Aug 28, 2023
PARTS UNKNOWN - Ti
Giờ lunch hôm nay đã xem lại 1 episode Parts Unknown, đoạn Anthony Bourdain quay lại Việt Nam và đến Huế. Xem lại lần nữa để thấy Anthony có một tình yêu thật đặc biệt dành cho Việt Nam, đặc biệt hơn những nước khác mà ông đã từng đến.
Đến đoạn ông miêu tả về traffic ở Việt Nam vẫn thấy nổi da ga, hay đến nỗi đã phải pause và chép lại. Trên đời này có ông chef nào mà viết văn hay như Anthony nữa không?!
Mượn vài tấm hình của San Vu để share lại đoạn note này.
"One of the great joy in life is riding a scooter through Vietnam.
To be part of this mysterious, thrilling, beautiful choreography. Thousands upon thousands of people, families, friends, lovers… Each an individual story glimpsed for a second or two in passing, sliding along side, pouring like a torrent through the city. A flowing gorgeous thing.
As you ride you not only see but you overhear a hundred intimate moments in miniature. You smell wonderful unnamed things cooking usually from store fronts and food stalls. The sound of beeping, laughing, announcement from speakers, the put put and roar of a million tiny engines..."
Mãi yêu #anthonybourdain ❤
Nguyễn Đình Liên Chi
Aug 20, 2023
BỐ VỀ! MẸ VỀ! - Doãn Kim Khánh
Tất cả 8 đứa con của Bố (Ông Giáo) đều có lần được reo “Bố về”. Ngày ấy, Bố được thả từ trại Gia Trung và lò dò về đến bến xe miền Đông, rồi đi bộ về nhà, lò dò kiếm đầu hẻm có bảng “Cao Đài Giáo Lý”, rồi gõ cửa một nhà còn đèn sáng trong hẻm để hỏi thăm nhà “Bà Giáo” ở đâu.
Làm sao tả được niềm vui bật đèn sáng trưng từ gác trên đến nhà dưới và cùng reo vang “Bố về”. Không phải chỉ 8 con, mà cả Mẹ cũng reo “Bố về!” vì Mẹ theo các con có thói quen gọi ông chồng là “Bố”.
Riêng tôi, tối qua tôi có dịp reo “Mẹ về!” Chỉ một mình tôi thôi.
Tôi nằm mơ thấy mình ra phòng khách (không rõ phòng khách nhà Thành Thái hay nhà Lampson) thì thấy Mẹ đang nằm ờ sofa. Trong trí tôi nhớ rất rõ Mẹ đã qua đời, nên từ từ tiến tới ghế, nhìn mẹ. Tôi thấy Mẹ trẻ và đẹp hơn ngày Mẹ mất, cách đây 13 năm. Tôi tự nhủ mình phải sờ thử xem có chạm được Mẹ không, hay tay sẽ quờ vào quãng không. Và tôi đưa tay xuống ghế sofa. Tay tôi chạm được vào người Mẹ.
Tôi mừng quá, hỏi “Mẹ mới về hả?”
Mẹ không trả lời. Tôi hỏi thêm lần nữa: “Mẹ ơi, Mẹ mới về hả?”
Mẹ vẫn không trả lời. Tôi phân vân, chạy xuống nhà kiếm mấy đứa em. Trong giấc mơ tôi không rõ thấy đứa em nào, nhưng nhớ có nói “Mẹ về kìa!” Nhưng chẳng có tiếng ai trả lời.
Tôi quay lại phòng khách thì sofa trống trơn. Mẹ đã về và đã đi.
Sáng hôm sau tôi kể chuyện Mẹ về cho đứa em gái nghe. Nó cũng sững sờ như tôi trong mơ. Tôi hoang mang nói “Chẳng lẽ Mẹ về đón Bố đi?”
Hoang mang vì lâu lắm rồi không ai nằm mơ thấy Mẹ. Cả Bố lẫn các con đều yên tâm là Mẹ đã siêu thoát. Nay tự nhiên Mẹ lại về.
Đứa em phân vân trước thuyết mình Mẹ về đón Bố của tôi: “Ờ … cũng có thể vậy!” Nó sát cánh với Bố, thấy rõ sức khỏe Bố đi xuống.
Chiều đến, tôi chạy sang nhà người Cô để kể lại giấc mơ. Cô là người được Mẹ thương như em ruột và là người duy nhất thường xuyên nằm mơ thấy Mẹ. Giờ Cô lãng đãng rồi nên nghe chuyện Mẹ Về không mấy hiểu. Riêng thằng em họ nghe thuyết “Bố về đón Mẹ” của tôi thì thoạt la làng “Chị K nói bậy!”, sau đó công nhận “Hai nhà mình có cha mẹ già, phải chuẩn bị tinh thần thôi.”
Sự đời hiển nhiên là có về thì sẽ có đi
Aug 18. 2023
***
Aug 15, 2023
TỨ ĐẠI ĐỒNG ĐƯỜNG - Doãn Cẩm Liên
Con bé tên Cỏ thuộc làu bốn chữ “tứ đại đồng đường” từ năm nảo năm nào. Khi nó lên 4 tuổi thì phải. Nó nói chuyện với Cụ Sỹ qua máy tính, mào đầu câu chuyện lúc nào cũng nhanh nhảu “tứ đại đồng đường nha Cụ!”
Hôm nay thì khác, không còn ảo mộng nữa mà “tứ đại đồng đường” bằng xương bằng thịt! Cỏ và anh trai cùng bố mẹ của Cỏ qua California thăm Cụ.
Cụ chỉ nhoẻn miệng cười xòa khi lũ cháu và chắt ùa vào ôm Cụ. Cụ 101 tuổi rồi nên vui buồn chẳng dính vào được Cụ.
- Tứ đại đồng đường đó nha Bố. – Con gái của Cụ, cũng là bà ngoại của lũ con cháu này, thuyết minh với bố.
- À à à…!
Cụ vẫn ngồi nguyên và nhìn lũ con cháu chắt chúng nó ồn ào chào nhau, xoắn xít với nhau. Đố ai biết Cụ đang nghĩ gì? Chẳng nghĩ gì cả! Vì Cụ có cái thế giới “untouchable” của riêng Cụ. Trước đây, Cụ cũng biết và hay khoe rằng mình đạt được “tứ đại đồng đường”. Thế nhưng chừng năm gần đây, Cụ đi dần vào thế giới riêng của mình nhiều hơn nên ít bàn đến chuyện “tứ đại đồng đường” nữa.
Đám con cái của Cụ, bé Cỏ và anh nó phải gọi là ông trẻ và bà trẻ, thì ai nấy đều vui lắm vì bố già chẳng biết lúc nào cụ 200 tuổi đây!? Sở dĩ đám con dùng chữ số 200 tuổi để diễn tả “ngày ra đi” của Cụ, bởi vì Cụ bây giờ đã 101 tuổi mà vẫn còn sống phây phây. Hình ảnh đám con, rồi cháu, rồi chắt vây quanh Cụ là một hiện tượng hiếm có mà vui và hạnh phúc.
Các ông bà thấy vui hơn nữa vì lâu rồi không có một đứa trẻ con nào để cưng cả. Sự già nua thường ngày như dừng lại để ông bà hòa vào chơi cùng cháu. Ngôn ngữ trẻ thơ được lôi ra sử dụng khi truyện trò với Cỏ, bằng không ông bà không tiếp xúc được với thế giới của Cỏ. Và nhớ là phải cùng tư duy trẻ con của Cỏ nữa nhé, mới hòng nhập được vai và vào đúng câu chuyện mà Cỏ đang đóng. Cỏ diễn một vai, vai kia là của ông hoặc bà.
Bà Hòa có lẽ là người nhập vai giỏi nhất vì cuộc chơi bán hàng giữa bà với Cỏ kéo dài lâu nhất. Cửa hàng thức ăn của Bà toàn là những bát chén nhỏ xíu, những con vật nhỏ xíu được bà cất kỹ trong hộp, đặt ở một góc khuất trong tủ nay được lôi ra. Hai bà cháu rí ráu, mua mua bán bán với nhau. Đứng ngoài nhìn vào thì thấy bà Hòa dường như chỉ còn 7 tuổi rưỡi thôi. Chắc nhờ vậy mới đóng kịch chung được với Cỏ!
Bố mẹ Cỏ đã lâu rồi chưa qua lại California thăm ông Ngoại. Lần trước, cách nay cũng chừng tám năm, khi anh của Cỏ lên 4 tuổi. Khi chào ông Ngoại, hai đứa cháu cũng nhận ra sự khác biệt về tinh thần và thể chất của Ông đối với lần trước. Chúng nó càng thấy giá trị của chuyến đi lịch sử này. Hai chắt được nắm tay Cụ, đoàn tụ 4 thế hệ, mấy ai và mấy khi làm được như chúng nó bây giờ.
Lần qua Mỹ đầu tiên của gia đình Cỏ làm gì có Cỏ, chỉ mới có anh Hai thôi. Lần này quân số lên 4 vì có thêm Cỏ. Cỏ bàn với bà Ngoại qua “messenger”:
- Con mà gặp ông Cụ là con dắt Cụ đi chơi nè.
- Nhưng làm sao Cỏ biết đường mà dắt đi? Cỏ mới đến Cali lần đầu mà. – Bà hỏi tới.
- Thì con đi với bà Ngoại hay đi với bà Út.
- OK, đi chơi xong thì mình sẽ làm gì nhỉ? – Đâu dễ gì bà buông tha nó ngay.
- Con nghĩ Cụ sẽ khát nước thì con rót nước cho Cụ uống. Cũng giống như mẹ nhắc con uống nước mỗi khi đi học về đó.
- Ồ đúng rồi, Cỏ nhắc bà mới nhớ là ông Cụ làm biếng uống nước lắm. Nhớ nhen, ngoắc ngoéo là Cỏ không quên chuyện này nha con.
Quả thật con bé chẳng quên một cái gì cả! Khi qua đến Cali nó làm đúng y chang những gì nó nói chuyện với bà ngoại. Nó làm thay và nói thay luôn cho anh Hai. Con trai thường lơ tơ mơ hơn con gái về vụ chi tiết nhỏ và phục vụ cho người khác. Các ông bà hiểu điều này nên càng thương thằng anh bị con em chiếm hết sân khấu diễn. Mà thằng anh cũng chẳng suy nghĩ gì về chuyện hơn thua này. Tốt!
Ba tuần lễ qua cái vèo, ngày lũ chúng nó đến rồi ngày chúng nó đi chớp mắt, nhanh như chiêm bao. Tiễn lũ con cháu lên xe ra phi trường, quay vào nhà Bà mơ nghĩ: Có khi nào có cảnh “ngũ đại đồng đường” không nhỉ? Nếu có thì Cụ Sỹ phải sống thêm mươi năm nữa. Chờ Cỏ hay chờ mấy anh chị em họ của Cỏ lập gia đình thì mới lập ra hiện tượng “ngũ đại đồng đường”.
- Ôi chà rõ là mơ. Bà ngoại mơ ngày rồi bà ơi!
Cỏ nó cười khì trêu bà đang mơ giấc mơ đẹp, nhưng khó thực hiện!
California, ngày 14 tháng 8 – 2023
Bà ngoại Tư Liên
MÌNH NÓI CHUYỆN MÌNH - Đoàn Khoa
Chào DOÃN GIA
Bây giờ em mới "bình tâm" kể cho chị Thanh và mọi người những gì mà em đã ĐIÊN KHÙNG trong suốt thời gian "KỲ LẠ" vừa qua.
Đầu tiên:
EM TIN RẰNG TRÊN ĐỜI NÀY CÓ PHÉP LẠ.
Với một người viết kịch bản - tạm gọi là TÁC GIẢ - quá trình từ lúc hoàn thành kịch bản cho tới lúc công diễn đôi khi rất dài - có lúc vài chục năm (mà sớm nhất cũng phải vài năm).
Vậy mà kịch bả của em - từ lúc có ý tưởng cho tới công diễn chỉ vài tháng.
(lâu nhất không phải khâu tổ chức - mà là khâu CHỌN DIỄN VIÊN).
Nhiều người có "khả năng" đều TỪ CHỐI không đóng vai BÀ HỒI XUÂN bởi họ sợ nó ẢNH HƯỞNG đến ĐỜI TƯ của họ.
(một vai duy nhất khiến cả nhóm không thể khởi công trước đó 1 tháng!!!)
Sau khi "xong" phần nhân sự - khó khăn lớn của tụi em là ĐỊA DIỄM DIỄN.
Vài chỗ SANG TRỌNG và PRIVÉE nhưng khó tìm và thiếu thiết bị (giá thuê rất đắt...)
...
May mắn của em là có được một "nhà sản xuất" CỰC TỐT - CỰC GIỎI VÀ CHUYÊN NGHIỆP đã làm mọi thứ để em có thể làm tốt nhất công việc của em.
Đây cũng là câu "trả lời" cho Doãn Hương luôn:
Không thể GOM vài người YÊU NGHỀ và NHIỆT TÌNH là có thể làm nên 1 vở kịch hay 1 tác phẩm sân khấu vì:
-TIỀN ĐẦU TƯ (rất lớn)
-HẬU CẦN TỐT
-TỔ CHỨC (trong đó rất nhiều khâu)
-QUẢNG CÁO & THÔNG TIN...
(còn nhiều bộ phận cụ thể khác thuộc về chuyên môn - thí dụ như "nước nôi tập dợt", "liên hệ và tổ chức lịch tập., chỗ tập", "CƠM TRƯA", những chuẩn bị khác nhau cho mỗi buổi tập...)
Công ty của Hồng Ánh đã làm tất cả những chuyện này HẾT SỨC CHU ĐÁO với"tôn chỉ":
CHẤP NHẬN LỖ - CHƠI TỚI BẾN !
(EM CÁM ƠN TRỜI VỀ CHUYỆN NÀY)
(Các anh chị có thể đọc những thông tin và chuyện giữa em và cô Hồng Ánh qua các bài báo hoặc em sẽ gửi hoặc nhờ Út Hương chuyển qua để biết rõ hơn em đã may mắn như thế nào)...
...
Cuối cùng là KHÂU DUYỆT.
Trong những người này có người em quen, có người không... và nghe đâu có 1 CA "tư tưởng"...
Trước đây, có một số vở sau khi duyệt bị ách lại, phải điều chỉnh và tổ chức duyệt lại cho tới khi hội đồng OK thì mới có được "giấy phép" để bán vé.
Và một lần nữa em gặp may. Có người trong Hội Đồng đã khóc khi xem (mặc dù suất diễn đó mọi người RẤT CĂNG THẲNG - nên không hay bằng những đêm sau).
Họ đã KÝ NGAY giấy phép trước khi họ ra về - điều này chưa có TIỀN LỆ.
(Cũng thêm 1 điều kỳ lạ: vở diễn không phải sửa bất cứ chi tiết nào)
...
Bây giờ em gửi lại KỊCH BẢN FINAL cho quý vị đọc lại để có thể TƯỞNG TƯỢNG những gì đã diễn ra.
Kịch bản lúc trước chỉ là BẢN PHÁC THẢO BẰNG BÚT CHÌ.
Kịch bản cuối cùng - cũng với những chi tiết đó - nhưng đã được TÔ BÓNG và VẼ BẰNG MÀU DẦU nên nó sắc sảo và DỮ DỘI hơn rất nhiều.
Em cũng gửi vài hình ảnh của vở diễn này (tập dợt cũng như công diễn) cho mọi người hình dung...
Đoàn Khoa