Dec 27, 2017
CẢM NHẬN TRÊN CON ĐƯỜNG SÁCH SÀI GÒN NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM 2017
Cảm nhận trên con đường sách Sài Gòn những ngày cuối năm 2017
Một người Phật tử từ Mỹ về Sài Gòn những ngày cuối năm 2017, tình cờ ghé qua con đường sách Nguyễn Văn Bình, ở bên hông Bưu Điện Sài Gòn. Tại đây, anh nhận ra một hiện tượng đáng chú ý: tại hai cửa hàng sách có trưng bày tủ sách Tôn Giáo, tuyệt đại đa số sách về chủ đề này là các tác phẩm của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Khi được hỏi mua thêm một cuốn lịch thư pháp của Thiền Sư Nhất Hạnh, người bán cho biết cửa hàng đã bán hết, và chưa in thêm kịp.
Phật tử trong nước có thể không để ý đến chi tiết này. Nhưng anh Phật tử ở Mỹ về thì khác. Đặc biệt khi anh là một người có quan tâm đến tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Không đáng chú ý sao được, khi mà chỉ mới cách đây 8 năm, “vụ án Bát Nhã” đã nhổ sạch tận gốc một trung tâm tu học theo pháp môn Làng Mai của chính Thiền Sư Nhất Hạnh ra khỏi chùa Bát Nhã ở Bảo Lộc- Lâm Đồng. Gần 400 tăng ni được đào tạo bởi Thiền Sư Nhất Hạnh, những hạt nhân để truyền bá tư tưởng của Thiền Sư trên quê hương Việt Nam đã bị đuổi khỏi tổ quốc, phải đến tá túc tại các chùa chiền, trung tâm tu học Phật Giáo khắp nơi trên thế giới. Chính quyền CSVN chưa bao giờ nhận trách nhiệm về sự kiện Bát Nhã. Họ luôn đổ lỗi cho “mâu thuẫn nội bộ” trong Phật Giáo Việt Nam là nguyên nhân của sự kiện. Nhưng ai cũng biết rõ dã tâm của họ, và chiến thuật dùng công an đội lột thầy tu để phá hoại đạo pháp.
Điều trớ trêu là chỉ vài năm sau đó, Tu Viện Làng Mai Thái Lan được chính thức thành lập, mở vòng tay chào đón các tăng ni bị đuổi khỏi Việt Nam. Nơi đây trở thành trung tâm truyền bá pháp môn Làng Mai ở Châu Á. Quốc gia láng giềng của VIệt Nam đã chào đón tăng đoàn và pháp môn Làng Mai. Trong khi ngay trên quê hương Việt Nam thì không thể làm được điều này, cho dù đó là một trong những hoài bão lớn nhất của Thiền Sư Nhất Hạnh trong bao năm tháng sống và hành đạo ở nước ngoài.
Cũng cần nhắc thêm rằng, trong những ngày cuối tháng 8/2017, Thiền Sư Nhất Hạnh đã trở về lại Việt Nam trên chiếc xe lăn, lần đầu tiên kể từ sau vụ Bát Nhã. Báo chí trong nước đồng loạt đưa tin, và thông báo rằng Thiền Sư sẽ ở lại Việt Nam 3 tháng. Nhưng Thiền Sư đã rời Việt Nam để trở về Làng Mai Thái Lan vào đầu tháng 9, chỉ lưu lại vài ngày ở Tổ Đình Từ Hiếu. Không có lời giải thích chính thức từ Làng Mai về việc rời Việt Nam sớm hơn dự tính của Thiền Sư. Nhưng những người có tâm huyết với đạo pháp dân tộc đều cảm thông với quyết định này.
Khi không chấp nhận pháp môn, tăng đoàn, thì chính quyền CSVN cho phổ biến sách của Thiền Sư Nhất Hạnh một cách rộng rãi, ưu đãi để làm gì?
Nếu nói về uy tín, ảnh hưởng của Phật Giáo hiện nay trên thế giới , thì ngoài Thiền Sư Nhất Hạnh, phải được nhắc đến ngay là Đức Đại Lai Lạt Ma của Phật Giáo Tây Tạng. Tại sao không có một cuốn sách nào nói về Đức Đạt Lai Lạt Ma trên tủ sách tôn giáo ở Việt Nam?
Và nói đến tủ sách tôn giáo, thì tại sao những cuốn sách có liên quan đến Ki Tô Giáo lại không được phổ biến rộng rãi trong xã hội?
Không quá khó để tìm ra câu trả lời. CSVN từ trước đến nay chưa bao giờ thực tâm muốn có tự do tôn giáo tại Việt Nam. Họ chỉ muốn kiểm soát tôn giáo, sử dụng tôn giáo như là một hình thức để ru ngủ người dân. Những tôn giáo nào, những lãnh đạo tôn giáo nào có khả năng ảnh hưởng đến người dân, gây an nguy đến sự tồn vong của chế độ, của đảng cộng sản cầm quyền, họ sẽ triệt tiêu bằng mọi giá.
Cách đây hơn 10 năm, trước áp lực quốc tế đòi hỏi các điều kiện để Việt Nam hội nhập kinh tế vào thế giới, CSVN Việt Nam đã chấp nhận để Thiền Sư Nhất Hạnh về Việt Nam. Nhưng khi thanh thế của ông đã trở nên mạnh mẽ, sự ảnh hưởng của ông đến quần chúng ngày càng sâu rộng, CSVN bắt đầu lo ngại. Vì vậy, khi Thiền Sư có những phát biểu thẳng thắn liên quan đến thể chế chính trị, đến sự an nguy của vận nước trước hiểm họa Bắc triều, chính quyền CSVN lập tức triệt hạ qua vụ Bát Nhã. Sự tồn tại của chế độ quan trọng hơn là đạo pháp dân tộc. Những vị cao tăng như Thích Nhất Hạnh, Đức Đạt Lai Lạt Ma đều là những nhà lãnh đạo nguy hiểm cho chế độ cộng sản, sẽ không có chỗ đứng trong xã hội Việt Nam.
Nhưng khi đã xóa sổ tăng đoàn Làng Mai, chính quyền CSVN lại phải đối đầu với một mối đe dọa tôn giáo còn lớn hơn: Công Giáo Việt Nam. Những cuộc biểu tình chống Formosa của giáo dân Nghệ An, Hà Tĩnh với số đông lên đến hàng chục ngàn người, với sự đoàn kết, tính tổ chức cao là đỉnh điểm của an nguy chế độ. Công Giáo có tính hệ thống, tổ chức rất cao. Không dễ gì cài công an, an ninh vào hàng ngũ tăng đoàn để kiểm soát như Phật Giáo. Để phá hoại sức mạnh Công Giáo, chính quyền CSVN phải sử dụng nhiều “mưu hèn, kế bẩn” hơn. Trong số đó, gần đây nhất là việc sử dụng các nhóm cờ đỏ ở Nghệ An để khủng bố giáo dân. Và một thủ đoạn khác để khống chế ảnh hưởng của Công Giáo chính là “giả vờ” phát triển Phật Giáo trên mặt hình thức. Xây cho thật nhiều chùa. In cho thật nhiều sách của Thiền Sư Nhất Hạnh. Bằng cách này, chính quyền CSVN vừa có thể rêu rao về “tự do tôn giáo”, vừa có thể chia rẽ được khối đại đoàn kết tôn giáo tại Việt Nam. Đến chừng nào không có một tôn giáo nào, hay một vị lãnh đạo tôn giáo nào có thể nổi bật trong xã hội, để lôi kéo người dân ra khỏi tầm kiểm soát của chính quyền, đến ngày đó chế độ CSVN còn tồn tại.
Những ngày cuối năm 2017, nhìn sách vở của Thiền Sư Nhất Hạnh được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, dân Việt mình nên lo lắng hơn là mừng cho quyền tự do tôn giáo. Chính quyền CSVN đang theo gót đàn anh Trung Cộng, kiểm soát và lũng đoạn tôn giáo một cách tinh vi hơn bao giờ hết.
Dân Việt
(Các bài viết trong mục Blog thể hiện quan điểm riêng của tác giả)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment