Jul 5, 2008

NHẠC SỸ HỒ ĐĂNG LONG VÀ NHỮNG TÌNH KHÚC VIỆT SÁNG TÁC TRÊN ĐẤT MỸ


Ở cái xứ Mỹ bận rộn và đầy áp lực này, tìm một vài giây phút thư giãn bằng cách nghe nhạc tình là một thú vui giản dị . Tôi cũng làm vậy, chỉ có điều tôi vẫn nghe nhạc Việt là chính. Sau một thời gian tìm hiểu, tôi nhận thấy người Việt ở Mỹ vẫn nghe và hát nhiều các bản tình ca của những nhạc sỹ đã thành công từ trước 75 như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Lam Phương, Trần Thiện Thanh… Một số cũng bắt đầu tìm nghe một số ca khúc của những nhạc sỹ trong nước. Rất ít thấy tên tuổi của các nhạc sỹ trẻ viết nhạc trên đất Mỹ. Để tìm hiểu thêm, tôi đã nói chuyện với nhạc sỹ Hồ Đăng Long, nhân dịp nghe CD nhạc tình mới nhất của anh, CD Nghĩ Đến Em…

Anh Hồ Đăng Long qua Mỹ năm 1990 . Tốt nghiệp Cử Nhân Âm Nhạc & Cao Học Âm Nhạc tại Đại Học San Jose State . Hiện nay, anh có một studio và vẫn đi dạy Piano trên San Jose. Cũng nên nhắc lại rằng anh Long cháu ruột của Nhạc Sỹ Hồ Đăng Tín, tác giả của phần hòa âm tuyệt vời cho 10 bài Đạo Ca từ thập niên 60.

Khi được hỏi tại sao lại chọn cái nghề âm nhạc để theo đuổi trên đất Mỹ, anh Long cho biết anh cũng đã từng theo học khoa piano và sáng tác ở trường Quốc Gia Aâm Nhạc Sài Gòn hồi còn ở Việt Nam. Khi mới sang Mỹ, một số học trò cũ đã kéo anh về San Jose để tiếp tục dạy piano. Anh thấy mình hình như có duyên với nghề này, nên quyết định theo học âm nhạc luôn.

Anh Long nghĩ rằng mình có khả năng về dạy học, nên chọn nghề thầy giáo dạy đàn piano để sinh sống là thích hợp nhất. Còn nhạc sỹ hình như là “cái nghiệp” chứ không hẳn là “cái nghề”. Anh sáng tác, làm hòa âm cho ca khúc theo cảm hứng là chính. Hành nghề thực sự như một nhạc sỹ chuyên nghiệp, anh nghĩ mình khó mà có cuộc sống ổn định được.

Nói về CD “Nghĩ Đến Em” anh Long cho biết CD đã được phát hành vào cuối năm 2007. Thật là đặc biệt, CD gồm mười bài tình ca, được sắp xếp để kể lại một câu chuyện tình “thời đại”, mà rất nhiều người trong chúng ta cũng đã từng trải qua: đôi thanh niên nam nữ yêu nhau, nhưng vì thời cuộc phải chia xa . Sau bao nhiêu năm, họ gặp lại, dù tình xưa vẫn còn nồng nàn, nhưng cả hai đều vướng bận, không còn như xưa nữa . Hoàn cảnh trái ngang như vậy, nên đành phải chia tay. Nội dung tương tự những ca khúc Ngàn Năm Vẫn Không Quên, Mười Năm Tình Cũ, nhưng dàn trải tuần tự với mười ca khúc.

Ta sẽ nghe tiếng hát của Quang Tuấn và Thanh Hà diễn tả tâm sự của đôi uyên ương này, từ những tiếc nuối cho thuở ban đầu đã không đến được với nhau, cho đến khi gặp lại, và nhận ra rằng dù tình yêu xưa vẫn còn, nhưng mãi mãi cũng chỉ là dĩ vãng. Tiếng hát của Khánh Ly trong ca khúc thứ sáu (Đêm Sầu) như lời tiên tri buồn của một người từng trải, đã nhìn thấy kết cục dang dở của mối tình này …

Về phương diện âm nhạc, 10 bài được sáng tác & hòa âm theo nhiều thể loại khác nhau . Khỏang phân nửa được hòa âm phối khí mang nhiều âm hưởng của nhạc Classic . Bài số 3 (Vì Sao Tôi Không Thể) theo phong cách Jazz, Bài số 4 (Đợi Chờ) có tiết điệu Disco, Bài số 10 (Tình Trăng) theo phong cách Mỹ Latin. Aán tượng nhất là Bài số 5 (Đêm Yêu Đương), viết theo tiết điệu Tango Argentina, nhưng sử dụng rất nhiều kỹ thuật đảo phách, chuyển cung nhanh… rất độc đáo, ít thấy trong ca khúc Việt Nam.

Khi được hỏi ý kiến về sự khác nhau giữa ca khúc Việt Nam và ca khúc Mỹ, anh Long cho rằng ca khúc Việt Nam rất chú trọng về giai điệu và lời ca. Lý do là tiếng Việt của chúng ta có tới 6 thanh âm, cho nên trong lời đối thoại bình thường của tiếng Việt cũng đã có âm nhạc. Ca khúc Việt do vậy thường có giai điệu trầm bổng du dương. Phần lời ca cũng thường có vần điệu, sử dụng từ chọn lọc, có nhiều ngụ ý như văn viết chứ không phải là văn nói. Ngược lại, ca khúc Việt lại ít để ý tới phần tiết điệu, vốn là một phần không thể thiếu của nhạc Mỹ. Điều này cũng dễ hiểu nếu ta nhận ra rằng người Việt không phải là một dân tộc thích nhảy múa. Nếu kho tàng dân ca của chúng ta phong phú bao nhiêu, thì chúng ta lại gặp khó khăn bấy nhiêu để chúng ta tìm ra một điệu múa đặc trưng cho dân tộc Việt. Chắc cũng vì vậy mà nhiều người Aâu Mỹ không thích nghe nhạc Việt Nam. Họ có cảm giác chậm và buồn quá. Anh Long đưa ra một hình ảnh minh họa rất hay: có một lần cô cháu gái lớn lên ở Mỹ hỏi anh sao nhạc Việt Nam nghe không sôi nổi tí nào, anh Long bảo: “Thì cháu cứ mặc cái áo dài truyền thống của người Việt mình vào người rồi sẽ thấy câu trả lời!”. Văn hóa Việt cũng như bộ quốc phục này, vẫn mang nhiều nét tĩnh và nhu mì. Mặc áo dài, các cô gái Việt Nam đi đứng tự nhiên sẽ phải dịu dàng, thướt tha hơn, chứ không thể nhún nhẩy được.


Cũng từ nhận xét đó, anh Long nghĩ rằng để làm mới các ca khúc Việt, các nhạc sỹ Việt Nam thế hệ sau nên chú trọng phát triển phần hòa âm, tiết tấu. Tuy nhiên, vẫn phải có giai điệu đẹp, vì đó là điểm đặc thù của ca khúc Việt. Anh đã áp dụng những yếu tố này vào trong nhưng tình khúc của mình trong CD Nghĩ Đến Em. Anh Long không nghĩ rằng nhiều thính giả trong giới trẻ lớn lên ở Mỹ sẽ thích nghe những ca khúc trong CD này. Các em thích nghe nhạc ồn ào & upbeat hơn . Tuy nhiên, mỗi một thể loại âm nhạc đều có chổ đứng riêng & có khán giả của nó, vì mỗi người có thị hiếu âm nhạc khác nhau . Ngay tại Mỹ, không phải ai cũng thích nghe Hip Hop hoặc Rap . Bởi vậy nên anh tin là loại ca khúc lãng mạn như trong CD Nghĩ Đến Em bao giờ cũng có người nghe và yêu thích .

Có một điều ít người biết là CD này được thực hiện dưới sự góp sức của rất nhiều người trong nhóm thân hữu cựu học sinh trung học Petrus Ký của tác giả. Lời tựa của Ánh Thu do Thiên Hương đọc. Ý thơ Trương Đình Trác. Tiếng đàn guitar của Chánh Trung... Những nhân vật này hiện đang sinh sống bằng nhiều nghề nghiệp khác nhau trên đất Mỹ. Họ chỉ đến với âm nhạc Hồ Đăng Long với niềm vui và vì tình bạn. Anh Long cho biết tình bạn trong nhóm Petrus Ký là một trong những nguồn cảm hứng để anh thực hiện CD này . Anh ít viết ca khúc. Đa số những sáng tác trước đây của anh đều được viết cho Piano, Violin (anh đã phát hành 2 CD nhạc hòa tấu sọan cho Violin & Piano), hoặc cho dàn nhạc Thính Phòng Giao Hưởng . Nhân dịp họp mặt cùng nhóm bạn học cũ cách đây vài năm, anh được gặp lại nhiều người bạn thân đã mất liên lạc từ nhiều năm qua . Có những người anh tưởng đã chết ngoài biển . Nghe bạn bè kể chuyện ngày xưa, anh tự nhiên thấy trẻ lại, tâm hồn tràn ngập cảm xúc, nên mới viết được tình khúc. Đến lúc thực hiện CD, bạn bè cũng động viên giúp đỡ. Trong khối Petrus Ký 74-81 mà anh Long học, có rất nhiều tài năng. Những góp sức của Thiên Hương, Ánh Thu, Trương Đình Trác, Anh Huy, Chánh Trung đều hay và đẹp như những nghệ sỹ nhà nghề vậy…

Đoàn Hưng

2 comments:

Hot... said...

Hey, bài này interesting chứ Hưng. Cái đoạn mày viết là mặc áo dài truyền thống thì con gái VN đi đứng dịu dàng, không nhún nhẩy được - tao cười quá trời vì nhớ tới chương trình Paris by Night, có mấy chị mặc áo dài mà múa xoạc cẳng, đá chân tùm lum, coi ... không Ziệc Nam tí nào - chướng mắt muốn chết ...

Chi Hai

Hot... said...

Bao gio may qua tui minh di long bong o Little Saigon thi may nhac tao kiem mua CD do nghe.

Truong Linh