếu ăn, thiếu mặc. Thầy kể những chuyện thương tâm xảy ra ở những quốc gia khác, như một bà mẹ vì túng quẫn không thể nuôi nổi đàn con thơ trong mùa dịch đã giết con rồi tự sát. Theo cách nhìn tương đối như vậy, chúng ta vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người. Mọi chuyện rồi sẽ qua đi, đừng để lo lắng bất an hủy hoại thêm chính mình và gia đình.

Nhóm Giới Trẻ Mây Tử đã đại diện Phật tử gần xa gởi lời tri ân Thầy Phước Tịnh vì những lời khuyên quí báu. Thầy đồng ý chiều Chủ Nhật tuần tới sẽ tiếp tục có buổi pháp thoại cùng Phật tử trong mùa dịch COVID-19.

Doãn Quốc Hưng

No comments: