21. Năm Ất Tí (1845)
Ất Tí (1845) là năm sinh của Đào Tấn (1845-1917), người có công sáng lập ra môn hát bộ tại Bình Định. Tự là Chỉ Thúc, hiệu là Mai Tăng và Mộng Mai, ông đỗ cử nhân, làm quan đến chức Hiệp tá Đại Học sĩ; nổi tiếng thanh liêm. Năm Thành Thái thứ 16 ông về chí sĩ tại Vĩnh Thạnh thuộc quận Tuy Phước.
Lúc sinh tiền họ Đào có làm nhiều thơ chữ Hán góp thành tập Mộng Mai Ngâm Thảo (bị thất lạc), và đặc biệt hơn hết ông đã soạn nhiều tuồng tích hát bộ được trình diễn tại nhiều nơi.
Tương truyền tại quê nhà, ông có lập trường dạy hát đặt tên là Học Bộ Đình và hiện nay tại Bình Định người ta thờ ông là Tổ Đình Hát Bộ.
22. Năm Mậu Tí (1888):
Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), tục gọi là Đồ Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, sau đổi lại là Hối Trai. Ông là cao sĩ ở Miền Nam khoảng hậu bán thế kỷ XIX.
Sinh ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ (Mùng 1 tháng 7 năm 1822) tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Là con đầu ông Nguyễn Đình Huy – (người huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên). Ông làm Thư Lại dưới quyền Tả quân Lê Văn Duyệt. Lúc nhỏ theo cha mẹ ra Huế học tập, đến năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), ông thi tại trường Gia Định và đỗ Tú Tài. Năm 24 tuổi, đang ở Huế để chờ khoa thi Hưong vào năm Kỷ Dậu (1849), nhưng được tin mẹ mất tại Gia Định, ông trở vào Nam cư tang. Giữa đường vì quá thương nhớ mẹ, ông sinh bệnh, mù cả hai mắt, mặc dù có vị danh y tận tình chạy chữa mà cũng không sao khỏi được. Trong dịp này, ông được vị y sư truyền cho nghề thuốc …
Năm sau, vào đến Sài Gòn, để tìm kế độ nhật, ông mở trường dạy học. Sĩ tử xa gần nghe danh ông, đến thọ giáo rất đông. Pháp chiếm Sài Gòn (1858), ông chạy về Cần Giuộc, nơi quê vợ, tiếp tục dạy học. Khi Cần Giuộc thất thủ, ông rời về Ba Tri (Bến Tre). Nạn nước càng ngày càng thêm trầm trọng! Vì mù loà tàn tật, không thể xông pha chiến trận để đánh đuổi quân thù, nhưng vẫn đặt kỳ vọng vào cuộc kháng chiến của Nghĩa quân, nhất là cuộc kháng chiến của Trương Công Định bạn ông. Nhà cầm quyền Pháp muốn đem ân huệ hậu đãi ông, nhưng ông nhất định từ khước, trân trọng giữ gìn phẩm cách cho đến khi nhắm mắt lìa trần vào ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tí tại làng An Đức, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre, thọ 66 tuổi.
Tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu là Lục Vân Tiên gồm 2076 câu lục bát, trong đó tác giả đã gởi gấm nỗi lòng, đồng thời với ước vọng đem đạo nghĩa để khuyên răn người đời. Sách được in ra chữ quốc ngữ lần đầu tiên tại Sài Gòn vào năm 1867 do một người Pháp là G.Janneau sao lục và chú thích. Về sau, văn hào Trương Vĩnh Ký lại cho in lần nữa vào năm 1889. Ngoài ra, năm 1885, một người Pháp khác là Eugène Bajot đã dịch Lục Vân Tiên sang Pháp văn, ấn hành tại Paris vào năm 1887 với nhan đề là Histoire du Grand lettré Louc Van Tieien.
Ngoài ra Nguyễn Đình Chiểu còn lưu lại một số tác phẩm khác là:
- Dương Từ Hà Mậu
- Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật
- Một số thơ nôm như Sĩ Nông Công Thương – Thơ điếu Trương Công Định – và mấy bài thơ văn Tế nổi tiếng như “Văn Tế Sĩ Dân Lục Tỉnh”- “Văn Tế Vong Hồn Mộ Nghĩa”
23. Năm Nhâm Tí (1912) với Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là một thi sĩ cận đại có một lối thơ nhẹ nhàng uyển chuyển với những tư tưởng phóng khoáng và tự do. Người xã Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Hẳn là để ghi ơn cảnh núi sông hoành tráng nơi quê cha đất tổ, nhà thơ đã lấy bút hiệu Tản Đà – núi Tản Viên sông Đà Giang. Ông là con danh sĩ Nguyễn Danh Kế dưới triều vua Tự Đức. Theo Nho học, đi thi không đỗ nhưng đúng là “Tái ông thất mã”, trong cái rủi có cái may. Vì thi hỏng khoa Nhâm Tí (1912), ông bắt đầu viết Quốc Văn. Thoạt đầu là chủ bút tờ Hữu Thanh Tạp Chí (1921), ít lâu sau, ông chủ trương tờ An Nam Tạp Chí (1926), đến năm (1933) là năm Báo Đình Bản.
Tuy nhiên, thơ văn không đủ nuôi sống nhà thi sĩ hào hoa. Để tìm kế sinh nhai, đỡ cảnh túng bấn, ông phải làm nghề đoán vận mệnh cho người ở xóm Bạch Mai cho đến khi nhắm mắt lìa trần.
Ông mất ngày mùng 7 tháng 7 năm 1939, thọ 52 tuổi. Tác phẩm của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu gồm có:
- Giấc mộng con (thơ, hai tập)
- Giấc mộng lớn (thơ)
- Thần tiền
- Trần ai tri kỷ (tiểu thuyết)
- Khối tình (luận thuyết)
- Lên sáu (sách giáo khoa)
- Lên tám (sách giáo khoa)
- Đài gương (sách giáo khoa)
- Quốc Sử Huấn Mông (sách giáo khoa)
- Đại học (sách dịch)
- Kinh thi (sách dịch)
- Đàn bà Tàu (sách dịch)
- Lưu Trai Chí Dị (sách dịch)
Như vậy là chúng ta đã tuần tự kiểm điểm trên 20 sự kiện đáng ghi nhớ về những về những năm Tí trên dòng sử Việt ngót 5 ngàn năm của chúng ta.
Doãn Quốc Sỹ sưu tập
Tài liệu sưu tập:
- Trần Trọng Kim: VIỆT NAM SỬ LƯỢC (Tân Việt, Sài Gòn, 1949)
- Hoàng Xuân Hãn: LÝ THƯỜNG KIỆT (Sông Nhị - Hà Nội, 1949)
- Ngô Sĩ Liên: TOÀN THƯ
- Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm: QUANG TRUNG NGUYỄN HUỆ ANH HÙNG DÂN TỘC (Nhà xuất bản Bốn Phương – Sài Gòn, 1950)
- Nguyễn Huyền Anh: DANH NHÂN VIỆT NAM (Cơ sở Xuất Bản Zieleks 1981)
No comments:
Post a Comment