Vài hôm trước ghi cảm nghĩ của mình là nhiều năm sưu tầm tem mà chưa bao giờ thấy Bưu điện Việt Nam phát hành một bộ tem chủ đề về mùa Giáng sinh, thì có nhận phản ứng từ người quen là Việt Nam một xứ Phật giáo thì không bao giờ in tem Giáng sinh cả. Lý lẽ này không phải sai hoàn toàn, nhất là sau 1975 thì càng khó nữa. Tuy nhiên cũng nên nhìn nhận một điều là tại Đông Nam Á, Phi Luật Tân là quốc gia gần 100% theo đạo Thiên Chúa giáo, Việt nam là quốc gia thứ nhì có dân số theo đạo Thiên chúa, thêm nữa vị Tổng thống của đệ nhất cộng hòa là ông Ngô Đình Diệm là người đạo gốc. Dĩ nhiên ai cũng hiểu vì vấn đề lãnh đạo, ông không thể để rơi vào tình trạng kỳ thị tôn giáo, tuy là vậy Bưu điện Việt Nam Cộng Hòa cũng chỉ một lần phát hành bộ tem Phật giáo vào năm 1965 và kể từ đó những người sưu tầm tem thư không tìm thêm một chủ đề về tôn giáo ở Việt nam . Xem ra đáng tiếc vì Singapore vẫn in ra những con tem Giáng sinh, nếu một quốc gia như Việt nam có một số đông có tín ngưỡng Thiên chúa giáo thì cũng không nên bỏ qua đề tài này.
Sưu tầm tem là xem các sự kiện xảy ra trên thế giới qua các tấm hình bé tí teo. Bởi vậy chủ đề sẽ đa dạng, không hạn chế ở một hình ảnh nào, nên đừng nghĩ tem mùa Giáng sinh chỉ có hình Chúa Jesus, Đức mẹ Maria, 3 ông tiên tri đi tìm Thiên chúa hang Bê lê và vv… vì vậy các bưu điện quốc gia tây phương, Hoa Kỳ, Úc, Canada … Hàng năm họ có sản xuất các bộ tem có đề tài vô cùng lý thú. Tại Anh quốc, ông tổ tem thư, họ thiết kế hình ảnh các con tem vô cũng dễ thương như năm nay họ chọn hình ảnh các thùng thư màu đỏ, đặc trưng riêng biệt nước Anh cho thấy mùa Giáng sinh đến người người đi ra bưu điện gởi quà và thiệp chúc Giáng sinh, mặc dù những năm gần đây việc bỏ thư ngày càng giảm vì giờ chúc nhau qua Email, Tin nhắn, kể cả trên các trang mạng xã hội như Facebook hay Twitter. Còn những năm trước họ đưa giải thưởng cho các em thiếu nhi trong nước vẽ hình đẹp nhất về Giáng sinh, vì chủ đề tự do nên các em từ mọi tôn giáo đều được tham gia. Hình như trúng thưởng một em người Ấn độ vẽ hình ông già Noel, người tuyết và con nai của ông già Noel, xem ra đề tài không liên quan tới Chúa cho lắm.
Năm nay hai hòn đảo tự trị của Anh là Guernsey và Alderney ở phía tây nam nước Anh đã phát hành hai bộ tem như sau:
A Christmas Carol - Bài Ca Mừng Giáng Sinh của đảo Alderney (vì có bài viết về đề tài này nên không viết thêm )
Còn đảo Guernsey chọn chủ đề là The Nutcracker and the Mouse King. Đây là một câu chuyện của nhà văn Đức sang tác là ông Ernst Theodor Amadeus Hoffmann, ông sanh 24 tháng 1 năm 1776 và mất 25 tháng 6 năm 1822, bút danh của ông là E.T.A. Hoffmann (Ernst Theodor Amadeus Hoffmann), ông cũng là nhà luật học, nhà soạn nhạc, nhà phê bình âm nhạc và họa sĩ.
Câu chuyện là cô gái Marie Stahlbaum cùng các nhân vật Kẹp hạt dẻ (Nutcracker) chiến đấu với một con chuột ác quỉ chúa. Câu chuyện được chuyển qua vũ kịch ba lê , tiếng Việt mình có gọi là Kẹp Hạt Dẻ hoặc Kẹp Hạt Phỉ.
Khi chuyển qua là vở ba lê gồm hai phần, ban đầu được dàn dựng bởi Marius Petipa và Lev Ivanov, người chuyển thành truyện cho vũ kịch là đại văn hào Alexandre Dumas với sự cộng tác về âm nhạc của Pyotr Ilyich Tchaikovsky (bản nhạc số 71). Vở kịch được đưa ra công chiếu tại Nhà hát Mariinsky ở St Petersburg vào Chủ Nhật 18/12/1892, với bản Opera "Iolanta" của Tchaikovsky.
Cảnh múa ba lê trong hai mươi phút nhờ Tchaikovsky đã thành công, mặc dù toàn bộ vở kịch không được người xem ca ngợi. Tuy nhiên, cuối những năm 1960, vở Kẹp Hạt Dẻ hoàn chỉnh đã gây tiếng vang lớn, và hiện giờ nó được công diễn bởi vô số công ty ba lê, chủ yếu vào dịp Giáng Sinh, nhất là ở Mỹ: Những công ty ba lê chính của Mỹ thu 40% lợi nhuận hàng năm từ những vở kịch Kẹp Hạt Dẻ.
Sự góp phần của nhà soạn nhạc Tchaikovsky đã biến nó thành một trong những tác phẩm thành công nhất của ông, đặc biệt vì các điểm đặc trưng trong vở kịch. Trong đó có việc sử dụng "celesta", một nhạc cụ mà các nhà soạn nhạc đã sử dụng trong bản giao hưởng ít nổi tiếng hơn của ông: "The Voyevoda."
Vào cuối tháng 10 năm nay công ty điện ảnh Disney tại Hoa Kỳ cho ra một cuốn phim có tên là The Nutcracker and the Four Realms - Kẹp hạt dẻ và bốn vương quốc, dựa theo The Nutcracker and the Mouse King. Họ hy vọng đây sẽ là một loại Bomb tấn trong năm 2018, nào ngờ cho đến giờ bị tịt ngòi, ngân sách của phim là khoảng 120 triệu – 133 triệu US dollar, cho đến nay thu vé bán chỉ là 100 triệu dollars.
Bộ tem thiết kế theo câu chuyện E.T.A. Hoffmann, hình ảnh truyện được diễn tả 7 con tem, vì câu truyện bắt đầu vào đêm Giáng sinh nên trở thành một chủ đề lý thú cho việc sưu tầm tem.
Anh Quân
No comments:
Post a Comment