Bà Thanh,
Tôi ở Paris 2 bữa, bữa đầu nằm dài ở hotel, chỉ ra khỏi phòng đi ăn thôi, vì hôm đó mới tới, mệt rã người, mà trời Paris bữa đó gió và lạnh, cái lạnh ẩm thấp khó chịu quá, tôi chả thiết đi chơi nữa. Bữa sau lên Orsay (nói «xuống» chắc đúng hơn, vì Orsay nằm trong banlieu sud của Paris) làm việc với tên bạn tôi hợp tác từ lâu, và với thằng đệ tử của tôi, rồi hôm sau cùng nhau bay qua Maroc dự cái conference tên là PIRM (Physique de l'Interaction Rayonnement-Matière). Chỗ tụi này họp là một tỉnh lẻ miền Sahara occidental, nơi sa mạc tiếp cận với biển cả, tuốt phía cực nam xứ Maroc.
Tỉnh lẻ yên tĩnh, rất sạch sẽ, và có cái tôi gọi là caractère bon enfant (hiên hòa), ngược với Marrakech, nơi tổ chức kỳ họp trước, cách đây 4 năm. Bù lại nó không có cái hào nhoáng và giá trị lịch sử của Marrakech, và cái souk ở Dakhla nhỏ và tầm thường hơn cái ở Marrakech nhiều. Ở đó hai bữa tôi mới vỡ lẽ ra là mình đang ở một nơi chốn rất đậc biệt, vì Dakhla chính là Villa Cisneros, một trạm nôi trên đường bay của các chuyến tải thư của Aéropostale, thuộc hãng Latécoère ngày xưa. Không biết những cái tên đó có gợi gì cho bà không chứ khi tôi nhìn thấy trên tường cái quán rượu trên sân thượng khách sạn tôi ở, mấy tấm bích chương cũ về Aéropostale, và hình Mermoz, St-Exupéry, thì tôi cảm động vô cùng. Thoạt tiên, tôi ngỡ Dakhla mọc ra từ cái Cap Juby, nơi dồn trú của St-Ex, nơi ổng có nuôi con chồn sa mạc (con chồn của Hoàng Tử Bé!), nơi ổng lãnh giúp một tên Bart nào đó thoát ly khỏi ách nô lệ, nơi ổng «xuất hành» những chuyến thương lượng với bọn Maures hồi đó hay bắn hạ máy bay tải thư để bắt phi công làm con tin. Tôi nhớ lại những chuyện đó, chuyện ổng kể trong Terre des hommes (Đất người ta, Wind Sand and Stars) , nhớ cái giọng thiết tha đầy tình người của ổng mà cảm kích, hoài vọng. Dần dà, hỏi gạn người này người nọ tôi mới nhận ra Dakhla là Villa Cisneros, trạm sau Cap Juby (và cách Cap Juby 700 km về phía nam) trên đường tải thư qua Đại Tây Dương tới Buenos Aires, bên Á-căn-đình. Đâu đó, St-Ex có nhắc đến chốn này, có lẽ trong những lá thư ổng gửi cho bà bạn Renée de Saussine (Lettres de jeunesse).
Dù sao chăng nữa Dakhla cũng vẩn đặc biệt, với cái phi trường ngay giữa phố (tụi này chỉ cần đi bộ từ dó chưa đầy trăm thước, băng ngang qua con đường, là tới Hotel). Tôi có chụp tấm hình từ sân thương khách sạn qua sân bay làm chứng đó! Từ cái Villa Cisneros ngày xưa chắc bé tí tẹo, Dakhla bây giờ có gấn mười vạn dân cư. Họ sống về nghề chài nhiều, vậy mà tỉnh coi sạch sẽ, người dân tương đối lịch sự, dĩ nhiên là nghèo và quê mùa. Vậy đó, mà tối tối, người ta đi phố tấp nập, và đàn bà con gái họ cũng chịu khó chưng diện trong cái áo dài mấy lớp bọc thân, dưới cái khăn đội đầu kín đáo. Tôi không dám chụp họ bà Thanh ơi, sợ bị ...rượt! Biển và cát boc quanh, gió nhiều, nên chính quyền địa phương nhắm chuyện khai thác mở mang về énergie solaire và éolienne. Và du lịch nữa, nhất là về mặt kite surfing như một số hình tôi chụp cho thấy. Tỉnh lẻ vậy mà được một cuộc hội thảo gọi là quốc tế chiếu cố nên quan chức địa phương rất ân cần với tụi tui!
Họp thi họp ở tòa thị sảnh, còn ăn thì một tối, cả bọn được mời tới dinh «quan» thống đốc (tạm gọi vậy đi: tiếng ả rập là Wali) vùng này dự «yến». Yến tiệc đây sang là phải có thịt lạc đà, mà bà Thanh ơi, răng tôi yếu quá nhai không nổi! Tôi là người duy nhất gọi là cao cấp từ Canada tới nên được ngồi «chiếu trên» với «quan» Wali! Tôi không tự chụp được, nên chỉ chụp cái bàn trống, và quang cảnh chung của buổi tiệc thôi. Tiệc tùng không có rượu bia, rất đạm bạc. Cái miếng ăn duy nhất tôi thích ở đây là bánh ngọt (kiểu cookies) làm bằng pâte d'amande (bột hạnh nhân), thơm, ngọt dịu nhấm nháp với cốc chè ngọt (trà pha bạc hà, đường) ả rập đã lắm.
Mấy bữa ở đây làm quen nhiều người này người nọ, vì cuộc hội thảo nó như cái cầu nối nam bằc, xứ nhược tiểu với xứ giàu mạnh, kể cũng lạ, vì mặc dù trình độ khoa học hơn kém rất xa, nhưng rồi có cái gì đó, một thứ «camaraderie» gắn bó cũng thích. Và thích nhất là gặp một số người cũng cùng có cái vui như mình vì như tình cờ cùng tìm lại được dấu vết St-Ex. Có một bà người Bỉ (trong tấm hình tôi chụp ở cài coffee break dưới cái lều trắng có mặt bà đó), cũng hay vẽ như tôi, bả khoe tôi cuốn carnet de voyage, bả vẽ cảnh sa mạc bằng watercolour, rồi liên tưỡng đền St-Ex, ghi lại mấy giòng cóp từ cuồn Terre des Hommes, tôi coi thiệt là cảm động. Lạ ghê bà Thanh, tôi vẽ gì thì vẽ chứ bảo tôi dựa theo một cái text mà vẽ, mà minh họa thì tôi chịu!
Thế nhé, hứa sẽ viết report về chuyến du này cho bà đọc, tôi viết nhanh mấy giòng trên, nhớ cái gì thì viết cái đó.
thân
Tùng
2 comments:
Them hinh:
http://picasaweb.google.fr/ttung.nguyendang/Dakhla1?authkey=Gv1sRgCLuMqPKRj4r0Jg#
http://picasaweb.google.fr/ttung.nguyendang/Dakhla2?authkey=Gv1sRgCI_Cw5n6757w7AE#
Thank you for your report : ) Đọc thú vị lắm. Trời và nước Dakhla xanh lạ lùng ha, và ông chụp hình siêu ... như là National Geographic vậy đó : ) : ) Tôi thích tấm cá tuôn ra như nước từ xe camion... Tôi đoán đại bà người Bỉ là cái bà quấn foulard trong hình, có đúng chăng?... coi bà ta có vẻ nghệ sĩ hơn ... bà kia, he he ...
Ông nhắc tới St Ex làm tôi nhớ Le Petit Prince quá chừng - cách đây ít lâu tôi tìm được 1 bản tiếng Anh trong thư viện, đọc lại vẫn mê mẩn như xưa, bèn cho lũ con đọc ké. Con Bi mê quá xá, có lẽ vì vậy sau đó ... đồng ý bồ với 1 tên người Pháp : ) : )
Thịt lạc đà?? ... chắc cũng dở ngang ngửa với thịt kangaroo bên này : ) Bánh mùi hạnh nhân sẽ bị trà bạc hà đánh bạt mùi (!!!), phải nhấm nháp với 1 chung trà mạn mới hợp lý : ) : )
Tui
Post a Comment