Dec 17, 2022
Dec 15, 2022
CỘNG ĐỒNG VINH DANH BỐ - Doãn Kim Khánh
Đối với b Khánh, buổi lễ vui vì tụ tập được nhiều giới. B K gặp lại được cô Thức và c Hoạt (cô Thức cùng dạy với b K ở Nông Lâm). Cô Thức hỏi "Anh chàng cô giúp vượt biên đâu?" (Ý cô hỏi về Thái). Có một bác xưng là bác của Hằng, cứ hỏi "Minh Hằng đâu?
Trong những nhóm cộng đồng thì nhóm giáo sinh trường Sư Phạm nói chuyện về Bố chân tình và cảm động nhất.
Còn cộng đồng thì dĩ nhiên phức tạp. điểm chung là tất cả đều thích chụp hình với Bố. Không phải lúc nào họ cũng thích nghe Bố nói.
Buổi lễ kéo dài lâu hơn dự đoán. Anh ĐQA Thái là người nhắc đi nhắc lại phải đưa bố về vì bố trông mệt lắm rồi. Dứt bố ra khỏi buổi lễ cũng khó, Phái đoàn mình ra về khi những nhóm cộng đồng cuối cùng chưa kịp đọc đít cua. Chú Bích không đủ cứng rắn để giới hạn các đít cua đầu.
Nhưng cuối cùng phải nói rằng làm con Bố thì được thơm lây hết biết. Cô Diệu Quyên (vợ của Trúc Hồ) kể chuyện gặp thằng Oui, biết nó tên DQS Tâm thì hỏi nó "Con có biết ô DQ Sỹ không?", thì nó trả lời "Dạ, ông nội con!" Hú viá!
B Khánh report
MY CHILDHOOD HOUSE - Nguyễn Đình Thảo Chi
This morning I woke up to the news that my childhood house no longer exists. Those who know me and my family know how special this house was to us. The little green house at the end of an alley, for many generations, always had its doors open for family and friends, often filled with laughter and music, and very often turned strangers into extended families. In that house, several generations were born, many meals were shared, countless parties were held, gazillion sleepovers took place, and many family traditions were celebrated. That little green house held so many memories and was so special to us that it remained “our house” even years after we sold it and moved thousands of miles away. It was also one of the reasons why I often think of Vietnam as “home home”.
How often can a person find such a precious place even when they spend almost half of their life away from it? People may say “a house doesn’t make a home”, but to my family, this house was the home, not only to us, but to many others who had come to love it as much as we did.
Goodbye house! I love you! Up you go to find your own Neverland where you will always be that little green house at the end of the alley where the door opens to all of our hearts. 🎈 🎈❤️🎈🎈❤️🎈🎈
ThaoChi Nguyen
June 12 - 2019
CĂN NHÀ TUỔI THƠ - Doãn Cẩm Liên
Chị à, em nên bắt đầu từ đâu hả chị? Từ điểm bắt đầu hay điểm kết thúc cái Căn Nhà Tuổi Thơ của em?
- À, thôi để em bắt đầu ở điểm sau cùng nhé.
Cái ngày cuối, ngày tháng năm 2013, em từ Hoa Kỳ về để ký giấy tờ bán căn nhà của Bố Mẹ để lại, để em được làm người đi ra sau cùng khỏi căn nhà là em. Em là người ở lâu đời nhất trong căn nhà của Bố Mẹ, từ năm 1959, làm bài toán trừ với năm 2013 ra con số 54 năm. Hơn nửa thế kỷ!
Năm 2006, một đợt ra đi lớn gồm có chị thứ hai, gia đình thằng thứ năm, gia đình thằng sáu, và cô em Út, gồm cả thảy là mười người rời VN đi định cư tại Hoa Kỳ. Cú di dân theo chương trình “Ra đi có trật tự” của gia đình em rất đúng thời đúng lúc cho mấy người em có con nhỏ cần phải ổn định sớm nơi xứ người. Tụi nhỏ cần đi học cho kịp tuổi và kịp thời gian mà hòa nhập xã hội mới. Để lại căn nhà trống trơn chỉ còn vợ chồng em ra vào lui cui. Hai đứa con của em, thế hệ thứ ba, lúc đó cũng đi du học hết rồi.
Căn nhà 338/60B đường Thành Thái, Q5 thành phố Sài Gòn, mở ngoặc chú thích nói cho đúng tính lịch sử và sự kiện thì địa chỉ trên không còn đúng nữa vì chính quyền đương thời thay đổi nó rồi. Nhưng em vẫn muốn giữ nó lại đây để sau này mọi người còn có thể nhớ lại. Vả lại em cũng muốn giữ trọn vẹn cái tiêu đề “điểm bắt đầu và điểm kết thúc” cho nhiều trìu mến. Căn nhà tuổi thơ của lũ chúng em là đường Thành Thái và căn nhà của lũ con cái của chúng em lại ở đường An Dương Vương!
Trong buổi cơm chiều buồn hiu:
- Anh à. – Em nói với anh chồng.
- Căn nhà này mình sẽ còn giữ lại cho đến khi nào tụi mình qua Mỹ ở luôn ha. Anh nghĩ sao?
- Thì nghĩ giống như em bàn! – Anh chồng đồng lòng với vợ. Và chàng nói tiếp:
- Anh còn phải thu xếp công việc, mấy dự án thiết kế còn dở dang và phải cuốn chiếu cho xong chứ. Nhà sẽ phải thu dọn sách vở và đồ đạc rồi mới bán. Đó em thấy đó, ai hết ra đi nhưng vẫn mong còn được quay trở lại nhà nên chẳng ai thèm thu dọn đồ đạc cá nhân của mình đâu nè!
Căn nhà phải bán!
- Một quyết định đã được định sẵn từ lâu nhưng thời gian khi nào thì để trống, chị ạ.
Căn nhà nơi in dấu ba thế hệ ông bà, bố mẹ và cháu nội ngoại. Tuổi thơ in dấu thì chỉ có hai thế hệ các bố mẹ và các cháu thôi. Tám đứa chúng tôi, thế hệ ở giữa 4 trai 4 gái, được vào ở căn nhà này từ năm 1959. Khi đó bố mẹ mới có đầu lòng ba ả Tố Nga và thằng trưởng nam thứ 4. Sau đó lần lượt 4 đứa sau ra đời. Chúng tôi chơi đùa; chúng tôi cãi nhau, đánh nhau; chúng tôi ngồi nói chuyện tán phét cười ngặt nghẽo; cắt tóc cho nhau; học chữ, học đàn; đóng kịch và hát hỏng; đàn đúm bạn bè nhảy đầm, nghe nhạc… Nói chung là những chuyện thường ngày mà nay trở thành những câu “chuyện đẹp”.
Trước khi ký giấy tờ và giao nhà, khoảng hai tháng trước đó, anh xã đã phải kéo tất cả sách vở từ các kệ dọc theo tường xuống và từ tủ sách xuống. Kệ sách trống thì sàn nhà đầy sách, một núi sách ngót vài ba ngàn quyển. Sức chứa “kệ tường sách” thật phi thường, sách nằm trên kệ thấy thế mà khi xuống đất lại thành một núi cao.
Cũng do vì sách vào nhà em rồi là được yêu quý, trân trọng và cất giữ. Sách đến từ lâu và ít được sờ mó đến thì chúng bị dồn lên cao và vào chỗ khuất một chút, nhưng nó cũng không bị ngược đãi đâu, chị ạ! Bố xếp những sách quý như tự điển, sách khảo luận, sách văn học nghệ thuật của các bạn bố tặng thì được trân trọng nằm trong tủ sách dưới phòng khách. Các bạn đến chơi nhà từ bạn bố mẹ đến bạn tụi em đều trầm trồ cái tủ này giá trị từ hình thức đến nội dung. Hình thức cái tủ gỗ gõ đẹp bóng loáng, đến nội dung các loại sách nặng ký về nội dung, đủ thể loại có thể làm thành một thư viện mini sáng giá.
Công việc những ngày cuối của em là phân loại lũ sách đông vô kể này. Loại nào cho vào sách bán de chai, sách cho thằng em họ làm thư viện gia đình, sách bán cho tiệm sách cũ ở đường Hồng Thập Tự, sách gửi tàu thủy sang Mỹ.
- Chị cất thùng sách này chỗ kín, rồi để từng quyển ra một chỗ khuất trên quầy cho khách mua thấy. Đừng để nhiều vì tụi công an văn hóa dễ nhận ra lắm đó. – Em dặn dò cô mua sách cũ.
“Con Cá Mắc Cạn” bố xuất bản vào năm 1974, vừa sát ngày mất nước nên chưa bán được nhiều. Đến khi tháo từ kệ sách xuống còn một thùng đầy làm sao em tha nó đi tha hương được. Chỉ tuyển 100 quyển được lên tàu biển đi theo em thôi.
Và cứ thế làm miệt mài để tuần lễ cuối cùng trước ngày giao nhà là em phải làm trống tất cả. Các tủ quần áo, tủ kệ sách, tủ bát đĩa, nhà phải trống rỗng. Và cả lòng mình cũng phải trống luôn!
- Có trống được hay không, em đố chị đó.
Tình cảm và kỷ niệm gắn bó ngần ấy năm trời với căn nhà thật là khó tả! Em nhớ thuở xưa, thập niên 60, hẻm 338 vẫn còn là đường đất và rộng lắm. Nhà cửa dọc theo con hẻm toàn là nhà cấp bốn, mái tôn tường gạch. Nhà được thiết kế thời đó luôn có hàng ba phía trước, có nhiều nhà trồng cây ăn trái cho mát và có quả để ăn. Em vẫn còn nhớ cây vú sữa tím nhà chú Tám, trái đầy chín tím cả cây. Nhà anh Điểu thì có cây ổi xá lị, trái nhỏ da trắng nõn, ăn giòn và ngọt.
Còn sân nhà em chỉ có một cái xích đu đủ màu để tụi em ngồi đong đưa và vài ba chậu cây mẹ trồng chẳng mấy ấn tượng. Lũ con gái chơi nhảy cò cò thì ra phía ngoài hàng rào là đất cát tha hồ mà vẽ khung nhảy. Sân đất thì thảy “chàm” không bị tưng ra khỏi vạch. Chơi đánh banh đũa thì phải lui vào hiên trước có sàn xi măng để banh tưng lên. Tạt lon thì bất kể trai gái tụi em đều tham gia.
- Đó, chị thấy không, những món giải trí của tụi em thời xa xưa thật đơn giản và lành mạnh là thế.
Rồi đến giai đoạn tám đứa tụi em lớn lên, lũ con trai to tồng ngồng, bố mẹ phải nghĩ đến chuyện sửa nhà. Căn nhà một tầng nay biến thành 2 tầng. Nhưng vẫn là mái tôn và sàn gỗ. Chiều dài của căn nhà chiếm hết chiều dài của miếng đất. Tầng trên có 2 phòng ngủ và một terrace để phơi quần áo. Một phòng ngủ to dài chiếm 2 phần chiều dài nhà là có 6 tấm nệm của cho lũ tụi em. Phòng ngủ nhỏ kia là của bố mẹ.
Dưới nhà cũng được chia làm 3 phòng: phòng khách, phòng ngủ, và nhà bếp. Khách thân thiệt thân của bố mẹ và của tụi em đều thích được ngồi trong bếp nói chuyện. Phòng khách chỉ dùng tiếp khách sơ giao thôi.
- Cái nhà bếp nhà em đặc biệt lắm, chị ạ. Ngồi chơi nơi bàn ăn giữa gian phòng là nước uống được tiếp liền liền, thức ăn trong tủ lạnh phục vụ vừa nhanh vừa gọn. Nói chuyện rôm rả và cười vang động cả hàng xóm.
- Cái phòng giữa thì chuyên trị làm “sàn nhảy” cho đám bạn của thằng em dân chơi trong nhà. Nhạc xập xình bạn bè túm tụm. Vậy mà bọn công an khu vực chưa sờ gáy là may quá đi!
Năm 1980, đợt vượt biên đầu tiên thành công, gia đình chị lớn nhất và út trai cặp bến đảo Galang an toàn. Kế đến thằng trưởng nam, 1984 cũng vượt biên thành công. Hai cái may mắn thì ngược lại trả giá cho một sự xui xẻo lớn là bố em bị bắt đợt hai. Mẹ bươn chải kiếm tiền chợ nuôi lũ tụi em. Đứa nào có tài cán gì thì mang ra kiếm chút tiền tiêu vặt. Chị lớn lấy vốn tiếng Pháp và tiếng Anh trong trường trung học và đại học ra dạy kèm tại gia. Mấy chị em gái đan móc cho tổ hợp, mẹ làm bánh bán quẩn trong xóm… Tất cả đều thất bại và không bền lâu vì nhà này chẳng ai có máu kinh doanh cả!
Chẳng có gì bí lù hoài hoặc khổ sở hoài, ông Trời hay thật. Hai chuyến đi thành công làm những người còn ở lại nhẹ thở trong vấn đề tài chánh. Mẹ được chị lớn tiếp tế tiền đều đặn để nuôi bố, các em có bữa cơm no đủ hơn, và mẹ có thêm tiền dắt túi cho những chi tiêu khác.
Em là người lập gia đình thứ hai trong gia đình sau chị lớn. Hai đứa con của em đều được ông bà ngoại bồng bế và cưng chìu. Đứa đầu còn được chơi với ông ngoại. Ông bế một tay, còn tay kia ông cầm tay lái xe đạp, chạy xung quanh bốn con đường Thành Thái, Trần Bình Trọng, Trần Phú, và Cộng Hòa. Đó là khoảng thời gian giữa hai lần đi tù của ông ngoại. Con bé này sướng thiệt. Con bé thứ hai của em cũng ra đời trong căn nhà này, với tràn trề tình thương của đại gia đình bác Nhỡ, cô chú và dì Út. Chúng được nghe Út hát ru, bác Nhỡ bế và cưng chìu. Các chú thì bày trò vui hát những dịp sinh nhật.
Mấy đứa cháu thế hệ thứ ba cũng đã từng mời bạn đến chơi nhà. Chúng tổ chức sinh nhật với nhau hoặc bạn ghé ăn trưa và nghỉ một chút xíu chờ lớp học buổi chiều. Thời gian gắn bó của tụi nhỏ chỉ được chừng 17 năm đổ lại thôi, rồi lũ chúng nó đi du học và đi định cư xứ khác. Thời gian ngắn là ngắn sự thương nhớ!
Ngày giao nhà đến nơi, em tả xung hữu đột, phân chia các đồ dùng như bát đĩa cho lũ em họ, còn dư cho Chùa dùng. Sách phải ra đi cho hết. Giường nệm chăn gối… cũng chia cho lối xóm thân quen, máy móc đồ dùng trong bếp, máy giặt, tủ lạnh cũng phải cho đi cho xong để căn nhà trống trơn. Thế là xong. Em xách “valise” đến ở nhờ nhà bạn vài ngày chờ lên máy bay về lại Hoa Kỳ. Đóng lại chương thời gian tuổi thơ, tuổi thiếu niên, tuổi thanh niên cho đến trung niên.
Nay ngồi nhớ lại những mốc thời gian để thấy tuổi thơ và nơi chốn là hai điểm nó quằng quện vào nhau. Nói về một điểm tức là bao trùm cả điểm thứ hai. Hai điểm, nó làm nên vết sẹo trong em khi căn nhà 338/60B đường Thành Thái Quận 5 phải bán đi. Sẹo dài những 54 centimetre nếu tính theo đơn vị 1 cm cho thời gian một năm. Các cháu thế hệ thứ ba chắc cũng có vết sẹo đó, nhưng nó nông và ngắn hơn nhiều nên vết sẹo có chiều mau nhạt nhòa và biến mất.
Còn chị thì sao? Chị có bao nhiêu vết sẹo trong đời, có cái nào làm đau dài lâu như cái của em không chị.
Mong thư chị,
Em của chị
California ngày 13 tháng 12 – 2022
Doãn Cẩm Liên
Ghi chú: Viết theo lời gợi ý của chị Trùng Dương
Dec 13, 2022
DẠ QUỲNH - Doãn Quốc Hưng
Dec 5, 2022
BÁC SỸ THEO DÕI WORLDCUP - Anh Quân
Worldcup bắt đầu là vào năm 1930
22 lần Worldcup (2 lần không đá)
Bác Sỹ coi lần nhất vào lúc 7 tuổi
Xem ra Bác Sỹ theo dõi từ ngày có giải cho đến hôm nay.
- Anh Quân
Dec 4, 2022
NHỮNG ĐIỀU NGƯỜI 100 TUỔI VẪN LÀM ĐƯỢC - Doãn Cẩm Liên
Tuổi Cụ Sỹ năm nay đã đạt được con số 100. Để tô đậm con số 100 cho thêm phần giá trị thì cần ghi thêm những điều mà Cụ vẫn làm được hằng ngày:
- Đi không cần gậy. Bởi vì chân Cụ vẫn khỏe mạnh và cứng cáp. Bước đi vững vàng từ trong nhà ra đến ngoài vườn. Đi đây đó với con cái là cái thú của Cụ. Do vậy lũ con khoái rủ cụ “đi chơi”, ngồi quán cà phê nhìn mọi người tán ngẫu. Cụ nào nghe được gì và mắt nhìn cũng mờ mờ nhân ảo, thế nhưng Cụ rất vui vì được ngồi làm cục “nhưn” giữa đám con cháu của mình.
- Đi dạo không cần con. Hừm! Chuyện này Cụ Sỹ cứ làm con nó lên ruột từng hồi vì xểnh ra là Cụ đi mà không thông báo. Ánh nắng là kích thích tố cho tế bào thần kinh tiết chất adrenaline trong Cụ. Hoạt chất này giúp cơ thể con người hưng phấn lên và muốn làm những gì mình muốn làm. Giờ hoạt động hăng say nhất của Cụ là sau giờ cơm trưa, đỉnh trưa của mặt trời đứng bóng. Khi các con díp mắt cần nghỉ ngơi một chút thì Cụ lại tỉnh táo nhất trong ngày. Cụ ra vườn, cụ muốn đi ra ngoài đường, đi trong ánh nắng cho thỏa thích. Nắng ấm, nắng vui và nắng tươi khỏe… Cụ chẳng muốn phí phạm nó một chút nào!
- Tay khỏe và khéo khi cầm kéo. Việc chính hằng ngày của cụ Sỹ là cắt giấy, giống như chức năng của cái máy “paper shredder”. Con cái cung cấp giấy báo cho Cụ làm việc. Nhiệm vụ giao là được Cụ hoàn thành một cách nhanh chóng và luôn trước thời hạn. Xong việc mà còn thèm cắt thì Cụ ra vườn mò mẫm vào đám cây cối. Thằng cây nào hó hé đưa cành lá ra trước mắt Cụ thì liền bị cắt. Cắt cành xong còn phải thêm công đoạn cắt vụn nó ra cho dễ tái sinh. Trời ơi, cái lùm cây cứ bị lẹm một bên vì nơi đó có Cụ đứng. Tay bẻ tay cắt thì làm sao không vẹt cơ chứ!
- Làm giường tươm tất sau khi ngủ dậy. Một hình ảnh đẹp được ghi xuống khi Cụ Sỹ đang làm giường, vuốt cái chăn phủ giường thẳng tắp và phẳng phiu xong xuôi mới ra khỏi phòng. Các con của Cụ chưa có đứa nào được cái hân hạnh làm việc này cho Cụ đâu. Không chỉ giường chiếu được sắp xếp gọn ghẽ mà ngay cả giầy dép nữa. Hằng ngày Cụ thay giầy để đi bộ, đôi dép đi trong nhà sau khi tháo ra được xếp ngay ngắn một chỗ trong tủ giày. Cụ tế nhị là không đặt để nó lên giày một ai khác. Nằm ngay ngắn và thẳng thớm để khi về Cụ chỉ việc quơ tay là có đôi dép đi nhà.
- Vệ sinh cá nhân. Kỹ năng này có phần hơi dở từ xưa khi còn Cụ Bà. Cụ ông chuyên trị dựa Cụ bà, nay đến dựa con. Bàn chải đánh răng phải quẹt kem sẵn, đôi khi còn phải dí vào tay Cụ mới xong việc đánh răng. Tắm thì sao? Cụ vẫn có thể tắm lấy một mình nhưng cả tiếng đồng hồ mới xong. Vì vậy con nó xông vào buồng tắm tắm dùm cho nhanh để tránh không bị cảm lạnh.
- Ăn uống không vung vãi. Do vì tay và chân Cụ Sỹ không bị rung, các tế bào thần kinh vận động không bị lão hóa nên mệnh lệnh xuống tay chân vẫn còn chính xác. Cụ tự xúc cơm hoặc cháo ở bàn ăn. Không một hạt cơm hay thức ăn nào vung vãi nơi Cụ ngồi. Chỉ có phần kết thúc vét bát cơm hay bát cháo là cần con nó vét cho thôi. Mà xin thưa rằng mắt kém thì làm sao Cụ thấy rõ bát còn thức ăn hay không!
Nếu muốn nói chuyện vui và mang tính tích cực của người già chắc những chuyện của Cụ Sỹ là đúng đề tài nhất. Người viết kể ra đây là để lưu giữ cho con cháu sau này biết thế nào về Bố, Ông và Cụ của mình. Cũng là điểm giúp các bạn vong niên của Cụ Sỹ lấy đó làm mục tiêu cần đạt cho những ngày trước mắt. Phải cố lên sao cho bằng Cụ để có một cuộc sống vui khỏe từ tinh thần đến thể chất.
Người viết xin kính chúc các cô chú bạn bố Sỹ luôn giữ được thân và tâm an lạc và khỏe mạnh như Cụ ạ!
California, ngày 3 tháng 12 – 2022
Doãn Tư Liên
Dec 3, 2022
LIÊN VIẾT VỀ BỐ 100 TUỔI