Feb 25, 2016

HÃY YÊU NHAU ĐI - Hưng Gàn



Chương trình ca nhạc kịch Hãy Yêu Nhau Đi 5/3/2016: lời kêu gọi hiểu và thương đối với người đồng tính

Vào tối ngày Thứ Bảy 5 Tháng 3 2016 tại hội trường Việt Báo sẽ diễn ra chương trình ca nhạc kịch do Hội VROC (Viet Brainbow of Orange County) tổ chức, có chủ đề là Hãy Yêu Nhau Đi. Chương trình này cũng là một thông điệp gởi đến cộng đồng Người Việt ở Mỹ: hãy thông cảm và thương yêu đối với những người đồng tính.

Đạo diễn của chương trình- anh Tâm Võ- cho biết đây là chương trình văn nghệ đầu tiên mà VROC tổ chức kể từ ngày thành lập (2012), là dịp để VROC được tiếp cận, chia sẻ với cộng đồng. Những người tham gia vào chương trình đều không phải là những nghệ sĩ chuyên nghiệp. 2/3 trong số họ là những người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới hoặc đang nghi vấn về giới (LGBT). Số còn lại là gia đình, các bậc cha mẹ, người thân, và những bè bạn đồng cảm. Chương trình ca nhạc kịch này sẽ là một nhịp cầu, giúp cho cộng đồng hiểu rõ hơn để cảm thông và yêu thương những thành viên LGBT trong gia đình, trong cộng đồng.

Cũng theo anh Tâm Võ, đây là lần đầu tiên ba thế hệ LGBT trong đại gia đình VROC cùng góp mặt trong một chương trình văn hóa thuần Việt, nói và diễn bằng tiếng Việt. Từ bậc cha mẹ, cho đến giới trung niên, cùng các em nhỏ sinh ra và lớn lên ở Mỹ. VROC vẫn muốn giữ gìn nền văn hóa Việt Nam cho thế hệ trẻ tương lai, và tin rằng LGBT vẫn có thể đóng góp tích cực cho nền văn hóa Việt tại hải ngoại. Chương trình sẽ bao gồm nhiều tiết mục đặc sắc. Điều này có thể hiểu được, vì những người đồng tính thường là những người có độ cảm nhận nghệ thuật rất cao. Họ giàu cảm xúc, và làm nghệ thuật hết mình, một trong những yếu tố quan trọng để thành công trong nghệ thuật. Anh Tâm còn nhắn với khán giả rằng “…nhớ mang theo khăn giấy để lau nước mắt…”, bởi vì chương trình sẽ rất xúc động. Hai vở kịch sẽ được diễn đều dựa trên những câu chuyện có thật, đã xảy ra trong gia đình những người đồng tính trong cộng đồng chúng ta. Anh Tâm kể lại rằng trong những lần tập, những diễn viên càng ngày diễn càng hay, vì họ khóc cười thật, với những cảm xúc thật đã từng xảy ra với chính mình.

Chị Bích Hà, một người Công Giáo, một bà mẹ trong VROC, sẽ diễn một vai trong vở kịch về chính câu chuyện của gia đình mình. Đã rất khó khăn cho chị khi quyết định đưa bi kịch của gia đình mình ra trước công chúng. Nhưng sau cùng, chị đã đủ can đảm để làm việc này, vì chị không muốn bi kịch đó tiếp tục xảy ra trong những gia đình khác thuộc cộng đồng người Việt ở Mỹ. Cách đây 10 năm, người con gái thương yêu 12 tuổi của chị tự nhiên chuyển đổi tâm lý hoàn toàn thành nam, sinh hoạt, ăn mặc và hành xử như một người nam. Phản ứng ban đầu của chị trước thực tế này -cũng như nhiều  bậc phụ huynh khác có con LGBT- là đau khổ, buồn bã. Chị phải vừa dấu giếm điều này với mọi người thân, ngay cả chồng của mình, vừa phải “đấu tranh” với con gái, tìm cách khuyên con gái mình hãy “trở lại bình thường”. Trong 5 năm trời, gia đình của chị không còn là một nơi hạnh phúc, mà tràn đầy mâu thuẫn, buồn thương, thất vọng. Rồi khi lên trường, cháu lại tiếp tục bị bạn bè chế diễu. Thật là quá tội nghiệp cho trẻ thơ, vì cháu đâu có tội tình gì! Sau 5 năm sống trong tuyệt vọng, tìm mọi cách thay đổi sự thật, làm khổ mình, làm khổ con, cuối cùng chị Bích Hà quyết định chấp nhận sự thật. Chị đã đi tìm hiểu những dữ kiện về người đồng tính, cùng con đi gặp các nhà tư vấn, những chuyên viên về vấn đề này. Hiểu ra được vấn đề, chị cảm thấy nhẹ nhõm, làm hòa lại với con, đem gia đình trở lại thành mái ấm, hạnh phúc. Đơn giản như một chiếc công tắc điện. Chỉ cần đưa tay bật, là mọi thứ sáng bừng, rõ ràng. Chị tiếc là mình đã không chịu tìm hiểu sớm hơn để hiểu cho đúng hiện tượng LGBT, khiến cho gia đình phải sống trong 5 năm đau khổ.

Theo bác sĩ Đông Xuyến- chuyên gia tâm lý học- ngay từ thập niên 70 của thế kỷ trước, nhiều nhà khoa học tâm lý trên thế giới và Hoa Kỳ đã đưa vấn đề đồng tính ra khỏi danh sách “những loại bệnh tâm lý”. Khoa học đã khám phá ra rằng não bộ của những người LGBT có cấu tạo khác biệt so với người nam, nữ ngay từ bẩm sinh. Đây là một biểu hiện tâm sinh lý bình thường, không phải là bệnh lý. LGBT đã có trong xã hội loài người từ thuở rất xa xưa. Trong thế giới động vật cũng có những cá thể đồng tính. Để dễ tưởng tượng hơn, hãy lấy hình ảnh nguyên tử ra làm ví dụ. Nguyên tử bao gồm các hạt mang điện tích âm, những hạt mang điện tích dương, và cả những hạt trung tính. Đây là một cấu tạo bình thường của thế giới tự nhiên, hạt trung tính không phải là một “dị dạng” của cấu tạo nguyên tử.

Cũng theo chị Xuyến, những người LGBT vẫn luôn luôn có mặt trong xã hội con người. Sở dĩ ngày nay, mọi người có cảm giác là họ “đông hơn” chỉ vì họ đã mạnh dạn công khai biểu lộ hơn, xuất hiện nhiều hơn trong xã hội. Đó là do ở những xã hội văn minh, mọi người có đầu óc cởi mở hơn, thực tế hơn, nên đã chấp nhận những người đồng tính.

Riêng đối với cộng đồng người Việt chúng ta, từ trước đến nay người Việt cũng đã từng “dán nhãn tội lỗi” cho một số chứng bịnh như bịnh cùi, bịnh tâm thần. Chính vì nghĩ đó là tội lỗi, cho nên chúng ta tìm cách dấu diếm khi gia đình có người bệnh, tìm cách cô lập người bệnh. Những việc làm này đã làm trầm trọng thêm đối với người bệnh. Tương tự là cách nhìn đối với những người LGBT. Nếu tìm hiểu để biết rõ đó là một hiện tượng bình thường, thì những nghi kị sẽ biến mất. Chúng ta sẽ nhìn những người thân, bạn bè đồng tính bằng cặp mắt cảm thông, từ đó giúp họ hòa nhập trong xã hội như những người bình thường, không phân biệt đối xử.

Đi xem chương trình ca nhạc kịch Hãy Yêu Nhau Đi để có một đêm nghệ thuật đầy cảm xúc. Đến với chương trình Hãy Yêu Nhau Đi cũng để hiểu rõ hơn về những thành viên đồng tính trong gia đình, xã hội. Thông điệp quan trọng nhất gởi đi trong đêm văn nghệ này có lẽ là Hiểu Và Thương. Đừng để sự thiếu hiểu biết làm hố ngăn cách giữa những người thân yêu. Tình thương lớn chỉ có thể được qua sự hiểu biết xâu sa. Chỉ khi hiểu rõ một người, đặt mình trong hoàn cảnh của người đó, chúng ta mới có thể yêu thương người đó một cách trọn vẹn.

Hưng Gàn

No comments: