Mar 5, 2023

NHIỀU CHUYỆN TẠI HỒ BƠI - Doãn Kim Khánh

Hồ bơi tấp nập nhiều người nên tại đó thiên hạ có nhiều chuyện cũng là lẽ thường tình. 

Nhưng tôi thì khác. Mỗi sáng đến hồ bơi, điều quan tâm duy nhất của tôi là có làn trống cho tôi xuống nước không. Không nhất thiết phải “nhiều chuyện”. Thỉnh thoảng, vào những ngày cuối tuần, tôi đi bơi cùng với anh “Bồ Tèo”, chúng tôi cũng cắm cúi bơi, chỉ ra hiệu nhau khi một người ra khỏi hồ bơi trước. Hồ bơi là để bơi, không để các bồ tèo trò chuyện và tâm sự hay để những tay bơi gặp nhau mỗi ngảy kết thêm bè bạn. Tôi nghĩ vậy.

Vậy mà một ngày nọ, anh Bồ Tèo bảo tôi:

“Em làm sao mà thằng Danh than là em không thèm nói chuyện với nó!”

À cái anh chàng đó chính là một người nhiều chuyện trong hồ bơi mà tôi quen mặt vì cùng bơi mỗi ngày. Có khi tôi bơi đến đầu hồ, chưa kịp vòng lại bơi tiếp đã thấy anh ta đứng sẵn, dáng chồm sang làn tôi đang bơi với tư thế sẵn sàng “nhiều chuyện”. Những lúc ấy tôi phải miễn cưỡng tiếp chuyện, nghe anh khen người này bơi đẹp, chê người kia bơi ầm ĩ. Có hôm anh ta chỉ một phụ nữ đang bơi ở làn kế bên, nói với tôi:

“Chị coi kìa, bà này bơi thong thả, thoải mái, thấy mà mê!”

“Bà này” là một phụ nữ Mỹ nên anh không hăng say “nhiều chuyện” với bà. Anh lại chỉ sang một cô gái trẻ người Việt, nói:

“Con nhỏ này bơi cũng hay lắm nè.”

Rồi đợi cô bé bơi tới, anh bèn nói một tràng gì đó, lúc ấy tôi đã bơi tiếp nên không nghe rõ, nhưng cũng biết chắc là một tràng lời khen. Tôi cũng kịp nhận thấy cô bé không mấy hí hửng và nghe cô bẽn lẽn nói:

“Khen hoài à! Kỳ quá!”

Anh vẫn không buông tha. Đợi tôi bơi trở lại, anh bèn chồm sang làn của tôi để phân bua:

“Nè chị. Tui nói cô bé này bơi đẹp mà cổ không tin.”

Cô bé vẫn còn đứng đó; tôi đồng tình với lời khen (“Ừa, đẹp thiệt!”) nhưng không thể nói lên ý kiến tự đáy lòng mình (Lại nhiều chuyện khen chê nữa rồi!).

Rồi một ngày nọ, tại hồ bơi xuất hiện một đồng minh của anh “Nhiều Chuyện”. Để câu chuyện được mạch lạc, tôi phải đặt tên hai anh này là “Nhiều Chuyện 1,” và “Nhiều Chuyện 2”, trên giấy trắng mực đen thì viết tắt là NC1 và NC2.

NC1 và NC2 đều có đặc điểm bơi tán loạn, và khi đứng lại tán dóc thì bình phẩm tung tóe. Bữa nọ hai người đứng nhiều chuyện ở một đầu hồ bơi, đợi tôi bơi ra giữa hồ thì tôi linh cảm câu chuyện chuyển qua đề tài “tôi”. Lẽ ra tôi không nên ngạc nhiên, càng không nên bực bội vì đã nghe họ khen chê người khác thì ắt phải tới phiên tôi chứ. Vậy mà nghe loáng thoáng chữ “bả” họ dùng để ám chỉ mình, tôi bực hết sức! Thêm một vòng bơi nữa, rồi một vòng nữa, họ vẫn đứng ở tư thế nhiều chuyện. Tôi loáng thoáng đại khái nghe NC 1 nói “Sáng nào bả cũng ………….” và NC 2 đáp “Ừ, nhưng sáng nay ….”  NC2 nhận xét “Bả hay đi với người ………….” Và NC1 xác nhận “Phải rồi, nhưng chỉ cuối tuần ……” Tới đó tôi đùng đùng cắt ngang vòng bơi, đi thẳng ra khỏi hồ, dù chưa bơi đủ. 

Tôi không có cặp mắt nào sau ót mà vẫn biết “đôi bạn” NC1 và NC2 cũng rủ nhau ra khỏi hổ, và như thường lệ, sẽ vào hồ jacuzzi tiếp tục nhiều chuyện. Quả vậy, tôi vào buồng tắm, chưa kịp vặn vòi nước đã nghe NC2 nói “Sao hôm nay bả về sớm vậy?” và NC1 vừa cất tiếng trả lời thì tôi đã kịp thời vặn to vòi nước để tiếng nước chảy át tiếng hai người đàn ông nhiều chuyện về mình. Hết chịu nổi!

Những ngày kế tiếp, sinh hoạt bơi của tôi vẫn diễn ra bình thường. Có ngày tôi vừa xong một vòng bơi, chưa kịp bơi tiếp thì C1 đã chồm sang, nhận xét:

“Hôm nay đi trễ nha …. Sao dzậy?”

“Ngủ quên!”

“Chị sướng đó!”

“Ngủ quên mà kêu sướng?”

“Tui mất ngủ triền miên.” Thèm ngủ quên mà không được!”

À ra thế!

Một ngày khác, tôi bơi tới đầu làn, thấy NC1 đang đứng tần ngần bèn vội vã “U-turn” bơi tiếp, không cần đứng lại. Sang vòng kế tiếp, tôi sơ sẩy bị túm lại:

“Nè chị. Làm gì mà bơi dzữ dzậy?”

“Ờ thì bơi chứ dzữ gì!”

NC1 nói thêm vài câu bâng quơ, rồi kết lại:

“Tui có cái tật gặp người quen phải nói này nói kia mới được. Chị đừng giận tui nói nhiều nghe!”

Câu nói làm tôi suy gẫm. Nó vừa giải thích vừa biện minh tính nhiều chuyện của anh ta. Ít ra thì ngưởi này không có tính lầm lì hoặc lời nói nhát gừng (như tôi, thỉnh thoảng). Mà không hiểu cái mặt của tôi, cái cung cách bơi của tôi ra sao mà anh ta hiểu ... Rồi sẵn đà tâm sự, anh nói tiếp:

“Chị biết không, bà xã tui ở nhà coi vậy chứ …. chiều ý tui lắm.”

“Dễ thương ha. Nhưng anh nói 'coi vậy' là coi làm sao?”

“Thì bả tối ngày bắt bẻ tui. Ý nào tui đưa ra bả cũng bác!”

“Rồi chiều ý là chiều làm sao?”

“Cứ cãi nhau hoài, vậy mà đi đâu về bả hay mua cho tôi bánh trái mà tôi thích. Thỉnh thoảng còn mua thuốc lá nữa đó.”

“Sướng nha! Cả đời tui chưa thấy vợ nào mua thuốc lá cho chồng!

“Thì có vợ tui đó.” 

Anh ta khoe, hãnh diện ra mặt!

Còn NC2 thì sao? Một ngày nọ, tôi trông thấy NC2 ngồi trong hồ jacuzzi với một bé gái khoảng hơn 10 tuổi, nhìn là biết ngay cô bé chậm trí. Nó thường ngày đi với mẹ, nói năng bô lô ba la bằng một giọng ông ổng và đơn đớt. Hôm nay, với NC2 xuất hiện bên cạnh nó, tôi hiểu ra cái người nhiều chuyện có lần gọi tôi là “bả” chính là bố nó. Thường bé cùng mẹ vào jacuzzi trước, mẹ đỡ con từng bước xuống nước, cho nó ngồi duỗi chân rồi chọn cho mình một chỗ thấp hơn và bắt đầu massage chân cho con, Con nói huyên thuyên, mẹ ôn tồn trả lời, giọng kiên nhẫn, chịu đựng. Trong khi đó, ông bố thường đi thẳng xuống hồ bơi, đập nước ầm ĩ, tay chân cứng kèo. Một lát sau thì đến phiên mẹ xuống hồ bơi, bố ra jacuzzi với con. Tôi ngưng bơi, đứng ở đầu hồ, tò mò quan sát NC2 trong vai bố, làm tiếp công việc của mẹ. Cũng tác phong cứng đơ, bơi dưới nước ra sao anh ta massage cho con y hệt vậy. Tôi tự nhủ đứa bé vậy mà sướng, lớn tướng mà cứ bé hoài. Hôm ấy tôi lên phòng tắm, nhằm lúc người mẹ đang chuẩn bị tắm cho con. Bà bảo “Xích ra cho cô đi, con.” Tôi bắt gặp ánh mặt bà nhìn mình, bèn cười với bà. Tôi hy vọng bà hiểu thiện cảm của tôi.

À, tôi quên không kể là hôm qua tôi trông thấy NC1 ngồi với đứa bé trong jacuzzi để cả bố lẫn mẹ nó xuống bơi. Anh ta đang đon đả “nhiều chuyện” với nó.

Hôm ấy tôi về nhà với tâm trạng nhẹ nhõm. Từ hôm ấy, tôi không còn bực bội vì hai chữ “nhiều chuyện” nữa.

Doãn Kim Khánh 

Oct 26, 2022


No comments: