Quá ngưỡng mộ ngôi sao điện ảnh tài hoa và cũng là diễn viên sân khấu thượng thặng Isabelle Adjani, tôi luôn sưu tập hình ảnh cùng những bài viết về cô.
Được tờ PHOTO bình chọn là một trong 100 người phụ nữ đẹp nhất thế kỷ 20, ảnh Adjani được in lớn và trang trọng với tư thế hơi dướn lên, hai tay vịn bộ ngực trần, mái tóc suông dài bay rợp làm nổi bật khuôn mặt trắng bệch với đôi mắt mở to nhưng buồn mênh mông. Người thực hiện bức ảnh ấn tượng này không ai khác hơn nhà nhiếp ảnh lừng danh Richard Avedon.
Không chỉ với Adjani, các diễn viên, nghệ sĩ, thậm chí những chính khách, chỉ cần cái “clic” của ông, họ sẽ thành bất tử.
Người ta thấy trên bìa số báo thứ 400 của tờ PHOTO tấm ảnh một thiếu nữ khỏa thân với con trăn thật lớn đang trườn trên người giống một cách kỳ lạ với một bức ảnh trước đó cũng của tờ PHOTO nhưng cách đấy đúng 20 năm. Thì ra nhiếp ảnh gia Michel Comte đã được đặt hàng “copy” lại tác phẩm mà ngày xưa Richard Avedon đã chụp ngôi sao điện ảnh Nastassia Kinski. Richard Avedon ra đời vào ngày 15 tháng 5 năm 1923 tại thành phố New York. Và khởi nghiệp nhiếp ảnh từ những năm 40 bằng những công việc liên quan đến thời trang.
Sau thế chiến II, cuối những năm thập niên 40, ông thực sự làm cuộc cách tân lớn về nghệ thuật chụp ảnh thời trang khi đưa người mẫu thoát khỏi những studio tù túng, cứng ngắt để đẩy họ ra những không gian rộng lớn, thoáng đãng.
Đó giống như một cách biểu hiện khát vọng tự do, sự giải phóng đồng thời đi kèm một cảm quan độc đáo mà trước đó chưa từng có.
Avedon thích ánh sáng thiên nhiên, muốn người mẫu chuyển động không ngừng thậm chí họ có thể bay nhảy giữa đường phố. Nhờ vậy những bức ảnh của ông vô cùng linh hoạt và sống động.
Richard Avedon không chỉ nổi tiếng với thời trang, ông được tôn vinh như một bậc thầy về nghệ thuật chân dung.
“Đó là hành trình đi tìm những lục địa vô danh trên khuôn mặt con người” – Ông nói. Trong tác phẩm chân dung, Avedon loại bỏ tất cả phương tiện phụ trợ rườm rà, yếu tố mỹ miều, bố cục phức tạp. Người ta chỉ thấy sự đối lập giữa trắng và đen - giữa ánh sáng và bóng tối. Trái ngược với sự trau chuốt và hoàn hảo của nhiếp ảnh thời trang, Avedon soi rọi được đời sống bên trong từng nhân vật, ông không ngại cái xấu, thậm chí phơi bày một cách trần trụi những khuyết điểm không nằm bên ngoài của họ.
Bên cạnh những người cực kỳ nổi tiếng như vua hề Charlot, ca sĩ Bob Dylan, ngôi sao Audrey Hepburn, nhóm nhạc lừng danh Beatles hay nữ hoàng sắc đẹp Marilyn Monroe… thì chân dung cô bán hàng, đám thiếu niên hay anh công nhân, gã thợ mỏ tầm thường… qua Avedon đều có giá trị nghệ thuật không hề thua kém bởi trên từng khuôn mặt lam lũ ấy, người ta thấy cả một đời tục lụy.
“Động lực để tôi trở thành một nhiếp ảnh gia đó là nỗi sợ. Tôi cảm thấy an toàn hơn khi đứng sau một chiếc máy ảnh !” – Avedon thổ lộ
Richard Avedon nhận được nhiều giải thưởng danh giá, được bình chọn là một trong mười nhiếp ảnh gia vĩ đại nhất thế giới, được trao bằng tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học nổi tiếng nhờ những cống hiến to lớn của ông trong thế giới nhiếp ảnh.
Marta Gili – người tổ chức triển lãm ảnh Richard Avedon ở Paris năm 2008 nhân kỷ niệm 2 năm ngày mất của ông nói: “Avedon không phải là một nhiếp ảnh gia làm việc tùy hứng, theo thói quen hoặc bản năng. Ông chụp hình với toàn bộ trí tuệ của mình…”
Bộ ảnh gồm 7 bức mà ông chụp về cha mình từ 1969 đến 1973 khi ông cụ vật vã với căn bệnh ung thư đến tận lúc lìa đời đã làm người xem nao lòng khi đối diện với nỗi đau của con một người cụ thể đồng thời cảm thấy sự tuyệt vọng của mọi người trên thế gian trước tuổi già và bệnh tật.
Năm 1995, ông thật sự gây bàng hoàng khi trình làng bộ ảnh thời trang rùng rợn gồm 23 bức với tên gọi “Trong sự tiếc nhớ của ông bà Comfort” mà ở đó, cô người mẫu gợi cảm và cực kỳ quyến rũ luôn âu yếm, xoắt xuýt bên cạnh bộ xương người trắng hếu, được khoác lên mình những bộ quần áo hết sức xa xỉ và choáng lộn.
“Người ta có thể chê trách Avedon rằng ông là nhà nhiếp ảnh trần tục, người của hào nhoáng, của giàu sang bổng đột ngột tìm hứng khởi ở những người nghèo khổ bất hạnh. Đó là phản ứng của những người duy mỹ và bảo thủ, nhưng với tôi, cách mà Avedon thể hiện biết đâu chừng là sự cảm thông theo kiểu thế hệ chúng ta…” - Bà Marta Gili nói thêm.
Thời trang - Quảng cáo - Chân dung… Richard Avedon đều thành công nhưng ông không làm việc vì vụ lợi hoặc vinh quang, ông chụp ảnh như một sự thôi thúc riêng tư, thầm kín. Avedon nói: “Khi tôi chụp chân dung ai đó, tôi phải đủ gần để có thể chạm được nó. Giữa tôi và người mẫu chẳng có gì khác ngoài cái nhìn riêng tư.” …Trở lại với Isabella Adjani, qua các bài phỏng vấn gần đây, cô hay so sánh các nhiếp ảnh gia đang thực hiện ảnh cho cô với Avedon “Không ai có thể làm tôi thoải mái như ông. Với ông, tôi chẳng quan tâm đến việc mình phải làm gì, đứng như thế nào, và diễn cái gì !”- Adjani nói.
Cũng theo Adjani, những lần chụp hình với Avedon không hề kéo dài, nó dễ dàng và chớp nhoáng, vậy mà trong cô, nó luôn để lại ấn tượng mạnh mẽ khó quên, y như những lần “Vua gặp Hoàng Hậu…”(*)
Đoàn Khoa
Tháng 06-2009
(*): cũng là tựa bài viết trên tờ PHOTO về sự kiện Avedon chụp cho Adjani
No comments:
Post a Comment