Feb 7, 2015
SỰ TÍCH NGÃ NĂM CHUỒNG CHÓ - Anh Quân
Cho bà Hương biết thêm truyện xưa.
Sự tích Ngã Năm Chuồng Chó
Sở dĩ có địa danh Ngã Năm Chuồng Chó (quận Gò Vấp – Đông Bắc Sài Gòn) vì nơi đây từng tồn tại một trường quân khuyển của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Thời Pháp thuộc, giao lộ này được gọi là Ngã Năm Hàng Điệp vì dọc theo 5 tuyến đường chéo nhau bấy giờ có trồng những cây điệp rất lớn và đẹp. Đến thời Quốc gia Việt Nam, liên quân Pháp-Việt đã xây dựng tại đây một trường huấn luyện quân khuyển. Kể từ đó, người dân Sài Gòn đặt cho giao lộ này cái biệt danh Ngã Năm Chuồng Chó, lâu dần thành quen.
Vào năm 1966, do nhu cầu trong Chiến tranh Việt Nam, trường quân khuyển cũ được nâng cấp thành Trung tâm Huấn luyện và Bổ sung Quân khuyển với quy mô mở rộng, kỹ thuật huấn luyện cũng được cập nhật từ Mỹ. Ban sơ, những chú chó được tuyển chọn để canh gác tại phi trường Đà Nẵng, nhưng do thấy được sự tiện dụng và hiệu quả của “đội quân” này, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã lập ra nhiều trại chăn nuôi để có số lượng quân khuyển lớn (cũng tại Gò Vấp). Các chú chó nghiệp vụ này kiêm thêm công việc tuần tiễu, được huấn luyện đánh hơi du kích quân ngâm mình dưới bùn và thở bằng ống thông hơi ; có một thời, tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ tại Đông Nam Á đều sử dụng quân khuyển do Việt Nam Cộng hòa huấn luyện. Suốt giai đoạn Chiến tranh Việt Nam, quân khuyển Việt Nam Cộng hòa được biên chế thành các tiểu đoàn, được cấp thẻ chích ngừa bệnh dại và tham dự các lễ diễn hành quân sự.
Sau khi chiến tranh kết thúc, trường quân khuyển được trưng dụng thành cơ sở dân sự (nay còn nguyên các dãy nhà cũ). Giao lộ Ngã Năm Chuồng Chó sau này được mở rộng thành Ngã Sáu Gò Vấp, hay còn được gọi là Ngã sáu Nguyễn Oanh – Nguyễn Kiệm.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment