vì cả nhà luôn dùng ái ngữ khi nói chiện mí nhau 😊
Ai mà chẳng có tâm tâm niệm niệm là mình làm điều lành, điều thiện, điều tốt cho mọi người, người thân thương, người xa lạ và ngay cả người mình không ưa nữa. Do vậy người ta mới phải tu và mới có câu:
Thứ nhất tu tại gia
Thứ hai tu chợ
Thứ ba tu chùa
Mức độ khó khăn trong ba loại tu trên thì còn tùy theo từng người. Có người quan niệm tu nhà dễ, có người thì ngược lại, tu chùa mới khó. Riêng tôi cũng có cái riêng của mình.
Tu chùa tôi cho rằng dễ nhất trong ba loại tu. Xin mở ngoặc là tu nào cũng khó hết, chỉ có là dễ khó một cách tương đối và tương tức theo từng người thôi. Tu chùa mà mình có một cái cốc riêng trên núi hay hóc bò tó nào đó, rồi ngồi thiền một mình và sống một mình thì sự tiếp xúc với môi trường xung quanh cũng ít. Cái tôi của mình đã được đóng khung trong cái cốc “của mình” nên cái tôi của người xung quanh cũng khó mà đụng được tới cái tôi của tôi. Thế là ít chất liệu để chống trái nhau. Hay còn gọi là không có ngòi nổ hay thuốc súng bên cạnh mình để nổ.
Tu ở chùa, với một tăng ni đông đúc hơn là khó hơn. Tuy nhiên, với những bạn đồng tu ai ai cũng được thầy dạy bảo chung một bài học. Ai cũng có nhiều công phu tu tập khi đã nguyện đời mình cho việc đi tu thì sự va chạm cũng tạm gọi là có tấm đệm, nên có ít nhiều êm ả hơn. Tôi vẫn thường thấy, khi tu học và chia xẻ với tăng thân tôi cảm thấy an toàn nhất. Vì họ có chung một mẫu số với tôi là cùng một thầy, cùng sự hiểu biết và khi cùng tu tập với nhau. Khi cùng nhau tu tập là chúng tôi đã biết dùng ái ngữ và lấy thương yêu để nói chuyện. Chưa kể là lòng mong muốn giúp và ngược lại lòng mong muốn sửa lỗi.
Những cái chung nhất của người tu là cùng nhau mài dũa cái ngã, cái tôi to đùng sao cho ngày càng nhỏ bé đi. Cho nên tất cả các “tôi, ngã” đều đã có một khoảng trống đệm ở giữa. Và còn nữa là người tu thường tập cái nhìn quay lại, nhìn vào trong tâm của mình hơn là nhìn ra ngoài. Nhờ vậy mà thường tự nhận lỗi do mình hơn là tìm lỗi nơi người khác. Đó làm thành kết luận: tu chùa dễ.
Hai loại tu chợ và tu nhà, nếu đem lên cân đong đo thì tu chợ trung dung. Sẽ khó hơn tu chùa nhưng lại dễ so với tu nhà. Xin nhắc đây chỉ là ý kiến của người viết. Chín người mười ý thì ai cũng có cái lý lẽ riêng của mình. Chúng ta cùng lắng nghe những ý nghĩ của người.
Tu chợ là ta tu với những người ngoài đường. Ta tu với các đồng nghiệp trong sở làm, ta là người bán hàng tu khi nói năng với người mua, ta là ông thầy bà giáo tu khi dạy học trò trong lớp, ta giao tiếp với bạn bè, ta đối thoại với người chống đối ta, và ngược lại. Ôi thì không cảnh nào giống cảnh nào. Do vậy, ta luôn tỉnh táo trong từng giây phút khi tiếp xúc với người. Để rằng những hành động hay phản ứng trong lời nói đều được kiềm soát bởi cái thấy trong sáng. Đã là trong suốt thì cùng một hoàn cảnh, cùng một nhân vật mà còn tùy thời điểm mà cách giải quyết có thể khác để vẫn là hợp tình hợp lý.
Có những khi sự xung đột quá lớn giữa ta và người ta, có thể dùng chiến lược quay lưng lại, rút ván qua cầu “Anh nhà anh tôi nhà tôi, tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi!” Chẳng phải nhìn nhau nữa. Đoạn tuyệt thế là xong, giải quyết nhanh gọn lẹ và ít tốn hơi nhất. Tôi cho tu chợ ít khó hơn tu nhà là vì lý do này.
Tu nhà với tôi là khó nhất. Vẫn là vấn đề cốt lõi “chín người mười ý”. Bố có lý của bố, mẹ có lẽ của mẹ, con đằng con. Anh chị em ai cũng có quan điểm, hành sử của mỗi người, chẳng thể nào tránh khỏi sự trái ngược, chống trái nhau. Sẽ có những trận cãi vã to tiếng với nhau, đánh nhau nếu tình huống xấu… thế nhưng chúng ta không thể bỏ nhau được. Trong nhà hay là máu mủ với nhau thì không thể “cạn tàu ráo máng được”.
Vậy cho nên, tôi chọn giới thứ tư “Ái ngữ và lắng nghe” làm công cụ tu tập. “Con nguyện tìm cách đem lại an bình và hòa giải giữa mọi người.” Điều nguyện này ai ai mà chẳng có sẵn trong đầu. Mình thấy những vụ cãi vã xung khắc là muốn giảng hòa liền, nói điều phải trái để dẹp sự xung đột này đi. Lẽ dĩ nhiên khi giảng hòa thì “ái ngữ” phải được sử dụng. Ái ngữ cũng là dùng lời hài hòa và thân ái để nói chuyện với nhau. Khi có xung đột mà muốn bình an chỉ có khi giọng nói mềm mỏng, lời nói hòa hoãn. Không nói năng gì khi cơn giận đang có mặt. Nhìn vào cơn giận trong mình để hiểu gốc rễ nó từ đâu, cơn giận của người vì sao. Sự thật được nói ra cũng có thể giúp thay đổi tình huống hay vượt thoát khỏi khó khăn. Và luôn giữ tỉnh táo trong hiểu biết cùng lòng thương yêu mọi lúc mọi nơi.
Kỹ năng lắng nghe cùng với ái ngữ đã giúp tôi vượt thoát nhiều tình huống đắng cay! Ngày hôm đó, khi cả nhà đang quây quần trong bàn cơm. Tôi đã ngỡ ngàng vì những lời quá nóng nảy của thằng em. Ngỡ ngàng vì đang ở câu chuyện hoàn toàn không có tí gì cần phải dùng đến những chữ đó. Thằng em tôi đã bị một ngọn lửa điên khùng lôi cuốn nó ra khỏi ý thức ở những câu nói. Nó tuôn ra và vung vãi vào tôi những lời thật buồn. Sự ngỡ ngàng đã khiến tôi ngừng lại mọi hành động và lời định nói. Tôi ra vườn, nhìn vào cây cối, lá xanh hoa vàng. Thay chốt. Nhưng vẫn chưa nguôi sự hoảng hồn và sự bực tức trong tôi. Ngay đúng tầm tay, tôi hái một trái quýt chua, ăn vào để nuốt trôi cục giận. Tôi vẫn chưa có kỹ năng lắng nghe mà chỉ là kỹ năng bỏ chạy trốn.
Vị chua của trái quýt đã kéo tôi lại, không nói lời gì thêm, dừng sự tức giận để rồi tôi có thể trở vào ngồi ăn cơm tiếp. Bên phía thằng em thì nó đã tự nghe thấy tiếng nói của chính mình: gào to, lời không đẹp, lời không đúng nên cũng tự rút lui cơn khùng và bỏ ra về. Im lặng thiết lập lại. Sự im lặng cần kéo dài bao lâu, bao xa tôi để dành quyền đó cho thằng em. Tôi chỉ thấy nó đáng thương và đáng tội nghiệp vì trong tâm nó có quá nhiều phiền muộn. Phiền muộn mà không có cách lấy ra bằng “Ái ngữ và tình thương” thì chỉ đưa đến màn bi kịch như trên.
Ngay từ giây phút nhận diện ra được nỗi khổ của tôi gắn liền với nỗi khổ của thằng em, tôi đã hết khổ. Nhưng tôi vẫn phải chờ và chờ cho đến khi thằng em tôi tự lấy lại quân bình và nhận lỗi. Thế là hòa bình trở lại. Tôi hiểu “Ái ngữ - lắng nghe – tình thương” là những điều kiện ắt có và đủ để mang lại sự an bình cho mình và cho mọi người. Tôi còn hiểu thêm rằng, phước đức gia đình mình có được là truyền thống anh chị em thương yêu nhau. Nó có từ ông bà tổ tiên truyền lại trong huyết quản. Và cách sống chân thật cùng nói lời hòa ái mà chúng tôi đã có được. Đó là chìa khóa hóa giải hết những khó khăn trong cuộc đời.
Đấy, tu nhà tôi cho là khó hơn cả so với tu chùa và tu chợ. Khó mà không khó! Không khó khi mình có được phương pháp và phương pháp đó được thực tập nhuần nhuyễn để khi gặp bất cứ tình huống nào mình cũng vẫn thoát ra được. Cứ thuần thục với “Ái ngữ - lắng nghe – tình thương”đi nhé. Ái ngữ và Lắng nghe là giới thứ tư nằm trong Ngũ Giới mà người cư sĩ tu tại gia đã cùng nguyện giữ gìn, tựu chung vẫn phải xuất phát tự Tâm.
California, ngày 5 tháng 7, 2021
Doãn Tư Liên
No comments:
Post a Comment