Feb 2, 2024

HƯƠNG NHÂN LOẠI, CÒ ĐÙM VÀ DOÃN QUỐC SỸ - Doãn Cẩm Liên


Hai truyện ngắn “Hương Nhân Loại” và “Cò Đùm” được hai người con và hai người cháu của cụ Doãn Quốc Sỹ chọn để dịch sang Anh ngữ với thiện ý là cho lũ con – cháu – chắt của Cụ Doãn. Vì phần lớn chúng được sinh và lớn lên ở hải ngoại, chúng cần có văn bản tiếng Anh thì mới có thể hiểu được chút nào về nhân sinh quan của Cụ mình. Cụ là tác phẩm và ngược lại. Đọc tác phẩm của Cụ để thấy được Cụ, vì Cụ đã đặt hết tâm và ý thức của mình vào chữ nghĩa cả rồi.

Các con – cháu – chắt thấy được gì? 

Thưa rằng thấy từ Cụ tính nhân bản, tình yêu quê hương đất nước, yêu dòng sông, lũy tre đầu làng, yêu miếu chùa, yêu con đê và yêu cả con người nữa. 

“…Ðêm thơm không phải từ hoa
Mà bởi vì ta thiết tha tình yêu Thái Hoà…” –
Dạ Lai Hương – Phạm Duy

Đúng vậy, lũ con cháu của cụ Sỹ cùng đồng lòng với cụ Phạm Duy là “hương thơm” không chỉ từ nơi cái bông hoa phát tiết ra mà nó còn phải từ trong lòng mình, người ngắm hoa. Thơm từ trong tâm tư của mình thơm ra thì hương thơm đó mới thật là thơm!

Cũng vậy, trong Hương Nhân Loại, cụ Sỹ đã cho độc giả thấy “hương” của nhân loại không chỉ nơi nhân vật “chị”, mà hương thơm này hẳn phải là từ nơi tâm của Cụ nữa.

“Mẹ chị thương chị lắm đã đành, nhưng hình ảnh ăn sâu vào tâm khảm chị nhất là hình ảnh bà nội. Tóc cụ bạc phơ, mắt đã kém, nhưng da thì hồng hào. Cụ chỉ mong chóng đến ngày Chủ nhật hay ngày lễ để các con cháu về trại. Về tới ngõ chị chạy một mạch tới cụ, tựa hồ chạy theo sức hút của nụ cười, nụ cười biết bao là thương mến, hiền từ nở trên môi cụ.”

Tình yêu thương nếu không thật có từ Cụ Sỹ thì làm sao nhân vật của Cụ đạt được như thế này…

“Trở lại chuyện của chị, mỗi khi về Thái Hà Ấp nói chuyện với bà nội xong, chị thường lui tới quanh đấy thăm các ông chú, bà bác, các anh em, chị em. Tất cả mọi người niềm nở quý mến chị, chị như ngã từ bàn tay thương yêu này sang bàn tay thương yêu khác. Có lẽ vì vậy chị càng ngày càng đẹp, càng hiền.”

Cụ Sỹ của con – cháu – chắt hẳn phải có một tâm “hồn nhiên” như thế nào thì mới có một nhân vật “chú Huyện” như thế này:

“Đó là ông chú, gia đình vẫn gọi là chú Huyện, ông đỗ Cử nhân tại trường thi Nam Định năm Duy Tân thứ ba (1909). Được bổ Tri huyện Đông Yên (Hưng Yên), rồi Kim Sơn (Ninh Bình), nhưng ông ít để tâm vào công việc hành chính, cả cuộc đời ông ngợp trong một đam mê duy nhất: địa lý. Bước vào cảnh trí nào ông cũng cố soi mói tìm kiếm đâu là con Mộc, đâu là con Hỏa... Đâu là huyệt chính, đâu là huyệt phụ...”

“…Trong thời gian trị nhậm ở Kim Sơn, đã biết bao lần ông đi tới cầu Hàm Rồng, ra đứng giữa cầu nhìn xuống dòng sông Mã thăm thẳm bên dưới với chủ tâm thiết tha là vạn hạnh, gặp khi dòng nước bên dưới xoáy cuộn thành một vũng trũng lớn - đó là lúc thần long há miệng - ông sẽ lao đầu xuống tự táng sống trong miệng rồng cho con cháu đời đời vinh hiển.”

Và rồi nếu chính Cụ Sỹ không rạng ngời với tâm lành thiện thì làm sao có được những tư tưởng đẹp như thế này cho nhân vật “chị” trở thành bất tận trong không gian và vô tận với thời gian!

“Trong giây phút thần kỳ đó, chị bỗng thấy mình đẹp tuyệt vời vì tâm hồn đã qui tụ được vào điểm khởi đầu của vũ trụ y như chú Huyện đã gặp được lúc thần long há miệng để lao mình xuống dòng sông Mã. Phải tâm hồn chị đã quy tụ được vào điểm khởi đầu của vũ trụ, rồi tự điểm nguyên thủy đó hương nhân loại lâng lâng tỏa ra bốn phương tám hướng vô cùng với không gian, vô tận với thời gian.”

Còn với truyện Cò Đùm, Cụ Sỹ vẫn truyền tải tính lành thiện của một dân quê chất phác có tên gọi là Cò Đùm. Trải dài từ dòng chữ đầu của câu chuyện cho đến dòng cuối cùng, chữ “Cò Đùm” đã được Cụ thay thế cho bản tính “chân chất, hiền lành, không xảo trá điêu ngoa” mà chỉ người dân quê, ít học thức, sống xa thế giới văn minh mới còn giữ được.

Cò Đùm là một nhân vật có đầy đủ tính thông minh, hiểu biết, và trực giác mẫn nhuệ nhưng lại không biết mình có được những đức tính đó. Cụ Sỹ cho thế mới thật là thông, hiểu biết và mẫn nhuệ một cách chân thật. 

“- Đất nước mình phải được khai thông nhiều nữa, giữ cho những Cò Đùm vẫn là Cò Đùm mà lên hàng trí thức mới được. Trí thức như tôi, trí thức như anh, trí thức như muôn vàn và hầu hết trí thức của chúng ta hiện giờ chỉ là một bầy trí thức vong bản không hơn không kém. Hai chữ “vong bản” đây xin hiểu là mất gốc thuần phác nông dân của người nhà quê, người nhà quê miền núi, hay người nhà quê miền biển, hay người nhà quê miền đồng bằng, người nhà quê với thiên nhiên là một.”

“Cò Đùm bình tĩnh bên tôi trơ như đá, vững như đồng, hồn nhiên như cây cỏ, bao dung mà không biết rằng Cò Đùm bao dung, nắng mưa che chở mà không biết rằng mình đương nắng mưa che chở. Tôi mãi mãi quí và mang ơn Cò Đùm là ở điểm đó. Mãi mãi cho đến bây giờ Cò Đùm một tấm gương cho tôi soi vào mà tìm ra “nhan sắc” của chính mình.”

Quyển sách này được thực hiện do nhận chân ra được tấm lòng và sự mong muốn của Cụ Doãn Quốc Sỹ. Cụ Sỹ muốn nhân rộng ra càng nhiều càng tốt những “Cò Đùm” trong gia đình, xã hội, quốc gia để hòng “Hương Nhân Loại” luôn trổi dậy lên trên những cái xấu xa khác mà con người thường mắc phải.

Chúng con – cháu – chắt của Cụ Sỹ xin vâng ạ!

California, ngày 2 tháng 2 – 2024

Con gái thứ tư Doãn Tư Liên


No comments: