Apr 7, 2010

Helen Beatrix Potter - ANH QUÂN






Nhân được nghĩ liên tục 4 ngày lễ Phục Sinh, Quân đưa cả gia đình đi ra khỏi sự ồn ào của đô thị London, để đi đến một vùng đất thiên nhiên trên phía bắc nước Anh, có tên gọi là “Lake District”. Trong bài viết này Quân không nói về địa danh này mà Quân muốn nói về một nhân vật nữ nổi tiếng, có liên quan đến sách vở. Còn về chuyến đi xa này Quân xin khất để cho bài viết sau.

Lúc còn bé, cũng như mọi đứa trẻ Quân rất thích xem sách hình và đọc truyện thiếu nhi. Tại một quốc gia chiến tranh, ảnh hưởng nền giáo dục của Pháp và còn chậm phát triển thì sách cho nhi đồng vô cùng hời hợt. Xem lại thời cuối thập niên 60 và đầu 70 những tập sách hình theo đúng nghĩa giáo dục thì có loạt sách “Nhi đồng quốc tế”, là họ dịch từ các câu chuyện nổi tiếng của công ty hoạt hình Disney như “Bạch Tuyết và 7 chú lùn”, “Cô bé lọ lem”, “Công chúa ngủ trong rừng”, “Pinocchio”... Còn truyện Việt Nam được gói ghém trong hai quyển “Truyện cổ nước nam”, them nữa là “Nam hải dị nhân”. Ngoài ra có loạt truyện hình rất ăn khách thiếu nhi là 18 tập truyện “Tề Thiên Đại Thánh”, có đều đến ngày nay Quân không biết tập sách này có được kiểm duyệt qua bộ giáo dục Việt Nam Công Hòa chăng, tuy là ai cũng biết đây là sách có triết lý thâm sâu, mà chuyển qua sách hình thì có thích hợp cho thiếu nhi không? Đến giờ chưa thấy ai nói cả. Còn loại sách hình “Made in Cholon” được bán đầy rẫy khắp các cổng trường thì ăn khách thiếu nhi vô cùng, nếu ai đã mê thì không thể quên được Siêu Nhân, Người Dơi, Người Điện Quang... các loại sách này thì bảo đảm không được bộ giáo dục chấp nhận rồi, sau này gần đến năm 1975, các anh chị tuốt Chợ Lớn còn phát hành một loạt sách hình nhiều tập là “Tiểu lưu manh”. Còn thêm một loạt sách hình copy từ sách tây là Tintin, Phan Tân Sỹ Phú, Xì Trum, Lucky Luck, Asterix và Obelix, Tí hon thần lực.... sách hình này thuộc loại đứng đắn, nhưng chắc người xuất bản tại Việt Nam chưa mua bản quyền, xem chừng họ mua sách phát hành tại ngoại quốc, đem về in thành trắng đen, dịch ra lời Việt. Sau này Quân mới được biết người dịch sách hình này là do ông vua Hippy Trường Kỳ , người đã qua đời vào năm ngoái. Theo lời ông Trường Kỳ kể “Thấy anh em đói rách quá xá, ông anh Nguyễn Văn Thành bầy ra trò dịch sách hình Tây để anh em sống cầm hơi. Kỳ Phát và tôi từ đó làm việc như điên. Phát thì dung giấy sáp tô lại hình của những quyển Lucky Luke, Tintin hoặc Schtroumphs v.v... Sau đó đến lượt tôi ngồi dịch như máy...”


Có một loạt truyện được chia ra thành từng bộ có tên là Hoa Đỏ, Hoa Xanh và Hoa Tím được đánh giá là có chất lượng nhất tại Việt Nam. Phải nói đây là một loại sách có giá trị và đáng tự hào vì đã tạo thành một tên tuổi riêng biệt. Cho đến giờ thì tại Việt Nam vẫn chưa có một loạt sách thiếu nhi như Tuổi Hoa cả, gần đây vừa có một thông tin là chính phủ Việt Nam cho tái bản sách Tuổi Hoa sau 35 năm bắt nó phải chết, nhưng không biết ngày nào nó được hoạt động lại như xưa thì không biết nổi.

Nếu bây giờ ai có dịp về hay đang sống tại Sài Gòn, hãy bước vào một nhà sách như Minh Khai, Fahasha hay nhà sách Sài Gòn (Khai Trí cũ), đi đến gian hàng sách thiếu nhi thì ta tìm được những gì? Quân đã gặp trong vòng 10 em tại Việt Nam cũng như đang du học tại Anh quốc, hay hỏi các em lúc còn bé hay đọc sách loại nào? khoảng đúng 1 tuần hỏi một em đang học học tại Anh, em qua được 6 tháng, trước đó là học sinh trường Lê Quí Đôn – Sài Gòn, hỏi em có hay đọc sách không? Em trả lời một cách thiếu tự nhiên, nói không rõ rang, xem chừng là cảm thấy mình học sinh trường điểm mà nói không thì kỳ quá. Em nói đại là có, thì Quân hỏi tiếp là sách loại gì? Em nghĩ vài chục giây nói là quyển “Kính vạn hoa”, Quân hỏi tiếp tác giả là ai? Thì thấy coi bộ em bí hết đường nói, Quân liền đỡ lời là sách của Nguyễn Nhật Anh phải không? Em mới ừ ừ. Quân thoáng bị một cảm giác chưng hửng là ngày nay tại Việt Nam không ai còn thiết tha đến sách vở nữa chăng? Nguyễn Nhật Anh là một người viết sách cho tuổi mới lớn nhưng cái thời của thập niên 90, mà phải nói tại Việt Nam mình nhà văn viết sách cho thiếu nhi quá hiếm hoi, đến nổi người xa quê hương trên cả 20 năm, quay trở về hỏi sách cho thiếu nhi ai viết hay nhất, mọi người cùng nhau nói là Nguyễn Nhật Anh, nên thế Quân không thể nào quên được tên anh ta cả.

Nên vậy vào cuối tuần qua, Quân đến Lake District, đi thăm phòng tranh của nữ nhà văn Helen Beatrix Potter, người nổi tiếng viết truyện hình nhi đồng tại Anh quốc. Bà sanh năm 1866 và chết vào năm 1943. Thuở bé bà không đến trường nhưng được thuê giáo sư về nhà dạy bà cho đến lúc trưởng thành, vì lý do đó bà là người rất cô đơn, không có bạn bè ở tuổi thiếu nhi, người em trai của bà bị bắt đi học nội trú nên bà càng không có ai để nói chuyện, nên bà phải làm bạn với thỏ, chó, mèo, ếch, heo và cả dơi nữa. Bà sống và chơi đùa với các con vật, bà xem chúng phát triển từng ngày, từng tháng và từng năm, nhờ vậy bà hiểu các thú tính khác nhau của từng các vật, dần dà bà tạo cho bà lối suy nghĩ có tính cách nghệ thuật và các nét đẹp của từng con vật.

Gia đình bà Potter thuộc loại khá giả, sống nhờ di sản của ông cha để lại. Bố của bà đi học Luật, học xong chẳng bao giờ hành nghề vì ông chỉ sống theo kiểu ham vui, ông gia nhập vào câu lạc bộ dành cho những người giàu , chung quanh toàn thú vui nên ông cảm thấy nếu không vui thì cũng uổng, nhất lại nhà có tiền thì lo gì, vì mẹ bà Potter là con gái của công ty hang buôn vải.

Khi bà Potter đến tuổi thiếu niên, vào mỗi năm gia đình bà đều đưa bà đi chơi về phía miền bắc nước Anh, vùng trên đó thuộc loại cao nguyên, núi đồi trùng điệp đầy màu xanh, tuy không hùng vĩ bằng Evergreen state của Hoa Kỳ, vẫn có một nét đẹp thơ mộng và họ đã chọn mua vùng đất trên Lake District. Kể từ đó bà rất yêu thiên nhiên, có nhiều tư tưởng để vẽ ra những tấm hình cho các câu truyện loài vật của bà. Ngoài ra bà Potter đã học hỏi để trở thành môt nhà sinh vật học về cây cối. Người bác của bà đã giới thiệu vào trường đại học về sinh vật tại Kew Garden – London (Royal Botanic Garden), rất tiếc xứ Anh lúc đó là trọng nam khinh nữ, nên bà không được vào đây học.


Vào năm 1893, bà gởi một tập hình và câu truyện cho người bạn của bà tên là Noel Moore, ông ta thấy được giá trị của câu truyện và các nhân vật trong truyện, nên đã khuyến khích bà xuất bản các tập sách hình của bà. Năm 1901, bà quyết định cho ra đời tác phẩm của bà, quyển truyện hình đầu tiên của bà chọn tên là The Tale of Peter Rabbit and Mr. McGregor's Garden. Bà đưa cho sáu nhà xuất bản nhưng tất cả đều khéo từ chối với lý do là sách thiếu màu sắc. Đến tháng 9 năm 1901 bà quyết định tự mình xuất bản với 250 bản đầu tiên đã gây sự chú ý của công ty ấn loát Frederick Warne & Co và họ đồng ý ký hợp đồng với bà vào năm 1902. Tựa đề của sách cũng được chọn ngắn hơn mang tên là The Tale of Peter Rabbit. Cho đến cuối năm 1902 thì 28 ngàn bản đã được phát hành rộng rãi, cũng kể từ đó nhân vật Peter Rabitt được ra đời, chính thức vào năm 1903 và được xem là con búp bê loài vật có bản quyền với tuổi thọ cao nhất hiện giờ.

Kể từ đó bà viết tất cả 23 tác phẩm, với các nhân vật khác nhau như Sóc, heo, ếch, thỏ... tất cả các nhân vật của bà đều có cá tính riêng biệt, xem qua là nhớ chúng nó liền tại chỗ. Cho đến năm 1920 bà phải dừng viết vì y khoa ngày ấy còn yếu kém, nên đôi mắt của bà không còn sáng suốt để sáng tác.

Sau đây là những di sản của bà để lại cho hậu nhân

· Tất cả đất đai của bà cống hiến vào tài sản quốc gia gồm có 4 ngàn mẫu đất (khoảng 16 km vuông) , nhà và 15 nông trại của bà trên khu Lake District.

· Một dãy nhà chuyên về văn học của bà giờ để lại cho công ty ấn loát Chorion và nhiệm vụ của họ là tái xuất bản hết các loại truyện nhi đồng cổ xưa, hiện tại của Vương quốc Anh.

· Ông Walt Disney đã đến gặp bà để xin mua bản quyền sách của bà nhưng thất bại tuy ông đã rất thành công với các nhân vật trong truyện hình nổi tiếng là Winnie-the-Pooh và The Wind in the Willows.

· Vào năm 1982, đài truyền hình BBC đã làm một loạt phim về bà Potter , đến năm 1992 họ lại sản xuất về phim hoạt hình của bà.

· Năm 1971, đã chuyển chuyện của bà Potter vào điện ảnh. Vào tháng 6 năm 2006 tại Toronto Fringe Festival, Canada. Cô Suzy Conn đã chuyển câu chuyện The Tale of Pigling Bland vào nhạc kịch.

Sách truyện của bà Potter ảnh hưởng trong đời sống người Anh nhiều hơn các nơi khác, vì lý do đó mà chúng ta khó mà thấy được tại Việt Nam. Có một điều phải công nhận là bà Potter rất có công với nền giáo dục cùa Anh, nhờ vậy đất nước này mới còn nhiều sức quyến rũ mọi người trên thế giới đến xin học hàng năm.

Anh Quân

No comments: