Nov 8, 2014

LÁ THƯ LONDON - Anh Quân




Dear Bà Hương ,

Viết cho bà một câu chuyện, thật ra là chuyện với đề tài cũ rích nhưng lại cứ trong tâm tư tui bao nhiêu năm nay, mà tui vẫn chưa chịu quẳng đi để vui cuộc sống hiện tại , nhất là cuộc đời này ngắn ngủi thì hơi đâu mà lo những chuyện đâu đâu và không thực tế.

Tuần trước tui đi quay phim video đám cưới, khách dự , cô dâu chú rể có thể xem là tầng lớp lao động miền Bắc Việt Nam, trong đó đủ thành phần là đứa sang lậu không giấy tờ, đứa mới có giấy, đứa được định cư nhiều năm tại Anh quốc. Tất nhiên là tui nghe đủ loại tiếng Việt trong đó từ thanh tao cho đến tục tĩu , thêm cách nói chuyện bất chấp luật lệ, mà cái hình ảnh rõ nét nhất là họ đang cố cởi khỏi cái lớp nghèo khổ từ Việt Nam và tập khoác cái áo văn minh của một quốc gia giàu có tây phương.

Trong cái đám cưới này, ngôn ngữ xử dụng duy nhất là tiếng Việt,  không pha trộn một chữ tiếng Anh nào cả. Đây chính là điều làm tui suy nghĩ, vì trong đám cưới tui gặp lại vài đứa học học trò mà vài năm trước tụi nó có đến lớp tiếng Việt của tui. Tụi nó tuổi từ 12 cho đến 16, vẫn đi học đều đặn tại trường trung học tại đây. Giờ tụi nó làm biếng không đến lớp tui nữa. Thật ra tui nghĩ tụi nó không cần học tiếng Việt với tui nữa, vì trong buổi đám cưới tui nó nói tiếng Việt từ đầu đến cuối, những từ ngữ mà chúng ta hay nói chuyện, tui nó kêu cha mẹ đứng chụp ảnh, gọi đi lên, đi xuống, xoay qua phải trái…. Cho thấy tụi nó không có một vấn đề khi đối thoại tiếng Việt.

Nhiều năm dạy tiếng Việt , mỗi lần gặp người Việt tui luôn kêu gọi họ cho con em họ đi học tiếng Việt, thì có những lúc tui bị các câu nói như là “học tiếng Việt để làm gì? ở đây xài tiếng Anh đâu ai xài tiếng Việt…”. Có những người không nói gì nhưng họ từ chối một cách khéo léo là công việc làm, mà thành phần này có kiến thức (tui không dùng chữ trí thức), đời sống ổn định, họ có thể dắt con đi học những lớp như Piano, Violin, Tennis, võ thuật…. đều là thứ tốn kém. Nhưng không bao giờ để ý tới việc cho con cái học tiếng Việt này cả.

Tui vài lần cũng được đặt quay phim cho những nhóm người Việt ở từng lớp khá giả hơn. Những đám cưới này lại có lễ nghi phong tục nhiều hơn. Cô dâu và chú rể luôn trở về nguồn là áo dài khăn đóng, có khi phù dâu và phù rể đều mặc áo dài hết. Họ đầy đủ mâm quả và heo quay đi hỏi vợ. Một hình ảnh hoàn toàn khác biệt với hình ảnh ở cấp lao động là mọi thứ phải giống tây, càng thiệt giống bao nhiêu thì càng thích bấy nhiêu.

Trong đám cưới về nguồn thì lại lẩn lộn hai ngôn ngữ là lớp trưởng bối của họ là nói tiếng Việt nhưng đám trẻ thì hầu như là tiếng Anh.

Làm cho tui suy nghĩ là khi từng lớp lao động qua tới đây, họ không thể học được tiếng bản xứ, ngôn ngữ họ dùng là tiếng Việt, nên họ bắt con họ phải nói tiếng Việt, nhất là họ phải nhờ sự giúp đỡ con cái của họ trong đời sống mỗi ngày như mua bán, đi bác sĩ nhà thương, xã hội… ngoài ra trong nhà họ luôn có chương trình VTV4 mở liên tục. Có đứa học trò của tui nó bỏ thời gian xem hết cả 100 tập phim “Cảnh sát hình sự”.

Còn lớp có kiến thức thì luôn dùng tiếng Anh với con cái, một phần họ không muốn giải thích quá nhiều khi họ phải nói tiếng Việt với con cái, nói tiếng Anh dể hơn không phải dịch lại.

Có một vài câu chuyện tại đây nghe thấy buồn, một ông cụ có thể xem là một người trí thức của xã hội Việt Nam, bỏ bao nhiêu công lao viết sách, dịch sách tiếng Việt qua tiếng Anh, kể cả văn thơ như Truyện Cười, nhưng con cái không nói được một chữ tiếng Việt . Ông cụ bùi ngùi nói sau này qua đời thì tất cả những gì cụ bỏ công cho ngôn ngữ tiếng Việt sẽ vào hòm chung với cụ vì con cái không nhìn thấy giá trị.

Ngược lại thì cũng có chuyện thú vị như ông cụ Trần Minh (hình như là anh của bà Ngô Đình Nhu) , qua đây làm cho ban Việt Ngữ BBC từ thập niên 60 cho đến về hưu thì có những con không học được tiếng Việt, đến lúc trưởng thành lại xách cặp đi tìm người dạy tiếng Việt. Trong đám con của cụ Minh có một người con là anh Mark Tran chuyên viết về trang tài chánh ở tờ báo Guardian tại Anh và tờ Washington Post.

Cộng đồng Việt Nam Châu âu so với Hoa Kỳ, Canada và Úc châu thì èo uột yếu đuối, vì số người định cư không đông đảo, nền văn hoá Việt Nam không thể phát triển, chưa kể ý thức hệ quá khác biệt. Nên cái chuyện có một trường học dạy tiếng Việt như là một thứ xa xỉ phẩm. Nhưng cái xã hội Anh lại thuộc loại đa văn hoá như Mỹ, Úc…. Nên có những hoạt đồng tương đồng là họ ủng hộ chương trình “Teaching Community Language”. Đây là một kế hoạch tuyệt vời cho những sắc tộc thiểu số, nhất là họ đồng ý chấp nhận tiếng Việt được là môn thi tốt nghiệp tại trường trung học.

Trường tiếng Việt của tui được xếp vào nhóm “Ngôn Ngữ Cộng Đồng”. Đây là điều lợi ích mà rất tiếc tui không thể phát triển được là số lượng học trò quá ít, đến nổi không thể gọi là trường chỉ được xem là lớp. Có thể một ngày tui phải đóng cửa, xem như một thất bại và một điều mình biết chắc là khi bỏ là sẽ không bao giờ có lại được.

Trong viển ảnh đen tối này thì tui lại thấy một điều thú vị là khi một người Việt lập gia đình với người bản xứ thì đôi vợ chồng khác chủng tộc này lại khuyến khích con mình đi học tiếng Việt hơn là gia đình Việt Nam. Trong lớp tui con một con bé, bố là người Anh, mẹ là người Việt mà nhà cách London hơn 50 miles mà mỗi tuần mẹ nó đưa tới lớp tiếng Việt của tui một cách điều đặn. Lúc đầu tui nghĩ nó sẽ bỏ cuộc sau vài tuần thế mà đã 3 năm rồi. Bởi vậy tui cảm thấy là muốn hay không? nhu cầu có cần không?  Nhất là ý thức văn hoá truyền thống, cộng đồng và vv… có muốn giữ không? Ngoài ra đôi lúc tui cũng tự hỏi là có người Việt mình lại thích bỏ vào cái văn hoá tây phương thì mới văn minh chăng? Tui rất thích đọc truyện Chu Tử nhưng lại bực mình trong truyện của ông lâu lâu lại chêm vài vài câu tiếng Pháp. Bởi vậy tui luôn cảm thấy thoải mái và thích thú khi đọc khảo luận “Người Việt đáng yêu” của Doãn Quốc Sỹ và một ngày chắc tui phải chịu khó đọc quyển “Lược Khảo về ngữ pháp” …. Đây là một điều quan trọng …   

Thôi tui dừng lá thư London của tui đây

Thân
Quân






No comments: