Jul 17, 2009

CHỊ TƯỜNG VÂN & VIRTUOSOS RUSSIAN MUSIC & DANCE ACADEMIES (VRMDA): NGƯỜI VIỆT DẠY TRƯỜNG PHÁI ÂM NHẠC NGA TRÊN ĐẤT MỸ



Thế giới ngày hôm nay nếu nhìn theo phương diện kinh tế-chính trị hiện đang phân hóa trầm trọng: tình trạng nước giàu, nước nghèo; quốc gia dân chủ, quốc gia cộng sản, độc tài… Đi tìm giải pháp để mơ về một thế giới chung sống hòa bình có vẻ xa vời hơn bao giờ hết.

Thế nhưng trong âm nhạc, hình như thế giới đầy sự đối nghịch này lại có tiếng nói chung. Lấy nước Nga làm một thí dụ. Người ta có thể không ưa Liên Bang Xô Viết trong thời chiến tranh lạnh, hay chống lại một Staline độc tài, nhưng nền âm nhạc của nước Nga từ vài thế kỷ qua thì không ai có thể phủ nhận. Nhắc đến nhà sọan nhạc thiên tài Tchaikovsky, đến những tay dương cầm, vĩ cầm bậc nhất của thế kỷ 20, cả thế giới đều ngả mũ chào nước Nga. Thế giới chắc chắn sẽ gần nhau hơn nếu chỉ giao tiếp qua của những phím đàn.

Tôi cũng tự tìm thấy một thí dụ về tính đại đồng của thế giới âm nhạc qua chị Tường Vân, người Việt đang giảng dạy âm nhạc theo trường phái Nga trên đất Mỹ…

Chị Tường Vân đã từng được xem là một thần đồng piano của Việt Nam. Bắt đầu học piano từ năm 5 tuổi ở nhạc viện Hà Nội. Chỉ một năm sau, chị đã liên tục được chọn trình diễn trên các chương trình radio, tivi. Đến năm 80, chị Tường Vân tham gia cuộc thi tuyển lựa tài năng trẻ để được học bổng sang Nga, học tại Nhạc Viện Tchaikovsky-Mạc Tư Khoa, nhạc viện cổ điển lừng danh của thế giới. Chị là một trong ba người được chọn trong hàng ngàn thí sinh dự thi. Năm 87, chị là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Cao Học ngành “Âm Nhạc Học & Đào Tạo” tại nhạc viện danh tiếng này.


Chị Tường Vân đã giải thích cho tôi nghe về vai trò của nhà soạn nhạc vĩ đại Tchaikovsky đối với nền âm nhạc Nga và cả thế giới. Ông là người đã có công đầu trong việc nâng nền âm nhạc cổ điển của Nga lên ngang tầm với các nền âm nhạc Tây Phương khác như Đức, Áo , Ý. Những tác phẩm của ông trong nhiều thể lọai như vở ballet Hồ Thiên Nga, Bản Concerto No.1 cung Si Giáng Trưởng soạn cho piano và dàn nhạc, bản Concerto cung Rê Trưởng sọan cho violin, bản Overture 1812… là những tác phẩm bất tử đã đưa tên tuổi của ông lên ngang tầm với những Beethoven, Bach, Schubert...Ông là người đi tiên phong để nước Nga tiếp tục có được những tên tuổi lớn khác được cả thế giới công nhận sau này như Rakhmaninof, Stravinsky… Đâu là nét đặc sắc của âm nhạc Tchaikovsky? Bởi vì ông đem được kho tàng dân ca Nga vào tác phẩm của mình. Nghe nhạc của Tchaikovsky, người ta như thấy được những cánh rừng bạch dương của nước Nga, thấy được những điệu dân vũ của người Nga hiện ra trước mắt. Chị Vân cho rằng những người đã từng ở Nga như chị sẽ cảm hết được vẻ đẹp kỳ diệu này của nhạc Tchaikovsky. Chị tin rằng bất cứ nhà sọan nhạc nào trên thế giới muốn trở thành bất tử đều phải gắn liền với nền âm nhạc của chính dân tộc mình như vậy.

Chị sang Mỹ năm 93. Năm 94, chị cùng chồng là Randy (một người Mỹ gốc Nga) sáng lập ra trường nhạc Virtuosos Russian Music Academies (VRMA), trụ sở đặt tại ngã tư Brookhurst-Slater, Fountain Valley. Chị cũng là giáo viên piano đầu tiên của trường. Chị Vân cho biết sở dĩ mình đặt tên trường như vậy là vì chị áp dụng trường phái Nga trong cách giảng dạy. Có thể phân biệt khá rõ sự khác biệt trong cách dạy nhạc của Nga và Mỹ. Ở trường phái Mỹ, người ta dạy nhạc một cách thực dụng, phóng khóang hơn. Chủ trương chính là tạo mọi điều kiện dễ dàng cho một đứa trẻ đến với âm nhạc. Không gò bó theo khuôn phép. Aùp dụng các biện pháp làm đơn giản hóa việc học nhạc, sao cho các em có thể chơi được những nốt nhạc, những bản nhạc đầu tiên càng nhanh càng tốt. Trường phái Nga thì ngược lại. Việc học nhạc được quan niệm một cách nghiêm túc, khuôn phép hơn. Ở Nga, các học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông phải có 7 năm học nhạc như một chương trình bắt buộc. Trẻ em học nhạc theo trường phái Nga phải có nền tảng kỹ thuật classic vững vàng. Các em được chỉ dạy khá chi tiết, từ thế ngồi, cho đến cách diễn tả từng câu nhạc, cách thể hiện màu sắc của bản nhạc… Theo chị Vân, cũng khó mà kết luận trường phái nào hay hơn. Tùy phụ huynh muốn con mình theo đuổi âm nhạc đến đâu mà chọn phong cách dạy cho thích hợp. Chị cho biết là nhiều phụ huynh Việt Nam ở khu vực Nam Cali chọn VRMA con em mình học nhạc, bởi vì họ muốn chúng có được đào tạo kỹ lưỡng để có khả năng thưởng thức trọn vẹn những nét đẹp tinh tế của âm nhạc.


Một điểm khác cũng có liên quan đến cái tên của trường là nhiều giáo viên của VRMA là người Mỹ gốc Nga, Đông Âu. Điều kiện để được dạy ở đây là phải có bằng cao học. Ngoài ra còn phải chứng tỏ được khả năng kiên nhẫn với trẻ em trong giảng dạy. Học trò của VRMA có độ tuổi từ 5 đến 18. Chị Vân cho biết sự khác biệt lớn giữa dạy nhạc cho trẻ em ở Mỹ và Việt Nam là học trò ở Mỹ được tôn trọng tuyệt đối. Ít có chuyện la rầy, tuyệt đối không đánh học sinh! Những ai đã từng cho con đi học piano ở Việt Nam sẽ không lạ khi thấy con mình bị cô giáo đàn la rầy, thậm chí khẻ tay trong lúc dạy. Nhiều em sợ cô giáo đàn còn hơn cả thầy cô dạy chữ! Ở Mỹ mà dạy đàn kiểu này là bị đóng cửa trường ngay. Chính chị Vân cũng quan niệm rằng âm nhạc là tâm hồn, mà một đứa trẻ trong tâm trạng sợ hãi thì không thể cảm thụ âm nhạc trong khi học được. Do đó, dạy nhạc cho trẻ em ở Mỹ, làm cho chúng yêu thích học âm nhạc là cả một nghệ thuật. Chọn chương trình dạy phù hợp và sự hiểu biết tâm lý trẻ con sẽ là chìa khoá của thành công.


Chị Tường Vân và lớp dạy piano

Chị Tường Vân tự tin cho rằng trường của mình làm được điều này. Bằng chứng là sự phát triển của VRMA trong suốt hơn 15 năm qua. Chị nhớ lại những ngày đầu tiên, trường chỉ có vỏn vẹn 03 cây đàn piano. Bây giờ thì con số này đã là gần 20. Trường hiện đang có khỏang 17 giáo viên, giảng dạy các môn piano, violin, guitar, ban nhạc, trống, vocal, vũ, lý thuyết âm nhạc… Kể từ cuối năm 2006, trường có dạy thêm môn vũ, nên đổi tên thành VRDMA (Virtuosos Russian Music & Dance Academies). Thật khó mà tưởng tượng con số học sinh hiện đang theo học tại trường là hơn 600 em! Phụ huynh từ khắp vùng Nam Cali như San Diego, Yorba Linda, Santa Barbara, Bakerfield… đã đưa con đến đây học nhạc. Có em học cả hai thứ đàn cùng lúc ở đây! Chị Vân cho biết đã có rất nhiều người Việt ở San Jose đề nghị chị mở chi nhánh ở Bắc Cali. Những thống kê ở Mỹ cho thấy hiện nay tỉ lệ trẻ em Mỹ gốc Á Châu theo học âm nhạc cổ điển khá cao so với các sắc dân khác. Người Việt mình cũng thế, tin rằng con mình học chữ là để mở mang kiến thức, còn học nhạc là để làm đẹp tâm hồn. Họ cho con đi học nhạc không để trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp, mà là để chúng có khả năng thụ hưởng một kho tàng vô giá của nhân lọai: kho tàng âm nhạc.

Đã hơn 15 năm rồi. Chị Vân vẫn còn nhớ hình ảnh của từng lớp thế hệ học trò của mình. Có những em đến với VRMA khi bắt đầu học tiểu học. Vậy mà bây giờ các em đã chuẩn bị vào college, đại học rồi. Đó cũng là lúc các em tham dự buổi trình diễn tốt nghiệp của mình để chia tay với trường. Hơn mười năm gắn bó với trường lớp, thầy cô. Qua phần trình diễn hơn 30 phút của mình, các em đã cho thấy sự trưởng thành trong tâm hồn qua từng nốt nhạc thể hiện. Đúng là bõ công sức vung đắp của cha mẹ, thầy cô trong nhiều năm qua. Riêng đối với chị Tường Vân, việc dạy dỗ các em vẫn là niềm vui nhiều hơn là bổn phận. Chị sinh ra là để cho âm nhạc. Chị sống bằng âm nhạc và rồi cũng sẽ chết với âm nhạc. Đó là ước nguyện suốt đời của chị Tường Vân…

Đòan Hưng


No comments: