May 18, 2010

VIET-CARE VÀ NGÀY SỨC KHỎE TINH THẦN KỲ II (15-05-2010): THAY ĐỔI CÁCH NHÌN VỀ BỆNH TÂM LÝ Ở NGƯỜI VIỆT ĐẤT MỸ

Anh Paul Hoàng và ban tổ chức Ngày Sức Khỏe Tinh Thần Kỳ II

Vào ngày Thứ Bảy 15-05-2010, Viet-Care sẽ tổ chức Ngày Sức Khỏe Tinh Thần Kỳ II tại Acacia Adults Services ,11391 Acacia Parkway Garden Grove, CA 92840. Ngày Sức Khỏe Tinh Thần Kỳ I diễn ra vào tháng 05 năm ngoái cũng đã được sự hưởng ứng đông đảo của đồng bào tại khu vực Quận Cam Nam Cali. Việc thành lập hội bất vụ lợi Viet-Care cũng như việc tổ chức Ngày Sức Khỏe Tinh Thần đều có cùng một mục đích: đem thêm sự hiểu biết về các chứng bệnh tâm lý, cùng cách điều trị, đối xử với bệnh nhân đến với cộng đồng Người Việt Ở Mỹ. Xin mời quí độc giả cùng nghe anh Paul Hoàng- Chủ Tịch của Viet-Care – nói về sự kiện có ý nghĩa này…

Anh Paul Hoàng tốt nghiệp Cao Học Ngành Tâm Lý Xã Hội ở Chicago vào năm 2006. Anh đã từng là Sư Huynh của Dòng Ngôi Lời, đã đi nhiều nơi để truyền giáo và làm công việc từ thiện xã hội. Anh đã từng điều trị tâm lý cho các trẻ em mắc bệnh tâm thần, đã từng làm tư vấn tinh thần cho thanh thiếu niên băng đảng, đã từng giúp đỡ những người vô gia cư thuộc đủ mọi sắc tộc khác nhau trên nước Mỹ, trong đó có cả người Việt. Khi so sánh với các sắc tộc khác, anh Paul nhận thấy người Việt ít có những thống kê trong cộng đồng về căn bệnh này, do đó việc kêu gọi sự giúp đỡ gặp khó khăn hơn các sắc tộc khác.

Trong một chương trình nghiên cứu của mình trong thời gian còn đi học, anh Paul đã kết luận rằng khi so sánh với các sắc tộc khác ở Mỹ, số lượng người Việt mắc các chứng bệnh tâm lý, tâm thần mà không đi chữa trị chiếm tỉ lệ cao hơn. Những chứng bệnh tâm lý hay gặp ở trong cộng đồng chúng ta là chứng rối loạn căng thẳng sau những chấn thương tâm lý, chứng trầm cảm, chứng lo âu quá độ. Có thể lý giải được cho sự xuất hiện của những căn bệnh này. Nhiều người Việt bỏ nước sang định cư ở Mỹ đã trải qua nhiều sóng gió trong cuộc đời. Những bạo hành, ngược đãi trong trại cải tạo ở Việt Nam. Những ký ức khủng khiếp trong những chuyến vượt biên, phải chứng những cảnh hãm hiếp, chết chóc... Những thay đổi về quan niệm gia đình, xã hội do sự khác biệt giữa hai truyền thống Mỹ - Việt, dẫn đến những đỗ vỡ, mất mát trong cuộc sống. Những yếu tố này đã tạo ra những vết thương tâm lý tiềm ẩn, sau một thời gian không được điều trị đúng mức sẽ phát triển thành bệnh lý mãn tính.

Nguyên nhân nào khiến nhiều người Việt không đi chữa trị các bệnh về tâm lý? Theo anh Paul, nguyên nhân đầu tiên là vì những giới hạn về ngôn ngữ và thu nhập. Báo cáo mới nhất trong năm 2010 của tổ chức Đánh Giá Nhu Cầu Về Sức Khỏe Quận Cam (OCHNA) đã đưa ra những thống kê rất đáng báo động về tình trạng chăm sóc y tế của cộng đồng chúng ta. Một cách tổng quát, so với các sắc tộc khác, người Việt ở Quận Cam có tỉ lệ đi khám bác sĩ định kỳ để phát hiện bịnh sớm -kể cả bệnh tâm lý lẫn bệnh thực thể - là rất thấp (tỉ lệ là 1/5). Nguyên nhân chính là vì thu nhập thấp và ngại nói tiếng Mỹ. Điều này dẫn đến tình trạng khi phát hiện ra bệnh thường đã quá nặng. Nguyên nhân thứ hai, thường liên quan đến các bệnh về tâm lý, là do những thành kiến sai lầm của người Việt từ xa xưa về căn bệnh tâm thần. Theo cách nhìn truyền thống của người Việt, bệnh tâm thần thể hiện sự yếu đuối về mặt tinh thần. Nhà có người mắc bệnh tâm thần là đáng xấu hổ, nên thường tìm cách che dấu. Một người trong nhà mắc bệnh có khi được coi là do ma quỉ ám, hoặc là sự trừng phạt của thượng đế về những điều ác đã gây ra. Sự thiếu hiểu biết của người trong gia đình như vậy đã đẩy bệnh nhân vào chỗ tuyệt vọng lý ra không đáng có. Anh Paul kể những trường hợp xảy ra trong các gia đình Việt ở Mỹ rất đáng thương. Một số người ở giai đoạn đầu của bịnh trầm cảm, có biểu hiện xa lánh gia đình xã hội, thay vì được quan tâm, chăm sóc lại bị gia đình chửi mắng, khiến họ càng rút vào thế giới tâm bệnh của mình, làm cho bệnh trầm trọng thêm. Một số gia đình còn trói con bị bệnh trong nhà và đánh đập khi lên cơn. Khó có thể tưởng tượng những cảnh như vậy mà lại diễn ra ở xứ sở văn minh này! Cũng đáng tội cho những gia đình như vậy vì họ thiếu hiểu biết, và hành động theo những định kiến của xã hội cũ.

Theo cách nhìn về y học, những người mắc bệnh tâm thần đáng thương hơn nhiều. Một số phát hiện mới đây cho thấy có trường hợp bệnh tâm lý là do những kích thích tố bất thường gây ra. Có nghĩa là cũng giống như một số bệnh thực thể khác. Nhiều trường hợp tâm bệnh là do ảnh hưởng của môi trường sống xung quanh, mà gia đình là một trong những yếu tố rất quan trọng vào bậc nhất. Nếu được phát hiện và chữa trị sớm, được người thân thương yêu giúp đỡ, nhiều người bệnh có khả năng trở lại bình thường. Che dấu người bệnh trong nhà, để bệnh tình trở nên trầm trọng, vô tình người thân đã hủy hoại chính tương lai của con em mình, biến người bệnh thành một gánh nặng lớn cho cả gia đình và xã hội.

Nhận thức rõ được bối cảnh này, anh Paul và một số chuyên gia về sức khỏe tinh thần, về tâm lý gia đình xã hội người Việt đã ngồi lại và thành lập Việt-Care vào ngày 20-07-2008. Hiện nay Viet-Care có 5 thành viên trong Ban Quản Trị và hơn 20 cộng tác viên. Mục tiêu và sứ mệnh của Viet-Care có thể tóm tắt:
- Đem lại kiến thức, kỹ thuật để hỗ trợ cộng đồng trong việc giúp đỡ và chữa trị cho người mắc bệnh tâm lý, đặc biệt là khôi phục lại quyền bình đẳng, sự thông cảm của người bệnh trước xã hội, cộng đồng.
- Hơp lực các nguồn lực, kết hợp các chuyên gia trong lĩnh vực bệnh tâm lý với nhau để hỗ trợ nhau trong việc điều trị cho các bệnh nhân của cộng đồng.
- Tranh đấu các chính sách của chính quyền dành cho bệnh nhân & gia đình
- Tìm ra một phương cách điều trị phù hợp cho các bệnh nhân gốc Việt. Nên nhớ không phải các phương pháp chữa trị tâm lý dành cho người Âu Mỹ đều có thể áp dụng thành công đối với các bệnh nhân gốc Á Đông, do sự khác biệt về văn hóa.

Viet-Care có chương trình radio VietView phát trên đài Little Saigon vào tối Thứ Hai hàng tuần (8:00PM-9:00 PM) để phổ biến thông tin về sức khỏe tinh thần đến thính giả. Ngày Sức Khỏe Tinh Thần là một trong những hoạt động định kỳ hằng năm của Viet-Care hiện nay. Mục đích chính của sự kiện miễn phí này cũng là đem lại cho cộng đồng những kiến thức quan trọng cần biết về tâm lý bệnh, từ đó mọi người có cái nhìn đúng đắn hơn đối với bệnh nhân. Người tham dự cũng biết thêm các cá nhân, tổ chức trong cộng đồng hiện nay có thể giúp đỡ về mặt phát hiện, điều trị các căn bệnh tâm lý. Ngày Sức Khỏe Tinh Thần lần I vào năm ngoái đặt trọng tâm vào vai trò của giới lãnh đạo tinh thần, tôn giáo, lãnh đạo cộng đồng. Anh Paul cho biết đã có trường gia đình bệnh nhân đến gặp một vị tu sĩ để xin được giúp ý kiến, thì vị này khuyên là hãy về cầu nguyện thêm, chứ không nhắc đến việc gặp bác sĩ điều trị! Chủ đề của Ngày Sức Khỏe Tinh Thần năm nay là “Sức Khỏe Tinh Thần Là Việc Hệ Trọng Của Gia Đình”. Viet-Care lần này muốn đề cao vai trò của gia đình trong việc phát hiện, điều trị bệnh tâm lý cho người thân của mình. Gia đình vẫn đóng vai trò quan trọng đối với cộng đồng người Việt ở Mỹ. Năm nay sẽ có những buổi nói chuyện về vấn đề sức khỏe tinh thần, tâm lý dành cho mọi lứa tuổi trong gia đình: thiếu niên, thanh niên, người lớn và người cao niên. Đây sẽ là dịp người tham dự nghe những kiến thức cơ bản, quan trọng về tâm lý bệnh. Có chỗ khám sơ quát về bệnh trầm cảm. Mọi người ở mọi độ tuổi đều có thể tìm thấy hữu ích khi tham gia chương trình. Ngay cả khi trong gia đình không có người bệnh tâm lý, việc biết thêm về triệu chứng ban đầu để phát hiện sớm, biết cách phòng ngừa bệnh cũng là một điều cần thiết.

Có thêm một người hiểu biết hơn về sức khỏe tinh thần, có thêm một gia đình biết cách đối xử phù hợp với người bệnh tâm lý, khả năng đưa thêm một người bệnh trở lại đời sống bình thường sẽ cao hơn, và cộng đồng chúng ta sẽ lành mạnh hơn về mặt tinh thần trong tương lai. Đó cũng là mong ước của Viet-Care và những người tổ chức Ngày Sức Khỏe Tinh Thần Kỳ II…

Đoàn Hưng


Tổ Chức Viet-Care trong ngày kỷ niệm đệ nhất chu niên


No comments: