Dê con... đi lạc!
Học kỳ 1 năm thứ nhất trường Sân khấu của chúng tôi bắt đầu trễ vì thầy chủ nhiệm Thành Trí lúc bấy giờ đang "hot" vì vừa "chạy sô" dàn dựng cho các đoàn kịch lớn, vừa là giám đốc đoàn Cửu Long Giang - đoàn kịch miền Nam hoàn toàn do nhà nước quản lý nên không xếp giờ lên lớp cho chúng tôi như thời khóa biểu quy định.
Không ngại những giờ bất định, bất cứ lúc nào thầy rảnh, tụi tôi dù giữa trưa hay tối mịt vẫn có mặt đầy đủ học và trả bài cho thầy...
Mấy đứa lớp diễn viên trẻ măng "xem-xem" nhau, "già nhất" cũng dưới 20. Lớp đạo diễn thì khác, chỉ có tôi và một cô nữa từ phổ thông thi lên là 18, phần còn lại trên dưới ba mươi, đa phần họ là lãnh đạo các đoàn văn công tỉnh, có người đang học đại học, hai người giáo viên,... họ muốn có tấm bằng "đạo diễn" để tốt sau này.
Hai năm đầu, lớp đạo diễn và diễn viên học chung với nhau vài môn, trong đó có giờ Kỹ thuật biểu diễn, nhờ đó chúng tôi thân nhau, điều này sẽ tốt cho những bài học phức tạp sau này.
Trước đây, ai cũng nghĩ vào KỊCH là bước vào một thế giới đầy mê hoặc của những cảm xúc và những trò phóng túng và ngoạn mục, nhưng lầm to, giáo trình chính thống theo hệ phái C. Stanilavsky lại khô khan và phức tạp vô cùng! *(càng học về sau, càng thấm nhiều thứ, lúc đó mới thấy nó "kỳ diệu"!)
Các đơn nguyên đầu tiên của kịch nghe tên gọi thì hết sức đơn giản như "Tập trung chú ý", "Giao lưu phán đoán", "Lòng tin và Chân thực cảm"... nhưng khi phân tích và "mổ xẻ" thì nó lại rắc rối và khó khăn, do đó chỉ 3 bài trên tụi tôi phải "ngốn" suốt học kỳ 1 nghĩa là nguyên nửa năm ròng!
Bài trả cho thầy, ngay cả bài chuẩn bị thi học kỳ của mọi người? nhìn chung đơn điệu và tẻ nhạt, đa phần là những chuyện hết sức vụn vặt trong đời sống thường nhật như hái trộm trái cây nhà hàng xóm, ăn xoài xanh, rình kẻ gian, giả ăn mày... xa hơn chút xíu thì làm mèo bắt chuột, chó rượt gà, vịt đẻ trứng...
Muốn bài thi mình đặc sắc và nổi bật, tôi chọn câu chuyện "Dê con biết đếm tới 10".
Truyện kể rằng Dê con là "người" duy nhất biết đếm trong rừng, nhưng khi nó dạy cho các con thú khác học thì bị hiệu quả ngược, thay vì được cám ơn, nó lại bị muôn thú tấn công bởi cái tội làm tổn thương sự "dốt nát" của người khác!
Sợ quá, Dê con chạy về phía sông và nhảy lên một chiếc thuyền mong thoát thân, nhưng thuyền này quá bé, chỉ chở được 10 người thôi trong khi đàn thú hung hãn cứ bất chấp mọi thứ nhảy ào xuống đó.
Để cứu cả thuyền, Dê con đếm theo thứ tự, nhờ đó tạo sự cân bằng, thuyền hết chòng chành. Đến bây giờ muôn thú mới hiểu ra lợi ích của chuyện "học đếm" - nghĩa đen và "hiểu biết" - nghĩa bóng!!!
Chưa có bài thi nào gom được nhiều người hào hứng tham gia như tiết mục này. Ngoài 10 nhân vật "thú" theo truyện, còn có 3 nhân vật "cảnh" sẽ kể tiếp sau:
-Dê con (vai chính - tất nhiên là tôi)
-Bò con: Quang Kiệt
-Bò mẹ: Hồng Ngọc
-2 chó con: Hầu Tước & Công Hậu
-Thỏ: Uyên Chi
- 2 vịt: Bích Ngọc & Thanh Loan
-Thủy thủ mèo: Phương Quỳnh
-Thuyền trưởng gà: Thanh Hoài
và:
"Dòng suối" Mỹ Hạnh với áo là tấm voile dài căng hết sân khấu và 2 cây "cổ thụ" là Quốc Tuấn và Kim Hoàng mà bây giờ đổi "nghệ danh" thành Thanh Hoàng rất nổi tiếng với kịch bản "Dạ cổ hoài lang" (chọn 2 người này vì họ cao nhất lớp, riêng Hoàng ốm tong và khô khan- rất hợp vai)
Nhờ theo múa rối từ nhỏ, tôi "lận" trong mình nhiều "tài vặt" đó là khả năng làm đạo cụ, tạo hình nhân vật thậm chí biết kết hợp âm nhạc và nhảy múa!
Với một trình tự hết sức "bài bản" như đầu tiên phải viết lời thoại, sau đó là vẽ "maquette" nhân vật và cảnh trí để qua đó thấy được "viễn cảnh" của vở diễn, điều này còn kích thích được sự tham gia của các diễn viên.
Theo truyện gốc, Dê con soi và thấy bóng mình dưới dòng suối, nó bắt đầu đếm: "MỘT"
Tình huống này được giải quyết như sau:
Dê con sẽ chào hỏi với rừng cây, con suối như những người bạn thân, sau đó nó sẽ soi bóng dưới tấm voile dài. Tấm áo của suối sẽ từ từ nhấc cao lên, qua khỏi dê, khiến hình ảnh của nó bị mờ đi. Nó tiếp tục làm dáng để khán giả hiểu rằng đang soi mình dưới nước. Khi ngón tay Dê khẻ chạm vào voile và miệng đếm "MỘT" thì lập tức màn nước rung nhẹ và rơi xuống nằm lại dước sàn như lúc ban đầu, y hệt hình bóng tan đi khi ta chạm vào mặt nước.
Mấy nhân vật cây cối suối nguồn không hề đứng trơ mà đầy "đất diễn": chúng di chuyển theo từng phân đoạn, vừa thay đổi không gian vừa mang yếu tố "nội tâm" là đánh lạc hướng bọn hung hăng, bảo vệ dê bé đáng yêu. Nhờ đó đoạn Dê bị rượt "hết sức thú vị": tất cả nhân vật "động" sẽ chạy tại chỗ, còn cây cối và dòng nước di chuyển tới các vị trí mới, tạo hình thành lùm cây cho Dê núp hay làm vật cản đường để mọi người khó qua và cuối cùng là bến sông có thuyền đi tới...
Chiếc thuyền thì "cơ động" không kém. Chỉ cần 2 bạn (mèo và gà) - người cầm bánh lái, kẻ giữ cột buồm - đứng đầu và cuối là ra ngay con thuyền xinh xắn... (muốn chòng chành thì nghiêng qua ngã lại!)
Có đạo cụ, có hóa trang, có âm nhạc và nhảy múa cộng thêm niềm hưng phấn của mọi người tham gia, tôi như được bơm lên - quá tự tin về "tác phẩm" của mình!
Ngược với điều tất cả mong đợi, thầy Trí xem xong, chẳng những không hề tỏ ra thích thú, mà còn lãnh đạm phán câu xanh rờn:
-Em không hiểu bài!
-Nhưng trong bài "Lòng tin và Chân thực cảm", có phần làm các con thú... Tôi bảo vệ.
-Thầy muốn các em làm con gà là con gà, mèo hay chó, đó là những con thật, càng thật càng tốt, em phải TIN rằng mình đang là con vật ấy, đằng này em lại nhân cách hóa con vật. Chẳng có con thú nào ở đây cả, chỉ là ẩn dụ của xã hội loài người mà thôi?... Có sự lầm lẫn lớn ở đây! Các em sẽ học nhạc, sẽ học ca múa và học cách kết hợp chúng lại với nhau, sẽ biết giá trị của hóa trang, cũng như đạo cụ đi kèm... rồi xa hơn, các em sẽ biết thế nào là trường phái... nhưng đó là chuyện về sau. Lúc này, càng chính xác bao nhiêu, càng giống thật bao nhiêu thì càng có điểm cao bấy nhiêu vì đó là tiền đề chắc chắn cho những điều ảo dị và bay bổng sau này. Còn đây, bài trả tuy công phu và hoành tráng (thầy rất ghi nhận), nhưng không đúng yêu cầu của học kỳ này. Biết đâu nó sẽ hợp trong một lúc nào đó...
Thầy minh họa thêm cho rõ:
-Bài luận yêu cầu tả con mèo, em lại làm "nghị luận" về con mèo. Nếu là bài viết, em bị lạc đề!
Thầy còn nói thêm nhiều thứ, không chỉ với tôi mà cho toàn hai lớp, nhưng tôi mụ người, không nghe được thêm, hiểu gì cả, rối bời như đứng trong mê cung chẳng biết đâu là lối là đường.
...
Khi thành danh, người ta nói "Duyên dáng" của tôi dựng đậm chất "Việt Nam" hay "Nhan sắc" thì "Saigon" không lẫn vào đâu được; kịch cho trẻ con dung dị, vui tươi nhưng rất sâu sắc, kịch người lớn thì cảm động với nhiều tầng ẩn dụ... và "khoái" nhất là chương trình đặc biệt cho các "siêu sao" như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy... thì được khen "đúng màu của họ"...
Một bí kíp duy nhất: "bám" vào CHÍNH HỌ mà "sáng tác"!
Cú vấp đầu tiên - bài thi "lạc đề" ở học kỳ một hóa ra vô giá, nó vẫn theo tôi đến tận hôm nay!
Đoàn Khoa
Tháng 3/2017
----------
No comments:
Post a Comment