"Đã từng xuất hiện trong các vở ballet"
Dàn
cảnh
Tranh thủ lúc "giao thời" chưa ai nhận lớp,
tôi học cắm hoa!
...
Chuyện xảy ra hết sức tình cờ,
nếu không là "thiên duyên"
thì cũng phải là cái gì rất gần với tên gọi ấy!
Buổi sáng hôm đó, anh Chánh và
tôi trên hai chiếc xe đạp cà tàng, thong dong thả dốc cầu Nguyễn Văn Trỗi (bây
giờ là Trần Quốc Thảo)...
Nhân tiện xin được phát đôi nét
về con người đặc biệt này.
Từ tình yêu "điên
khùng" với MÚA RỐI mà hai chúng tôi gặp nhau.
Hơn nhau 8 tuổi, nhưng NGUYỄN
TRUNG CHÁNH không chỉ là anh lớn mà còn là người THẦY ĐẦU TIÊN - người có công "khai tâm-điểm nhãn" để tôi thấy
được CÁI ĐẸP và nhờ "hạt mầm nghệ
thuật" mà anh ƯƠM trong tôi, ngày nay đã đơm hoa kết trái!
Nghĩ lại thấy "tội" - suốt quá trình chuẩn bị thi vào trường Sân Khấu,
anh lo lắng hơn cả tôi!
Sợ tôi rớt, anh "thồn" vào tôi biết bao là thứ,
từ Shakespeare, Racin, Corneille... đến Beckett, Tchékhov, Arbousov... thậm chí
Tào Ngu, Quách Mạc Nhược..., đó là chưa kể phải xem vô số phim - kịch, rồi sau
đó phân tích cho nghe cái hay, chỗ dở...
Viết về anh, chắc chắn cần thật
nhiều thời gian và đó sẽ là một cuốn sách dầy hấp dẫn... (mong có đủ khả năng làm được việc này!), nhưng tạm dừng ở đây, chỉ
biết nói rằng nếu không có anh, bây giờ tôi sẽ là môt người hoàn toàn khác!
Trở lại buổi sáng tiết thu hôm
đó, giữa đường, anh Chánh nhận ra người quen lâu nay không gặp: anh Nhu.
Qua kiểu chào hỏi rối rít cùng
những mẫu chuyện không đầu không đuôi của họ, tôi biết lờ mờ rằng anh Nhu này hoặc
đang học dang dở, hoặc đã là kiến trúc sư (?) còn chị bạn "lạnh lùng" đi cùng anh là "ca sĩ" thời trước 75 với nghệ danh Thế Dung.
"Kiến
trúc sư" Nhu và "ca
sĩ" Thế Dung đang dạy cắm hoa!
Làm ơn tin giùm một cái!!!
Những năm 80, Saigon tối thui,
hiu hắt - cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, tiền của đâu mà chơi trò "làm sang-trưởng giả "* này?
Chắc tại khuôn mặt đầy hoài nghi
của bọn tôi làm hai người trên "phật
ý"- Nếu không tin thì đi theo họ!
Ai có ngờ đâu ngay giây phúp ngẫu
nhiên này, chính là cánh cửa nhiệm màu bất chợt mở ra cho tôi!
Với mớ giỏ cói, tay nải, bốn đứa
lọc cọc đạp xe ra công viên - ban đầu trực chỉ Tao Đàn, vòng qua Bạch Tùng Diệp,
sau đó rẽ vào những con đường vắng có nhiều villa với các bờ tường trồng biết
bao là dây leo rũ xuống...
Tuy "lén lút" nhưng thao tác và sự phối hợp của hai "Thầy-Cô" này vô cùng điệu
đàng và ăn ý. Họ leo trèo, bợ đỡ, cắt xén, hái tỉa... những cành lá, nhánh cây,
bụi hoa, dây, rễ,... thậm chí "không
tha" cả đám cỏ hoang mọc dại bên đường. Tôi và anh Chánh bỗng dưng được
tham gia một "trò" vừa lạ lẫm,
hấp dẫn vừa hồi hộp, mê ly... mà kết cục là gì thì không tài nào đoán được!
Sau khi chất đầy hoa-cỏ-lá-cành
vào mấy cái giỏ đem theo, hai tên "tay
nhám" tỏ ra mãn nguyện. Chúng tôi theo họ tà tà đạp xe quẹo vào một hẻm
lớn nhưng lòng đường lại lõm lồi đất đá. Tôi hơi ngại nhưng chị Dung-anh Nhu "hiên ngang" cán bừa lên thảm
lá xanh: đó là mớ lá sương sâm mà ta
hay ăn giải nhiệt. (về sau mới biết con hẻm
ấy nổi tiếng với món sương sâm-sương sáo, họ sản xuất và bỏ mối nhiều chợ trong
thành phố, nhưng vì thiếu chỗ phơi nên phải rải lá trên nguyên con hẻm, bất chấp
xe cộ cùng người qua lại / ớn chưa!)
Chị Dung-anh Nhu không vào cửa
chính mà đập bôm bốp cánh cổng sắt bên cạnh ngôi nhà. Một gã "điển trai" nhanh nhảu mở cổng,
miệng cười hết cỡ khi nhận ra "ca
sĩ" Thế Dung!
"A!
Mình biết "thằng" này! Nó
là Doãn Quốc Hưng, học cùng năm với
mình hồi phổ thông, lớp nó cách mình 3 phòng học. Nó "chảnh" lắm!... Như vậy, đây là nhà của nhà văn Doãn Quốc
Sỹ đây sao?"
"Ca
sĩ" Thế Dung nét "nghiêm
trang" lúc đầu tiên gặp hoàn toàn biến mất, chị ồn ào cười nói huyên
thuyên, mọi người trong nhà thì "tung
hứng" với chị một cách nhịp nhàng. Họ bắt đầu sổ mọi thứ "hái trộm" sáng nay ngâm ngay vào
nước. Trước khung cảnh rộn rịp này, tôi chỉ biết im lặng quan sát như người "lính mới"!
...Điều "kỳ diệu" từ từ hiện ra: những cành lá tầm thường, sau
khi cắt xén, trở thành những đường hình học lạ lẫm; mớ hoa dại cũng thế - hồi trên
cây, chúng thô thiển, nhạt nhòa nhưng bây giờ, chỉ cần vài nhát tỉa tót đã thành
điều ngược lại;... cả mớ cỏ dại cũng mang hình hài mới!
Trái bầu khô bị nứt tưởng sắp vứt
đi, lọ chao không, nắp khạp sành sứ, lóng tre cưa vạt... bỗng chốc biến thành
những bình trưng hoa ngộ nghĩnh độc đáo!
Không thể nói đây là những bình
cắm hoa, mà phải gọi chúng là những "tác
phẩm nghệ thuật" mới đúng vì ngoài bố cục hết sức hài hòa về màu sắc
và đường nét, mỗi "tác phẩm"
này còn được đặt cho một cái tên đậm chất thi ca như "Động Hoa Vàng", "Hương xưa" hay "Nắng Chiều"...
chẳng hạn.
Tối đến, thêm nhiều người tới, tất
cả ngồi xếp bằng, sít sao trong phòng khách nhỏ. Hóa ra đây là dịp mừng ông
Doãn Quốc Sỹ trở về đoàn tụ với gia đình sau mười mấy năm học tập. Tôi nhớ
không lầm thì đêm ấy đúng rằm trung thu.
Trong ánh nến lung linh, mọi
người "bình" các "tác phẩm hoa", kế tiếp họ
thay nhau hát và hát rất hay, ban đầu còn gắn với hoa với lá, sau đó là những ca
khúc đẹp về nhạc lẫn về lời của Việt Nam trước năm 75. Thế Dung lúc này thực sự
xứng danh "ca sĩ" - chị tỏa
sáng trong mấy bài không tên của Vũ Thành An!
Dù đã xem bao nhiêu chương
trình văn nghệ, dù gặp khá nhiều nhân vật tiếng tăm giới văn học - nghệ thuật,
nhưng suốt ngày hôm đó - từ sáng cho tới tận khuya - chưa bao giờ tôi được tham
dự một sinh hoạt văn hóa vừa hấp dẫn, mê ly, vừa thanh cao, tao nhã như vậy!
...
Tạm gác chuyện "ngắm hoa-thưởng nguyệt" này lại,
dù muốn hay không tôi cũng phải trở về thực tế với trường lớp, bài vở, ngày thi!
Thầy Nguyễn Văn Phúc "lãnh" đám "thiếu cha - vắng mẹ" này. Ông dạy đơn nguyên quan trọng nhất của nghề đạo diễn: "Mi Zăn
Sen" (phiên âm của cụm từ "Mis en scène" tiếng Pháp /
dịch ra là DÀN CẢNH*.
Chi tiết về bài này vô cùng phức
tạp. Để cụ thể hóa, việc đầu tiên chúng tôi phải làm là tìm ra được một bức tranh
(vẽ người chứ không phải tranh phong cảnh), bước tiếp theo là sáng tác một câu
chuyện hợp lý "sau lưng" bức
tranh ấy!
Xem phần thi này của mấy lớp đi
trước, không những thán phục mà tôi còn lo rằng khi học tới bài này không biết
mình sẽ xoay xở ra sao?
Các học viên "đàn anh" hết sức thông mình, hài
hước khi chọn tranh dân gian như "Hái Dừa", "Đánh Ghen",
"Đám Cưới Chuột"... Họ nghĩ ra được nhiều "chiêu" biến bức tranh tĩnh tại
thành câu chuyện sống động với nhiều tình tiết vừa buồn cười nhưng rất đáng
yêu, vừa dung tục nhưng vô cùng duyên dáng!
Chất "Việt" thời đó trong tôi còn "mỏng và cạn", ngoài mê và sưu tầm thơ, tôi ít quan tâm các
loại hình khác: truyện Việt cứ "sao
sao" nên ít đọc, nhạc Việt thì não nề quá, còn tranh thì hết sức thô
sơ - không cảm nhận được!
...Anh Chánh gợi ý cho tôi bằng
cuốn tranh của họa sỹ người Pháp Gavarni. Chiếc phao tới đúng lúc với người sắp
đuối!
Trong sách đầy những bức ký họa
bằng chì. Nhiều tấm hết sức trau chuốt trong từng chi tiết về bối cảnh, về con
người, vóc dáng, nếp nhăn, tư thế, quần áo, trang sức,... nhưng có tấm thì ngược
lại, chỉ cần vài đôi ba nét, tất cả nhân vật của ông vẫn đầy sức sống như ta gặp
thật ngoài đời. Nhưng sự thú vị cũng còn nằm ở những câu "chua" đính dưới mỗi tấm tranh, thí dụ: "Nếu biết chữ, ta cũng không thèm đọc
loại sách in thế này" - tả một gã dốt nhưng "kiêu", trề môi nhìn mớ sách quý bìa cứng; hay "Đứa bé bú từng giọt và người mẹ cũng
thế" diễn tả người mẹ nghèo, bồng con cho bú nhưng khuôn mặt thì vô vọng,
mắt nhìn xa xăm...
Tôi chọn bức "Đã từng xuất hiện trong những vở
ballet": ông già quét rác nghèo khó, dơ dáy nhưng cầm cán chổi quét đường
trong tư thế chuẩn chu, phong độ và vô cùng kiêu hãnh!
Valse số 7 của Chopin là nhạc nền
cho tiết mục này.
Câu chuyện sẽ được phát triển
như sau:
Trong một hẻm phố nào đó ở Châu
Âu, có người quét rác đêm. Ông ta đói và lạnh, nhưng khi nghe tiếng dương cầm từ
cửa sổ nhà ai vọng xuống, ông mơ màng nhớ thời hoàng kim xưa. Thoạt đầu dừng
quét lắng nghe, sau đó như bị một sức mạnh vô hình cuốn đi, cây chổi trong tay
hóa thành vũ nữ ballet lúc nào không biết... "Họ" thành cặp đôi, đắm
đuối trong điệu luân vũ càng lúc càng nhanh. Nhưng sức già có hạn, sự sung mãn
tuổi xuân ngày xưa giống như ngọn lửa đèn, chỉ bùng lên một chút rồi tắt ngay
sau đó. Cây chổi tuột khỏi đôi tay - ông té sóng soài... Lồm cồm bò dậy, ông tiếp
tục quét trong con đường vắng lạnh!
Tiếng nhạc trong đêm - tuy chỉ
âm thanh, nhưng Vĩnh Lạc vẫn cho khán giả cảm thấy sự hiện hữu của nhân vật
này: người chơi đàn, ban đầu hời hợt, dần dần say mê, tạo cao trào mạnh mẽ,
nhưng sau đó đột ngột dừng chơi, đóng đàn, khép cửa, tắt đèn... đi ngủ.
Vĩnh Lạc nhiệt tình lắm! Không
chỉ đệm đàn, anh còn tư vấn đoạn múa ballet thế nào cho đúng. Vĩnh Lạc là người
đệm nhạc trong các giờ học múa và hình thể của trường. Tuy ít tuổi, nhưng kiến
thức về văn học Châu Âu và sân khấu thế giới cộng thêm vốn luyến ngoại ngữ khủng
khiếp đã biến Lạc thành "thư viện sống",
không chỉ cho trò mà cả thầy cô mội khi đụng đến vấn đề nan giải liên quan tới "cổ điển"...
..."Mê" và bám
theo lớp cắm hoa của chị Thế Dung sau buổi tối "huyễn hoặc" hôm đó quả thật không uổng, tôi "lóm" học cách bố cục và kỹ
thuật cắm hoa, từ đó biết thêm quan niệm "Thiên-Địa-Nhân"
của nghệ thuật này. "Nhân"
là tâm điểm của bình hoa giữa vũ trụ Trời/Đất
và "Diễn viên" cũng là
trung tâm sáng tạo của không gian sân khấu!
Tưởng chuyện tào lao vô bổ,
nhưng ai ngờ, khi kết hợp ý tưởng đó vào bài học "Mi-Zăn-Xen" thì nó thành
một vũ khí chiến lược!
Nhiều người dốc sức đầu tư vào
bố cục, cảnh trí, bục bệ,... còn tôi thích dùng NGƯỜI làm "décor" và sự chuyển động của họ là sự "thay cảnh"
để sàn diễn luôn luôn mới. Chuyện này khá phức tạp vì phải làm việc với diễn
viên nhiều hơn, tính toán chi ly hơn cho từng cá thể và mỗi người đều phải lưu
tâm đến cách tạo hình nhân vật của mình trong mọi khoảnh khắc dù "tỉnh" hay "động". (Đó là lý do tại sao
hình chụp các vở diễn nước ngoài thường đẹp hơn của ta!)
...Thầy Phúc thú vị trước bài
trả này. Ông góp thêm một số ý, đa phần ở khâu diễn xuất hơn là bố cục, đại
khái tạo "mối liên hệ thầm kín"
giữa "Người quét rác" và
"Chiếc lá khô" - tôi quá sung
sướng vì lời góp ý này giúp mình khai thác thêm cho hành động diễn đồng thời làm
nhân vật ấy "sâu sắc" và "tội nghiệp" hơn!
Ông già quét lá (tất nhiên là tưởng tượng) nhưng hễ gom gần
xong thì bị cơn gió thổi qua làm lá bay tứ phía. Ông loay hoay một cách khốn khổ
với những chiếc lá "bất tuân"...
Gần kết tiểu phẩm, khi trở lại thực tế người quét rác, nhìn lá, lòng ông xót xa
khi liên tưởng đến đời mình giống như lá khô không còn sức sống, bị gió cuốn
bay không bến không bờ...
Trong lúc háo hức chờ đến ngày
thi thì lớp trưởng dõng dạc thông báo rằng thầy Phúc không tiếp tục lên lớp cho
dù ông chỉ mới dạy chưa đến 3 tuần!
Đoàn Khoa
tháng 03/2017
....
*"trưởng giả làm
sang / Le Bourgeois
gentilhomme": tên 1 hài kịch của Molière
*tiếng Pháp gọi đạo diễn
là "Metteur
en scène"/ "Người dàn cảnh"
-->
No comments:
Post a Comment