May 7, 2008

2. ANH THỌ- CHỦ CHỢ Á ÐÔNG- VÀ GIẤC MƠ “CHỢ VIỆT NAM CHO KHÁCH HÀNG MỸ”

Chợ Việt nam ở quê nhà là một nơi chốn gần gũi,
với cảnh buôn thúng bán bưng…



Theo anh Thọ, chuyển hướng ra thị trường Mỹ là niềm mơ ước của nhiều ngành kinh doanh của người Việt, vì tiềm năng thị trường lớn hơn nhiều. Riêng trong ngành chợ, đó lại là qui luật tất
yếu trong tương lai. Chừng vài chục năm nữa, khi thế hệ người Việt thứ I và thứ II ra đi, thế hệ thứ III sẽ có nhiều thay đổi. Thế hệ trẻ sẽ không sống quây quần trong các “khu người Việt” như chúng ta ngày hôm nay, mà phân tán rộng ra vào các khu người Mỹ. Ngay bây giờ, thói quen ăn uống của chúng cũng đã khác. “ Cuối tuần, thử hỏi đám con mình muốn đi ăn phở hay McDonald, chúng sẽ chọn McDonald liền…”, anh Thọ nói vui như vậy. Do đó, chợ Việt nam sẽ không sống được nếu chỉ phục vụ cho người Việt. Khuynh hướng của chợ trong tương lai sẽ phải phục vụ cho khách hàng đa sắc tộc. Chợ Bakersfield đang là mô hình thí điểm của anh Thọ cho khuynh hướng này.

Nhưng mà thuyền lớn thì sóng lớn. Chợ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với những đại gia thực sự, các hệ thống siêu thị khổng lồ của Mỹ với nguồn vốn rất lớn. Ðâu là thế mạnh trong kinh doanh của mình đây? Theo anh Thọ:
- Yếu tố giá là quan trọng nhất. Chi phí cho các siêu thị Mỹ thường rất cao, thường đòi hỏi một lượng khách hàng lớn thì kinh doanh mới hiệu quả . Chợ Việt có qui mô nhỏ hơn, chi phí vận hành tương đối thấp, do đó có giá cả rẻ hơn, sẽ cạnh tranh hơn nếu được điều hành tốt.
- Yếu tố quan trọng thứ hai là sự lựa chọn các mặt hàng bày bán trong siêu thị. Khi mình đã quyết định phục vụ cho khách hàng đa sắc tộc, mặt hàng của chợ mình cũng phải đa dạng, để khách hàng nào cũng có thể vào mua sắm được. Anh Thọ cho rằng mình vẫn nên giữ cái nền khách hàng chính là người Mỹ gốc Việt, gốc Á trước. Kế tiếp là người Mễ, vì họ có dân số rất đông tại Cali, được thêm cái thuận lợi là họ khá dễ tính. Sau đó mới là người Mỹ trắng…
- Sau cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, chính là yếu tố về nhân sự. Ðể đi vào được thị trường Mỹ, mình phải có những con người thuộc thế hệ mới, có trình độ, nắm vững được cách kinh doanh, quản lý rất khoa học và hiệu quả của người Mỹ. Anh Thọ rất mong đám con cháu mình, sinh ra lớn lên ở Mỹ, sẽ là những người kế thừa cho công việc kinh doanh của anh trong tương lai.


Câu chuyện về chợ Việt Nam của anh Thọ ngắn gọn chỉ có thế. Hôm tôi đến chuyện trò với anh Thọ là vào buổi trưa. Anh đang dở dang bửa ăn trưa ngay tại văn phòng, đó chỉ là một hộp cơm. Tôi nói đùa với anh: “ Trời đất, ông chủ chợ Á Ðông mà phải ăn cơm hộp sao anh !?”. Anh cười đáp lại: “Thì giờ đâu mà đi ăn tiệm? Rủ được người quen đi chung là hết giờ rồi! ”. Chia tay với chúng tôi, chắc anh cũng không còn thì giờ để hòan tất bữa ăn nhanh ấy. Ông chủ của bốn ngôi chợ Việt Nam vẫn sống giản dị và dành nhiều thì giờ công việc như vậy đó. Bên cạnh sự nhạy bén, nhìn xa trong kinh doanh, tôi tin rằng sự siêng năng, không ngại khó vẫn là chìa khóa dẫn đến thành công của anh Thọ cũng như các nhà kinh doanh khác. Ðiều này không có gì mới, nhưng vẫn cứ là một bài học cần thiết cho thế hệ trẻ Việt Nam lớn lên trên xứ người…


Tháng 3 -2008
Đòan Hưng


No comments: