Nov 9, 2021

VÌ ĐÓ LÀ ĐIỀU MÀ TA SỐNG - Đoàn Khoa

Theo "thiển ý" của CON BÁN SỮA, trong "giai đoạn rối rắm" của cuốn TẠP GHI (hay TẠP LỤC... gì đó) mọi người sẽ ít quan tâm đến "Những Đêm Mất Ngủ" của nàng Scheherazade, do đó nó "thu hẹp" THỊ PHẦN SỮA lại để bớt "làm phiền hàng xóm", thế nhưng nếu ai đó còn "tò mò" về vấn đề này thì sẽ "theo dõi sau" qua blog của Út Hương.

Và đêm nay là "đêm cuối" của nàng Scheherazade.

...

Vài năm trước, tình cờ em xem được 1 mini-serie (tạm gọi là “phim bộ ngắn”) gồm 6 tập của Thụy Điển tên gọi PERFORMANCE – câu chuyện xoay quanh 6 nhân vật trong 1 nhà hát nhỏ.

Dù chưa có DZỊCH nhưng nhà hát này đang đứng trước nguy cơ “dẹp tiệm” vì không xoay đủ “ngân sách” để duy trì hoạt động.

Người đạo diễn chính của nhà hát là “EX” của nữ diễn viên già và hiện đang “cặp kè” với cô diễn viên trẻ.

Ông ta chuyển thể 1 bài thơ (sonnet) của Shakespeare thành tác phẩm sân khấu và trong vở kịch này chỉ có 3 nhân vật là cặp tình nhân trẻ và Venus (cô “bồ” của ông trong vai nữ chính và bà EX (có tuổi) đóng vai Venus).

Tất nhiên chuyện phim hết sức “ngoạn mục” vì những quan hệ “chằng chịt” của các nhân vật trong nhà hát này – thế nhưng với em – sự “ĐỘC ĐÁO” (mà em cảm nhận) không nắm ở đó.

Điều đầu tiên là CÁCH KHAI TRIỂN một vở diễn (của nước ngoài & tư bản) hoàn toàn giống Y HỆT như những gì mà tụi em (thế hệ của Thành Lộc, Hồng Đào, ĐàmLoan…) được “HỌC” và “THỰC HÀNH” trong Trường Sân Khấu cách “làm việc quanh bàn”, “phân tích nhân vật”, “phá hoang”, “tìm những cách khác nhau để tiếp cận nhân vật”… mà trong “hiện tại” hầu như tất cả các “đoàn kịch” tại Saigon đã không còn “áp dụng”.

Kế đó là “NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN” – người nữ diễn viên tuy “có tuổi” đồng thời là “tình địch” với cô diễn viên trẻ - thế nhưng khi vào vai VENUS - bằng “tài năng” và bản lãnh, bà đã chứng tỏ được “sức hút ghê gớm” của mình – nhiều khi lấn luôn “sắc đẹp” và sự “trẻ trung” của cô gái.

Để có được một vở diễn đúng nghĩa- tất cả những nhân vật trong phim đã phải VẮT KIỆT SỨC MÌNH đồng thời họ cần phải “vượt qua nhiều thứ” của một đời sống “bình thường” với những “dây mơ rễ má” rắc rối.

Ở cuối mỗi tập phim – sẽ có 1 “trích đoạn” nhỏ của vở diễn hoàn chỉnh và trong “tập cuối” –phần KẾT của vở kịch “THẬT” đã làm khán giả “trong rạp” lẫn người xem “ti vi” phải GÀO LÊN rằng:

“KỲ DIỆU QUÁ!”

Cái mà người đạo diễn đã xử lý trên sân khấu (trong toàn bộ vở kịch cũng như phần kết “độc đáo) của anh ta là mà Điện Ảnh không thể đưa được cho khán giả đang xem.

Đây là một “TRẬN MƯA HOA” với sự TÍNH TOÁN hoàn chỉnh giữa Ý TƯỞNG dàn dựng cùng với sự kết hợp hoàn hảo một nền KỸ THUẬT TÂN TIẾN (và kỳ diệu nhất là “cơn mưa” này chỉ kéo dài khoảng 10 giây TRƯỚC KHI ĐÓN MÀN)

Trong phim – người đạo diễn đã nói rằng họ chỉ “dự kiến” vở kịch chỉ diễn ra vài tháng là cùng – thế nhưng vì “độc đáo” quá – nó đã kéo dài nhiều năm…

Nghĩa là nếu như có một vở kịch hay thì tuổi thọ của nó vẫn có thể dài hơn “mong đợi”…

Trở lại với “Sân Khấu Việt” – điều đáng buồn là ngay từ Trường Sân Khấu họ đã có chủ trương “ăn xổi ở thì” nghĩa là “thẩy” ra đời càng nhiều “nghệ sĩ” càng tốt – do đó những học viên mà họ đào tạo - tuy rất “LANH” trên sân khấu nhưng lại không cách này xoay sở trong những vở kịch “KHÁC PHONG CÁCH” so với “kỹ năng” mà họ có.

Trong tất cả các loại hình nghệ thuật – ngoài “tên” chính mà nó mang (thí dụ như Hội Họa, Điêu Khắc, Văn Chương, Âm Nhạc, Sân Khấu…) thì trong từng tên gọi đó lại chất chứa rất nhiều THỂ LOẠI và PHONG CÁCH khác nhau (thí dụ như “Hiện Thực”, “Trừu Tượng”, “Ẩn Dụ”, “Lãng Mạn”…) thế nhưng ở Việt Nam  - hầu như chỉ “tồn tại” MỘT PHONG CÁCH DUY NHẤT đó là HIỆN THỰC (công thêm XHCN).

Từ “đặc điểm” trên -người nghệ sĩ Việt Nam không có “điều kiện” để thể hiện sự “sáng tạo” của mình bằng nhiều phương cách khác nhau.

Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến Sân Khấu Việt từ từ đi tới con đường hủy diệt chính mình.

(nhớ lại thời kỳ đầu tiên khai sinh ra “Sân Khấu Nhỏ” – lúc ấy các đạo diễn trẻ có thể “thể nghiệm” bằng những vở tuồng được viết bởi nhiều phong cách khác nhau – nhờ đó “đời sống sân khấu” bỗng đa dạng và hấp dẫn hơn nhiều so với trước đó và thời gian hiện tại…)

Ngoài yếu tố DZỊCH BỆNH – từ ngày INTERNET xuất hiện – sự “thưởng thức” của khán giả đã thay đổi rất nhiều và quá nhanh đến nỗi cách làm “truyền thông” trước đây đã lỗi thời nhanh chóng.

THỊ GIÁC ĐANG THẮNG THÍNH GIÁ (như lập luận ở phần đầu tiên) và điều này đã “đẻ” ra các loại hình “diễn xuất” mới, nó nhiều tới nỗi người ta không kịp “đặt tên” cho nó.

Thế nhưng, ông bà ta cũng có câu:

“Bạo phát bạo tàn”

Càng “nở nồi” may chóng chừng nào thì sự “tàn lụi” biết đâu cũng nhanh lẹn chừng đó…

Thật vậy, một “chen nồ” với triệu “viêu” lập tức sụp đổ khi một “chen nồ” khác xuất hiện với sự nhảm nhí “nặng” cái cũ…

Giống như THỜI TRANG – người ta sẽ “ngán” những gì “quá tải” cho nên người viết vẫn hy vọng rằng tới một ngày nào đó, khi mà “con mắt” của người xem không còn chịu đựng nỗi những gì mà “THỊ GIÁC” của họ đem lại thì họ sẽ dần tìm thấy ở “THÍNH GIÁC” những điều hay ho… và lúc đó họ sẽ cảm thấy “được nghỉ ngơi”.

Biết đâu vào thời điểm đó, không chỉ “Âm Nhạc” hay “Sân Khấu” hồi sinh mà những bộ môn “thầm kín” khác như “Thi Ca”, “Văn Chương” sẽ trở mình “thức giấc”… thế nhưng đã là NGHỆ THUẬT thì sự tiến hóa của nó không phải là một ĐƯỜNG TRÒN   mà phải là một VÒNG XOẮN ỐC ĐI LÊN chứ không phải trở lại “ĐIỂM XUẤT PHÁT”.

Em đang “MƠ” về một cách đồng lúa vàng vào một buổi chiều thu…

Bỗng dưng xuất hiện một đoàn XE BÒ…

Những chiếc xe này sẽ dừng lại ở một vị trí nào đó mà “background” của nó là cả một không gian thiên nhiên rộng lớn và màu sắc. Những người “phu xe” sẽ KẾT các chiếc xe này lại với nhau thành MỘT SÂN KHẤU LỘ THIÊN (tất nhiên phải có BÀN TAY CỦA KỸ THUẬT CAO CƯỜNG NHÚNG VÔ).

Những diễn viên sẽ từ những ĐỤN RƠM xuất hiện và họ sẽ diễn những trích đoạn CHÈO CỔ hoặc TÂN NHẠC hoặc KỊCH (tùy vào nội dung chương trình) dưới sự HỔ TRỢ của một dàn ÂM THANH & ÁNH SÁNG cực kỳ TINH SẢO nhưng được GIẤU KÍN trong những ngọn cây, bụi cỏ, ụ rơm… để khán giả không tìm thấy NGUỒN PHÁT RA ÂM THANH và ANH SÁNG.

Khán giả sẽ quây 4 mặt của sân khấu này – thế nhưng nhờ THIẾT KẾ HIỆN ĐẠI – diễn viên có thể TRỒI SỤP hoặc thay đổi nhiều thứ bằng hệ thống NÂNG của mặt sàn.

Nếu được như vậy – đây quả là một NHÀ HÁT NGOẠN MỤC và người xem được hưởng những điều DIỆU KỲ mà họ chẳng bao giờ có thể tìm thấy trên PHIM hoặc trong INTERNET.

Giấc mơ thì không tốn tiền – nên ta hãy mơ.

Giống như câu nói của kịch tác gia Tennessee Williams:

“Biết là không tới nhưng ta vẫn chờ mong… và vì điều đó mà ta sống”…

K


***


Đêm cuối cùng tuyệt hay của nàng Scheherazade!  Nhà vua đã hoàn toàn bị chinh phục và đưa nàng thành bậc mẫu nghi thiên hạ.

Sân khấu việt mà bị lùa vào tình trạng chỉ còn 1 phong cách hiện thực xhcn thì chết chẳng oan chút nào.  Nói theo kiểu ông Sỹ là ca tụng đèn dầu, mà quên mất trên đời còn đầy ánh mặt trời và trăng sao ...

Giấc mơ của Khoa quá đẹp đi.  Và hoàn toàn khả thi ... nếu mình có tiền 😜😃.  Chị còn mường tượng thêm, vẫn trong tinh thần giao thoa giữa khán giả và diễn viên, khán giả có thể cao hứng kêu réo, đối thoại với diễn viên.  Và diễn viên phải đủ lanh và quyền biến để tung hứng với khán giả, và lèo lái câu chuyện về tới bến.  Vui và phong phú, và bất ngờ biết mấy héng?!

Mình phải mơ, và luôn luôn tiếp tục mơ ...  Khoa nhớ chia sẻ những giấc mơ của mình với Doãn gia nghe.


No comments: