Oct 28, 2016

PHẬT TỬ TẠI HOA KỲ LÀ NHÂN TỐ QUAN TRỌNG - Doãn Quốc Hưng

Nhóm Giới Trẻ Mây Từ tại khóa tu dã ngoại ở Mountain High, California. 

Hòa Thượng Thích Phước Tịnh: Phật tử tại Hoa Kỳ là nhân tố quan trọng để bảo tồn truyền thống Phật Giáo Việt Nam


Vào những ngày tiết thu trung tuần Tháng 10, nhóm Giới Trẻ Mây Từ tại khóa tu dã ngoại Những Bước Chân An Lạc trên vùng rừng núi Mountain High (California) cho hơn 100 tăng ni, Phật tử đến từ nhiều nơi của Hoa Kỳ. Trong khóa tu này, Hòa Thượng Thích Phước Tịnh đã có một bài giảng về lịch sử văn hóa lâu đời của Phật Giáo Việt Nam, để rồi từ đó đặt trọng trách cho các Phật tử, tăng ni trên đất Mỹ.

Hòa Thượng Thích Phước Tịnh giảng rằng Bắc Ninh, quê hương của những làn điệu Quan Họ ngọt ngào, cũng là một trong những cái nôi lâu đời nhất của nền văn hóa Phật Giáo của dân tộc Việt. Ngay vào những thế kỷ đầu tiên của Công Nguyên, cố đô Luy Lâu (hiện nay thuộc hiện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc, cách Hà Nội khoảng 30 km) đã là một trung tâm văn hóa, thương mại sầm uất, nơi giao điểm của các nền văn minh. Tại đó, ngôi chùa Dâu (còn gọi là chùa Pháp Vân) đã được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ Ba, được xem là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất của nền văn hóa Phật Giáo Việt Nam. Tại cái nôi của Phật Giáo này, Thiền Sư Khương Tăng Hội đã có công xây dựng, khởi đầu cho dòng chảy Phật Giáo Việt Nam, bắt đầu từ đầu thế kỷ thứ Ba.

Cha mẹ của ngài Khương Tăng Hội đến từ Ấn Độ, sinh ra ngài tại Giao Chỉ, tức là Việt Nam thời đó. Có thể xem Thiền Sư Khương Tăng Hội là Sơ Tổ của Thiền Tông Việt Nam. Điều đáng nói là ở chỗ, một số sử sách ghi chép rằng chính ngài cũng đã đem đạo Phật sang tận Lạc Dương, Trung Hoa, trước cả Tổ Bồ Đề Đạt Ma  (Sơ Tổ của Thiền Tông). Người Phật tử Việt Nam cần biết điều này, để bỏ qua mặc cảm thành kiến, khi tưởng rằng Phật Giáo Việt Nam xuất phát từ Phật Giáo Trung Hoa! Hình như trong nước, khuynh hướng lệ thuộc, tôn sùng nền văn minh Trung Hoa đang được truyền bá rộng rãi một cách có hệ thống, có ý đồ!

Nhưng một lịch sử văn hóa lâu đời của quá khứ như vậy không có ích gì cho hiện tại, khi mà hiện nay Phật Giáo Việt Nam trong nước đang bị chính quyền CSVN làm cho băng hoại. Chẳng có gì đáng tự hào, khi mà những giá trị  bi- trí- dũng của Phật Giáo thời Lý-Trần đã biến mất trên quê hương Việt Nam. Thay vào đó, là một xã hội Việt Nam băng hoại đạo đức đến tận gốc rễ, khi mà con người chỉ còn chạy theo giá trị vật chất, tiền bạc. Cái tầng cạn nhất của ngũ uẩn là sắc uẩn, nay lại trở thành giá trị được con người tôn sùng, bỏ qua những giá trị sâu sắc hơn về mặt tâm thức của con người. Không tin vào nhân quả, con người đang tàn phá, huỷ diệt quê hương chỉ vì lợi ích trước mắt của cá nhân, gia đình, đảng phái. Người Phật tử Việt Nam phải cảm thấy đau lòng trước tình trạng đạo pháp suy vong ngay trên quê hương mình, vốn có một truyền thống Phật Giáo lâu đời và rực rỡ.
Trở lại với thực tại, Hòa Thượng Thích Phước Tịnh nói rằng người Phật tử ở Mỹ hiện đang có đầy đủ duyên lành nhất để đến với Phật Pháp. Xứ Mỹ có thể xem là một cảnh trời, mà một số kinh sách đã từng mô tả. Không khí trong lành. Vật chất thừa thãi, con người không phải lo lắng về cơm áo. Quyền tự do cá nhân, tự do tôn giáo được tôn trọng tuyệt đối. Chùa chiền, tu viện, kinh sách, giới tăng ni ở tiểu bang Cali tập trung dồi dào vào bậc nhất. Có lẽ không ở nơi đâu, điều kiện tu học, thực hành Phật Pháp của người Phật Tử VIệt Nam lại thuận lợi như trên đất Mỹ.

Hòa Thượng Thích Phước Tịnh đã thiết tha kêu gọi người Phật Tử gốc VIệt tại Hoa Kỳ hãy học hỏi, nghiên cứu lời Phật dạy. Điều quan trọng hơn là hãy thực hành. Bởi vì Đạo Phật không thể thấu hiểu bằng lý thuyết mà thiếu phần thực hành. Hãy thực hành Chánh Pháp, giữ gìn Chánh Pháp. Hãy tìm phương cách phù hợp để truyền được tinh thần, cách sống theo Phật Pháp cho thế hệ con em sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ.  Nếu chỉ với lễ nghi, cúng kiếng, Phật Giáo sẽ không đủ sức thuyết phục đối với giới trẻ.


Cũng như công cuộc bảo tồn lịch sử, văn hóa Việt Nam, nền văn hóa Phật Giáo Việt Nam cần được gìn giữ, bảo tồn bởi những người Phật tử gốc Việt tại Hoa Kỳ. Rất có thể, đó sẽ là những mầm Phật Pháp trong tương lai để gieo trồng lại tại Việt Nam, khi mà quê hương thực sự thay đổi theo chiều hướng tự do, văn minh, dân chủ.

Doãn Quốc Hưng 

No comments: