Feb 25, 2008

Những năm Tí - phần bốn

16. Năm Canh Tí (1780)

Ngô Thì Sĩ (1726-1780) tự là Thế Lộc, hiệu là Ngọ Phong và Nhị Thanh Cư Sĩ, người xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Từ nhỏ đã có tiếng học giỏi và siêng năng.

Đỗ Hương Cống, vì có tài văn học nên được Chúa Trịnh Sâm yêu dùng, cất nhắc lên chức Cấp Sự Trung, Đốc Đồng Thái Nguyên. Ông đỗ tiến sĩ năm 41 tuổi, làm quan đến chức Đốc Trấn Lạng Sơn, tước Khánh Duyên Hầu.

Thụ chức Đốc Trấn Lạng Sơn, gặp lúc mất mùa đói kém, ông đã cố sức khuyên dân khẩn phá đất hoang, nhờ đó chẳng bao lâu khắp nơi trở lại ấm no yên ổn. Tính thích thanh thản, khi rảnh việc quan, ông thường lên động Tam Thanh uống rượu ngâm thơ. Ông mất tại chức vào năm Canh Tí (1780).

Là một nhà văn học lẫy lừng, tác phẩm của ông gồm có:
- Anh Ngôn Thi Tập
- Nhị Thanh Động Tập
- Việt Sử Tiêu Áng (khảo sát và phê bình các bản sử cũ)
- Hải Dương Chí Lược (chuyên khảo về lịch sử, địa dư và nhân vật tỉnh Hải Dương).

17. Nhâm Tí (1792) với danh tướng Nguyễn Đức Xuyên.

Nguyễn Đức Xuyên (1758-1824) là danh tướng đời Gia Long.

Tổ tiên trước gốc ở Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Đời thân sinh dời vào ở Gia Định với chức Cai Cơ. Dũng mãnh, mưu trí, Nguyễn Đức Xuyên theo Chúa Nguyễn Phước Ánh làm đội trưởng; những lúc cùng khốn hết lòng phù tá. Khi Chúa Nguyễn từ Vọng Các trở về, Nguyễn Đức Xuyên được phái đi do thám tình hình ở Bình Thuận và nhận lãnh trọng trách thu thuế dầu, thuế mỡ tại đó. Năm Nhâm Tí (1792) Chúa Nguyễn thân chinh cầm quân tới Quy Nhơn, Nguyễn Đức Xuyên theo tướng Nguyễn Văn Trương lập được quân công, do đó được thăng Hùng Võ Vệ Uý thuộc cánh quân Thần Sách.

Năm Ất Mão (1795) cùng với tướng Lê Văn Duyệt đem quân ra Quy Nhơn đánh phá được quân của Đô Đốc Tây Sơn là Lê Văn Phong tại đồn Lò Gạch.

Năm sau – Bính Thìn (1796) – ông dẹp yên đám giặc biển Đồ Bà ở gần đảo Phú Quốc. Đến năm Mậu Ngọ (1798), ông được thăng Hậu Đồn Phó Thống. Tiếp đó vào năm Kỷ Mùi (1799), ông quản lĩnh 5 cơ tượng binh theo đại binh ra đánh Quy Nhơn. Trong trận tấn công đồn Tháp Cát, tuy bị thương nhưng ông đã phá vỡ được phòng tuyến Tây Sơn, đem thắng lợi về cho Nguyễn Vương. Sau đó, được thăng Thống Chế, ông đem tượng binh ra Cù Lao Mông theo Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt giải cứu thành Bình Định. Nguyễn Văn Thành đánh đồn Chủ Sơn không vỡ. Phó Vệ Uý là Nguyễn Công Trọng tử trận; Nguyễn Đức Xuyên xin rút quân về.

Nguyễn Vương muốn dùng hỏa công đốt trại Tây Sơn ở Thị Nại (Quy Nhơn), Nguyễn Đức Xuyên đề bạt Lê Văn Duyệt. Nguyễn Vương nghe theo và đã phá huỷ được thuỷ quân của Tây Sơn.

Năm Nhâm Tuất (1802) bị thua quân, để chết mất một phó tướng, Nguyễn Đức Xuyên dâng sớ chịu tội, Nguyễn Vương cũng tha cho. Gia Long Nguyên Niên (1802), ông theo hầu ngự giá Bắc Thành, đến Thanh Hoá, ông vâng mạng ở lại giữ chức Đốc Trấn và thụ tước Quận Công. Vua trở về Kinh, Nguyễn Đức Xuyên cùng với Nguyễn Văn Nhân dâng sớ can Vua không nên quá ham âm nhạc. Vua Gia Long nghe theo và ban khen.

Năm Gia Long năm thứ 18 (1819), ông tâu nên ra lệnh các thành, trấn năm nào cũng diễn tập tượng trận trong 3 ngày. Vua cũng nghe theo.

Đến năm Minh Mạng thứ 5 (1824), ông thụ bệnh mà mất, thọ 67 tuổi; được truy tặng Thái Phó, Tứ Thuỵ là Hoàn Dũng, phong Khoái Châu Quận Công và được thờ tự tại Thái Miếu.

18. Năm Nhâm Tí (1792) vua Quang Trung mệnh chung.

Nguyễn Huệ (1752-1792) vị anh hùng cứu quốc, suốt 21 năm tung hoành ngang dọc. Kể từ năm Tân Mão (1771), khởi binh ở Tây Sơn đến khi mất vào năm Nhâm Tí (1792), ông đã hai lần chống ngoại xâm:
- Lần thứ 1: phá quân Xiêm tại Xoài Mút năm 1784.
- Lần thứ 2: đánh đuổi giặc Mãn Thanh năm 1789 để thống nhất nước ta vào cuối thế kỷ 18.

Năm Bính Thân (1776), khi Nguyễn Nhạc tự xưng là Tây Sơn Vương, Nguyễn Huệ được phong là Phụ Chính. Đến năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Nhạc lên ngôi vua đặt niên hiệu là Thái Đức, Nguyễn Huệ lãnh chức Long Nhượng Tướng Quân. Có biệt tài về quân sự, Nguyễn Huệ đã giúp vua Thái Đức chống với Chúa Nguyễn hết sức đắc lực. Bốn lần đánh vào Gia Định, lần nào cũng thắng trận; Chúa Nguyễn Phước Ánh mấy phen phải chạy trốn ra Phú Quốc và sang Xiêm. Lần vào Gia Định năm Giáp Thìn (1784), gặp quân Xiêm cứu viện cho Chúa Nguyễn, Nguyễn Huệ đã dùng kế phục binh đánh thắng một trận rất vẻ vang tại Xoài Mút (thuộc địa phận Mỹ Tho): 20 ngàn quân và 300 chiến thuyền cứu viện của Xiêm, sau trận ấy chỉ còn vài ngàn tàn binh.

Tháng 5 năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ đem hai đạo quân thuỷ, bộ tiến chiếm thành Thuận Hoá. Rồi kéo quân tiến thẳng ra Bắc lấy tiếng phò Lê diệt Trịnh. Qua Nghệ An, Thanh Hoá một cách dễ dàng, thắng thủy binh của Đinh Tích Nhưỡng ở Lỗ Giang, đánh dốc vào đại quân của Trịnh Tự Quyền đóng giữ Kim Động. Ngày 24 tháng 6 năm Bính Ngọ (1786) trấn Sơn Nam thất thủ. Thừa thắng, Nguyễn Huệ kéo quân thẳng tiến Thăng Long. Ngày 25 tháng 6 đánh úp phá được thuỷ binh Trịnh dưới quyền Quận Thạc Hoàng Phùng Cơ tại sông Thuý Ái, thắng Trịnh ở Tây Luông, quân Tây Sơn vào Thăng Long. Để tỏ ý phò Lê, ngày 27 tháng 6, Nguyễn Huệ dẫn đám tuỳ tướng vào làm lễ triều yết và đệ trình lên vua Lê Hiển Tôn sổ quân dân của Tây Sơn. Vua Lê đã phong cho Nguyễn Huệ làm Đại Nguyên Suý Phù Chính Dực Vận Uy Quốc Công. Sau đó nhờ sự mai mối của Nguyễn Hữu Chỉnh, vua thuận gả con gái là công chúa Ngọc Hân mới 16 tuổi xuân cho Nguyễn Huệ.

Vua Hiển Tôn mất; chịu tang xong Nguyễn Huệ phải theo Nguyễn Nhạc rút quân về Nam và được vua anh phong làm Bắc Bình Vương. Năm Đinh Mùi (1787), hay tin Nguyễn Hữu Chỉnh chuyên quyền ở Bắc, Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra giết đi. Đến Vũ Văn Nhậm cũng chuyên quyền và có ý phản Tây Sơn, Bắc Bình Vương tức tốc ra Bắc sử tử Vũ Văn Nhậm, tổ chức lại việc chính trị, để Ngô Văn Sở ở lại trông coi, rồi rút quân về Phú Xuân. Xảy ra việc Lê Chiêu Thống vì không phục Tây Sơn, lên nương náu tại đất Lạng Giang, cho người sang cầu cứu nhà Thanh. Tôn Sĩ Nghị đem 200 ngàn quân thuộc 4 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu và Vân Nam từ 3 mặt Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn tràn xuống Thăng Long. Một lần nữa Nguyễn Huệ lại ra Bắc để dẹp giặc. Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ làm lễ tế cáo trời đất tại núi Bân Sơn (Thuận Hoá) lên ngôi Hoàng Đế đặt hiệu là Quang Trung, rồi thống lĩnh thủy bộ đại binh Bắc tiến đánh giặc Thanh. Ngày 29 tháng 11 đến Nghệ An, nghỉ lại 10 ngày để tuyển thêm binh lính. Binh lực bên ta bấy giờ gồm chừng 100 ngàn quân và hơn 300 thớt voi. Ngày 20 tháng chạp, đến núi Tam Điệp, nhà vua khao lạo tướng sĩ, định cất quân vào hôm trừ tịch và hẹn đến ngày mùng 7 Tết Kỷ Dậu thì vào Thăng Long. Ba mươi Tết, Nguyễn Huệ phân binh thành năm đạo, tự mình điều khiển Trung Quân tiến lên Thăng Long. Mùng 3 Tết Kỷ Dậu, vua Quang Trung dùng kế hư binh, không đánh mà hạ được đền Hạ Hồi. Mùng 5 Tết, kịch chiến ở Ngọc Hồi, quân Nam toàn thắng tại Đống Đa, tướng Thanh là Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử, hàng vạn quân giặc chạy bạt vào phía đầm Mực, bị voi giày mà chết. Hạ đồn Điền Châu xong, Nguyễn Huệ kéo quân vào Thăng Long, uy thế hết sức mạnh mẽ. Tôn Sĩ Nghị hoảng sợ, chạy về mạng Bắc, đến địa phận huyện Phượng Nhãn, phải vất bỏ cả ấn tín để thoát lấy thân. Quan quân nhà Thanh, tranh nhau qua cầu phao, cầu sập, chết hại vô số. Vua Lê Chiêu Thống cũng theo gót Tôn Sĩ Nghị chạy sang Tàu.

Đánh đuổi quân Thanh ra khỏi nước xong, vua Quang Trung một mặt chịu nhún mình vận động với Thanh triều để nối lại bang giao giữa nước ta và Trung Hoa, mặt khác lo cải tổ nội chính cho được vững vàng. Nhờ tài ngoại giao của Ngô Thời Nhiệm, tháng 7 năm Kỷ Dậu (1789) Nguyễn Huệ được vua Thanh Càn Long phong làm An Nam Quốc Vương.

Về nội chính, vua Quang Trung xây dựng Đế chế lập Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An, phong bà Ngọc Hân làm Bắc Cung Hoàng Hậu, lập Nguyễn Quang Toản làm Thái Tử, chỉnh đốn lại các cơ quan hành chánh trung ương và địa phương, định lại quan chế; đối phó gắt gao với đám thân sĩ còn luyến tiếc triều Lê cũ, khởi binh chống lại Tây Sơn; tổ chức nền học chánh, trọng dụng chữ Nôm và dự định đặt một nền quốc học thuần tuý Việt Nam, lập nhà Sùng Chính Thư Viện, cử La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng, giữ việc giáo dục quốc dân; khuyến khích canh nông và lo đến đời sống của nhân dân, bớt thuế cho dân nghèo; gặp năm đại hạn hay hồng thuỷ thì ra ân đại xá; tổ chức quân đội và huấn luyện binh sĩ, lập sổ đinh để kén lính, dân chia làm 4 hạng, mỗi người đeo một thẻ tín bài, khắc 4 chữ “Thiên Hạ Đại Tín” để tiện kiểm soát ; chấn chỉnh lại Phật giáo.

Đến năm 1792, khi nhận thấy lực lượng của mình đã khá hùng hậu có thể đương đầu với nhà Thanh, vua Quang Trung sai Võ Văn Dũng cầm đầu một sứ bộ, sang Tàu yêu sắc 2 điều:
1. Đòi đất Lưỡng Quảng
2. Yêu cầu được kết duyên với con gái vua Thanh.

Nhưng mộng lớn chưa thành thì nhà vua bị chứng huyễn-vận mà mất. Sứ bộ Võ Văn Dũng đang ở Yên Kinh, nhận được tin chẳng lành, bèn dìm các việc đòi đất và cầu hôn, đành ôm hận trở về nước.

Vua Quang Trung mệnh chung vào đêm 29 tháng 7 năm Nhâm Tí (1792), thọ 40 tuổi và trị vì được 2 năm. Vua Quang Trung mất rồi, nhà Tây Sơn tuy còn giữ ngôi được 10 năm nữa nhưng nội bộ chia rẽ. Thái sư Bùi Đăng Tuyên – (cậu của vua Cảnh Thịnh) – chuyên quyền. Các tướng không phục. Và chính điều này đã giúp cho Chúa Nguyễn Phước Ánh cơ hội đánh đổ nhà Tây Sơn.

19. Năm Canh Tí (1780) và năm Bính Tí (1816) với Tả quân Lê Văn Duyệt.

Lê Văn Duyệt (1763- 1832) là vị danh tướng trung thành và hiển hách nhất thời nhất thời Nguyễn Sơ.

Gốc người làng Bồ Đề, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, từ đời nội tổ đã dời vào Nam ở tại làng Hoà Khánh tỉnh Định Tường. Sang đời thân sinh lại dời đến tại Rạch Gầm- nay thuộc làng Long Hưng, thuộc hạt Mỹ Tho. Thông minh, có sức khoẻ, chuộng võ nghệ. Hồi chúa Nguyễn Phước Ánh chạy đến Rạch Gầm, thu dụng ông làm bộ hạ. Năm Canh Tí (1780), chúa Nguyễn Phước Ánh xưng vương tại Gia Định, ông được sung chức Thái Giám Nội Đình, ông được phong làm Thuộc Nội Vệ Uý Quân Thần Sách. Sau đó có lần bị Tây Sơn bắt, ông trốn thoát và được thăng Cai Cơ. Sau hai lần hộ giá Nguyễn Vương sang Xiêm, khi trở về nước, ông có công trong lúc đánh thành Quy Nhơn. Sau đó khắc phục được thành Phú Xuân, Nguyễn Vương lên ngôi Hoàng Đế và phong Lê Văn Duyệt làm Khâm Sai Trưởng Tả Quân Dinh Bình Tây Tướng Quân tước Quận Công, rồi cùng với Trung quân Lê Văn Trương và Hậu quân Lê Chất tiến quân đánh Bắc Hà.

Đất Bắc dẹp yên, ông được cử làm Kinh Lược Sứ Thanh Nghệ. Năm Quý Dậu (1813), nhân có vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân sang cầu cứu nước ta vì bị các em đưa quân Xiêm về cướp ngôi. Lê Văn Duyệt vâng lệnh vào làm Tổng Chấn Gia Định Thành. Nặc Ông Chân được đưa về ngôi cũ, chịu quyền bảo hộ của Việt Nam. Đến năm Bính Tí (1816), Lê Văn Duyệt được triệu về Kinh.

Vào năm Canh Thìn (1820), năm đầu Minh Mạng – ông lãnh chức Tổng Trấn Gia Định để dẹp loạn thày chùa Thổ nổi dậy. Sau khi loạn dẹp yên, ông còn ở lại chức Tổng Trấn Gia Định được 12 năm nữa, cho đến ngày 30 tháng 7 năm Nhâm Thìn (1832) thì tạ thế.

Ông mất được vài năm, nhân xảy ra việc Lê Văn Khôi, con nuôi ông, dấy loạn để chống lại sự hà khắc thái quá của triều đình Huế, ông cũng bị tội lây. Triều thần về hùa với vua Minh Mạng kết ông vào 11 tội, rồi ra lệnh sang bằng mộ phần và dựng lên tấm bia với hàng chữ : QUYỀN YÊM LÊ VĂN DUYỆT PHỤC PHÁP XỨ (Chỗ này tên quyền yêm Lê Văn Duyệt chịu phép nước). Mãi đến đời Tự Đức, ngôi mộ mới được xây đắp lại; tấm bia Lê Văn Duyệt chịu phép nước được quẳng đi! Đức tả quân Lê Văn Duyệt được truy phục lại: VỌNG CÁC CÔNG THẦN CHƯỞNG TẢ QUÂN, BÌNH TÂY TƯỚNG QUÂN, QUẬN CÔNG.

Ông còn được dự thờ tại Trung Hưng Công Thần Miếu. Hiện nay tại xã Bình Hoà (Gia Định) còn Lăng Đức Tả Quân – được gọi là Lăng Ông- Hằng ngày dân chúng thường đến chiêm bái và hằng năm tới ngày kỵ huý, dân chúng đến cúng bái rất linh đình trọng thể.

20. Năm Canh Tí (1840) với danh sĩ Nguyễn Hàm Ninh.

Nguyễn Hàm Ninh (1898-1867) là danh sĩ triều Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Tên chữ là Thuận Chi, biệt hiệu Tịnh Trai Anh Toàn Tử. Người làng Trung Ái- tức Trung Thuần, thuộc phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông đỗ Giải Nguyên năm Tân Mão (1831), được bổ dụng Tri Huyện tại Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Vào năm Quý Tỵ (1833), có tang cha, ông xin về cư tang. Được ít lâu, ông vào kinh dạy học.

Năm Bính Thân (1836) ông được vua Minh Mạng triệu ra làm Quốc Học Độc Thư để dạy Hoàng Thái Tử Miên Tông; sau đó được đổi làm Tôn Nhơn phủ Chủ sự (Mậu Tuất 1838).

Tính người bộc trực làm quan chẳng được bao lâu, vì thấy trong đám đồng lưu có nhiều kẻ ganh ghét và tìm cách dèm pha hãm hại, năm Canh Tí (1840), ông cáo quan và về ở tại quê nhà.

Năm Tân Sửu (1841), khi Hoàng Thái Tử lên ngôi, ông được triệu về Kinh, xung chức Nội Các Hành Tẩu. Lần hồi được thăng Hình Bộ Thị Lang (1845), bổ Áng Sát Khánh Hoà, nhưng sau bị tội, phải phạt xung quân ở Đà Nẵng. Được khởi phục hàm Hàn Lâm Viện Trước Tác. Được ít lâu sau, ông cáo quan trở về làng với bầu rượu túi thơ giữa những chốn danh lam thắng cảnh.

Ngày rằm tháng chạp Đinh Mão (1867), ông mất, hưởng thọ 60 tuổi.

Thơ văn của Nguyễn Hàm Ninh có :
- Tịnh trai Thi tập: gồm một số bài thơ kiệt tác được các bậc thi bá đương thời như Tùng Thiện Vương, Cao Bá Quát v..v.. khen tụng.
- Dược Sư Ngẫu Đề: đây là một tập thơ ngẫu hứng làm ra sau khi ông đã từ quan, lấy nghề làm thuốc để sinh sống trên bước đường phiếm du đây đó.
- Phản Thúc Ước: một áng văn trong đó ông bộc lộ tấm lòng ngay thẳng của mình trước những tệ tục của xã hội đương thời.

Bố Sỹ sưu tập
Xin đón xem phần tiếp theo ...












Đọc quẻ đầu năm ... Ti sắc ...

No comments: