Jul 30, 2009

Cowboy - ANH QUÂN


Photos: Minh Trang
Người mẫu: Thái Minh

Những tấm ảnh của vợ chồng Thái Trang chụp về núi non trùng điệp tại Canada rất là đẹp. Người xem muốn hòa vào cảnh thiên nhiên, đi đến cảm giác không còn muốn bon chen vào cảnh đời ô trọc này và ước sao có những chuổi ngày an nhàn, có lẽ đây một báo hiệu tuổi bắt đầu về già, mệt mỏi tại cuộc sống thành phố và để đi tới cuộc sống điền viên.

Tuy nhiên có một điều tôi thích thú khi xem các bức ảnh loại này là tôi nhớ lại cuốn phim cũ kĩ “Apache”, loại phim cowboy, người Mỹ da trắng đi thu phục các bộ lạc da đỏ. Khi đến bộ lạc “Apache” họ gặp sự phản đối mạnh bạo của các dũng sĩ da đỏ tại đây. Người thủ vai chính cho cuốn phim là Burt Lancaster, trong các cuốn phim do ông Lancaster đóng thì tôi thích nhất cuốn phim mọi này và cuốn thứ hai là “The Train” loại phim chiến tranh đệ nhị thế chiến, phim quay trắng đen, nhưng tôi thấy kỹ thuật quay quá hay. Quay lại phim “Apache” thì cảnh trong đó là núi non trùng điệp, tuyết rơi phủ đầy đỉnh, y như là hình Thái Trang vừa chụp xong.


Thường xem phim Cowboy ai cũng nghĩ là phải sự nóng bức tại Texas hay Mexico. Chắc ở cái tuổi bọn mình bị ảnh hưởng loại phim Spaghetti Western hay còn gọi là Italo Western vì mấy ông đạo diễn là người Ý và hợp tác với ông bạn hàng xóm là Tây Ban Nha để làm phim. Mà loại phim này không quay tại Holywood hay Texas, mà quay tại Tây Ban Nha. Các phim này thường thì ngân sách bỏ ra rất thấp, lâu lâu có ông đạo diễn xuất chúng mời được diễn viên Holywood qua đóng, đó là đạo diễn Sergio Leone làm được ba cuốn phim rất là ăn khách là “A Fistful of Dollar” , “For a few dollars more” và “The Good, Bad and Ugly” do tài tử Clint Eastwood thủ vai chính. Các cuốn phim này đều do nhà soạn nhạc hòa âm xuất chúng là ông Ennio Morricone nên làm cuốn phim càng gây cấn, nhưng tôi lại thích cuốn phim “A Fistful of Dynamic” cũng do ông Sergio sản xuất. Nội dung phim là “một anh chàng cách mạng người Ai Nhỉ Lan thất bại cuộc đấu tranh bên đó, bị truy nã và sau cùng anh ta trốn qua Mexico. Qua đến đó anh ta gặp một tên cướp chuyên cướp bóc và hãm hiếp. Tên cướp này thấy được biệt tài sử dụng bomb và chất nổ của nhà cách mạng thế là hắn tìm cách dụ khị anh này đi cướp nhà Bank. Còn anh chàng Ai Nhỉ Lan muốn ủng hộ cuộc cách mạng tại Mexico nên nghĩ cách cướp tiền. Thế là một người với tư tưởng cao cả đi chung với một tên với tư tưởng đốn mạt nhất, đó là một sự thú vị nhất trong cuốn phim và sau cùng trong một cuộc chiến đấu với quân đội Mexico nhà cách mạng trúng đạn qua đời, còn tên cướp trở thành một người anh hùng của nhân dân, đối với hắn là một sự vinh quang bất đắc dĩ nhưng ai biết?”



Thời còn ở Việt Nam, lúc còn bé, tôi hay được bà mẹ dắt đi rạp Đại Đồng tại đường Cao Thắng coi phim, vé vào rạp rất rẻ 10 đồng hai phim, nên hầu như tuần nào tôi cũng được đi coi. Tôi còn nhớ hay đi xem loại Cowboy Django, anh chàng coi rất là ngầu, đi lại cứ đem cái quan tài, trong đó để khẩu súng trung liên. Sau này qua đến Anh, tôi không được thấy loại phim Django chiếu trên màn ảnh TV tại Anh quốc. Mới đầu tôi không hiểu sao sau mới biết những thập niên 70 hay 80 tại Anh rất khắc khe trong việc nhập phim có tính cách giết người dã man, trong phim Django thì bắn trúng đạn máu giả chảy ra khá nhiều thấy cũng dơ như phim “độc thủ quyền vương” hay “độc thủ đại hiệp” do Vương Vũ đóng, anh ta vung gươm thì đầu giả rơi bụp bụp và máu phọt thành vòi. Nên loại phim này cấm chiếu trên TV Anh cho đến thập nên 90 mới cho lên màn hình nhỏ. Ngoài ra giờ tôi cũng mới hiểu nhiều loại cowboy của Ý làm giá cả thấp nên các xứ nghèo là chuộng để làm Business. Với là loại phim nước ngoài nên tiếng Anh cũng dể hiểu, không như loại phim chiếm giải Oscar coi hoài mới hiểu được ý tứ sâu sắc.


Trong chương trình “100 films you must see before you die” thì loại phim Spaghetti Western không đánh giá cao như loại phim “High Noon”, “Gunfight at the O.K. Corral” , “The Magnificent Seven”... Kể ra nội dung loại phim “High Noon” rất dể hiểu nhưng đạo diễn tạo ra từng phút gây cấn, người Sheriff phải rượt theo thời gian để chận tên cướp tới thành phố của mình, tiếng đồng hồ kêu cút cu treo trên tường ít nhiều cũng đã cho diễn viên khiêm đạo diễn Lý Tiểu Long tạo ra một đoạn trong phim “Mảnh Long Quá Giang” là tiếng đồng hồ treo tường cũng kêu cút cu điểm 12 giờ đêm là có sát thủ đến giết. Sau này tài tử Jackie Chan cũng khai báo với tổ chức là anh học làm phim trong các phim cũ của Holywood rất nhiêu như phim cười loại không có tiếng của Mỹ do diễn viên Harold Clayton Lloyd, ông ta nổi tiếng trong cảnh ôm cái đồng hồ trên tòa cao ốc , nhờ đó Jackie Chan đã đem vào phim Project A phần 2 và gần nhất là phim Shanghai Noon 2 cảnh hai anh chàng đu chuông Big Ben tại London. Kể ra những nhà phim ảnh Hong Kong mượn tư tưởng Holywood khá nhiều, cũng như nhà văn kiếm hiệp xuất chúng là Kim Dung đã mượn phim “The Man with Iron Mask” bỏ vào pho “Thiên Long bát bộ” , đoạn Du Thản Chi quá yêu A Tử nên bi đóng cái đầu sắt. Hay pho “Liên Thành Quyết” cũng bị ảnh hưởng đôi phần trong truyện “The Count of Monte Carlo – Bá Tước Kích Tôn Sơn” , rồi pho “Xạ Điêu Anh Hùng truyện” cảnh Hoàng Dung và Hồng Thất Công lên đảo hoang kiếm sống cũng như truyện “Robinson - Lỗ Bình Sơn”...


Phim Cowboy ngày xưa có những nét độc đáo và thu hút, vì phim quay nhiều cảnh thiên nhiên xem rất thích. Ngày nay thi phim Cowboy không còn ăn khách nữa. Trong những năm vừa qua cũng có một số phim Cowboy ra đời nhưng không để nhiều ấn tượng như thời xa xưa. Trong quá khứ nhiều diễn viên thành công với phim Cowboy nhưng các diễn viên gốc Anh thì chẳng bao giờ đóng được phim Cowboy nào cả như diễn viên nổi tiếng như Richard Burton thi không bao giờ tìm thấy ông ta trong phim cowboy hết. Như cô bạn Ngọc bạn của Hương có nói phim Cowboy mà có British Accent nghe có được hay không??? Đúng là vậy rồi....


Anh Quân


Jul 29, 2009

NHỮNG NẺO ĐƯỜNG VÔ HÌNH - Thanh Tùng


Anh nhớ kỳ Út đi Las vegas với Alouis có đi coi Cirque du Soleil, và anh còn nhớ mọi nguời lúc đó xôn xao về giá vé. Không biết Út trả bao nhiêu mới coi được cái show đó chứ anh chị không tốn đồng xu nào hết mà vẫn coi được một cái show của họ thật độc dáo, không chừng lại độc đáo hơn là show bình thường.



Vì lẽ đó là một đóng góp của họ cho Québec, nơi đoàn xiệc xuất phát (thực ra họ bắt đầu ở Baie St-Paul, cách Québec khoảng 100 km), và chương trình của họ với chủ đề «Những nẻo đường vô hình» (Les chemins invisibles tức The Invisible Paths bằng tiếng anh), là môt sự nhắc nhở dến nguồn gốc bần hàn của họ, với môt lời nhắn nhủ đem lại hy vọng cho biết bao nhiêu kẻ kiết túng khốn nạn, những người vô gia cư, vô nghề nghiệp, những kẻ ngụp lặn trong sự nghiện ngập, trong những tệ đoan xã hội, ta còn thấy đầy rẫy trong cái khu xóm nghèo của Québec, gần chỗ đoàn xiệc dựng sân khấu. Cái độc đáo khác là đó là một cài show lưu động, hòa nhập với quần chúng, với bốn nhóm, gọi là «bộ lạc» (tribus, tiếng anh là tribes) , di chuyển cùng một thứ «xe hoa», một thứ sân khấu lưu động, đến một điểm tụ tập chính , nới họ dựng một cái sân khấu lộ thiên lớn, dưới gầm cầu bê-tông của xa lộ ngay lối vào thành Québec. Nơi đó bình thường là địa điểm tụ tập của những kẻ du thử du thực, vậy mà họ dựng cảnh ở đó, lấy trụ bê tông làm màn ảnh rọi ánh sáng, làm phông cho những màn xiệc của họ, và lấy gầm cầu bê-tông làm trần cho sân khấu.


Hôm 24 june vừa rồi, hôm mở đầu chương trình lưu diễn cả mùa hè của đoàn xiệc tại Québec, anh chị xuống phố Québec (basse ville) khá sớm, đến điểm khởi hành của một «bộ lạc», với trang phục, xe hoa màu lửa, cùng họ diễn hành về cái địa điểm tụ tập chính. Trong cái post hôm trước trên blog Út, có tấm hình do dân pro của nhật báo địa phương chụp mấy người đi cà kheo mặc dồ màu lửa (cam), trong khói mù cũng màu lửa, trùm cái «xe hoa» đỏ đang từ phía sau tiến tới. Đó là cảnh diễn hành của đoàn («bộ lạc») anh chị đi theo đó. Anh cũng có chụp, nhưng hình bị rung dữ lắm, vì, Út biết, anh chụp không bao giờ sài flash cả. Phần đầu bộ hình này chụp lúc dỉễn hành đó:
http://picasaweb.google.fr/ttung.nguyendang/Cirque_du_soleil_a_Quebec_premiere_Rollei35?authkey=Gv1sRgCLSNzp7Pt-mBMQ#



Về tới điểm tụ tập, các đoàn, tức «bộ lạc» khác đã có mặt, và anh chị thấy như biển người vây quanh mình rất nhanh, và mình bị đưa vào một thứ bát quái trận đồ với bốn sân khấu nhỏ (4 cái «xe hoa», cái màu lửa, cái màu đất, cái màu nước, và một cái rất buồn, màu …bê tông) tụ quanh cái sân khấu chính. mỗi cái như mời gọi sự chú ý của mình. Một bản tình ca, một người múa sát trên một cái trụ quay vòng, thật là đẹp. Một màn khác mở trên sân khấu màu lửa đằng sau lưng, biển người vội quay qua đó, cứ thế biển người cứ xoay từng đợt theo tiếng nhạc luân phiên mời gọi của sân khấu này tới sân khấu nọ. Để chụp được hình, để thấy rõ các màn biểu diễn, anh phải nhanh, và «tích cực»chen chúc. Nhưng vui, và hình ra cái được cái không, mặc dù không rõ lắm nhưng cũng đã:
http://picasaweb.google.fr/ttung.nguyendang/Cirque_du_soleil_a_Quebec_premiere_Canonet?authkey=Gv1sRgCP_hhonMro-A2wE#


Đoàn xiệc ký hợp đồng với thành phố Québec, ước sẽ tái diễn ở đây thứ show lưu động này mỗi mùa hè trong vòng 5 năm tới, mỗi tuần 5 bữa. Trời mưa, trời nắng bất kể, họ diễn hết.

Anh Tùng

Jul 23, 2009

BỤI, KHÁCH - Thích Phước Tịnh

Photo - Thanh Tùng

Trong Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy một đoạn rất hay. Phật nói với các vị đại đệ tử:
- Hãy trình cho ta biết sở ngộ của các ông!

Ngài Ca Diếp bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, con chỉ nghe Thế Tôn nói một câu về khách-trần là con ngộ đạo.

Phật dạy:
- Ông hãy kể cho thính chúng nghe!

Ca Diếp nói:
- Lúc ấy Phật dạy rằng: một buổi sáng, nắng xuyên qua khe cửa, chúng ta thấy trong không gian có những hạt bụi bay vẩn vơ. Bụi lay động nhưng không gian thì bất động.

Cũng giống như người khách đến nhà chơi, họ trọ lại, có thể một bữa, hai bữa nhưng rồi họ ra đi nhưng người chủ bao giờ cũng ở lại.

Và con biết rằng cái lao xao tâm thức này vốn là trần, vốn là hạt bụi lao xao trong không gian. Dù bụi có nhiều, có to hay nhỏ, bụi vẫn là bụi bay bay. Trong khi đó tâm ta như không gian mênh mang và bất động.

Trích "Tín Tâm Minh" - Thích Phước Tịnh
www.matthuongnhindoi.com

Jul 18, 2009

PHOTOGRAPHY - by Vu Minh San





HAPPY "PAPER" ANNIVERSARY TO YOUUUUU!

Jul 17, 2009

CHỊ TƯỜNG VÂN & VIRTUOSOS RUSSIAN MUSIC & DANCE ACADEMIES (VRMDA): NGƯỜI VIỆT DẠY TRƯỜNG PHÁI ÂM NHẠC NGA TRÊN ĐẤT MỸ



Thế giới ngày hôm nay nếu nhìn theo phương diện kinh tế-chính trị hiện đang phân hóa trầm trọng: tình trạng nước giàu, nước nghèo; quốc gia dân chủ, quốc gia cộng sản, độc tài… Đi tìm giải pháp để mơ về một thế giới chung sống hòa bình có vẻ xa vời hơn bao giờ hết.

Thế nhưng trong âm nhạc, hình như thế giới đầy sự đối nghịch này lại có tiếng nói chung. Lấy nước Nga làm một thí dụ. Người ta có thể không ưa Liên Bang Xô Viết trong thời chiến tranh lạnh, hay chống lại một Staline độc tài, nhưng nền âm nhạc của nước Nga từ vài thế kỷ qua thì không ai có thể phủ nhận. Nhắc đến nhà sọan nhạc thiên tài Tchaikovsky, đến những tay dương cầm, vĩ cầm bậc nhất của thế kỷ 20, cả thế giới đều ngả mũ chào nước Nga. Thế giới chắc chắn sẽ gần nhau hơn nếu chỉ giao tiếp qua của những phím đàn.

Tôi cũng tự tìm thấy một thí dụ về tính đại đồng của thế giới âm nhạc qua chị Tường Vân, người Việt đang giảng dạy âm nhạc theo trường phái Nga trên đất Mỹ…

Chị Tường Vân đã từng được xem là một thần đồng piano của Việt Nam. Bắt đầu học piano từ năm 5 tuổi ở nhạc viện Hà Nội. Chỉ một năm sau, chị đã liên tục được chọn trình diễn trên các chương trình radio, tivi. Đến năm 80, chị Tường Vân tham gia cuộc thi tuyển lựa tài năng trẻ để được học bổng sang Nga, học tại Nhạc Viện Tchaikovsky-Mạc Tư Khoa, nhạc viện cổ điển lừng danh của thế giới. Chị là một trong ba người được chọn trong hàng ngàn thí sinh dự thi. Năm 87, chị là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Cao Học ngành “Âm Nhạc Học & Đào Tạo” tại nhạc viện danh tiếng này.


Chị Tường Vân đã giải thích cho tôi nghe về vai trò của nhà soạn nhạc vĩ đại Tchaikovsky đối với nền âm nhạc Nga và cả thế giới. Ông là người đã có công đầu trong việc nâng nền âm nhạc cổ điển của Nga lên ngang tầm với các nền âm nhạc Tây Phương khác như Đức, Áo , Ý. Những tác phẩm của ông trong nhiều thể lọai như vở ballet Hồ Thiên Nga, Bản Concerto No.1 cung Si Giáng Trưởng soạn cho piano và dàn nhạc, bản Concerto cung Rê Trưởng sọan cho violin, bản Overture 1812… là những tác phẩm bất tử đã đưa tên tuổi của ông lên ngang tầm với những Beethoven, Bach, Schubert...Ông là người đi tiên phong để nước Nga tiếp tục có được những tên tuổi lớn khác được cả thế giới công nhận sau này như Rakhmaninof, Stravinsky… Đâu là nét đặc sắc của âm nhạc Tchaikovsky? Bởi vì ông đem được kho tàng dân ca Nga vào tác phẩm của mình. Nghe nhạc của Tchaikovsky, người ta như thấy được những cánh rừng bạch dương của nước Nga, thấy được những điệu dân vũ của người Nga hiện ra trước mắt. Chị Vân cho rằng những người đã từng ở Nga như chị sẽ cảm hết được vẻ đẹp kỳ diệu này của nhạc Tchaikovsky. Chị tin rằng bất cứ nhà sọan nhạc nào trên thế giới muốn trở thành bất tử đều phải gắn liền với nền âm nhạc của chính dân tộc mình như vậy.

Chị sang Mỹ năm 93. Năm 94, chị cùng chồng là Randy (một người Mỹ gốc Nga) sáng lập ra trường nhạc Virtuosos Russian Music Academies (VRMA), trụ sở đặt tại ngã tư Brookhurst-Slater, Fountain Valley. Chị cũng là giáo viên piano đầu tiên của trường. Chị Vân cho biết sở dĩ mình đặt tên trường như vậy là vì chị áp dụng trường phái Nga trong cách giảng dạy. Có thể phân biệt khá rõ sự khác biệt trong cách dạy nhạc của Nga và Mỹ. Ở trường phái Mỹ, người ta dạy nhạc một cách thực dụng, phóng khóang hơn. Chủ trương chính là tạo mọi điều kiện dễ dàng cho một đứa trẻ đến với âm nhạc. Không gò bó theo khuôn phép. Aùp dụng các biện pháp làm đơn giản hóa việc học nhạc, sao cho các em có thể chơi được những nốt nhạc, những bản nhạc đầu tiên càng nhanh càng tốt. Trường phái Nga thì ngược lại. Việc học nhạc được quan niệm một cách nghiêm túc, khuôn phép hơn. Ở Nga, các học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông phải có 7 năm học nhạc như một chương trình bắt buộc. Trẻ em học nhạc theo trường phái Nga phải có nền tảng kỹ thuật classic vững vàng. Các em được chỉ dạy khá chi tiết, từ thế ngồi, cho đến cách diễn tả từng câu nhạc, cách thể hiện màu sắc của bản nhạc… Theo chị Vân, cũng khó mà kết luận trường phái nào hay hơn. Tùy phụ huynh muốn con mình theo đuổi âm nhạc đến đâu mà chọn phong cách dạy cho thích hợp. Chị cho biết là nhiều phụ huynh Việt Nam ở khu vực Nam Cali chọn VRMA con em mình học nhạc, bởi vì họ muốn chúng có được đào tạo kỹ lưỡng để có khả năng thưởng thức trọn vẹn những nét đẹp tinh tế của âm nhạc.


Một điểm khác cũng có liên quan đến cái tên của trường là nhiều giáo viên của VRMA là người Mỹ gốc Nga, Đông Âu. Điều kiện để được dạy ở đây là phải có bằng cao học. Ngoài ra còn phải chứng tỏ được khả năng kiên nhẫn với trẻ em trong giảng dạy. Học trò của VRMA có độ tuổi từ 5 đến 18. Chị Vân cho biết sự khác biệt lớn giữa dạy nhạc cho trẻ em ở Mỹ và Việt Nam là học trò ở Mỹ được tôn trọng tuyệt đối. Ít có chuyện la rầy, tuyệt đối không đánh học sinh! Những ai đã từng cho con đi học piano ở Việt Nam sẽ không lạ khi thấy con mình bị cô giáo đàn la rầy, thậm chí khẻ tay trong lúc dạy. Nhiều em sợ cô giáo đàn còn hơn cả thầy cô dạy chữ! Ở Mỹ mà dạy đàn kiểu này là bị đóng cửa trường ngay. Chính chị Vân cũng quan niệm rằng âm nhạc là tâm hồn, mà một đứa trẻ trong tâm trạng sợ hãi thì không thể cảm thụ âm nhạc trong khi học được. Do đó, dạy nhạc cho trẻ em ở Mỹ, làm cho chúng yêu thích học âm nhạc là cả một nghệ thuật. Chọn chương trình dạy phù hợp và sự hiểu biết tâm lý trẻ con sẽ là chìa khoá của thành công.


Chị Tường Vân và lớp dạy piano

Chị Tường Vân tự tin cho rằng trường của mình làm được điều này. Bằng chứng là sự phát triển của VRMA trong suốt hơn 15 năm qua. Chị nhớ lại những ngày đầu tiên, trường chỉ có vỏn vẹn 03 cây đàn piano. Bây giờ thì con số này đã là gần 20. Trường hiện đang có khỏang 17 giáo viên, giảng dạy các môn piano, violin, guitar, ban nhạc, trống, vocal, vũ, lý thuyết âm nhạc… Kể từ cuối năm 2006, trường có dạy thêm môn vũ, nên đổi tên thành VRDMA (Virtuosos Russian Music & Dance Academies). Thật khó mà tưởng tượng con số học sinh hiện đang theo học tại trường là hơn 600 em! Phụ huynh từ khắp vùng Nam Cali như San Diego, Yorba Linda, Santa Barbara, Bakerfield… đã đưa con đến đây học nhạc. Có em học cả hai thứ đàn cùng lúc ở đây! Chị Vân cho biết đã có rất nhiều người Việt ở San Jose đề nghị chị mở chi nhánh ở Bắc Cali. Những thống kê ở Mỹ cho thấy hiện nay tỉ lệ trẻ em Mỹ gốc Á Châu theo học âm nhạc cổ điển khá cao so với các sắc dân khác. Người Việt mình cũng thế, tin rằng con mình học chữ là để mở mang kiến thức, còn học nhạc là để làm đẹp tâm hồn. Họ cho con đi học nhạc không để trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp, mà là để chúng có khả năng thụ hưởng một kho tàng vô giá của nhân lọai: kho tàng âm nhạc.

Đã hơn 15 năm rồi. Chị Vân vẫn còn nhớ hình ảnh của từng lớp thế hệ học trò của mình. Có những em đến với VRMA khi bắt đầu học tiểu học. Vậy mà bây giờ các em đã chuẩn bị vào college, đại học rồi. Đó cũng là lúc các em tham dự buổi trình diễn tốt nghiệp của mình để chia tay với trường. Hơn mười năm gắn bó với trường lớp, thầy cô. Qua phần trình diễn hơn 30 phút của mình, các em đã cho thấy sự trưởng thành trong tâm hồn qua từng nốt nhạc thể hiện. Đúng là bõ công sức vung đắp của cha mẹ, thầy cô trong nhiều năm qua. Riêng đối với chị Tường Vân, việc dạy dỗ các em vẫn là niềm vui nhiều hơn là bổn phận. Chị sinh ra là để cho âm nhạc. Chị sống bằng âm nhạc và rồi cũng sẽ chết với âm nhạc. Đó là ước nguyện suốt đời của chị Tường Vân…

Đòan Hưng


Jul 12, 2009

CON GÌ VẬY CON? ... CON GÌ VẬY BỐ?

Góc giường đầy sách và giấy tờ bố Sỹ "ghi ghi chép chép"

Có một câu chuyện ngắn về ông cụ già. Ông ngồi chơi ở trước sân nhà. Và hôm ấy là ngày chủ nhật, con trai ông có mặt ở nhà. Người con trai khá thành đạt trong xã hội, có địa vị, có gia đình, có tiền, có một đời sống rất sang trọng. Thấy con quạ đáp xuống, ông hỏi người con trai của ông: - Con gì vậy con? Người con trai đáp: - Thưa bố, con quạ. Quay đi quay lại, vài phút sau, ông bố lại hỏi: - Con đó con gì vậy con? Người con trai đáp: - Thưa bố, con đó là con quạ. Lần thứ hai bố hỏi, người con trai cảm thấy hơi khó chịu. Loay hoay chốc sau, ông bố lại hỏi: - Con đó con gì vậy con? Lần này người con trai trả lời hơi nặng giọng: - Con quạ! Con nói với bố: đây là con quạ! Ông giả ngẩn ngơ một hồi rồi hỏi lần thứ tư: - Con đó con gì vậy con? Lần này không chịu nổi nữa, người con trai bình thường rất lễ phép, gắt gỏng trả lời: - Con đã nói với bố rồi : đây là con quạ! Con quạ! Con quạ! Bố hiểu chưa! Ông già không nói gì cả. Ông vào nhà, lấy một cuốn sách rất là cũ mà ông cất dưới đáy tủ. Ông lật lật, kiếm cái gì đó. Xong ông đem đến, bảo người con trai: - Con hãy đọc cái này; bố viết cách đây 40 năm rồi. Cậu con trai nhìn vào, thấy niên đại đúng là cách đây 40 năm, lúc mình còn bé lắm. Anh đọc những giòng chữ: Ngày …, tháng…năm Tôi ngồi chơi ngoài vườn, con tôi đi lẫm bẫm gần đấy. Nó hỏi tôi: “Con này con gì, bố?”. Tôi đáp: “Đây là con quạ, con à!” . Rồi tôi đếm. Nó hỏi tôi câu này 25 lần. Thế mà không lần nào tôi trả lời nó mà trái tim tôi không tràn đầy yêu thương cả. Mỗi lần nó hỏi là mỗi lần trái tim tôi tràn đầy mật ngọt yêu thương. Chưa có câu hỏi nào của thằng bé làm tôi bực bội. Đời sống chúng ta bây giờ rất bận rộn. Những người trẻ không có nhiều thì giờ. Ở đất nước Việt Nam: cái ăn, cái mặc, tiền cơm, tiền áo làm đời sống chúng ta nặng nề, phải chạy vạy ngược xuôi. Do vì áp lực đời sống rất là nặng đè trên tâm thức ta, cho nên khi về nhà, chúng ta gần như là trái bom nổ chậm. Ai đụng tới, nhiều khả năng bom nổ. Gặp trường hợp ông già nghễnh ngãng hỏi ta chừng năm lần, e rằng ta không đủ kiên nhẫn để trả lời. Trở lại câu chuyện nhỏ trên nhưng rất cảm động, nó đánh động vào trái tim ta một điều: qua ca dao, hay tục ngữ hay bài hát cổ-kim gì, đều mang đến cho ta hình ảnh bố mẹ như núi Thái, như nước nguồn bất tận, luôn chảy mãi, không bao giờ cùng. Ví dụ bây giờ ta 50 tuổi, 60 tuổi mà may mắn còn bố mẹ, chúng ta về thăm bố mẹ vẫn còn khoẻ mạnh. Ta sẽ thấy dù mình hai thứ tóc, nhưng bố mẹ vẫn coi mình như người con bé nhỏ hồi xưa, không khác gì cả.
Trích "Ý Nghĩa Vu Lan" - Thích Phước Tịnh www.matthuongnhindoi.com

Jul 11, 2009

HOA BIẾU MẸ


Ngày lễ Tạ Ơn của người Mỹ rất là quan trọng. Cho nên thường họ mua hoa gửi về cho cha mẹ. Có anh chàng nọ cũng định mua chậu hoa, gửi bưu điện về tặng mẹ trong ngày lễ Tạ Ơn. Đứng trong hàng dài chờ mua hoa có một cậu bé. Cậu bé năn nỉ bà bán hàng:
- Cô bán cho con chậu cúc kia để về tặng cho mẹ. Con biết chậu cúc đến mười đồng mà con chỉ có năm đồng thôi. Cô cho con được thiếu chịu năm đồng.
Cô bán hàng đáp :
- Không được! Tôi có biết em ở đâu mà đi đòi tiền! Nếu em không trả tiền, đi luôn thì tôi biết làm sao!
Cậu bé thuyết phục:
- Dạ con hứa với cô là con chỉ thiếu chịu đến ngày mai, hoặc ngày mốt là cùng con sẽ mang tiền đến trả. Mẹ con chỉ thích hoa cúc. Vì vậy con muốn mua hoa cúc tặng mẹ.

Và cậu bé năn nỉ nhiều lần. Anh chàng đứng phía sau cảm động quá, móc tiền trả cho cậu bé, nói cậu bé hãy mang hoa về tặng mẹ!

Sau đó anh chàng mua hoa cho chính mình và lái xe đến bưu điện để gửi hoa cho mẹ của mình. Trên đường đi, anh chàng thấy thằng bé lững thững ôm chậu cúc. Anh dừng xe lại, nói cậu bé lên xe để anh chở về nhà cho nhanh.

Anh chàng hỏi:
- Nhà em ở đâu, mang hoa về nhà chắc là mẹ em vui lắm phải không?
Cậu bé lên xe, rồi trả lời:
- Dạ mẹ em sẽ vui lắm vì mẹ rất thích cúc vàng. Anh cứ chạy thẳng đường này sẽ tới nơi.

Chạy một lúc, cậu bé xin anh chàng dừng xe lại : “Dạ đến nơi rồi!”. Hoá ra đó không phải khu nhà ở mà là nghĩa trang. Anh chàng rất ngạc nhiên nên đi theo cậu bé. Cậu bé đặt chậu cúc lên mộ của mẹ, vỗ nấm mồ và nói:
- Mẹ à, hôm nay ngày lễ Tạ Ơn. Con nhớ mẹ lắm. Con để dành tiền, mua được chậu cúc này thôi. Con xin tặng cho mẹ.

Anh chàng kia giật mình nghĩ đến trường hợp của mình. Do bận rộn quá, anh tưởng mua tặng mẹ chậu hoa, gửi bằng đường bưu điện là mẹ đủ vui rồi. Nhưng khi thấy đứa bé làm như thế, anh ta quyết định không gửi hoa qua đường bưu điện nữa. Anh lái xe sáu tiếng đồng hồ về đến nhà mẹ vào lúc nửa đêm. Anh gõ cửa. Mẹ ra đón. Cả nhà rực sáng từ bông hoa do tình thương của người con đã đặt vào chậu hoa tặng mẹ nhân ngày lễ Tạ Ơn đầm ấm.

Trích "Ý Nghĩa Vu Lan" - Thích Phước Tịnh
www.matthuongnhindoi.com



Hoa giấy mầu sô-mông (salmon) - màu mẹ Thảo yêu thích:
đỏ chẳng phải đỏ, hồng chẳng phải hồng,
tím lại càng không!

Jul 10, 2009

SUỐI NGUỒN YÊU THƯƠNG

Người mẫu: bố Sỹ, mẹ Thảo

Đừng nghĩ là phải có tiền giàu, phải làm cái này, phải có cái kia làm quà bánh cho bố mẹ. Thưa không cần vậy đâu. Cái cần nhất của bố mẹ lúc về già là con mình ngồi bên cạnh, rờ bàn tay gày còm của mình, hoặc vuốt cái lưng xương xẩu, nói một vài lời: “Mẹ có khoẻ không? Bố có khoẻ không? ”.

Trích "Ý Nghĩa Vu Lan" - Thích Phước Tịnh
www.matthuongnhindoi.com


Ta phải biết trân quý sự hiện hữu của bố mẹ mình. Ta có thể mua được mọi thứ trong cuộc đời nhưng chúng ta không thể mua được tình mẫu tử hay tình phụ tử đâu. Và bài học lớn nhất để làm người - bài học rót đầy trái tim ta từ bé, là bài học thương yêu bố mẹ ta. Không có một sinh vật trên nhân gian này tự nhiên có mặt trên trần đời cả. Không có một con người nào sinh ra từ cây chuối hay từ búp bắp cải cả, mà ta được sinh ra từ bố và mẹ. Từ lòng mẹ, ta bước vào đời. Hơi thở của ta từ bé được nối liền với hơi thở của mẹ. Nhịp tim của ta cũng thế, được nhịp tim của mẹ đập thay cho ta. Và ta đi vào đời từ lúc bé cho đến năm mười mấy tuổi, ta sống trong sự bảo dưỡng tuyệt vời của nôi yêu thương của bố mẹ. Cho dù áp lực xã hội có nặng đến đâu; nhu yếu về đồng tiền đối với ta mạnh đến đâu, nhưng ta hãy nhớ một điều: hãy dừng lại để thưởng lãm nguồn suối yêu thương mà bố mẹ tặng cho ta. Nguồn suối này không bao giờ cạn.


Nếu mình không biết trân quý sự có mặt của người thân của mình, mai kia khi người thân ta nằm xuống, mình kiếm không ra vô vàn kho yêu thương mà chưa khai thác hết, mà mình đã bỏ qua. Bạn đời của mình nếu không hợp với người này, mình vẫn có thể kiếm được người khác. Nhưng bố mẹ mình qua đời, mình không kiếm được ai thay thế. Đó là điều rất thật trong cuộc sống.


Cho nên, chúng ta không nói đến cái gì cao xa, mầu nhiệm cả; chỉ nhắc đến cái gì rất gần với cuộc sống đời thường: ta có bố và có mẹ; có được suối nguồn yêu thương cha mẹ tặng cho lúc bé để ta trưởng thành, ta làm người cho tới hôm nay. Nếu ta biết uống nguồn suối yêu thương ấy thì đời ta có hạnh phúc. Nếu ta không biết tận hưởng nó, thì ta là người bất hạnh nhất trong nhân gian. Bằng không ngày tháng đi qua, ai cũng theo vô thường mà về với đất. Chừng đó, ta muốn có được nguồn suối yêu thương thì không còn kịp nữa rồi.

Trích "Ý Nghĩa Vu Lan" - Thích Phước Tịnh
www.matthuongnhindoi.com


Jul 2, 2009

Vit Doan’s Art - VIT DOAN


It was 10:00 AM, when I stumbled upon boredom. I looked through my dad’s mechanic drawer and found a paint set. And then I took a piece of paper, some newspaper, and tried to find a paintbrush. Goodness – there’s no paintbrush! I just randomly searched around the drawer and came around something that is long and has like cotton buds at the end.

So, I sat in front of Co Utt and Ba Noi and drew. In my mind, there was blank. Then I started thinking about hearts and blending, so then I drew a big red heart with orange-yellow blending.

Co Utt loved the painting and took pictures! So please enjoy these beautiful pictures, along with this story.

By, Vit Doan


Jul 1, 2009

Lục địa vô danh trên khuôn mặt con người - ĐOÀN KHOA


Quá ngưỡng mộ ngôi sao điện ảnh tài hoa và cũng là diễn viên sân khấu thượng thặng Isabelle Adjani, tôi luôn sưu tập hình ảnh cùng những bài viết về cô.


Được tờ PHOTO bình chọn là một trong 100 người phụ nữ đẹp nhất thế kỷ 20, ảnh Adjani được in lớn và trang trọng với tư thế hơi dướn lên, hai tay vịn bộ ngực trần, mái tóc suông dài bay rợp làm nổi bật khuôn mặt trắng bệch với đôi mắt mở to nhưng buồn mênh mông. Người thực hiện bức ảnh ấn tượng này không ai khác hơn nhà nhiếp ảnh lừng danh Richard Avedon.

Không chỉ với Adjani, các diễn viên, nghệ sĩ, thậm chí những chính khách, chỉ cần cái “clic” của ông, họ sẽ thành bất tử.


Người ta thấy trên bìa số báo thứ 400 của tờ PHOTO tấm ảnh một thiếu nữ khỏa thân với con trăn thật lớn đang trườn trên người giống một cách kỳ lạ với một bức ảnh trước đó cũng của tờ PHOTO nhưng cách đấy đúng 20 năm. Thì ra nhiếp ảnh gia Michel Comte đã được đặt hàng “copy” lại tác phẩm mà ngày xưa Richard Avedon đã chụp ngôi sao điện ảnh Nastassia Kinski. Richard Avedon ra đời vào ngày 15 tháng 5 năm 1923 tại thành phố New York. Và khởi nghiệp nhiếp ảnh từ những năm 40 bằng những công việc liên quan đến thời trang.

Sau thế chiến II, cuối những năm thập niên 40, ông thực sự làm cuộc cách tân lớn về nghệ thuật chụp ảnh thời trang khi đưa người mẫu thoát khỏi những studio tù túng, cứng ngắt để đẩy họ ra những không gian rộng lớn, thoáng đãng.

Đó giống như một cách biểu hiện khát vọng tự do, sự giải phóng đồng thời đi kèm một cảm quan độc đáo mà trước đó chưa từng có.

Avedon thích ánh sáng thiên nhiên, muốn người mẫu chuyển động không ngừng thậm chí họ có thể bay nhảy giữa đường phố. Nhờ vậy những bức ảnh của ông vô cùng linh hoạt và sống động.

Richard Avedon không chỉ nổi tiếng với thời trang, ông được tôn vinh như một bậc thầy về nghệ thuật chân dung.

“Đó là hành trình đi tìm những lục địa vô danh trên khuôn mặt con người” – Ông nói. Trong tác phẩm chân dung, Avedon loại bỏ tất cả phương tiện phụ trợ rườm rà, yếu tố mỹ miều, bố cục phức tạp. Người ta chỉ thấy sự đối lập giữa trắng và đen - giữa ánh sáng và bóng tối. Trái ngược với sự trau chuốt và hoàn hảo của nhiếp ảnh thời trang, Avedon soi rọi được đời sống bên trong từng nhân vật, ông không ngại cái xấu, thậm chí phơi bày một cách trần trụi những khuyết điểm không nằm bên ngoài của họ.

Bên cạnh những người cực kỳ nổi tiếng như vua hề Charlot, ca sĩ Bob Dylan, ngôi sao Audrey Hepburn, nhóm nhạc lừng danh Beatles hay nữ hoàng sắc đẹp Marilyn Monroe… thì chân dung cô bán hàng, đám thiếu niên hay anh công nhân, gã thợ mỏ tầm thường… qua Avedon đều có giá trị nghệ thuật không hề thua kém bởi trên từng khuôn mặt lam lũ ấy, người ta thấy cả một đời tục lụy.

“Động lực để tôi trở thành một nhiếp ảnh gia đó là nỗi sợ. Tôi cảm thấy an toàn hơn khi đứng sau một chiếc máy ảnh !” – Avedon thổ lộ

Richard Avedon nhận được nhiều giải thưởng danh giá, được bình chọn là một trong mười nhiếp ảnh gia vĩ đại nhất thế giới, được trao bằng tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học nổi tiếng nhờ những cống hiến to lớn của ông trong thế giới nhiếp ảnh.

Marta Gili – người tổ chức triển lãm ảnh Richard Avedon ở Paris năm 2008 nhân kỷ niệm 2 năm ngày mất của ông nói: “Avedon không phải là một nhiếp ảnh gia làm việc tùy hứng, theo thói quen hoặc bản năng. Ông chụp hình với toàn bộ trí tuệ của mình…”

Bộ ảnh gồm 7 bức mà ông chụp về cha mình từ 1969 đến 1973 khi ông cụ vật vã với căn bệnh ung thư đến tận lúc lìa đời đã làm người xem nao lòng khi đối diện với nỗi đau của con một người cụ thể đồng thời cảm thấy sự tuyệt vọng của mọi người trên thế gian trước tuổi già và bệnh tật.


Năm 1995, ông thật sự gây bàng hoàng khi trình làng bộ ảnh thời trang rùng rợn gồm 23 bức với tên gọi “Trong sự tiếc nhớ của ông bà Comfort” mà ở đó, cô người mẫu gợi cảm và cực kỳ quyến rũ luôn âu yếm, xoắt xuýt bên cạnh bộ xương người trắng hếu, được khoác lên mình những bộ quần áo hết sức xa xỉ và choáng lộn.


“Người ta có thể chê trách Avedon rằng ông là nhà nhiếp ảnh trần tục, người của hào nhoáng, của giàu sang bổng đột ngột tìm hứng khởi ở những người nghèo khổ bất hạnh. Đó là phản ứng của những người duy mỹ và bảo thủ, nhưng với tôi, cách mà Avedon thể hiện biết đâu chừng là sự cảm thông theo kiểu thế hệ chúng ta…” - Bà Marta Gili nói thêm.


Thời trang - Quảng cáo - Chân dung… Richard Avedon đều thành công nhưng ông không làm việc vì vụ lợi hoặc vinh quang, ông chụp ảnh như một sự thôi thúc riêng tư, thầm kín.
Avedon nói: “Khi tôi chụp chân dung ai đó, tôi phải đủ gần để có thể chạm được nó. Giữa tôi và người mẫu chẳng có gì khác ngoài cái nhìn riêng tư.” …Trở lại với Isabella Adjani, qua các bài phỏng vấn gần đây, cô hay so sánh các nhiếp ảnh gia đang thực hiện ảnh cho cô với Avedon “Không ai có thể làm tôi thoải mái như ông. Với ông, tôi chẳng quan tâm đến việc mình phải làm gì, đứng như thế nào, và diễn cái gì !”- Adjani nói.

Cũng theo Adjani, những lần chụp hình với Avedon không hề kéo dài, nó dễ dàng và chớp nhoáng, vậy mà trong cô, nó luôn để lại ấn tượng mạnh mẽ khó quên, y như những lần “Vua gặp Hoàng Hậu…”(*)


Đoàn Khoa
Tháng 06-2009

(*): cũng là tựa bài viết trên tờ PHOTO về sự kiện Avedon chụp cho Adjani