Số tuổi 102 của bố, tôi thích chẻ ra làm 2 phần. Số “100” tôi nói với giọng nhỏ và nhẹ, còn số “2” tôi đọc to với giọng rõ và kéo dài một chút để nhấn mạnh hơn. Vì sao? Vì 2 tuổi này là tuổi Trời Phật cho ông và cho con cháu chắt của ông. Ông đã có thêm 2 năm bên cạnh con cháu chắt, để chúng có cơ hội chơi và chăm sóc ông.
Hai (2) năm mà ông nội, ông ngoại, cụ Sỹ có được như ngày hôm nay là do chính ông làm nên. Vì Ông sống không hận thù, không mong cầu ước muốn, không dính mắc thương yêu hay ghét bỏ ai cả. Nếu có chuyện phân biệt “người này bố không cần gặp hoặc người kia bố nên gặp” thì chỉ có lũ con cháu mà thôi. Do vì tâm của chúng chưa đủ lặng nên mới suy nghĩ và quyết định dùm cho Ông mà thôi. Hừm, Ông mà biết được như thế thì chẳng thích đâu nhé!
Cụ Sỹ ngày càng trở thành trẻ thơ, nay Cụ đã trở thành trẻ 2 tuổi rồi. Cụ rất thích đi chơi, đi bộ quanh khu xóm, hay là cứ cho Cụ ngồi trên xe chạy vòng vòng thành phố là đủ thích. Xe chạy ngang qua cầu Free way 22 là nghe tiếng Cụ hỏi:
- Freeway này là Freeway gì vậy con?
Hoặc trước mặt là Freeway 405 thì:
- Ồ, Freeway này đi thẳng xuống San Diego, đến nhà chị Hương của Hòa đấy!
- Chị Cả em Út cách nhau 20 tuổi. Người làng Bưởi cách làng Cót mình 2 cây số.
Đấy là một trong những câu chuyện còn đọng lại trong trí của ông. Những điều mà hiểu sâu đằng sau câu nói là tình thương và sự dí dỏm nhẹ nhàng của Ông.
Hoặc chăng là cái nhớ những câu thơ hoặc những câu ca dao được đối đáp giữa thằng con trai và bố khi ngồi trên xe:
Đêm qua tát nước đầu đình, - con trai
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen. – bố Sỹ
…
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho, - bố Sỹ
Giúp em một thúng xôi vò,
…
Đôi chăn em đắp đôi trằm em đeo, - bố Sỹ
Giúp em quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.
- Tán khéo đến thế là cùng chứ còn gì nữa! – bố Sỹ chua thêm sau khi đọc dứt bài thơ.
Tú rửng mỡ lái xe bình bịch, – con trai
Máy nổ vang xình xịch chạy như bay. – bố Sỹ
Bóp còi toe như quát tháo dương vậy,
Bên đường cái, khách vội vã giãn ngay tăm tắp.
Tú nhớ thuở còn đi xe đạp,
Một thứ xe chậm chạp hiền lành…
- Xe bình bịch là xe mô tô có tiếng kêu bình bịch. Đấy, con người ta ở đời là vậy đấy! – lần nào đọc xong bố Sỹ cũng nhắc lại không sót một chữ.
Hoặc cùng đọc thơ bạn Mai Thảo, bài thơ được khắc trên bia mộ nhà văn Mai Thảo:
Thế giới có triệu điều không hiểu, - con trai
Càng hiểu không ra lúc cuối đời. – bố Sỹ
Chẳng sao khi đã nằm trong đất,
Nhìn ở sao trời sẽ hiểu thôi.
Tâm của Cụ Sỹ, nay là 2 tuổi, chỉ còn những mẩu chuyện thơ như thế thôi nên Cụ cứ phây phây sống một cách hiền lành. Không phiền hà gì con cháu, những đứa hằng ngày chăm lo cho cụ. Ba bữa ăn sáng, trưa, chiều chúng đưa gì là cụ ăn ngay. Nếu có một chút gì không thích thì cụ chỉ bảo là “Hôm nay bố no!”. Không sao, rắc thêm một tí đường lên và cho ông nếm thấy vị ngọt, thế là xong. Hết trơn ngay bát cháo hay món gì mà ông không mấy ưa. Chả là ông thích ăn ngọt mà!
Ngày Tết, lũ con cháu cười khoái chí nhìn khi ông ăn bánh chưng với đường. Đường cát rắc lên mặt bánh chưng là ông sơi tì tì đến hết. Con cháu nể phục ông vì “ông già” mình ăn ngọt, uống ngọt mà chẳng hề bị cao đường, cao máu hay cao mỡ gì cả. Các con của Ông không đứa nào theo đuôi bố được vì đứa nào cũng bị ba cao một thấp trong khi tuổi đời còn thua bố xa.
Chăm bố bây giờ chỉ còn phải lo sao cho bố không bị té ngã. Vì người già mà ngã gãy xương là phiền lắm. Xương gãy đau lại còn không thể mổ xẻ gì cả, nằm một chỗ là xuống cả tinh thần lẫn thể chất. Do vậy, lũ con cháu bố Sỹ quay trở lại chăm bố như chăm con khi chúng còn nhỏ 2 tuổi. Cũng y như vậy, cũng phải giữ chúng sao cho không bị ngã khi đi khi chạy, cũng phải lo thức ăn cho chúng được đủ chất, cho tinh thần chúng được vui tươi và giữ cho trí não được sáng suốt. Bố Sỹ nay chẳng khác gì các chắt của Cụ được bố mẹ chúng chăm sóc.
Con gái Út của bố Sỹ mỗi lần mang ông vô buồng tắm tắm thì vẫn nhớ lại chuyện xưa: “Ngày xưa Bố đi dạy về là tắm cho Út. Nay Út tắm cho “em bé” Bố nha.”
Ông Sỹ “ngoan lắm” trừ những khi “không ngoan” như từ chối không đi tắm, nhưng khi vào buồng tắm rồi thì ngoan ngoãn tắm và vọc nước cho đến khi bị con triệu hồi đi ra kẻo lạnh. Như khi Ông không chịu ăn thì được thêm đường vào bát thế là ăn hết sạch sành sanh. Ông Sỹ chỉ một tí nhõng nhẽo thôi lại ngoan nõn, khiến con cái phải tự thấy mình có phước quá, chăm bố già mà nhẹ tênh như không.
Thế đấy, Cụ Sỹ 102 tuổi mà vẫn lừng lững đi đứng nằm ngồi, trí nhớ có mai một đi thì có hề gì “Phải quên thì con cháu mới khá được chứ!” – Ông biện hộ cho sự quên của mình như thế.
Thế đấy!
Chúng con, các cháu và chắt mong được chơi với Ông Sỹ thêm mươi năm nữa. Cứ mỗi năm thêm, chúng con chỉ đếm phần số lẻ được cộng thêm thôi. Năm nay Ông 2 tuổi, sang năm Ông 3 tuổi, và cứ thế mà đếm tiếp. Mong rằng đếm được đến số 10 nhe Bố nhé!
California, ngày 20 tháng 2 – 2024
Con gái thứ tư, Doãn Tư Liên
No comments:
Post a Comment