May 16, 2010

SINH VIÊN HỌC SINH VIỆT NAM ĐI DU HỌC Ở MỸ: THẾ HỆ TỊ NẠN GIÁO DỤC MỚI CỦA DÂN TỘC VIỆT TRONG THẾ KỶ 21


Nhìn lại 35 năm lịch sử tị nạn, ai trong chúng ta cũng dễ dàng hình dung ra từng chặng đường ly hương của mình kể từ Tháng Tư Đen 1975. Những đợt di tản đầu tiên sau ngày mất nước. Kế đến, cuối thập niên 70 là thời kỳ bắt đầu cho những đợt vượt biên, đánh đổi mạng sống đi tìm tự do, ghi vào lịch sử tị nạn thế giới 4 chữ “Thuyền Nhân Việt Nam”. Đến đầu thập niên 90, những đợt ra đi theo các chương trình H.O bắt đầu. Trễ hơn một chút là những gia đình đi theo dạng bảo lãnh, đoàn tụ. Khoảng hai triệu người Việt chúng ta ở Mỹ ngày hôm nay là kết quả của những dợt di dân liên tục đó.

Sau 35 năm, có phải phong trào rời nước ra đi đã thuộc về quá khứ? Câu trả lời là không. Chỉ có điều mức độ, hình thức thì có khác. Đã và đang hình thành một thế hệ “người Việt tị nạn mới” khắp nơi trên nước Mỹ. Chúng ta có thể gọi tên thế hệ này là “thế hệ tị nạn giáo dục”- những du học sinh, sinh viên đến từ Việt Nam. Sự bùng nổ số lượng du học sinh đến từ một nước nghèo như Việt Nam là một sự kiến đáng cho chúng ta suy gẫm…

Đầu tiên phải xác định rằng “du học sinh Việt Nam” được nhắc tới trong bài viết này không bao gồm thành phần con cháu các quan chức lớn của chính quyền Việt Nam, được gởi sang để làm kinh tế, hay rửa tiền. Họ đi nước ngoài không phải để học, nên không thể gọi là du học sinh được. Không ai có thể biết được chính xác, nhưng có lẽ họ chiếm tỉ lệ không nhiều so với con số du học sinh Việt Nam hiện nay.

Sẽ không khó khăn lắm để tìm ra các em du học sinh Việt Nam thực sự ở các trường trung học, đại học ở Quận Cam, San Diego, San Jose và nhiều nơi nữa ở Cali. Thật ta, các du học sinh Việt Nam đi học ở rất nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Anh, Singapore, Úc … Đông nhất vẫn là ở Mỹ. Dù không có số lượng thống kê chính thức, nhưng có thể tin rằng bang Cali là nơi có số lượng du học sinh Việt Nam đông đảo nhất.

Tại sao hiện tượng đi du học đang bùng nổ tại Việt Nam? Có nhiều nguyên nhân, nhưng hai nguyên nhân chính thuộc về giáo dục và kinh tế. Xét về khía cạnh giáo dục, người dân đã hoàn toàn mất niềm tin với hệ thống giáo dục của nhà nước Việt Nam. Đã từ hơn một chục năm nay, nhà nước hô hào cải cách giáo dục, nhưng xem ra mọi thứ vẫn không có gì thay đổi. Chương trình học quá từ chương, mang tính chất nhồi sọ nhiều hơn là phát triển trí tuệ. Học sinh tại các trường trung học đi học thêm cả ngày, học đến kiệt sức của tuổi thơ mà tri thức vẫn nghèo. Sinh viên đại học thì vẫn học theo cách của trung học, tức là nặng lý thuyết mà ít thực hành, không phát triển được sự sáng tạo của sinh viên. Ở Việt Nam vẫn thường nói mỉa mai đại học Việt Nam là đi học lớp 13, 14, 15,16. Điều quan trọng hơn là chương trình giáo dục không theo kịp của những thay đổi của kinh tế, xã hội, cho nên sinh viên ra trường thường khả năng thích ứng với môi trường làm việc kém, đặc biệt là đối với các công ty nước ngoài. Xét về khía cạnh kinh tế, sinh viên đi du học khi ra trường có nhiều hy vọng kiếm được những công việc có mức lương cao hơn. Các công ty nước ngoài ở Việt Nam thường ưu tiên tuyển dụng các em có bằng cấp nước ngoài hơn, vì các em có khả năng làm việc tốt trong môi trường kinh doanh của các quốc gia đã phát triển. Các công ty lớn trong nước muốn kinh doanh với nước ngoài thành công cũng cần đến nguồn nhân lực được đào tạo tại nước ngoài. Một cơ hội lớn khác đối với các em là, nếu học giỏi, các em sẽ có khả năng được các công ty Mỹ giữ lại làm việc.


Rất nhiều các em đi du học là học sinh của các trường trung học nổi tiếng tại Sài Gòn. Nhiều em học giỏi thuộc hàng đầu của trường, của thành phố. Có thể nói các em là chất xám tương lai của đất nước. Một câu hỏi hay được đặt ra là gia đình các em thuộc thành phần nào, làm gì ở Việt Nam mà có tiền cho con đi du học? Không trả lời được câu hỏi này, nhiều người dễ kết luận chung là “ tất cả du học sinh đều là con cán bộ cao cấp, vì chỉ có cán bộ mới đủ tiền cho con đi du học”! Một số em đang học tại các trường thuộc bang Cali cho biết cha mẹ mình là giới trí thức, kinh doanh ở Sài Gòn. Họ đang làm cho các công ty nước ngoài, hoặc làm chủ các doanh nghiệp thành công trong nước. Với mức thu nhập trên 2,000 Đô La Mỹ một tháng là họ đã có thể nghĩ đến việc cho con đi du học. Cộng thêm với tiền thu được từ việc mua bán đất, hoặc mua bán chứng khoán, số tiền dành dụm của gia đình trong khoảng 10 năm là tạm đủ để cho một đứa con đi học ở Mỹ. Thay vì dùng số tiền này để có một cuộc sống sung túc, họ đã đổ dồn hết vào việc lo cho con có một tương lai tươi sáng hơn bằng cách đi du học. Giống như trước 30 năm trước đây chúng ta đã từng đổ cả gia tài để có một vài người trong gia đình đi vượt biên. Có một gia đình ở Sài Gòn, chồng là kỹ sư, vợ là bác sĩ, cả hai đều đang làm việc cho các công ty nước ngoài. Họ còn đầu tư được một miếng đất đã mua từ 10 năm trước. Toàn bộ gia sản được dồn vào để đưa cậu con trai đầu lòng đi học đại học ở Cali. Bữa cơm chiều của họ- một gia đình trung lưu ở Sài Gòn- có khi chỉ là một nồi canh để tiết kiệm chi phí gia đình. Nhìn hình ảnh này để thấy sự hy sinh vô bờ bến của nhiều bậc cha mẹ trong nước, theo truyền thống “tất cả cho con cái” của gia đình Việt Nam, khi quyết định cho con đi du học.

Hoàn cảnh ăn, học của du học sinh Việt trên đất Mỹ hiện nay ra sao? Đa phần, các em không gặp khó khăn trong việc học chuyên môn, vì các em đã từng là những học sinh xuất sắc ở quê nhà. Nhiều em cố học thật nhiều (khoảng 19 units một học kỳ) để nhanh chóng ra trường, vì biết bố mẹ đang rất vất vả để gánh học phí của mình. Nhưng không phải em nào cũng có khả năng nhanh chóng hòa nhập vào không khí của học đường và xã hội Mỹ. Nhiều em đang học ở Cali được ở chung với họ hàng (thường là cô, dì, chú, bác), nên cũng đỡ cảm thấy bở ngỡ, cô đơn. Tuy nhiên đâu có ai thay thế được sự thương yêu của cha mẹ mình được. Có những em gái dành một ngày cả tiếng đồng hồ để nói chuyện điện thoại với mẹ ở Việt Nam cho đỡ nhớ. Có những em nhớ nhà, nhớ bạn bè ở Việt Nam quá, xin về lại Việt Nam, nhưng bố mẹ phải khuyến khích để các em cố gắng ở lại để hoàn tất việc học của mình. Đối với cộng đồng, các em ngần ngại khi tiếp xúc vì không lường trước được phản ứng của mọi người.

Các em hoạch định tương lai ra sao? Sẽ trở về hay tìm cách ở lại đi làm tại Mỹ? Các em ý thức được sự hy sinh lớn lao của cha mẹ dành cho mình, ý thức được mình sẽ là đầu tàu của gia đình trong tương lai. Quyết định về hay ở phụ thuộc vào ý nguyện của cha mẹ và của chính các em nữa. Có em muốn về lại Việt Nam sau khi tốt nghiệp. Như đã nhắc ở phần trên, khả năng kiếm được một công việc lương cao ở quê nhà là rất lớn. Có em còn muốn về với hy vọng có thể làm thay đổi đất nước. Khi cha hỏi đất nước đâu có dễ gì thay đổi mà con về làm gì, em nói rằng mình phải vững tin chứ. Ở Mỹ có ai trước đây nghĩ rằng sẽ có ngày tổng thống là người da màu đâu, vậy mà bây giờ ông Obama lên rồi đó. Ít ra thì việc hít thở bầu không khí tự do, dân chủ ở Mỹ trong bốn năm cũng làm cho các em có một cái nhìn mới tích cực hơn so với các bạn đồng trang lứa ở quê nhà. Tuổi trẻ Việt Nam trong nước bây giờ thụ động lắm, ít dám nghĩ xa trông rộng. Cũng có nhiều em dự trù ở lại. Nếu học giỏi để có một công ty Mỹ nhận đi làm trong vòng một năm sau khi ra trường, các em sẽ chính thức được cấp visa làm việc, rồi sau đó là thẻ xanh, rồi trở thành công dân Mỹ. Làm việc ở Mỹ mới có thu nhập thực sự xứng đáng với số tiền mà cha mẹ đã bỏ ra cho các em đi du học. Các em sẽ giúp đỡ gia đình được nhiều hơn. Và quan trọng hơn nữa, các em có thể là đầu tàu để đưa gia đình sang định cư ở Mỹ trong tương lai. Có em được dặn dò rằng cha mẹ chỉ đủ tiền lo cho con đi du học, sau này con phải lo cho em mình. Cũng giống như trước đây một gia đình lo cho một người con đi vượt biên vậy. Điểm giống là cha mẹ cũng nhìn thấy đất nước chưa sáng sủa trong tương lai. Điểm khác là hồi xưa việc ra đi có thể được đánh đổi bởi sinh mạng, còn bây giờ chỉ dừng ở mức độ toàn bộ số tiền dành dụm của gia đình mà thôi.

Nhìn các em du học sinh Việt Nam ở Mỹ dưới góc độ như vậy, ta sẽ dễ thông cảm với gia đình và các em hơn. Dù ở lại hay quay về, các em cũng là niềm hy vọng của gia đình, của đất nước Việt Nam trong tương lai. Các em xứng đáng được sự quan tâm hơn của cộng đồng người Việt ở Mỹ chúng ta, tinh thần tương thân tương ái mà chúng ta đã dành cho nhau trong quá khứ, khi người đi trước dan tay ra đón các đợt người Việt tị nạn đến sau vậy…

Đoàn Hưng

1 comment:

Markland House said...

Anh Hung oi, bai viet cua Anh em doc rat thich. Nhung em du hoc o Toronto cung rat giong nhu o My. Co em khong may man, co em may man de dap lai su hy sinh cua cha me. Da so nhung truong hop em gap hay giup deu co chung mot co gang co duoc mot viec lam hay lam mot cai gi do de co the o lai va de sau do co the bao lanh gia dinh minh sang. Cau duy nhat ma em hay nghe o cac em la "luc dau sang kho thiet so voi ben nha nhung du gi van co "tuong lai" hon o VN, chi oi!".