Cũng trong buổi lễ, Đức Dalai Lama đã có một buổi nói chuyện ngắn nhưng đầy ý nghĩa đối với tăng ni và Phật tử gốc Việt. Ngài nói rằng người Tây Tạng cũng có lịch sử lưu vong như người Việt, nhưng lâu hơn, đã bắt đầu từ năm 1959. Nhưng Ngài rất ngưỡng mộ tinh thần của người Việt, đi đâu cũng tìm cách gìn giữ nguồn gốc văn hóa của mình. Ngài đã đi nhiều nơi trên thế giới có người Việt sinh sống, nơi nào Ngài cũng thấy người Việt xây dựng những ngôi chùa, để duy trì dòng chảy của Đạo Phật trên quê hương mới. Cũng như hôm nay, ngôi chùa Điều Ngự khang trang đã chính thức khánh thành.
Đức Dalai Lama nói rằng dù Ngài đã 80, nhưng lúc nào cũng thấy mình là người học trò của Đức Phật, lúc nào cũng muốn học hỏi Phật Pháp. Đạo Phật là đạo của tu và chứng. Duy trì việc tu học và chứng đắc chính là duy trì Phật Pháp. Vì vậy, Ngài mong rằng chùa Điều Ngự sẽ trở thành một trung tâm tu học (learning center), để Phật tử có thể tìm đến đây mà tu học Phật Pháp. Nếu xây dựng những ngôi chùa to, những tượng Phật lớn, mà không có giảng Phật Pháp thì cũng chẳng có ích lợi gì.
Hơn thế nữa, Ngài còn mong chùa Điều Ngự còn trở thành một nơi để truyền bá Phật Pháp đến với những người không phải là Phật tử. Bản thân ngài đã từng tiếp xúc với nhiều người, dù thuộc các tôn giáo khác nhưng vẫn muốn tìm hiểu Phật Pháp, vì tìm thấy lợi ích từ việc thực hành nó. Thiền chỉ và thiền quán là cách thực tập điều tâm để phát triển Từ Bi và Trí Tuệ, điều này đâu chỉ có ích cho riêng người Phật tử. Giáo lý sâu xa của Đức Phật là để tìm hiểu bản chất thực của Tâm Thức, giải thích một cách sâu sắc những xúc cảm và ý thức trong mỗi người trong chúng ta. Đã đến lúc những kiến thức quí báu này về tâm thức không chỉ được phổ biến cho người Phật tử, mà người Phật tử cần có bổn phận phải chia sẻ với những người thuộc tôn giáo khác. Bởi vì tất cả mọi con người đều bị những tâm niệm tiêu cực làm cho đau khổ. Hiểu biết về tâm là cách để giảm bớt khổ đau cho nhân loại. Thật là hữu ích nếu chùa Điều Ngự trở thành một nơi trao đổi việc thực hành tu tâm với các truyền thống tâm linh khác nhau. Đức Dalai Lama còn dành thời giờ để giải thích về Bát Nhã Tâm Kinh, một bài kinh mà hầu như người Phật tử nào cũng thuộc lòng, hoặc đã từng đọc. Ngài nhắc đến đoạn kinh “Quán Tự Tại Bồ Tát Hành Thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không…” như là tinh hoa của quá trình tu tâm trong Phật Pháp.
Nhiều người Phật tử Việt Nam đã vô cùng cảm kích trước những lời giáo huấn của Đức Dalai Lama. Nhớ lại cách đây hơn nửa thế kỷ, nhiều người Tây Tạng đã đau buồn vì phải lưu vong, khi quê hương Tây Tạng bị Trung Cộng xâm chiếm. Nhưng chính Đức Dalai Lama đã chỉ ra một khía cạnh đầy lạc quan từ biến cố đau thương này. Cũng nhờ đó, mà nền văn hóa Phật Giáo Tây Tạng đã có dịp lan tỏa khắp thế giới Tây Phương cùng dòng người Tây Tạng lưu vong, và được nhiều người Âu Mỹ biết đến và thực hành như ngày hôm nay. Những người Phật tử Việt Nam hy vọng rằng mình cũng sẽ làm được những điều như người Tây Tạng đã làm: duy trì được nền văn hóa Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại.
Doãn Hưng
No comments:
Post a Comment