với bài hát Hội Hoa Đăng
Đêm thứ Bảy July 12 vừa qua, tại Rose Center Theater thành phố Westminster, những người yêu nhạc Việt Nam ở Quận Cam Cali đã có dịp gặp lại cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Tôi dùng chữ “gặp lại”, dù con người tài hoa này đã tạm rời dương thế từ 13 năm, bởi vì đây là cảm giác thực sự của chính tôi khi có mặt trong đêm nhạc thính phòng nhiều cảm xúc đó. Tôi đã hát và nghe nhạc Dương Thiệu Tước từ bé, bắt đầu với những bài hát dành cho thiều nhi như Ơn Nghĩa Sinh Thành, Khúc Nhạc Dưới Trăng. Tôi đã đọc rất nhiều lời bình luận về nhạc Dương Thiệu Tước của các nhạc sĩ, nhà phê bình nổi tiếng. Vậy mà tôi vẫn tìm thấy thêm bao điều mới lạ từ những bài hát của ông trong đêm nhạc này.
Tôi được nghe lần đầu một số ca khúc của Dương Thiệu Tước như Sóng Lòng, Buồn Xa Vắng, Nhớ Cánh Uyên Bay.Điền này cũng dễ hiểu vì ông có đến hơn 200 ca khúc. Nghe Mộng Thủy hát bài Nhớ Cánh Uyên Bay trong thể điệu Bolero, tôi vẫn thấy nét “quí phái” trong điệu nhạc thường dành cho nhạc “sến” này.
Tôi nghe lại một số nhạc phẩm nổi tiếng, đã được nhiều ca sĩ hát, nhưng với một phong cách trình diễn khác. Bóng Chiều Xưa được gương mặt trẻ Bảo Châu thể hiện một cách phóng khóan, mơ màng, làm cho ca khúc này trở nên lãng mạn và quyến rũ hơn. Tiếng hát của Quỳnh Giao với Tiếng Xưa- chủ đề của đêm nhạc- đã đưa tôi về không gian hòai niệm của miền quê Nam Bộ mộc mạc. Tiếng mõ đều đều trong phần hòa âm làm cho chúng ta nhớ lại âm vang của một câu vọng cổ trong một buổi chiều lục tỉnh. Sự tinh tế của Quỳnh Giao là ở chỗ chị hát một số từ trong bài bằng giọng Nam. Chị bắt đầu bài hát nhẹ nhàng như tâm sự, rồi kết thúc bằng giọng hát vút cao “…ai đó tri âm hững hờ…”, đã làm chạnh lòng những người mới xa xứ như tôi.
Còn nhiều điều mới nữa lắm. Hầu như ai cũng biết hát bài Chiều. Tôi đã nghe bài này hát không nhạc đệm, hát đồng ca, hát với một cây guitar thùng, hát trong Karaoke… Và bây giờ tôi lại nghe Lê Hồng Quang hát Chiều với giàn nhạc thính phòng. Chỉ với hơn 10 câu nhạc, giai điệu thật đơn giản, nhưng Chiều đã được nhạc sĩ Hồ Đăng Tín biên sọan phần hòa âm như một ca khúc cổ điển Tây Phương. Cái chất “sang trọng” trong nhạc Dương Thiệu Tước được thể hiện ngay ca khúc dễ hát nhất của ông.
Khán giả khám phá thêm những tình tiết thú vị trong nhạc phẩm Hội Hoa Đăng. Hơn 50 năm trước, chỉ từ cảm hứng của một buổi tiệc đầy tháng của một người cháu, Dương Thiệu Tước đã đem người nghe đến khôngkhí lễ hội từng bừng của xứ sở Tây Ban Nha với điệu Paso rộn ràng trong Hội Hoa Đăng. Chi tiết cảm động nhất: người cháu đó chính là nhạc sĩ Khánh Hồng, nhạc trưởng của đêm nhạc. Những người có mặt trong đêm “Hội Hoa Đăng” nửa thế kỷ trước, nay lại có mặt hôm nay để nghe và hát, để ôn lại kỷ niệm: nhạc trưởng Khánh Hồng, ca sĩ Vân Quỳnh, ca sĩ Quỳnh Giao trên sân khấu và ca sĩ Minh Trang- Dương Thiệu Tước phu nhân- ở dưới khán đài.
Kết thúc đêm biểu diễn, Ca sĩ Minh Trang, nay đã 89 tuổi, bước lên sân khấu để cảm ơn khán giả. Bà còn đủ minh mẫn, dí dỏm để mời khán giả đến nhà chung vui một li Martini, còn mong rằng có dịp đi dự nhiều đêm nhạc như vậy để còn có dịp gặp lại khán giả thân yêu, gia tài vô giá của người nghệ sĩ.
Riêng mình , tôi lại muốn cám ơn Dương Thiệu Tước, cám ơn Minh Trang đã đem đến cho nền tân nhạcViệt Nam một giai đọan không thể quên trong quá khứ. Cảm ơn những Khánh Hồng, Quỳnh Giao, Kim Tước… là thế hệ đã gìn giữ vốn quí đó đến ngày hôm nay. Cảm ơn những Bảo Châu, Lê Hồng Quang… là thế hệ trẻ, sẽ tiếp tục duy trì sức sống của nền âm nhạc Việt nam tại hải ngọai…
Đòan Hưng
No comments:
Post a Comment