DỌN DẸP TẠP NIỆM
“Dọn dẹp tạp niệm”, đó là câu mà cụ Sỹ thường nói khi cầm kéo để cắt. Cắt gì? Khi thì cụ cắt cây cối ngoài vườn của con gái. Cho đến một lúc vườn cây cũng hết lá để cắt, hết cây vứt ngoài đường nhặt về cho bố có việc làm, đâu phải lúc nào cũng có hoài!? Thế là các con cụ nghĩ ra một cách hay nhất mà vẫn đáp ứng đủ ba yêu cầu: giúp cụ “dọn dẹp tạp niệm”, giúp báo đọc xong được cắt vụn trước khi ra thùng rác, giúp vườn cây của con không bị “bức tử”.
Cụ thích ngồi cắt, cắt gì cũng được miễn là tay làm và tâm thì sạch tạp niệm.
Do vì nặng tai nên sự giao tiếp với các con trong nhà cũng ít ỏi hơn. Các bạn văn và học trò đến thăm Cụ thì đều có cùng một kịch bản:
- Sinh quán của bạn ở đâu?
- Đầu làng quê tôi có một dòng sông nhỏ gọi là Tô Giang. Thuở tập tọng viết văn tôi lấy bút hiệu là “Tô Giang Khách”. Thế mà con sông nay dần cạn trở thành ao rau muống. Thế mới thấy “Sông nay giờ đã lên đồng, chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai”…
Những ai thường gặp Cụ chắc cũng phải thuộc làu với những mẩu chuyện đại khái là thế.
Trở lại chuyện cắt giấy để dọn dẹp tạp niệm của Cụ Sỹ, chắc do vì không còn nghe rõ tiếng nói của mọi người xung quanh nên Cụ Sỹ thường rút vào thế giới riêng của Cụ. Cụ có tạp niệm trong tâm hay không? Theo lời bàn con gái Cụ thì KHÔNG. Vì nhìn Cụ cắt giấy, động tác cắt, xếp giấy để chuẩn bị cắt thì thấy rõ là Cụ đặt hết tâm vào giấy và kéo. Với những tờ báo khổ lớn thì cụ gấp đôi rồi cắt, gấp đôi nữa và cắt, gấp đến mấy lần nữa cho đến khi miếng giấy vừa tay cầm, sau đó xếp lớp chúng lên cạnh bàn bên cạnh. Và lấy từng lớp từ trên xuống dưới để cắt. Tay Cụ thiệt là khéo léo khi cầm giấy đưa vào lưỡi kéo, miếng giấy được xoay tròn để cắt, cho đến hết không thể cắt được nữa mới thôi.
Những thiền sư ngồi thiền với tâm an tịnh như thế nào thì tâm Cụ Sỹ chắc cũng chẳng khác.
Có lần con gái hỏi Cụ:
- Bố, giữa khuya bố còn ngồi thiền như thuở trong tù không?
- Không con. Lúc nào bố chẳng hành thiền. Đâu cần phải ngồi đâu!
- À, thì ra thế.
Thôi thì cụ già 100 tuổi mà vẫn đi đứng, nằm ngồi mà không cần người trợ giúp. “Job” cắt giấy con giao cho Cụ hoàn tất không một lỗi lầm. Hoàn thành nhanh gọn và lẹ, trước hạn định và ngoài sự mong muốn của lũ con.
Cụ Sỹ thương con cháu quá, thưa rằng là vậy. Con cháu không trông mong gì hơn nơi Cụ. Chỉ mong Cụ cứ sống an nhiên tự tại như việc ngồi cắt giấy và đến ngày nào Cụ buông “job cắt giấy” để trở về với Ông Bà Tổ Tiên thì hay lúc đó.
Thật mong là thế!
California, ngày 20 tháng 11 – 2022
Doãn Tư Liên
TRĂM TUỔI HẠC
Không biết con hạc ngoài đời có sống đến trăm năm tuổi không mà sao ông bà xưa ta lại hay chúc tụng nhau “Trăm Tuổi Hạc”. Chẳng hiểu, nhưng nhận thấy hình ảnh con hạc và cây tùng cỗi đại diện cho người cao tuổi sống lâu là đẹp. Nên tôi chọn con hạc để kính chúc bố Sỹ đạt được như thế.
Bố Doãn Quốc Sỹ sinh năm 1923, nên năm 2022 này chỉ đạt TRĂM TUỔI đối với người châu Á chúng tôi, tính theo Âm lịch. Người Tây phương phải đến năm 2023 họ mới chúc mừng ông TRĂM TUỔI. Do vì lũ con cháu muốn bố sống dài lâu nên bố Sỹ trăm tuổi Ta, chúng tôi mừng bố. Sang năm bố Sỹ trăm tuổi Tây, chúng tôi lại mừng bố trăm tuổi nữa, có sao đâu!
Bố Sỹ trăm tuổi nhưng vẫn khỏe, khỏe cả về thể chất đến tinh thần. Bố vẫn đi từng bước vững chãi mỗi sáng, đi bộ vòng quanh khu nhà ở. Khi Ông đi ông thích được nắm tay con gái để cảm thấy an toàn hơn vì đó cũng là cái gậy và cũng là con mắt của ông. Mắt ông kém lắm rồi, nay chỉ thấy mờ mờ bằng con mắt phải thôi. Thế nhưng không có con ông cũng đi, sợ gì! Ông mê đi nên cửa nhà quên đóng là ông lấy cớ ra ngoài lấy thư. Thư không có thì tiện chân ông đi thẳng. Cứ thủng thẳng chắp tay sau đít là ông đi, lần theo vỉa hè mà đi.
Đi, Ông không sợ xe, xe sợ ông thì có. Có một hôm ông đã làm xe sợ vì ông cứ ngang nhiên băng qua đường mà không chờ đèn cho phép. Xe trờ đến và thắng lại kịp từ xa. Người con gái chạy theo khi không thấy ông quay vào nhà, kịp nhìn thấy cảnh ấy mà ú tim và trợn mắt nhìn. Hú hồn!
Ông Sỹ có thể chất tốt của một người già trăm tuổi như vậy là do ông ăn được và ngon miệng. Ba bữa chính trong ngày, ông không bỏ bữa nào. Bữa sáng ông thường ăn cereal bỏ vào bát trái cây có sữa tươi. Trái cây trong bát có đủ màu, tức là có đủ vitamine cho nhu cầu một cơ thê. Ông ăn xong cái, húp sạch cả sữa, rồi mới đặt bát xuống bàn. Buổi sáng ông có hai viên thuốc trợ lực cho xương và chống già. Sao lại chống già? Thì viên thuốc đó nó giúp các tế bào trong cơ thể ông không được phép già như tuổi của ông, phải là tế bào của người trẻ!? Viên thuốc có hiệu nghiệm một chút ở chỗ tóc ông bị hói nay đã mọc lên khá dầy. Bên cạnh hai viên thuốc vô thưởng vô phạt, mỗi tối ông chỉ phải uống hai viên thuốc cho cái tiền liệt tuyến dở chứng của ông. Không một loại thuốc nào cho chuyện cao huyết áp, tiểu đường hay cao mỡ gì cả!
Hai bữa ăn trưa và chiều, ông ăn vào lúc 12:00 trưa và 5:30 chiều. Thường khi các món ăn được thay đổi từ cháo, bún, mì, khoai tây ghiền và cơm… để ông dễ nhai và dễ nuốt. Thức ăn như thịt luôn được cắt nhỏ xíu xiu để ông khỏi phải nhai. Rau cũng vậy, cũng phải cắt nhỏ bỏ thẳng vào bát của ông. Nếu ăn cơm thì chan canh sâm sấp cho dễ nuốt. Ông không bao giờ bỏ dở thức ăn có trong chén của mình. Đó là bản tính từ trẻ, ông tuân thủ lời “đẻ”, mẹ của ông, “hạt cơm là hạt ngọc”.
Về phần uống ông rất lười uống nước. Ông chỉ uống chất gì ngọt ngọt như sữa tươi khoắng đường, nước ngọt, và rượu. Do vậy, thường ngày sau bữa cơm, ông ăn đét se và ly nước lọc thì “dessert” ngọt luôn hết sạch trừ ly nước. Do vậy, cô em gái ngồi kế cạnh cứ phải dùng kế cụng ly với anh, thì mới hết ly nước. Phải đến vài ba lần cụng ly mới cạn.
Một vài chuyện ngoài lề về cô em gái của ông Sỹ. Cô thua ông anh của cô những mười bốn (14) tuổi. Năm 1954 di cư vào Nam, cô vừa đậu xong bằng Thành Chung, nên được ông anh chọn đem theo cùng. Ông anh ý rằng để cô em học cho xong bằng Tú Tài thì vừa vặn Nam Bắc xum họp lại, lúc đó cô đã có mảnh bằng mang về dâng lên ông bà. Tính từ năm đó đến nay đã được sáu mươi tám (68) năm anh em có nhau. Anh luôn thương em và ngược lại em luôn ngưỡng mộ anh. Rồi đến khi chồng cô mất, cô và anh của cô luôn có nhau trong bữa ăn trưa và chiều. Nhờ thế cô mới có thể giúp anh nạp đủ nước vào cơ thể để máu huyết lưu thông dễ dàng.
Về nết ngủ, ông Sỹ ngủ ngon lành và dễ dàng. Một đêm ông có thể đi tiểu vài ba lần, nhưng lần nào xong vào giường ông cũng ngủ lại ngay được tức thì. Ban ngày, sau bữa ăn sáng là giờ đi bộ tập thể dục, về đến nhà là ông lại có thể ngủ tiếp. Lần này ông ngủ ngồi, ông thích vậy. Ngủ ngồi sướng lắm, ông không phải bỏ giầy đi bộ ra, lưng dựa vào cái gối, đít xít ra một tí để đầu ngả vào thành ghế sa lông, tay buông xuôi hai bên người, thế là ngủ ngon. Có cả ngáy khọt khẹt nữa!
Có khi cắc cớ, con gái hỏi ông có mơ thấy mẹ không thì ông trả lời “Bố con mình chẳng ai mơ thấy mẹ, chắc mẹ đã đầu thai kiếp khác rồi!”
Con gái chăm bố cứ thường la lên rằng “Chưa ai chăm người già lại sướng như chăm ông Sỹ này!” Quả là vậy, ông tuyệt đối tuân thủ lệnh con. Con muốn bố ăn cái này thì bố ăn, con muốn bố uống cái này thì bố uống, con muốn bố đánh răng thì đánh răng. Tiết mục đánh răng này bố rất lười, lười từ thuở còn mẹ. Con gái đã quẹt kem vào để sẵn trên ly, thế nhưng ông lại len lén bỏ lại vào ly cắm bàn chải. Chỉ còn cách dúi bàn chải vào tay bố thì không trốn chạy đi đâu được. Bố đành đánh răng!
Tiết mục tắm. Cách đây một năm, ông vẫn tự tắm lấy, tắm cả tiếng đồng hồ! Ông kỳ cọ kỹ lắm, nết này nó “run in the family”. Nó chạy trong huyết quản của bà, của hai cô em, người nào khi vào buồng tắm cũng phải cả giờ đồng hồ mới ra. Và kể từ ngày ông Sỹ bị mổ sa ruột, con gái không muốn ông tắm lâu nữa, nên xâm nhập vào buồng tắm để tắm gội và xối nước cho mau kết thúc cuộc tắm của ông.
Người ta vẫn thường nói Thân – Tâm gắn liền nhau, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Do vậy, ông Sỹ đã có một thân khỏe mạnh thì tâm của ông cũng được khỏe lây. Có ai đặt câu hỏi “tâm phải an trước rồi mới có thân khỏe không?” Câu hỏi này người viết cũng đã từng hỏi, nhưng không có câu trả lời chính xác. Chỉ lấy kinh sách Phật ra thì thấy nó đồng hành và không tách biệt. Không trước, không sau.
Tâm ông Sỹ đã từ lâu, dường như không còn “Tham, Sân, Si, Hận” gì cả. Ngay từ thuở trong tù cộng sản, hai lần tù, cũng không ai nghe ông thù ghét mấy người quản giáo. Ông Sỹ đã từng nói trong sách hay trong câu chuyện với mọi người “Mình bị tù còn có ngày về, chứ mấy người quản giáo này họ cứ phải gắn liền với nhà tù thì chẳng khác gì tù!” Vợ con những ngày sau này chớ hề nghe một chuyện gì về chồng và bố lúc ở tù. Có chăng chỉ nghe vài mẩu chuyện từ các bạn tù của ông mà thôi.
Tâm ông Sỹ nay không có gì có thể làm nó gợn sóng lên được. Ngay cả cái vui ông cũng không vui quá thì lấy đâu cái buồn có cơ hội làm gợn lòng của ông?!
Ngày Sinh Nhật Một Trăm Tuổi của ông con cháu tề tựu về, nhà náo động rộn ràng, ông biết đó chứ. Nhưng nào ai thấy ông hưng phấn nói cười như lũ con cháu. Ông vẫn điềm tĩnh ngồi ăn cùng cô em và con cháu. Chúng nó quây quần ca hát, chúc tụng ông, ông chỉ mỉm cười và tay nhịp nhịp theo tiếng đàn và tiếng hát. Cái vui của ông được phát ra đến tầm cỡ như vậy mà thôi.
Thôi thì… chúng con mười sáu con và dâu rể , mười bốn cháu, sáu chắt, và toàn gia đình bên nhà cô Em của ông anh, đồng thanh chúc ông Sỹ “Trăm Tuổi Hạc”. Rồi từ đó, từ cột mốc này ông cộng thêm những năm sau sau nữa vui cùng em, con, cháu, chắt. Người viết còn đang nghe vang nhiều lời chúc tụng từ bạn văn, bạn nhà giáo, học trò, bạn con, bạn cháu đang chúc tụng ông, ông có nghe chăng?
California, ngày 6 tháng 2 – 2022
Doãn Tư Liên
No comments:
Post a Comment