MỘT VÀI KÝ ỨC VỀ GIA ĐÌNH SƯ PHẠM.
Kính thưa quý vị,
Hôm nay nhân dịp Gia Đình Sư Phạm họp mặt, tôi xin được kể một vài kỷ niệm thầy trò của tôi.
Tôi học trung học tại trường Lycee Gia Long Hà Nội. Nhà thơ Vũ Đình Liên – một nhà thơ lớn của Việt Nam, tác giả của bài thơ bất hủ “Ông Đồ Già” -là một trong những vị thầy dạy tôi khi ấy. Trong trường, các thầy cô dạy học trò bằng tiếng Pháp. Rồi giờ giải lao, các thầy cô ngồi nghỉ tại một phòng riêng, trò chuyện với nhau cũng bằng tiếng Pháp. Một hôm tôi quyết định trà trộn vào đám học trò đứng trước phòng thầy cô đang ngồi nghỉ, lớn tiếng ngâm hai câu cuối của bài “Ông Đồ Già”:
Kính thưa quý vị,
Hôm nay nhân dịp Gia Đình Sư Phạm họp mặt, tôi xin được kể một vài kỷ niệm thầy trò của tôi.
Tôi học trung học tại trường Lycee Gia Long Hà Nội. Nhà thơ Vũ Đình Liên – một nhà thơ lớn của Việt Nam, tác giả của bài thơ bất hủ “Ông Đồ Già” -là một trong những vị thầy dạy tôi khi ấy. Trong trường, các thầy cô dạy học trò bằng tiếng Pháp. Rồi giờ giải lao, các thầy cô ngồi nghỉ tại một phòng riêng, trò chuyện với nhau cũng bằng tiếng Pháp. Một hôm tôi quyết định trà trộn vào đám học trò đứng trước phòng thầy cô đang ngồi nghỉ, lớn tiếng ngâm hai câu cuối của bài “Ông Đồ Già”:
Những người xưa năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ.
Bên trong, thầy Vũ Đình Liên nghe thấy, biết ngay có đứa học trò vừa trêu mình, khẽ tiếng mắng “hah… hah…”. Tôi đã khéo léo trà trộn trong đám đông, nên thầy không nhận ra tôi để mắng trực tiếp. Quý vị thấy đó, khi là học trò, tôi cũng phá phách lắm.
Vào Nam, cuộc đời của tôi gắn liền với hai nghiệp: nghiệp nhà giáo và nghiệp viết văn. Tôi đã từng dạy học ở nhiều trường như Trần Lục, Sư Phạm Sài Gòn, Đại Học Vạn Hạnh, Đại Học Văn Khoa… Tình thầy trò, tình bằng hữu của tôi đối với các học trò và đồng nghiệp ở trường Sư Phạm Sài Gòn là sâu đậm nhất. Tôi vẫn xem đó là một gia đình thứ hai của tôi. Thưở tôi bị đi học tập cải tạo, cứ mỗi lần trước ngày thăm nuôi tôi, là các anh Linh, anh Bửu, anh Thường… lại dắt một lô học trò cũ như Tô Minh TÍn, Bùi Đăng Khuê, Lê Nguyên Anh… đến gặp bà nhà tôi, trao một giỏ quà và một ít tiền để phụ việc thăm nuôi tôi. Những ơn nghĩa như vậy khó có thể mà quên được.
Trong những người bạn cố tri của tôi thuộc gia đình Sư Phạm, anh Nguyễn Quí Bổng là người chu đáo nhất. Hằng năm, cứ mỗi lần đến dịp Tết, hay dịp kỷ niệm cưới của tôi và bà xã, thì anh Bổng bao giờ cũng gọi phone từ Canada sang để chúc mừng. Năm ngoái tôi cũng đã có dịp sang tận Canada để thăm anh chị Bổng. Hiện nay nghe nói anh Bổng đã rất yếu, phải chạy thận một tuần 3 lần.
Học trò tôi thì rất nhiều, không thể nào nhớ hết. Nhiều học trò của tôi ở Sư Phạm Sài Gòn sau này trở thành thầy cô giáo của trường Sư Phạm Thực Hành ở đường Trần Bình Trọng, dạy lại chính các con của tôi, đúng là tình thầy trò tiếp nối qua hai ba thế hệ. Ngày nay thầy trò gặp nhau, thì đa phần các học trò của tôi đã trở thành ông bà nội, ông bà ngoại cả rồi. Những mái đầu bạc mà gặp tôi vẫn cứ gọi tôi là thầy, xưng con. Tình thầy trò không có tuổi tác là vậy.
Tôi có một người học trò ở trường Trần Lục tên là Đào Phú Cương. Thuở tôi ở tù, Cương cũng ở cùng chỗ vì tội chính trị. Cương đến nhận mình là học trò cũ, chăm sóc cái ăn, cái ngủ cho tôi trong tù. Sau đó, Cương được thả tự do trước vào dịp Tết. Cương đến ngay nhà tôi sau ngày ra trại, gặp bà nhà và các con, kể chuyện tôi ở trong tù như thế nào, rồi nhận là con nuôi trong gia đình tôi luôn. Kể từ đó, không có một dịp cưới hỏi, giỗ tết nào của gia đình tôi mà Cương không có mặt để phụ giúp. Hiện nay Cương đang ở Dallas, Texas. Ngày bà nhà tôi mất cách đây hai năm ở Houston, Cương về đeo tang như con ruột. Tình thầy trò như vậy không khác phụ tử tình thâm là mấy.
Tôi xin được dừng nơi đây và chúc quý thầy cô và các cựu sinh viên trường Sư Phạm Sài Gòn một buổi họp mặt thật vui vẻ!
Doãn Quốc Sỹ
Ghi chú: bài diễn văn này được đọc tại Nhà Hàng Dimond – ngày 21 tháng 7 năm 2013, nhân dịp ngày Họp Mặt Thường Niên Gia Đình Sư Phạm Saigon HẢI NGOẠI.
No comments:
Post a Comment