Cách đây ba mươi năm, chị đã được chào đời tại Hà Nội. Chỉ hai năm sau, chị đã phải làm một chuyến viễn hành lìa quê hương để vào Nam. Từ đó về sau, đương nhiên chị đã cùng trải qua mọi thăng trầm trong cuộc đời của hai bác, cho đến năm hai mươi tám tuổi. Năm ấy là lần thứ nhì chị làm một chuyến viễn hành. Và lần này chị vĩnh viễn rời bỏ quê hương thứ hai, miền Nam, mà cũng là quê hương cuối cùng, quê hương đau thương mà chị còn giữ lại trong trí nhớ.
Có thể nói, cùng với chị Khánh, chị là người con được hấp thụ một nền giáo dục chu đáo, đầy đủ nhất nhà. Chị và chị Khánh cùng học một trường trung học (Marie Curie) rồi sau đó cùng gặp nhau ở sân trường Sư Phậm. Khả năng nói và viết ngoại ngữ của chị cũng rất tuyệt. Thêm vào đó chị lại mang một tâm hồn nghệ sĩ thật phong phú, thật hồn nhiên. Chị đi tìm tri thức như đi tìm những người bạn lý thú, và những kiến thức ấy đến với chị cũng tận tình trọn vẹn như đến với người tri kỷ. Chị chính là cái kho cung cấp kiến thức cho cả nhà. Chỉ cần một câu hỏi: “Chị Thanh ơi, Cézanne là ai, ở thế kỷ nào?” là đủ để nhận được một câu trả lời thật chi tiết về nhà danh hoạ ấy, về thời đại, tiểu sử, sự nghiệp, trường phái ... của ông ta. Mãi năm năm sau khi chị đi, chị Khánh vẫn còn kể lại những cuộc nhàn đàm bỏ túi do chị Thanh điều khiển. Chị đã tóm tắt về chủ đích trong văn nghiệp của V. Hugo, về quan niệm sống của ông, và cách thể hiện quan niệm ấy trong tác phẩm của ông. Và bao nhiêu đề tài khác nữa.
Chị còn có một tâm hồn rất trữ tình. Bàn tay chị đã làm quen với những cọ, những bay, những khung, những bảng màu huyền ảo. Chị yêu thích cái đẹp, và hay đi lang thang trong thành phố xin những loài hoa hàng rào ngộ nghĩnh của người ta về cắm đầy nhà theo một bố cụn riêng rất ngộ nghĩnh của chị. Cả cái sở thích làm bánh của chị cũng xuất phát từ lòng yêu cái đẹp. Chị làm đủ loại bánh, đủ hình thù khác nhau, và sung sướng đứng ngắm người khác thưởng thức tác phẩm của mình một cách tận tình.
Ngô Thuỳ
(còn tiếp)
Ngô Thuỳ
(còn tiếp)
No comments:
Post a Comment