Bính Thân 1956 – 2016
Đáo tuế là năm kỷ niệm mình đếm được 60 lần mừng sinh nhật kể từ ngày ra đời. Năm 2016 là năm đáo tuế của người cầm tinh Bính Thân. Tôi mừng đáo tuế năm này. Sáu mươi năm trần thế đã trôi qua, vui buồn cũng nhiều, nhưng tôi thích kể chuyện vui, năm mà mình có thêm hai cháu ngoại, cháu trai Zayn và cháu gái Cỏ. Hai cháu Sóc và cháu Maya thì bà đã được bồng bế chúng từ năm, ba năm về trước.
Ngẫm nghĩ nhân mốc tuổi đáo tuế, thấy rằng tuổi này già thì chưa già lắm, vẫn còn tinh tường, sức khỏe vẫn còn tốt và nhận chân ra được chơi với cháu là niềm vui nhẹ nhàng nhất. Chơi với cháu là thuần chơi, chơi cho vui cả hai phía bà và cháu. Bà trở về với tuổi thơ của mình, còn cháu được hướng dẫn theo bà, cháu sẽ thấy trò chơi có nhiều phần vui hơn và thú vị hơn. Chơi bắt đuổi, cả hai bà cháu được tập thể dục vì chạy vòng vòng khắp nhà, cơ bắp chân phải làm việc; tim đập mạnh cho máu chảy vèo vèo; thở phì phò làm phổi bơm khí ra vào, thanh lọc máu huyết đỏ tươi. Cười ha hả cả bà lẫn cháu tống hết khí dơ ra khỏi phổi, cho tinh thần phấn chấn, và cả nhà chan chứa niềm vui tiếng cười.
Chơi trò “nhông nhông ngựa ông đã về” thật là một môn luyện tập cái lưng cho bà. Khi cõng cháu quàng tay ôm cổ bà. Bà, tay phải vắt về phía sau ôm và đỡ đít cháu, tay trái giữ hai tay bé xinh xinh ở trước cổ cho chặt. Yên tâm rồi nhé, bà cháu cóc cách khắp nhà và khúc khích cười vang. Bà tập thể thao lưng, đeo thêm mấy cân nặng cháu để thử sức mấy đốt sống. Khỏe re thì tốt. Bằng không bà dùng phương pháp lễ Phật để chữa cái đau lưng.
Cháu nhỏ hai, ba tuổi lại thích trò chơi máy bay. Bà ơi bà nằm đi, co chân lên, cháu xòa vào ôm đầu gối cho chặt rồi ngồi lên chân bà. Bà bay vèo qua vèo lại đi bà. Bà còn xúi cháu dang hai tay ra làm cánh máy bay. Nhào lộn lên xuống, bà đã thấy mỏi chân, máy bay đáp. Cháu lại nhún nhảy chân đẩy lên xin đi thêm vài vòng nữa. Rồi bà xin được nghỉ một chút nha.
Ai nói bà không biết chơi đá banh? Biết chớ. Bà chấp hai cháu Maya và Zayn đồng đội giữ sao cho banh của bà đừng vào khung thành. Sút. Ôi, bà đá nhẹ quá, Maya đã chụp được banh rồi. Đưa banh lại cho bà. Bây giờ đến phiên Zayn nha, coi chừng nè… sút. Zayn ôm được banh rồi, đá trả lại cho bà. Trái banh bị chóng mặt vì chạy qua chạy lại với bà và cháu. Ba bà cháu vui quá, trái banh cũng vui chung. Cả bốn cùng vui.
Vào năm 2016, bà Bính Thân có thêm hai cháu cùng là Bính Thân. Cháu trai Zayn con mẹ Na bố Shiraz, cháu gái Cỏ con mẹ Ti bố San. Cả hai đứa vì tuổi khỉ nên thích ăn trái cây giống bà. Trái cây nào cũng thích và ăn một cách hào hứng nhất là chuối. Zayn mỗi ngày ăn ít nhất một trái chuối to, đôi khi xong một trái mà vẫn còn đòi xin thêm. Cỏ biết chắc mình tuổi con khỉ giống bà và thường xuyên tuyên bố con giống bà.
Nói về con khỉ Zayn. Con khỉ này có dáng vóc còm nhom, tay chân dài lòng thòng từ lúc mới đẻ, mắt to và tròn xoe như hai đèn xe chiếu sáng. Cặp mắt to và đen láy lại chứa nhiều nước mắt lắm. Zayn lấy nước mắt làm khí giới khi bị bố mẹ la, khi dành đồ chơi với chị Maya, và khi biết mình có lỗi mà không muốn xin lỗi. Zayn đã từng bị bố mẹ và chị Maya dọa là cứ khóc vậy hoài thì sẽ không lớn được, cứ bị bốn tuổi hoài và thằng em Issac sẽ lớn lên vượt qua Zayn luôn. Thế là Zayn nín ngay!
Từ khi hai tuổi, giai đoạn trẻ nhận diện đồ vật xung quanh, Zayn vô cùng giỏi và gọi tên đúng: hình vuông, hình tròn, hình tam giác, hình chữ nhật, hình đa giác, khối tròn, khối vuông, khối hình tháp… Và bây giờ, Zayn đã chuyển niềm đam mê hình dạng và đếm số sang xe hơi, đặc biệt là monster truck. Bộ sưu tập của Zayn lên đến cả trăm chiếc monster trucks đủ loại to nhỏ, màu sắc, hình thù. Zayn đặc biệt có tính ngăn nắp và sắp xếp xe rất trật tự. Bao giờ xe cũng phải đậu cùng chiều, tất cả mũi xe về một hướng, không một xe nào được phép nằm trái chiều một hàng dài thẳng tắp. Cho đến một hôm ngủ dậy, Zayn có được một garage nhiều tầng. Garage này được bố thực hiện bằng giấy carton lấy từ các thùng hàng, chỉ trong một đêm để sáng dậy Zayn bị choáng ngợp vì quá đẹp. Zayn bèn sắp xếp tất cả các xe theo thứ tự nằm ngay ngắn chỗ của chúng. Chiếc nào nằm tầng trên cùng, chiếc bự là phải ở tầng thấp nhất. Bao giờ cũng vậy, khi chơi xe xong, không chờ mẹ nhắc Zayn đã nâng niu cất từng xe vào từng chỗ của chúng. Với nết ngoan như thế thì sao bà không thương nó được.
Cỏ, con khỉ thứ hai ẩn tuổi bà, cách nhau 60 năm. Khi chưa sinh, Cỏ đã có cái tên nhà này do ông ngoại đặt. Không phải tự nhiên mà nghĩ ra chữ Cỏ này đâu. Do từ bài thơ của ông Đỗ Quý Toàn: “Cỏ mọc khe đá. Đá nằm gốc cây. Cây mọc giữa trời. Trời cao ngất mây. Mây bay khắp trời. Phiêu diêu với gió. Gió thổi xuống đời. Đong đưa ngọn cỏ.” Ông bà đồng ý với ý khí của bài thơ Cỏ của ông Toàn nên Cỏ có tên này. Cỏ tuy nhỏ bé, thấp tè, nhưng vẫn nó vẫn uy vũ đến tận trời cao, mây trắng, để cuối cùng Cỏ vẫn khiêm nhường trở về vị thế của mình là ngọn Cỏ với tinh túy của cả vũ trụ.
Rồi đến khi Cỏ chán nằm trong bụng mẹ, đòi ra sớm, lúc mình còn non xèo. Mẹ phải vội vã vào nhà thương để bác sĩ kịp thời mang Cỏ ra kẻo không nguy to. Thế là Cỏ ra ngoài nằm trong lồng kính, với sự trợ giúp đắc lực, cẩn trọng và tuyệt vời của kỹ thuật y khoa và đội ngũ bác sĩ và y tá. Cỏ nằm một mình, chống chọi với mọi nguy hiểm để sinh tồn. Bà ngoại sót Cỏ vì nó không có bố mẹ và anh ôm ấp suốt hơn một tháng trời. Hằng ngày Cỏ chỉ trông chờ đến giờ mẹ vào thăm, một giờ đồng hồ mẹ ôm ấp mình trong tay, và rồi lại về nhà. Và rồi nỗi mong chờ cũng đến ngày Cỏ được xuất viện. Cỏ về đoàn tụ với bố mẹ và anh, khi đạt được số cân tối thiểu và những kỹ năng tối thiểu của đứa trẻ sinh bình thường.
Cỏ về nhà với tình thương của cả nhà nên lớn mau, ăn giỏi, ngủ giỏi. Trí não đã bắt kịp với các bạn đồng tuổi tuy thể chất thì còn thua đôi chút. Tư chất Cỏ là nhận xét nhanh, suy nghĩ và giải quyết nhanh bằng hành động hay bằng lời nói. Người thường xuyên bị Cỏ phán xét và “xử” là anh Sóc. Anh Sóc mà lè nhè với bố, vòi vĩnh này nọ mà Cỏ thấy đó là sai thì xử liền. Nhiều lần anh Sóc thua và phải khóc cầu cứu bố mẹ. Còn ở trường thì sao? Cỏ hiếu động và thích xách động. Một hôm đi học về khoe với mẹ và bà là “Con và bạn Elsa phá tanh bành trường luôn!” Ấy vậy mà cô giáo phê trong sổ liên lạc thì ngược lại “Cỏ vẫn còn nhút nhát khi phát biểu!” Thế thì là thế nào hả cục cưng Cỏ?
Với tính tinh anh như thế thì dĩ nhiên Cỏ có nhiều nhận xét mọi người chung quanh, yêu thương người và chăm lo cho người khác. Bà Cố nằm bẹp dưới nhà là người Cỏ thường xuống thăm. Cỏ đút cho bà ăn, bảo bà ăn cho khỏe, và giúp vui văn nghệ bằng một bài hát. Cỏ là niềm tự hào của bà, có một chút đanh đá, nhưng thông minh và chan hòa tình thương người.
Kể về đứa cháu gái đầu tiên của bà là Maya. Chị hai của Zayn. Ngày hôm đó Maya được một tuổi, đúng ngày sinh nhật mình, bố mẹ đã thông báo là Maya có em. Em bé còn nằm trong bụng mẹ. Thế nhưng Maya đã thương em ngay từ giây phút đó. Maya cố gắng ngoan để mẹ không phải mệt vì mình. Ăn cháo, bú sữa và ngủ Maya cũng cố gắng làm tròn bổn phận. Khi Zayn ra đời, Maya thương em, bênh vực em một trăm lẻ một phần trăm. Vì đối với Maya, Zayn không bao giờ sai hoặc hư. Khi Zayn chướng khí, bố hoặc mẹ ra tay trừng trị thì thường bị Maya cảnh cáo ngược lại là “Không được làm như thế với Zayn!” “Mẹ, mẹ nói như thế là không tốt với Zayn!” “Mẹ xin lỗi Zayn đi!” Maya và Zayn luôn có nhau trong tất cả mọi sinh hoạt trong ngày. Khi Maya vỗ về em “Không có gì đâu em, không sao đâu em!” ngày đầu tiên Zayn đến trường cùng với chị, đã làm cô giáo bồi hồi vì tình thương của chị dành cho em mình.
Lúc nào hai chị em cũng có nhau. Khi bố mẹ đi làm hay lúc bố mẹ đi làm về cũng vẫn là hai chị em có nhau. Nếu có thêm bố hoặc mẹ nữa thì càng hay, ba hay bốn chúng ta càng thêm vui. Thường ngày tan sở làm về, mẹ đón hai chị em từ trường là lúc ba mẹ con luôn có nhau, vui với nhau, và ăn cùng nhau. Giờ ăn thì tay phải của mẹ đút Zayn, tay trái mẹ xúc cho Maya, và mẹ cũng không quên một đĩa cơm của riêng mình. Rồi chuẩn bị lên giường ngủ được sạch sẽ thơm tho, mẹ làm một bồn tắm nước ấm, hai chị em bì bõm trong đó. Maya xoa xà bông đầu và kỳ cọ cho em phụ mẹ. Maya nghĩ mẹ mình thật là thông minh khi “tam cùng hay tứ cùng” như thế này: ăn cùng, cùng nhau tắm, cùng chơi, rồi cùng ngủ. Chỉ có như vậy mẹ mới còn lại chút thời gian cho chính mình sau khi hai chị em ngủ.
Lại thêm nữa, không biết kiếp trước Maya có là sư cô không nhỉ, sao mà từ khi tập ăn cho đến năm tuổi rồi, Maya chỉ thích ăn rau và trái cây thôi. Maya lớn lên bằng sữa, yaourt, cheese, cơm trắng với xì dầu, cơm chiên trộn trứng. Không thịt hoàn toàn không thịt! Mẹ dỗ Maya ăn tí xíu thịt gà hay thịt bò. Miếng thịt được kín đáo nằm trong muỗng có phủ cơm bên trên, nhưng chỉ thử một chút thôi rồi Maya trả phần còn lại về mẹ. Mẹ tưởng là thua trận chiến này rồi, nhưng may sao từ ngày đi học Maya có thay đổi chút ít. Chỉ ở trường thôi mẹ nhé. Thoạt đầu Maya chỉ ăn miếng gà chiên cùng với bạn. Về nhà, không phải là nơi để Maya ăn thịt. Đến ngày hôm nay, Maya tiến bộ vượt bực là đã biết và “hơi” thích ăn thịt gà và bò. Maya có thể ăn chay đua cùng bà Khánh và bà Út đó.
Sóc là đứa cháu đầu tiên cho bà lên chức bà. Hay nói cách khác là phải có Sóc thì bà mới là bà. Bà đã sắp xếp về Việt Nam ở hẳn ba tháng để đón đứa cháu ngoại đầu tiên. Ngày hôm đó, tháng Tám năm 2011, bố mẹ Sóc gọi điện thoại đánh thức bà dậy để đưa mẹ đi sanh. Bà chạy xe vèo vào nhà thương, bố và mẹ đã ở đó. Cả ba cùng chờ Sóc chui ra khỏi bụng mẹ, cái gọi là chào đời. Vậy mà Sóc cũng làm khó mẹ và bố một chút là không chịu ra bình thường. Bác sĩ thì không thích tính lì này của Sóc cho lắm. Và đến lúc không còn đùa được nữa thì bác sĩ đã phải đưa mẹ vào phòng mổ để bắt Sóc ra. Thế là òa khóc, tiếng khóc của Sóc vang lên từ trong phòng mổ ra ngoài để bà ngoại nghe thấy nó khóc khỏe thật. Đến khi mẹ và Sóc được ra phòng ngoài, bà ngoại là người bế Sóc đặt vào ti mẹ cho Sóc bú giọt sữa non đầu tiên.
Sóc hưởng trọn tính hay ói từ mẹ. Ngay từ những ngày đầu tiên, bú xong Sóc được bà bế dựng lên cho ợ hơi đàng hoàng rồi đặt nằm xuống, thế mà vẫn trớ sữa. Trớ sữa hay ọc sữa là nghề của Sóc. Bà ngoại đã dùng phương pháp nằm sấp để phòng cho Sóc không bị sữa chạy ngược vào lỗ mũi khi ọc. Đã nói là Sóc giống mẹ mà, bú sữa vào thế nào cũng thồi ra một ít, ăn gì mà không thích thì mình cũng cho ra… cho vui cửa vui nhà. Hì. Nhưng ngẫm lại Sóc thua mẹ, Sóc chỉ ói cho đến ba tuổi thôi, còn mẹ thì năm tuổi mới hoàn toàn hết. Bà ngoại Sóc kể lại như thế đó.
Sóc nghĩ mình là con đầu và cháu sớm trong đại gia đình nên mình phải làm khó một chút. Năm đó Sóc chỉ mới hơn một tuổi mà làm bố mẹ lên ruột, ông bà nội ngoại cũng sót ruột khi Sóc phải nằm nhà thương cả tuần lễ. Cánh tay nhỏ xíu ốm nhom của Sóc có cây kim cắm sẵn để truyền thuốc, được quấn miếng gạc trắng để tránh Sóc muốn bóc nó ra. Bà ở xa được xem hình này mà sót ruột quá. Qua đốt tuổi lắm bệnh nhiều tật, Sóc nay tròn lẳn, đùi cẳng dài thoòng và chắc. Sóc cao vổng lên. Công lớn này, người mà Sóc phải đền đáp là bà nội. Bà chăm Sóc từng miếng ăn nước uống, cho đến bây giờ tám tuổi rồi nhưng vẫn là bà nội sát cạnh lo cho Sóc tất cả. Nếu nói về điểm mạnh của mình, Sóc kiểm thấy mình có kỹ năng vẽ. Không biết vẽ như vậy có được gọi là cháu ông ngoại kiến trúc sư không nhỉ? Sóc vẽ đủ loại máy bay, từng chi tiết của chiếc máy bay 747 chở hành khách. Sóc tỉ mỉ vẽ từ đầu máy bay, khoang phi công lái, khoang bụng có dãy dài cửa kính từng chỗ ngồi của hành khách, hai cánh máy bay, đuôi và bánh xe. Bà ngoại xem xong mong rằng nó thừa hưởng tinh hoa của ông ngoại.
Hai anh em Sóc Cỏ, hai chị em Maya Zayn, bốn cháu thân thương của ông bà. Tuy là vẫn còn xa tầm tay, bà vẫn luôn nhớ chúng. Với thời đại điện tử tình thương của ông bà và cháu cũng tạm ổn qua màn hình máy vi tính, nên chăng nỗi nhớ nhau cũng tạm giải quyết. Những điểm tốt lành có trong ông bà, trong bố mẹ nay đã có truyền thừa. Sự di truyền đi từ ông bà, bố mẹ, rồi đến cháu không sai trệch đi đâu. Tính nhân bản, tính lành thiện, tính thông minh, tính nhanh nhạy các cháu đã thể hiện nơi từng đứa một. Không mất đi đâu cả. Chỉ mong rằng những điểm yếu kém của ông bà thì đã được chỉnh sửa từ thế hệ con, nay sang thế hệ cháu những sai lạc này biến mất. Mong thay mong thay!
Phần cuối này, bà dành cho chút tâm tình của người bà. Vui chơi với cháu là một cảm giác và một tình cảm hoàn toàn khác với chơi với con. Nhớ khi có đứa con đầu đời năm 1982, tôi tràn ngập niềm vui có con, có một tác phẩm mà hai vợ chồng đã tạo ra được. Nhưng đồng thời cũng tràn đầy nỗi lo. Lo con có ọc sữa sau mỗi lần bú, lo sữa ọc có chảy ngược vào phổi của con vào ban đêm, lo sao con gầy ốm quá, sao con không chịu ăn, không chịu bú, lo sao có đủ tiền để tiêu cho con, lo bâng quơ những nỗi lo mà người không phải là mẹ không hề có. Thật là nỗi LO to đùng. Nhưng ở vai bà, vẫn là những động tác xưa kia nhưng nay ôm cháu, cho cháu bú, cho cháu ăn, cho cháu ngủ, chơi với cháu thật là khác hẳn với khi ôm con. Lạ lùng lắm, nỗi lo hai thời điểm hoàn toàn khác nhau. Trước kia thì thắt tim, mất ngủ, căng thẳng đến nỗi tiêu hao năng lượng. Mà ngày nay khi ôm cháu nỗi lo có đó nhưng vẫn đủ bình tĩnh, dư sáng suốt và tỉnh táo để đối phó. Và nhất là không một chút vương vấn gì về dạy dỗ, cơm áo gạo tiền nữa, vì cháu đã có bố mẹ cháu lo. Bà chỉ chơi với cháu với tinh thần thoải mái nhất trong cuộc đời mình. Tuổi già của bà thật vui khi có cháu bên cạnh.
California, 1/18/2021
Bà ngoại Liên
No comments:
Post a Comment