Jul 20, 2021

THƯ QUÁN BẢN THẢO VÀ TRẦN HOÀI THƯ "LÌ" - Doãn Cẩm Liên


Hai vợ chồng chúng tôi vừa có một chuyến đi chơi chín ngày tại bờ Đông Hoa Kỳ, bang Virginia và New Jersey. Cũng có thể gọi đó là chuyến Trở Về Dĩ Vãng thi vị hóa chuyến đi thêm một tí. Đúng là toàn ôn chuyện xưa thôi. 

Anh xã làm quyển sách “Tuyển Tập Doãn Dân” cho nhà văn quân đội Trần Doãn Dân. Ông đã hy sinh tại chiến trường Mùa Hè Đỏ Lửa - Quảng Trị năm 1972. Rồi gặp gỡ nhà văn nhà thơ chiến trường Trần Hoài Thư tại New Jersey. Cần ghi chú thêm là cả hai vị văn thơ sĩ này đã vào làng văn từ thuở chiến trường còn sôi động giữa Quốc Gia và Cộng Sản trước 1975. Bên cạnh đó chúng tôi còn gặp một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, anh Lê Văn Trạch, người chỉ trở thành văn sĩ khi ông sang đến Hoa Kỳ, một đất nước tự do, dư ấm no và có dư thời giờ để ông bước vào làng nghề văn. Và Như Thương người bạn đằm thắm trong vai người tiếp lửa, tiếp nhiên liệu cho cuốn sách “Tuyển Tập Doãn Dân”.

Toàn ban chúng tôi được tiếp đón nồng hậu bởi gia đình bác gái Doãn Dân và năm nàng con gái của hai ông bà. Câu chuyện lẽ dĩ nhiên là xoay quanh người bố đã quá cố gần năm mươi năm, 1972 – Mùa Hè Đỏ Lửa. Nhà văn của “Chỗ của Huệ”, “Tiếng Gọi Thầm”, mà theo nhà phê bình văn học Nguyễn Vy Khanh: “Ở Doãn-Dân, văn-chương là cái gì còn lại, nơi lòng người, ở niềm tin tưởng vào một lý tưởng nhân sinh! Với một ngôn ngữ của sự sống trung thực và hết mình!” (1)

Nửa thời gian sau của chuyến đi, chúng tôi gặp gỡ anh Trần Hoài Thư tại New Jersey. Văn bất hư truyền về một Trần Hoài Thư người lưu trữ  nền văn học Miền Nam Việt Nam. Ông đã thu lượm một kho tàng sách, báo, tiểu thuyết, thơ văn, bất kể là văn chương Chiến Trường hay văn chương Đô Thị từ các thư viện lớn của Hoa Kỳ. Ông đặc biệt quí trọng và ưu ái nói về thư viện Cornell University Library tại New York. Nơi đây ông và vợ đã lui tới cả trăm lần trong một thời gian dài, bất kể Xuân Hạ Thu Đông, bất kể những ngày bão tuyết hay nắng cháy để lục và sao chép các văn bản, bản thảo, báo chí, tạp chí văn học nghệ thuật của Miền Nam Việt Nam cho tới 1975. Ông đã làm công việc bảo lưu và truyền bá nền văn học Miền Nam cho những thế hệ sau với một tinh thần vô vị lợi.

Trần Hoài Thư, cũng như “con người” của chàng trai Trần Quí Sách kể ra rất ư là đặc biệt. Cuộc đời gian nan khổ sở từ tấm bé, nghèo tiền bạc, thiếu tình thương của cha mẹ. Rồi đến khi đi lính, vào ngành thám báo, là một ngành vừa nguy hiểm, vừa tinh tế mọi mặt để sinh tồn và hiệu quả cho chiến trường nên tạo ra một ông Trần Hoài Thư rất “kỳ quái” và “hấp dẫn”. 

Kỳ quái trong chuyện lấy vợ, chị Yến người yêu mến nhất đời, cho đến chuyện đời lính trong binh nghiệp của ông, độc giả chỉ thấy chữ ba gai đan lẫn chữ uy hùng. Ông chỉ ngủ ngon khi nằm ngoài nghĩa địa, bên cạnh nấm mộ, dùng bia mộ che đạn kẻ thù khi chìm vào giấc ngủ say. Bằng ngược lại, trên giường êm nệm ấm thì người mất ngủ!

Hấp dẫn. Hẳn nhiên là Trần Hoài Thư phải hấp dẫn thì mới có một người con gái chịu lặn lội từ Cần Thơ lên kiếm gặp. Nàng gặp gỡ Trần Hoài Thư tại tòa soạn báo Bách Khoa qua sự kết nối của ông chủ nhiệm Lê Ngộ Châu. Chuyện tình có kết cục đẹp là chàng và nàng lấy nhau để có một tác phẩm bằng xương thịt “Thoại” và để có cách gọi tên êm đềm “Ba của Thoại”. Ấy vậy mà khi “Mẹ của Thoại” sau bốn lần bị nốc ao (knock out) bởi cái gọi là đột quỵ, chị đã gọi thẳng cái tên “Trần Hoài Thư”, rồi đuổi anh đi về với “Phương” đi! Trần Hoài Thư ôm đầu bứt tóc, làm gì có Phương nào trong cõi đời của anh? Về lục tìm trong Thư Quán Bản Thảo thì mới hay rằng có một nhân vật tên Phương thật, một cô gái điếm trên đường hành quân của người lính Bộ Binh. Thì ra nàng ghen! Ôi trời ơi, Yến ghen trong tâm tưởng, khi khối óc của nàng đã từ chối làm việc, thế nhưng vẫn còn một khu vực còn làm việc rất tốt đó là khu cất giữ tình yêu của nàng với “ba Thoại”.

Chỉ nội cái tên của anh “Hoài Thư” hay “Quí Sách” cũng đủ cho thấy anh quí sách vở, yêu văn thơ đến nhường nào. Anh ăn uống ngủ nghỉ cùng với sách. Sách bao vây anh từ nhà trên xuống đến tầng hầm. Các ram giấy đủ màu, bầy hàng hàng dẫy dẫy khép nép bên cầu thang lên xuống tầng trên và tầng giữa, chực chờ được mang ra ướp tẩm thơ văn. Trong phòng ngủ, bên cạnh chiếc giường con của anh là một lũ máy vi tính, máy in, máy photo copy. Cùng để phục vụ cho Thư Quán Bản Thảo là những máy đóng gáy, máy cắt xén giấy bầy la liệt dưới tầng hầm. Chúng thật hữu dụng để nuôi dưỡng Thư Quán Bản Thảo cho đến con số 94. Trần Hoài Thư rất hài lòng với lũ máy móc này. Không có chúng Thư Quán Bản Thảo làm sao sống được cho đến ngày nay.

Thư Quán Bản Thảo được cha Trần Hoài Thư đẻ ra. Cha sinh ra thì cha phải nuôi dưỡng con nó. Các bạn văn cười cười và đố Trần Hoài Thư nuôi được đứa con này sống dài lâu trong thời buổi kỹ thuật số, internet lan tràn. Thời mà con người ta chỉ thích nhắn tin ngắn, đối thoại ngắn, mấy ai thích đọc văn chương thơ thẩn dài dòng. Vậy mà, Trần Hoài Thư đã nuôi dưỡng đứa con tinh thần của mình được đến gần con số 100 và vẫn còn nuôi dài dài cho đến sức cạn thân mòn. 

Với chín mươi bốn (94) số trong mười chín năm dài, Thư Quán Bản Thảo đến tay độc giả khắp nơi gần xa đã nói lên cái đức tính “lì” của Trần Hoài Thư. Dùng chữ “lì” là có dụng ý bao gồm cả tính can đảm, cương quyết, và bền bỉ. Anh đã và đang làm những việc mà chỉ cái biệt danh khá dễ thương này “lì” dán lên là đúng thật đúng. Phải không anh Thư “lì”?

Trần Hoài Thư hít vào, thở ra cùng với thơ và văn. Suốt trong ba ngày được kề cận, hơi thở ra của anh là thơ. Thơ bay phơi phới cho chúng tôi hít vào:

Xe Tình – một chữ

Khi thời gian cướp của tôi gần hết
Mỗi ngày tôi vẫn đẩy xe tình
Mắt tôi lòa, ừ, thì tôi zoom in
100 chữ đánh sai, tôi chỉ cần một chữ
Một chữ mà tôi mang vào hơi thở…

Tôi đi đứng khó khăn, xiêu xiêu đổ đổ
Nhưng những ngón tay tôi còn nắm chặt tay em
Và khi em phát ra từ hai bờ môi câm
Một tiếng là tôi như hồi sinh trở lại…
Ba ngày khó quên
Cháu hỏi số 48
Chủ đề về Doãn Dân
Chú nói chú không còn
Nhưng sẽ in cho cháu
Thế rồi hai chú cháu
Cùng nhau xuống căn hầm
Cháu xếp giấy xếp trang
Chú dán bìa dán gáy…

Thở ra hít vào để chúng tôi và anh Trần Hoài Thư có ba ngày dường như dài vô tận, với tràn trề âm thanh vui, với dư thừa màu xanh tưng bừng. Chúng tôi nói cười ròn tan, đọc thơ nói thơ, kẻ tung người hứng. Ai hết đều vui vì có nhau. Không gian cũng như thời gian dường như ngừng lại. Không đâu, nó vẫn trôi băng băng đó chứ. Ba ngày rồi cũng phải hết, là chia tay. Bịn rịn làm sao tránh khỏi, nhưng Trần Hoài Thư đâu dễ dàng để mọi người lấy đi niềm hạnh phúc của mình. Như bài thơ 4 câu làm khi anh chờ khách đến và khi khách từ biệt: 

Mở cửa đón chờ khách 
Tay vẫy từ biệt người 
Ba ngày rồi cũng hết 
Chỉ còn lại tiếng cười

Chả trách chi Thư Quán Bản Thảo sống rất bền bỉ. Do vì cha đẻ của nó Trần Hoài Thư không để bất cứ một điều gì có thể hủy hoại được anh. Cha khỏe mạnh thì con dễ gì chết non!?

Đó, Trần Hoài Thư và Thư Quán Bản Thảo mà tôi thu tóm lại trong trang giấy này. Và ghi lại cũng giống như thương nhớ gửi về nơi nao…!

California, ngày 20 tháng 7, 2021

Doãn Cẩm Liên

(1) Nguyễn Vy Khanh: Nhà văn Doãn Dân, Thư Quán Bản Thảo số 46 tháng 4-2011

(1) Nguyễn Vy Khanh: Nhà văn Doãn Dân, Thư Quán Bản Thảo số 46 tháng 4-2011


No comments: