Jul 4, 2013

PHOTOGRAPHY - Anh Quân


Photography từ chữ Hy Lạp mà ra . Photos là Anh Sáng (LIGHT) còn GRAPHOS là Vẽ (Drawing) có nghĩ là vẽ ánh sáng... nếu chúng ta điều khiển được ánh sáng là chúng ta có tấm ảnh đẹp. Lấy ví dụ chụp người mà ngược sáng mà không có đèn (Flash) là tối hù khuôn mặt thì tội gì chúng ta phải chụp.Kéo người đó vào bóng mát mà chụp để có hình đẹp .Bởi vậy luôn nghĩ ánh sáng trước khi chup hình

1. Xài máy ảnh nào ?

Đây là một cái đề tài tranh cãi không bao giờ dứt. Thêm nữa mỗi lần người Việt Nam (nhất là phe đàn ông) là khoái bàn máy ảnh hơn chụp ảnh. Có những người là phải phục họ là họ thuộc lòng máy ảnh, nói một cách dể dàng như ăn cơm sườn. Thật ra có một kiến thức về máy ảnh là tốt nhưng đừng quá suy nghĩ về nó vì như vậy là mình rơi vào tình trạng là người đi bán máy ảnh chứ không phải chụp ảnh. Cái quan trọng là mình phải chọn cho mình một thể loại nhiếp ảnh. Ví dụ như là "Street Photography" thì một cái máy con dế hay IPHONE đi chụp ban ngày là đủ rồi. Còn mình chọn "Sport Photography" thì phải nghĩ tới những hàng loại nặng như Canon Mark III , ống kính 300mm hay 400mm etc... nhưng phải nhớ mình không có cái thẻ chụp hình cho nhà báo, thì cầm các loại hàng nặng vào các sân chơi thể thao thì không có vị trí tốt để chụp và có khi đồ nặng quá bị cấm đem vào. Còn chụp ánh sáng thấp về đêm thì phải cần hàng từ trung bình cho đến hàng tốt. Đi chụp chim cò thì cũng là hàng cũng như chụp thể thao. Cầm hàng mắc tiền thì xem bảnh tỏn thiệt , cũng như lính ra trận cầm tiểu liên ngon hơn súng trường. Khi quyết định mình sẽ chụp thể loại nhiếp ảnh nào nhiều nhất thì mua cái máy ảnh đó. Cũng như độc thân thì khoái xe Xì Spot, hai chỗ ngồi để tán các em. Còn có gia đình tay bế tay bồng thì xe 7 chỗ ngồi là đẹp nhất. Cuối cùng quan trọng nhất là ý tưởng một tấm ảnh. Cũng như trong cuộc chiến Việt Nam thì hai tấm ảnh mang tầm ảnh hưởng trong thế kỷ 20 là tấm bà Kim Phúc bị bom nepal do nhiếp ảnh Nick Ut chụp và tấm hinh tướng Nguyễn ngọc Loan bắn chết tên VC do ông Adam chụp. Vậy chúng ta có thắc mắc hai nhiếp ảnh chiến trường xài máy hình gì không ???? mà mỗi lần học trò đi học chụp hình đều lấy hai tấm ảnh đó ra bàn về ý tưởng người chụp hình hơn là chiếc máy ảnh. Vậy quên bớt một chút máy ảnh chẳng sao và đừng bao giờ nghĩ máy ảnh của tui không xịn không chụp bằng người ta.Luôn hỏi mình có khả năng chụp tấm ảnh đẹp không? trước khi đổ thừa là hổng có máy tốt.

2. Dùng Software nào để chỉnh hình

Trước chưa có digital thì mọi thứ chỉnh hay sửa hình ảnh đều trong phòng tối. Kể ra việc đi rửa phim cũng thú vị lắm , từ việc tháo phim từ máy chuyển thành âm bản (negative). Rồi vào phòng tối pha thuốc , dùng đèn rọi, tăng giảm ánh sáng, xài filter tăng độ nét , tiếp theo các phương pháp đốt hình tăng giảm màu sắc. Đó là một công việc rất là công phu. Một tấm ảnh rửa có khi làm mất cả tiếng, mà cái việc tui sợ nhất là làm sao canh tấm hình được vuông vắn trên tờ giấy, vì thường tui hay canh méo hình cứ chẳng bao giờ ngay thẳng cả. Kể ra đó một việc làm vô cùng thú vị chỉ có điều hai bàn tay lúc nào cũng có mùi thuốc hóa học. 

Khi thế giới Digital tấn công vào nhiếp ảnh  thì việc rửa hình dần dà giảm lần và riết mất tiêu luôn. Người ta bắt đầu làm quen với những Phần mềm để chỉnh hình và sửa hình. Một số software ra đời nhưng không có cái nào ăn dứt được cái phần mềm gọi là Photoshop, từ phiên bản số 1 cho đến số 7 , rồi chuyển qua CS1 rồi từ từ lên tới CS6 hay còn hơn nữa mà đến giờ tui hết theo kịp vì thật cho đến giờ tính ra trên cả 10 năm tui nghe cái tên Photoshop, tui xách cặp đi học, rồi mua sách về học từ ngày này qua ngày kia , cho đến hôm nay tui cảm thấy chẳng hiểu gì hết. Nói rõ hơn cầm quyển sách Photoshop có 10 chương thì học xong chương thứ ba , bước qua chương thứ tư, học được một chút tui cảm thấy tui chẳng nhớ gì ba chương kia, rồi học lại thì kết quả cũng y hệt vậy. Thiệt tình mà nói cho dù có nhớ thì lên chương thứ 4 tui chẳng hiểu gì hết. Cho nên tới ngày này trình độ của tui chỉ có ba chương trong sách Photoshop. Bởi vậy khi thấy những ai dùng Photoshop sáng tạo ra nghệ thuật là tui phục họ lăn xuống đất. Tui không hiểu nổi làm sao họ có thể tạo ra những tấm ảnh quá tuyệt vời.

Cho đến những năm 2007 thì cái phiên bản đầu của Lightroom bắt đầu xuất hiện. Tui cảm thấy dùng cái phần mềm này coi bộ thích hợp cho những thằng chụp hình như tui. Tui thấy các phần sử dụng trong lightroom vừa ý với tui là tăng giảm ánh sáng, tăng độ nét một cách dể dàng thì như vậy tiện lợi cho tui.

Trong photoshop đều có hết nhưng việc làm có vẻ chuyên môn hơn , tui cảm thấy khó khăn sử dụng quá. Nên tui chỉ góp ý như sau: 
Nếu chụp một tấm ảnh, sau đó chỉ tăng giảm ánh sáng và độ nét thì LIGHTROOM sẽ là phần mềm thích hợp.

Còn ai muốn đi sâu vào nghệ thuật thì vẫn là Photoshop. Chẳng hạn ngày nay nhiều nhiếp ảnh gia chụp ảnh đám cưới hay làm các tấm ảnh loại High Dyamic. Tức là hình rửa ra như tranh họa làm nổi bậc nhất là phần màu sắc. Photoshop là phần mềm để sử dụng. Còn ai chỉ muốn chỉnh màu sắc cho đúng thì Light Room là tốt nhất.
Trong đây không có việc đúng sai chọn phần mềm nào, chỉ quan trọng là thứ nào tiện lợi cho mình mà thôi.

3. Vài ý kiến chỗ nào được phép chụp hình và chỗ nào không được phép

Công Cộng (Public place)

Khi đứng chỗ công cộng là mình được phép chụp tất cả mọi thứ không có ai được phép cấm chụp hình. Tuy nhiên việc dùng cây càng 3 chân và 1 chân sẽ bị hạn chế (tripod), lí do là cản trở lưu thông cho người đi lại. Cảnh sát thấy không vừa ý nơi đông người là họ sẽ yêu cầu mình cất các cây chụp hình.

Chỗ công cộng chụp hình người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em không có trái luật pháp. Với điều kiện không dùng hình ảnh đó làm thương mại. Tuy nhiên mình sẽ bị một số người nghĩ là họ biết luật và họ tới nói mình không được phép chụp họ. Từ đó thành tranh cãi ồn ào. Tất nhiên có kêu cảnh sát hay đưa ra tòa mình chẳng bị tội gì. 

Loại người này thuộc loại nghĩ mình cái gì cũng đúng, nên vô phương giải thích. Bởi vậy người biết luật đành phải thua tên không biết luật. Cách hay nhất là nói "Tôi sẽ xóa hình tôi vừa chụp nha" sau đó mình xóa nhưng dù có xóa vẫn có thể về nhà đem cái phần mềm cứu (rescuse) thì lấy lại được hình. Ngoài ra việc chụp con nít ngoài nơi công cộng hay bị cải nhau, tuy là người chụp không bị tội gì hết mà lại khổ với người không biết luật. Họ sẽ mắng chửi và hăm dọa cảnh sát. Những quốc gia càng phát triển thì càng bị nói là cấm không được chụp con nít. Chứ qua Ấn Độ thì chụp con nít cả ngày , không bị ai nói gì cả. Có khi người chụp phải trốn không dám chụp cho tụi nhỏ nữa vì tụi nó đòi chụp hoài. 

Tư nhân (Private place)

Đất tư là mình không thể chụp gì hết, cảnh sát được quyền bắt và ra tòa là thua. Bởi vậy mình phải biết các chỗ nào là tư nhân như Trung Tâm Buôn Bán (Shopping Center hay Shopping Mall), nhà hàng , các nhà ga xe lửa , quán nước. Lí do các khu vực buôn bán này muốn kiếm ăn nên họ làm lơ cho mình chụp hình chứ trên luật là KHÔNG. Chứ năm ngoái máy tay săn ảnh đi chụp Hoàng Tử William và vợ là Kate trong lâu đài riêng tư , nên các tay săn ảnh đó đều sai luật nhất là chụp hình khỏa thân của Kate.

Các Huy Hiệu (LOGO)

Điều có bản quyền , ví dụ như công ty Apple. Nếu mình đứng trước cửa tiệm họ, phía sau là Logo quả Táo, nếu mình bấm cái máy một rét , trên luật là sai vì mình đã chụp quả táo. Tất nhiên chụp chơi thì họ chẳng để ý nhưng tấm hình đó đem đi bán là có chuyện phải trái. Nhưng nếu mình trên con phố , chụp hình tổng quát mà dính các Logo như Apple, Starbucks, Chocolate MM, Levis's .... thì không phạm luật vì người chụp không cố ý chụp LOGO nhưng vì là con phố chung thì các công ty nổi tiếng phài chịu.

Đem hình bỏ lên Website (Upload pictures)

Tất cả hình mình chụp bỏ lên Facebook chẳng hạn mà không viết tên mình lên trên đó hay làm dấu Water Mark. Thì tất cả hình này có tên gọi hình mồ côi (Orphan pictures), thì thiên hạ sẽ được phép xài một cách vô tội vạ.

Bản quyền hình ảnh

Mỗi quốc gia có luật riêng nhưng ở tại các xứ tây phương hay bên Mỹ thì có thể nói luật không xê xích bao nhiêu. Một nhiếp ảnh chụp các tấm ảnh thì tất cả là bản quyền của họ cho đến ngày chết, sau đó các tấm ảnh được kéo thêm 70 năm là mục đích cho thân nhân của họ hưởng quyền lợi. Nếu thân nhân họ đem đi bán thành chuyện khác. Còn không sau đó thành của chung.









No comments: