Con bé tên Cỏ thuộc làu bốn chữ “tứ đại đồng đường” từ năm nảo năm nào. Khi nó lên 4 tuổi thì phải. Nó nói chuyện với Cụ Sỹ qua máy tính, mào đầu câu chuyện lúc nào cũng nhanh nhảu “tứ đại đồng đường nha Cụ!”
Hôm nay thì khác, không còn ảo mộng nữa mà “tứ đại đồng đường” bằng xương bằng thịt! Cỏ và anh trai cùng bố mẹ của Cỏ qua California thăm Cụ.
Cụ chỉ nhoẻn miệng cười xòa khi lũ cháu và chắt ùa vào ôm Cụ. Cụ 101 tuổi rồi nên vui buồn chẳng dính vào được Cụ.
- Tứ đại đồng đường đó nha Bố. – Con gái của Cụ, cũng là bà ngoại của lũ con cháu này, thuyết minh với bố.
- À à à…!
Cụ vẫn ngồi nguyên và nhìn lũ con cháu chắt chúng nó ồn ào chào nhau, xoắn xít với nhau. Đố ai biết Cụ đang nghĩ gì? Chẳng nghĩ gì cả! Vì Cụ có cái thế giới “untouchable” của riêng Cụ. Trước đây, Cụ cũng biết và hay khoe rằng mình đạt được “tứ đại đồng đường”. Thế nhưng chừng năm gần đây, Cụ đi dần vào thế giới riêng của mình nhiều hơn nên ít bàn đến chuyện “tứ đại đồng đường” nữa.
Đám con cái của Cụ, bé Cỏ và anh nó phải gọi là ông trẻ và bà trẻ, thì ai nấy đều vui lắm vì bố già chẳng biết lúc nào cụ 200 tuổi đây!? Sở dĩ đám con dùng chữ số 200 tuổi để diễn tả “ngày ra đi” của Cụ, bởi vì Cụ bây giờ đã 101 tuổi mà vẫn còn sống phây phây. Hình ảnh đám con, rồi cháu, rồi chắt vây quanh Cụ là một hiện tượng hiếm có mà vui và hạnh phúc.
Các ông bà thấy vui hơn nữa vì lâu rồi không có một đứa trẻ con nào để cưng cả. Sự già nua thường ngày như dừng lại để ông bà hòa vào chơi cùng cháu. Ngôn ngữ trẻ thơ được lôi ra sử dụng khi truyện trò với Cỏ, bằng không ông bà không tiếp xúc được với thế giới của Cỏ. Và nhớ là phải cùng tư duy trẻ con của Cỏ nữa nhé, mới hòng nhập được vai và vào đúng câu chuyện mà Cỏ đang đóng. Cỏ diễn một vai, vai kia là của ông hoặc bà.
Bà Hòa có lẽ là người nhập vai giỏi nhất vì cuộc chơi bán hàng giữa bà với Cỏ kéo dài lâu nhất. Cửa hàng thức ăn của Bà toàn là những bát chén nhỏ xíu, những con vật nhỏ xíu được bà cất kỹ trong hộp, đặt ở một góc khuất trong tủ nay được lôi ra. Hai bà cháu rí ráu, mua mua bán bán với nhau. Đứng ngoài nhìn vào thì thấy bà Hòa dường như chỉ còn 7 tuổi rưỡi thôi. Chắc nhờ vậy mới đóng kịch chung được với Cỏ!
Bố mẹ Cỏ đã lâu rồi chưa qua lại California thăm ông Ngoại. Lần trước, cách nay cũng chừng tám năm, khi anh của Cỏ lên 4 tuổi. Khi chào ông Ngoại, hai đứa cháu cũng nhận ra sự khác biệt về tinh thần và thể chất của Ông đối với lần trước. Chúng nó càng thấy giá trị của chuyến đi lịch sử này. Hai chắt được nắm tay Cụ, đoàn tụ 4 thế hệ, mấy ai và mấy khi làm được như chúng nó bây giờ.
Lần qua Mỹ đầu tiên của gia đình Cỏ làm gì có Cỏ, chỉ mới có anh Hai thôi. Lần này quân số lên 4 vì có thêm Cỏ. Cỏ bàn với bà Ngoại qua “messenger”:
- Con mà gặp ông Cụ là con dắt Cụ đi chơi nè.
- Nhưng làm sao Cỏ biết đường mà dắt đi? Cỏ mới đến Cali lần đầu mà. – Bà hỏi tới.
- Thì con đi với bà Ngoại hay đi với bà Út.
- OK, đi chơi xong thì mình sẽ làm gì nhỉ? – Đâu dễ gì bà buông tha nó ngay.
- Con nghĩ Cụ sẽ khát nước thì con rót nước cho Cụ uống. Cũng giống như mẹ nhắc con uống nước mỗi khi đi học về đó.
- Ồ đúng rồi, Cỏ nhắc bà mới nhớ là ông Cụ làm biếng uống nước lắm. Nhớ nhen, ngoắc ngoéo là Cỏ không quên chuyện này nha con.
Quả thật con bé chẳng quên một cái gì cả! Khi qua đến Cali nó làm đúng y chang những gì nó nói chuyện với bà ngoại. Nó làm thay và nói thay luôn cho anh Hai. Con trai thường lơ tơ mơ hơn con gái về vụ chi tiết nhỏ và phục vụ cho người khác. Các ông bà hiểu điều này nên càng thương thằng anh bị con em chiếm hết sân khấu diễn. Mà thằng anh cũng chẳng suy nghĩ gì về chuyện hơn thua này. Tốt!
Ba tuần lễ qua cái vèo, ngày lũ chúng nó đến rồi ngày chúng nó đi chớp mắt, nhanh như chiêm bao. Tiễn lũ con cháu lên xe ra phi trường, quay vào nhà Bà mơ nghĩ: Có khi nào có cảnh “ngũ đại đồng đường” không nhỉ? Nếu có thì Cụ Sỹ phải sống thêm mươi năm nữa. Chờ Cỏ hay chờ mấy anh chị em họ của Cỏ lập gia đình thì mới lập ra hiện tượng “ngũ đại đồng đường”.
- Ôi chà rõ là mơ. Bà ngoại mơ ngày rồi bà ơi!
Cỏ nó cười khì trêu bà đang mơ giấc mơ đẹp, nhưng khó thực hiện!
California, ngày 14 tháng 8 – 2023
Bà ngoại Tư Liên
No comments:
Post a Comment